
Có nên cho bé học hè?.

Nhiều phụ huynh băn khoăn không biết có nên cho con đi học thêm vào dịp này không. Bởi đây là khoảng thời gian phù hợp nhất để bổ sung cho bé những kỹ năng, kiến thức bổ ích không có trong chương trình chính khóa. Nhưng làm thế nào để bé không có thêm áp lực học hành mà vẫn được tận hưởng mùa hè một cách lành mạnh. Sau đây là một số lời khuyên của tiến sĩ tâm lý giáo dục trẻ em Ruth Peters được đăng tải trên tạp chí Parenting Today.
Theo tiến sĩ Ruth Peters, tình trạng “hao hụt kiến thức” chắc chắn sẽ xảy ra nếu như các bé không tham gia bất kỳ hoạt động học tập nào vào thời gian hè. Trong giai đoạn này, trung bình, một học sinh có thể bị hao hụt lượng kiến thức tương đương với 2,6 tháng học. Không chỉ hao hụt kiến thức, những thói quen tốt của bé như tinh thần kỷ luật, tính chăm chỉ… cũng dễ bị mất đi do các bé không được rèn luyện thường xuyên. Bé còn có nguy cơ bị “tiêm nhiễm” một số thói quen và tính cách không tốt từ việc “nghỉ xả hơi” và vui chơi quá đà. Một số cách mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng để hạn chế tình trạng này xảy ra ở con em mình là:
Hướng dẫn bé tự thiết kế một kỳ nghỉ bổ ích: Một chuyến du lịch hè của gia đình cũng có thể trở thành một “khóa học” thú vị của bé. Các thông tin du lịch hiện có rất nhiều trên Internet. Hãy thử để bé tự tìm hiểu, lựa chọn các điểm đến, và thậm chí là lập lịch kế hoạch ngân sách của cả chuyến đi. Bé sẽ biết thêm về địa lý, lịch sử, sử dụng thành thạo các công cụ tìm kiếm, giỏi toán và hiểu về đồng tiền hơn.
Tận dụng những “nguồn tri thức” có sẵn: Nếu không có điều kiện đi xa, những địa điểm như thư viện, bảo tàng, sở thú, viện hải dương học, những buổi hòa nhạc… cũng có thể trở thành “trường học” của bé. Có thể khuyến khích bé viết nhật ký để ghi chép lại những gì bé học được khi đến thăm những nơi này, hoặc viết email cho người thân, bạn bè ở xa về những ngày hè đáng nhớ của mình. Cách làm này sẽ giúp bé rèn được kỹ năng viết và tổng hợp thông tin.
Đặt mục tiêu “vui học, học vui”: Khuyến khích bé tự đặt ra và hoàn thành một mục tiêu cụ thể nào đó trong một thời gian xác định, chẳng hạn như: “Trong vòng 3 tuần, con sẽ đọc nốt mấy chương còn lại của cuốn sách này”. Những mục tiêu này nên là một điều gì đó mà chính bé cũng hứng thú chứ không phải chỉ do bố mẹ áp đặt và bé có khả năng thực hiện được. Có thể khích lệ bé bằng những phần thưởng nhỏ bổ ích, ví dụ như: “Nếu con đạt được mục tiêu này, bố mẹ sẽ đưa con đi xem bộ phim mà con thích”.
ĐIỀU TỐI QUAN TRỌNG CẦN GHI NHỚ LÀ: Việc duy trì các hoạt động học tập trong mùa hè là rất cần thiết để giúp bé hạn chế tình trạng hao hụt kiến thức và duy trì được mức độ nhanh nhạy khi năm học mới bắt đầu. Nhưng trên hết, mùa hè vẫn là mùa của tuổi thơ. Nên dù là hoạt động gì đi nữa, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý tính cân bằng giữa “chơi” và “học” trong những lựa chọn của mình. Đôi khi, một hoạt động kết hợp khéo léo và tinh tế giữa hai yếu tố này còn có thể mang lại cho bé một trải nghiệm tuyệt vời và bổ ích không kém gì chín tháng học ở trường.