
Đánh giá chất lượng Gigabyte GA-H55N-USB3, ‘hiệp sĩ’ tí hon?

Ngoài trào lưu ‘chơi’ các hệ thống hầm hố vốn đã tồn tại ngay từ những ngày đầu, người dùng PC hiện nay đang có xu hướng chuyển sang các hệ thống nhỏ gọn hơn. Thiết kế 2 chip (CPU và 1 chipset) của Intel đã cung cấp một môi trường hoàn hảo hơn cho phép các nhà sản xuất bo mạch chủ thu gọn kích thước sản phẩm dễ dàng hơn. Rất nhiều các bo mạch chủ sử dụng các bộ xử lý Core 2010 được thiết kế với kích thước mini-ITX đã xuất hiện để thỏa mãn nhu cầu trên. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đem đến những thông tin hữu ích nhất về bo mạch chủ Gigabyte GA-H55N-USB3, một trong rất nhiều bo mạch chủ “tí hon” đang có mặt trên thị trường.
Điều đầu tiên mà các bạn cần lưu ý, Gigabyte GA-H55N-USB3 không được tung ra với mục tiêu chinh phục các hệ thống cao cấp… Bạn sẽ dùng Core i7 hay Core i5 Lynnfield kiểu gì với diện tích cực kỳ có hạn, hệ thống sẽ không có nhiều không gian để phục vụ cho nhu cầu tản nhiệt cũng như đủ ‘lực’ để cấp điện cho các phần cứng đỉnh cao. Lựa chọn hợp lý cho Gigabyte GA-H55N-USB3 là các bộ xử lý Clarkdale Intel Core i3 hay Core i5 được sản xuất trên dây chuyền 32nm với chip đồ họa tích hợp; điện năng tiêu thụ ít hơn, nhiệt độ hoạt động thấp là những ưu điểm mà bạn có thể tận dụng để “ghép đôi” với Gigabyte GA-H55N-USB3. Nhưng đừng quên, sản phẩm của Gigabyte luôn nằm trong nhóm các sản phẩm có nhiều tính năng nhất mà bạn tìm kiếm.
Thông số kỹ thuật
- Chipset: Intel H55
- Hỗ trợ các CPU: Core i3, i5 và i7, Pentium G6950 sử dụng socket LGA1156
- Khe cắm RAM: 2 khe DDR3 – dung lượng tối đa 8GB (1,333MHz)
- Khe cắm mở rộng: 1 khe PCI-Express X16
- Âm thanh: Intel HD Audio trên nền chip Realtek ALC892R hỗ trợ 8-channel và PAP (Psycho-acoustic Audio Player)
- Mạng: 2 x Realtek RTL8111DL Gigabit Ethernet
- Cổng kết nối: 4 x SATA 3Gbps, eSATA 3Gbps, 8 x USB 2, 2 x USB3, 1 x LAN, 4 x ngõ ra surround audio, line in, mic, optical S/PDIF out, 2 x eSATA 3Gbps, D-Sub, DVI, HDMI
- Kích thước (mm): 170 x 170 (mini-ITX)
Tổng quan về thiết kế
Vẫn giữ màu xanh truyền thống của Gigabyte, các kỹ sư của hãng đã chọn giải pháp đưa chipset H55 lên vị trí gần sát với ngõ xuất tín hiệu DSub-DVI. Được thiết kế theo tiêu chuẩn UltraDurable 3, H55N-USB3 sử dụng 100% tụ rắn, các cuộn cảm cao cấp và được “gia cố” thêm 2 ounces đồng ỡ giữa các lớp mạch nhằm tăng khả năng chịu tải điện, nhiệt giúp cho hệ thống hoạt động ổn định hơn.
