
Cách ăn uống giúp thận khoẻ?

Việt Nam có khoảng 1% người trưởng thành mắc bệnh; riêng độ tuổi trên 40 chiếm 3,1%; tính ra năm 2012 có một triệu người bị bệnh thận mạn và mười ngàn người cần chạy thận hoặc thay thận.
Chi phí chạy thận mỗi tuần ước tính hết 1.500.000 đồng/người. Cả nước hiện nay chỉ có 9 bệnh viện có thể thay thận được như Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định, Trung ương Huế, Nhi Trung ương, Học viện Quân y 103, Việt-Đức và Bạch Mai nhưng chi phí cao, khó tìm thận phù hợp để ghép và sau ghép phải dùng thuốc phức tạp mà số sống sau ghép thận 5 năm chỉ là 81%.
Với đà tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì ngày càng tăng trên thế giới cũng như tại Việt Nam thì tỷ lệ bệnh thận mạn sẽ ngày càng tăng. Khi thận đã suy thì không thể hồi phục; vậy, có cách nào để ngăn ngừa bệnh thận mạn, làm chậm tiến triển suy thận và tránh tối đa cảnh chạy thận hoặc chờ đợi thay thận không?
Có, đó là thực hiện lối sống chuẩn, phát hiện sớm và trị chuẩn mực các bệnh vốn gây suy thận và bản thân bệnh thận mạn.
Lối sống lành mạnh
· Bỏ hoặc không hút thuốc lá.
· Ăn thanh tịnh: ăn lạt (tổng lượng muối ăn vào mỗi ngày ít hơn 6 g), ăn nhiều rau, trái cây, ăn nhiều cá, ăn ít mỡ động vật.
· Uống cà phê vừa phải: dưới 5 tách mỗi ngày.
· Uống rượu bia ít và điều độ đối với người có uống rượu (nam uống từ 14 cữ trở xuống mỗi tuần; nữ uống từ 9 cữ trở xuống mỗi tuần; một cữ tương đương 1 lon bia 333 hoặc 1/4 xị rượu gạo).
· Giữ cân nặng chuẩn (chỉ số khối cơ thể nằm trong khoảng 18,5 đến 24,9, tính bằng cách lấy cân nặng tính bằng kilogam chia cho bình phương chiều cao tính bằng mét).
· Rèn luyện thể lực mức độ trung bình: mỗi ngày 30-45 phút với các hình thức như đi bộ nhanh (7 km/giờ), đi xe đạp nhanh, chạy chậm, chơi bóng bàn, bơi.
Phát hiện sớm bệnh thận mạn và chữa tối ưu các bệnh vốn gây ra bệnh thận mạn cũng như biến chứng bệnh thận mạn
· Tìm bệnh thận mạn ở: (1) nam trên 55 tuổi, (2) tăng huyết áp, (3) đái tháo đường, (4) béo phì, (5) hay bị nhiễm trùng đường tiểu, (6) có cha, mẹ, anh, chị, em ruột bị một trong các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, thận đa nang bằng thử máu và nước tiểu mà bất cứ cơ sở khám bệnh nào cũng thực hiện được.
· Tăng huyết áp: giữ huyết áp dưới 130/80 mm Hg.
· Đái tháo đường: giữ đường máu lúc đói (sau ăn 8 giờ) từ 90-130 mg/dL và đường máu sau ăn 2 giờ dưới 180 mg/dL.
· Loạn mỡ máu: giữ các chỉ số mỡ máu mức tối ưu.
· Đi khám ngay khi bị bệnh thận mạn mà có các bất thường như nhiễm trùng, tiểu đục, tiểu máu, tiểu khó.
Tuân thủ y lệnh, hợp tác thật tốt với bác sỹ để kiểm soát tốt bệnh thận mạn và các bệnh vốn có vì quá trình chữa trị là liên tục, lâu dài và chi tiết tùy mức độ bệnh trạng.
Tại đất nước bốn mùa hoa trái, thu nhập đầu người vài triệu đồng mỗi tháng thì đối với người Việt Nam biện pháp bảo vệ và phòng suy thận, chữa trị chuẩn mực ngay từ đầu nhằm tránh lâm cảnh thay thận vẫn là thượng sách.

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ góp phần phòng ngừa bệnh thận cũng như làm chậm tiến triển của bệnh suy thận.
![]() |
Ăn cân bằng với lượng đạm động vật trung bình 100 – 200g mỗi ngày sẽ tốt cho quả thận. |
Hơn 72.000 bệnh nhân suy thận chờ chết Hiện nay ở nước ta có khoảng sáu triệu người bị bệnh thận (chiếm gần 7% dân số), trong đó có hơn 80.000 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, 90% số này (hơn 72.000) đang chờ chết và chỉ có khoảng 10% là có điều kiện chữa trị như thẩm phân, lọc thận, một số rất ít được ghép thận. Tuy nhiên với con số 10% này cũng đã gây quá tải cho các bệnh viện có đơn vị lọc thận cũng như tiêu tốn một khoản chi phí rất lớn chỉ để duy trì một cuộc sống lây lất. Vì vậy để giảm thiểu số lượng bệnh nhân bị suy thận nặng, cần hiểu rõ nguyên nhân sinh bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh thận tiến triển nhanh, để có biện pháp theo dõi, điều trị cũng như cách ăn uống có lợi cho quả thận. |
Hạn chế ăn mặn dưới 6g muối/ngày: chế độ ăn nhiều muối dễ có nguy cơ cao huyết áp và lâu ngày cũng ảnh hưởng đến thận gây suy thận.
Không ăn nhiều đạm động vật: chế độ ăn quá nhiều đạm động vật sẽ làm cho thận phải hoạt động nhiều hơn và lâu ngày thận sẽ bị suy. Trước đây chế độ ăn cho người tiểu đường do quá hạn chế tinh bột, không dám ăn cơm mà chủ yếu là ăn thịt, cá... có khi hơn 500g thịt/ngày và điều này đã làm thận bị suy lẹ hơn. Một chế độ ăn cân bằng với lượng đạm động vật vừa phải trung bình 100 – 200g thịt, cá... mỗi ngày sẽ tốt hơn.
Hạn chế các loại đồ lòng như gan, tim, cật…: quan niệm “ăn gì bổ nấy” hiện nay chưa có bằng chứng khoa học mà trước mắt các loại thực phẩm này có nhiều cholesterol không tốt cho tim mạch đồng thời lại chuyển hoá thành axit uric, nếu ăn nhiều và thường xuyên dễ có nguy cơ tạo sỏi urate, nhất là khi không uống đủ lượng nước.
Tránh tự ý dùng vitamin C liều cao thường xuyên: được coi là liều cao khi dùng khoảng 1.000mg/ngày thường xuyên, vì có nguy cơ lắng đọng oxalat. Ngoài ra cũng không tự ý dùng thuốc vì có nhiều thuốc gây độc thận như một số kháng sinh và kháng viêm. Đối với người bệnh tiểu đường và cao huyết áp thì cần được điều trị liên tục, theo dõi thường xuyên. Ổn định đường huyết cũng như giữ mức huyết áp ổn định là góp phần hạn chế biến chứng suy thận.
Cần kiểm tra sức khoẻ định kỳ: ít nhất mỗi năm một lần để giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm, phòng ngừa biến chứng suy thận nặng.