
Có nên xây tuyến tàu điện trên cao ở Hà Nội để giảm ùn tắc ko?

Thật là hay
Tôi đã đi qua một số thành phố trên thế giới thấy loại hình tàu này đạt mang lại hiệu quả rất cao. Ví dụ như Kuala Lumpur, giờ tan tầm số lượng người đi tàu này là rất lớn, hơn cả xe bus bởi vì xe bus còn bị tắc đường cùng với các loại xe khác, nhưng tàu này thì không bị. Rất mong dự án được thông qua, với hình thức BOT thì quá tốt, thời gian thi công không phải giải phóng mặt bằng chắc sẽ nhanh, nếu 1-2 năm tới đưa vào sử dụng thì thật tuyệt vời.

Tàu trên cao có sợ bị cúp điện
Trong tình hình điện thiếu trầm trọng cả nước như thế này liệu dự án tàu điện có khả thi? Tàu điện nuốt lượng điện khủng khiếp (chỉ thua tàu cao tốc) đấy! Mong các nhà đầu tư nên có thêm "phương án máy nổ" để phòng khi mất điện, tàu không bị kẹt dở chừng trên ray.

MonoRail là giải pháp tốt
Theo tôi, nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã áp dụng. Việt Nam bây giờ mới nghĩ đến là còn muộn. Không chỉ tuyến Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng - Láng Hoà Lạc thích hợp mà còn nhiều tuyến khác trong Hà Nội phù hợp. Ví dụ men theo đê, hoặc trên mặt sông Tô Lịch sau khi đã cống hoá... Có thể nghiên cứu khả năng đặt 2 đường ray ở 2 cấp khác nhau để thu hẹp khoảng cách giữa hai đường ray? Rất mong sớm có loại hình giao thông này tại Hà Nội.

Tàu điện sẽ đi trên cao tại dải phân cách giữa của tuyến đường Văn Cao - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng - Láng - Hòa Lạc với chiều dài 38 km.
Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa trình Thủ tướng đề xuất phương án xây dựng tuyến tàu điện một ray theo hình thức BOT nhằm giải quyết ách tắc giao thông phía tây thành phố Hà Nội.
Theo đó, tàu điện sẽ chạy trên cao tại dải phân cách giữa của tuyến đường từ nút giao Hoàng Hoa Thám đến cuối đường Láng - Hòa Lạc. Tại dải phân cách giữa của đường sẽ xây dựng những trụ cột với đường kính một m, cao khoảng 4,5 m, cách nhau 30 m. Bên trên là dầm bê tông dự ứng lực làm đường ray cho tàu điện. Tàu chạy bằng bánh lốp với tốc độ trung bình 60-70 km/h.
Trên tuyến sẽ bố trí 14 ga. Các ga này được xây dựng nổi trên mặt đất để không phải giải phóng mặt bằng. Các đoàn tàu sẽ chuyên chở khoảng 60.000 lượt hành khách mỗi ngày.
Theo ông Đặng Hoàng Huy, Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai (thuộc Vinaconex), tàu điện một ray khá thích hợp với không gian đô thị bởi ít tốn đất. Tàu có thể chạy luồn lách quanh những tòa nhà, vượt lên trên cầu vượt hay hạ xuống ngầm tùy theo từng khu vực.
Ông Huy cho rằng, giá vé của tàu một ray sẽ phù hợp với cán bộ công chức, sinh viên, học sinh. Vì giá vé thấp nên thời gian hoàn vốn đầu tư có thể phải kéo dài hàng chục năm.
Cũng theo lãnh đạo Vinaconex Xuân Mai, suất đầu tư của tàu điện một ray khoảng 8 triệu USD cho một km đường, trong khi suất đầu tư của tàu điện 2 ray là 40-50 triệu USD. Vấn đề e ngại của nhiều chuyên gia với loại hình vận tải này là khả năng vận chuyển khách thấp hơn tàu 2 ray. Tuy nhiên, loại tàu một ray có thể nối thêm toa khi muốn tăng công suất bởi mỗi toa được vận hành tách biệt nhau.
"Nếu dự án được triển khai, Vinaconex sẽ nhân rộng để khớp nối tàu điện một ray sang nhiều tuyến đường khác trên địa bàn", ông Đặng Hoàng Huy nói.
Theo quy hoạch mạng lưới giao thông của Hà Nội, tuyến đường Láng - Hòa Lạc và Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai sẽ có đường tàu điện trên cao.
Hiện Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, lập báo cáo khả thi của dự án tàu một ray.