Kích thước nhỏ (170x170mm) nên H55N-USB3 chỉ được trang bị 2 khe RAM và duy nhất 1 khe PCI-Express. Với một số người dùng có nhu cầu chơi game, khe PCI-Express là một lợi thế rất lớn khi bạn có thể trang bị card đồ họa rời để nâng cao năng lực xử lý đồ họa. Liệu sẽ gặp khó khăn gì nếu bạn muốn dùng Wi-Fi hay gắn card âm thanh rời? Bạn có thể chọn giải pháp sử dụng Wi-Fi qua USB hay card âm thanh sử dụng giao tiếp PCI-Express X1. Nhưng sẽ tốt hơn nếu Gigabyte tích hợp sẵn chip điều khiển và bộ thu phát sóng Wi-Fi ngay trên H55N-USB3. Hệ thống càng gọn, càng tốt…!
Không gian xung quanh socket dù không thật sự rộng rãi nhưng vẫn đủ để bạn lắp đặt các tản nhiệt cao cấp. Nhưng bạn cũng nên lưu ý đến chiều cao, thiết kế của tản nhiệt cho phù hợp với thùng máy và không vướng các khe cắm RAM hoặc khe PCI-Express phía dưới. Trong trường hợp sử dụng hằng ngày và chỉ overclock chút ít, tản nhiệt “zin” đi kèm theo CPU hoàn toàn phù hợp.
Các cổng giao tiếp phía sau khá đây đủ, 4 cổng USB 2.0, 1 cổng PS/2 cho bàn phím và chuột truyền thống, cổng xuất tín hiệu D-Sub, DVI và HDMI,1 cổng Coaxial, 1 cổng eSATA, 2 cổng USB 3.0, 1 cổng LAN và 6 giắc 3.5 ly hỗ trợ âm thanh đa kênh.
Theo như những gì mà Gigabyte giải thích, H55N-USB3 được trang bị 4+2 pha cấp điện cho CPU, hỗ trợ tốt nhất cho các CPU có mức TDP tối đa 73W, tương đương với các bộ xử lý Core i3-i5 dòng phổ thông. Ngoài ra, H55N-USB3 vẫn có thể hoạt động ổn định với các bộ xử lý “đói” điện hơn nhưng khả năng overclock có thể bị ảnh hưởng do khả năng cung cấp điện không cao như các bo mạch chủ cỡ lớn khác. Theo Gigabyte, hệ thống cấp điện và socket trên H55N-USB3 có thể hoạt động ổn định hằng ngày ở mức công suất khoảng 95W. Đây chính là lý do tại sao bạn không nên sử dụng các bộ xử lý có mức TDP cao nếu muốn đạt kêt quả tốt khi overclock.
Đôi nét về BIOS … có võ!
Gigabyte GA-H55N-USB3 tiếp tục sử dụng BIOS Phoenix Award với những bảng thiết lập đặc trưng của Gigabyte. Các thiết lập dành cho overclocker được phân loại và đưa vào các nhóm riêng biệt. Một số tùy chỉnh chính mà bạn cần “chăm sóc” thường xuyên được xếp vào mục Advance Frequency Setting. Mức điện áp cho phép tùy chỉnh trên Gigabyte GA-H55N-USB3 được đề cập ở bên dưới.
CPU Voltage
• Tối thiểu: 0.5v
• Tối đa: 1.9v
• Nấc tăng điện: 0.0625v
QPI Voltage
• Tối thiểu: 1.050v
• Tối đa: 1.99v
• Nấc tăng điện: 0.05v
DRAM Voltage
• Tối thiểu: 1.3v
• Tối đa: 2.6v
• Nấc tăng điện: 0.02v
PCH Voltage
• Tối thiểu: 0.950v
• Tối đa: 1.5v
• Nấc tăng điện: 0.02v
GraphicVoltage
• Tối thiểu: 0.2v
• Tối đa: 1.8v
• Nấc tăng điện: 0.05v/0.012v/0.02v
Ngán overclock? Không!
Việc thu nhỏ kích thước của GA-H55N-USB3 không ảnh hưởng nhiều đến khả năng overclock của chiếc bo “tí hon” này. Chúng tôi sử dụng hệ thống bao gồm CPU Intel Core i5 650, 2 x 1GB RAM DDR3 Corsair Dominator và tản nhiệt Thermalright MUX-120.
