
Chọn lựa Laptop hay máy tính bảng?

Với công thức đơn giản: máy tính bảng = máy tính thông thường + chức năng cảm ứng, bạn đã dễ dàng có thể nhận thấy việc chênh lệch giá là khó tránh khỏi giữa hai dòng máy này. Thông thường, các mẫu máy bảng thường có giá cao hơn từ 200-300 USD so với phiên bản không cảm ứng tiêu chuẩn. Đó là còn chưa tính tới những chức năng có thêm như màn hình cảm ứng loại “xịn” hay các công nghệ hỗ trợ đa chạm… Tuy vậy, hầu hết các nhà sản xuất đều cố gắng xóa bỏ khoảng cách giá này. Một số mẫu đã có thể giảm khoảng cách giá xuống dưới 100 USD nhưng nhìn chung người dùng vẫn sẽ phải chi thêm một khoản để sở hữu các tính năng cảm ứng.
Do chú trọng vào thiết kế nhỏ gọn để tiện cầm ghi chép (hầu hết các dòng máy tính bảng chỉ có màn hình cỡ 10-12”) nên bàn phím máy cũng bị thu gọn lại tương ứng. Điều này khiến cho việc nhập liệu không thể thoải mái như các mẫu MTXT thông thường và dĩ nhiên khả năng thao tác của bạn sẽ bị hạn chế phần nào. Bên cạnh đó, dù cho bạn tự tin vào tốc độ viết tay của mình thì những thử nghiệm thực tế cho thấy con người chỉ viết được khoảng tối đa 150 kí tự mỗi phút – chậm hơn so với nhập liệu bằng bàn phím khá nhiều. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của những công nghệ hiện đại như Swype đã giúp cải thiện con số này.
Như đã đề cập ở trên, màn hình của các dòng máy tính bảng không chỉ bị giới hạn ở kích thước nhỏ (không có mẫu nào to hơn 14”) mà thậm chí khả năng thể hiện màu sắc cũng như độ nét hình ảnh đôi khi bị giảm do phải đi qua thêm các lớp vật liệu cấu thành màng cảm ứng. Đa số các dòng máy tính bảng đều tạo cho người dùng cảm giác vướng mắt khi nhìn lần đầu tiên. Hình ảnh thể hiện thường có hạt – không trơn mịn như đa số các màn hình thông thường. Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều người dùng, độ sâu màu của các dòng máy tính bảng cũng không cao khi so sánh với các mẫu tương đương không có chức năng cảm ứng.
Các dòng máy tính bảng thường chậm chạp hơn trong việc xử lý các tác vụ tính toán và đồ họa so với các mẫu truyền thống ở cùng mức giá. Hầu hết các dòng máy tính bảng đều chỉ có bộ xử lý đồ họa tích hợp thay vì giải pháp rời. Cho tới 2010, mẫu máy tính bảng duy nhất có đồ họa rời là TouchSmart TM2 của HP với ATI Mobility Radeon HD 4550 (tùy chọn). Nó cũng có bộ xử lý Core 2 Duo với tốc độ cao nhất chỉ 1.8 GHz. Trong khi đó, Mẫu Lifebook T5010 của Fujitsu có BXL 2.8 GHz nhưng lại chỉ có đồ họa tích hợp. Chính vì vậy, nếu bạn cần tốc độ xử lý cao cho các ứng dụng của mình thì rõ ràng máy tính bảng không phải lựa chọn tốt. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng máy tính bảng thường không có ổ quang để phục vụ mục tiêu giảm thiểu trọng lượng tối đa.
Do máy tính bảng thường được di chuyển nhiều và sử dụng ở điều kiện rung động (như cầm tay để ghi chép) nhiều hơn nên chúng thường có nguy cơ hỏng hóc cao hơn. Trong đó, đáng ngại nhất là màn hình do đây là công cụ nhập liệu chính. Nếu bạn ấn bút quá mạnh sẽ có thể gây ra hiện tượng bầm dập tấm LCD và để lại vết thâm. Bên cạnh đó, do thường xuyên được xoay ra ngoài nên nguy cơ va chạm giữa màn hình với các yếu tố môi trường là rất cao. Theo nhiều thống kê, sự cố về bản lề (bao gồm cả cáp dữ liệu bên trong) kết nối giữa màn hình và thân máy chính của máy tính bảng cũng cao hơn nhiều các dòng máy thông thường do người dùng thường xuyên phải xoay chúng.
Mặc dù vẫn có những nhược điểm cố hữu đã nêu ở trên, nhưng những chiếc máy tính bảng với ưu thế về môi trường cảm ứng chạm, khả năng ghi chép số liệu đa ngôn ngữ và chuyên ngành không cần bàn phím chuyên dụng, cho phép sử dụng ở nhiều tư thế, môi trường khác nhau… vẫn đảm bảo cho sự tồn tại của dòng máy này. Điều đó cũng tạo động lực cho các nhà sản xuất cố gắng phát triển và đưa ra những lựa chọn tốt hơn cho người dùng. Tuy nhiên, kết quả của những cố gắng này vẫn chưa thực sự tỏ ra rõ rệt và năm chi tiết trên đây vẫn là những điều mà bạn cần lưu tâm khi muốn đến với những chiếc máy tính bảng.
Nguyễn Linh