Trước hết, tôi muốn thử mức base clock tối đa mà GA-H55N-USB3 có thể chịu được, chính vì thế hệ số nhân CPU, hệ số nhân RAM và cả QPI, v.v… tất cả đều được hạ xuống ở mức ‘thư giãn’ nhất cho các linh kiện khác để dò tìm base clock trên GA-H55N-USB3, điện áp hoàn toàn được đặt ở chế độ Auto. Gigabyte GA-H55N-USB3 có thể boot được ở mức base clock 229MHz nhưng không hoàn toàn ổn định ở mức này, khi hạ base clock xuống còn 227Mhz, hệ thống boot vào Windows dễ dàng hơn. Kết quả này thấp hơn không đáng kể so với các bo mạch chủ khác (thường đạt mức 230-231 cho các bo mạch thuộc dòng trung-cao cấp). Dĩ nhiên, với một vài tùy chỉnh về điện áp, bạn có thể đạt được kết quả tốt hơn.
Con CPU trong tay chúng tôi không thật sự xuất sắc nhưng chí ít, khi chạy cùng với Gigabyte GA-H55N-USB3, kết quả đạt được không tệ: 4.416GHz ở mức điện áp 1.4V thiết lập trong BIOS và có giảm đôi chút do hiện tượng VDroop thường thấy trên bo mạch chủ nói chung. Chip đồ họa tích hợp bên trong CPU Intel Core i5 650 là một thành phần ăn điện thường trực và có ảnh hưởng đôi chút đến kết quả overclock xung CPU. Nếu bạn trang bị một chiếc card đồ họa rời, hệ thống có thể chạy ở mức xung cao hơn vài chục đến vài trăm MHz nhờ điện năng cung cấp cho CPU dồi dào hơn.
Không tệ tí nào… đúng không? Gigabyte tổ chức hẳn một giải đấu overclock dành riêng cho chiếc bo mạch chủ này. Mức xung ‘khủng long’ đạt được khi overclock bằng nitơ lỏng là hơn 6.4GHz, khá là phê đấy. Thông tin thêm về hình ảnh cũng như kết quả giải đấu các bạn có thể tham khảo tại hwbot.org.
Kết luận
Great motherboard..!
Đối với tôi, một hệ thống ưng ý phải bao gồm 2 tiêu chí: hiệu năng cao và nhỏ gọn nhất có thể, Gigabyte GA-H55N-USB3 đáp ứng hoàn hảo cả 2 tiêu chí trên. Sử dụng các CPU Core i3 hoặc i5, bố trí khe cắm card đồ họa rời cũng như các kết nối phong phú là những gì tôi cần để thỏa mãn nhu cầu xem phim HD cũng như chiến đấu với một vài game PC ưa thích (chủ yếu là các game FPS). Overclock không được khuyến khích đối với một hệ thống nhỏ gọn và có phần hạn chế về khả năng tản nhiệt nhưng Gigabyte GA-H55-USB3 vẫn ẩn chứa tiềm tàng khả năng overclock đỉnh cao, dĩ nhiên là chỉ khi bạn có được các giải pháp tản nhiệt cực kỳ phù hợp (tản nhiệt nước hoặc chơi hơn là LN2). Tuy nhiên, Gigabyte GA-H55N-USB3 sẽ tiếp tục ăn điểm nếu nó được trang bị thêm bộ thu phát sóng WiFi tích hợp ngay trên bo. Tôi không thật sự hứng thú lắm với ý tưởng phải cắm thêm dây mạng hoặc dùng bộ thu phát Wi-Fi USB.
Vấn đề còn lại của tôi khi sở hữu Gigabyte GA-H55N-USB3 chính là trả lời cho câu hỏi: “dùng case nào thì ngon nhất”. Tôi không muốn nhét GA-H55N-USB3 vào các case tower trên thị trường, dĩ nhiên rồi…! Để kiếm ra một chiếc case ưng ý và nhỏ gọn phù hợp với GA-H55N-USB3 không phải là việc dễ dàng tại Việt Nam nhưng hoàn toàn có thể đặt mua ở nước ngoài với giá cao hơn đôi chút, vẫn tốt thôi.