
Đánh giá chất lượng máy ảnh Fujifilm X100s: bản nâng cấp đáng giá của X100?

Ống kính, cảm biến, chip xử lý, công nghệ X-Trans
Độ phân giải của máy đã được nâng cấp nhẹ từ 12 lên thành 16.3MP, bằng với độ phân giải của X-Pro1 và vẫn được trang bị ống kính fix Fujinon 23mm F2 tương tự như X100. Về phần cảm biến, X100s được Fujifilm trang bị cảm biến APS-C CMOS thế hệ thứ 2 với công nghệ X-Trans tương tự như ở dòng máy X-Pro1 cao cấp. Công nghệ X-Trans với sự thay đổi trong bố cục sắp xếp các pixel màu trên cảm biến cho phép người ta có thể loại bỏ đi lớp kính lọc AA Filter đặt phía trước cảm biến nhằm nâng cao độ sắc nét của hình ảnh trong khi vẫn giảm thiểu được hiện tượng moire khi chụp hình có nhiều họa tiết.
Đi kèm với cảm biến mới đó là chip xử lý hình ảnh EXR Processor thế hệ thứ 2, được Fujifilm cho là có khả năng khử noise (nhiễu) tốt hơn người anh X100 đến 30%. Theo như đánh giá trước đây của Tinh tế thì bản thân X100 đã có thể khử noise khá tốt rồi (khi chụp ở ISO 6400) nên con số tốt hơn 30% sẽ là một điểm nâng cấp rất đáng giá.
Màn hình LCD, ống ngắm lai
X100s có màn hình LCD 2.8" độ phân giải 460.000 pixel, không khác gì máy X100 cũ. Có lẽ hãng không muốn làm thay đổi kích thước chung của dòng máy X100 nên đã không nâng cấp màn hình LCD này, tuy nhiên ở máy X100 thì màn hình LCD được đánh giá là có độ sáng cao và chất lượng hiển thị khá tốt.
X100s vẫn sử dụng hệ thống ống ngắm (viewfinder) lai, kết hợp giữa ống ngắm quang và ống ngắm điện tử EVF tương tự như X100. Điểm nâng cấp ở đây đó là độ phân giải của EVF trên X100s đã được nâng từ 1,4 lên thành 2,36 triệu điểm ảnh, tức tăng gần 1 triệu điểm ảnh, giúp cho hình ảnh nhìn thấy qua EVF sẽ đẹp và chính xác hơn rất là nhiều.
Tính năng, pin
X100 cũ có tốc độ lấy nét rất chậm do nó sử dụng hệ thống lấy nét theo độ tương phản, Fujifilm đã khác phục nhược điểm đó bằng cách trang bị hệ thống lấy nét theo pha (phase) cho X100s tương tự như các dòng máy DSLR cao cấp và còn mạnh dạn cho biết X100s là máy ảnh có tốc độ lấy nét tự động nhanh nhất thế giới (so với các máy APS-C khác không thay được ống kính), với tốc độ lấy nét AF chỉ có 0,08 giây mà thôi. Đây có lẽ sẽ là tính năng đáng để nâng cấp nhất đối với người dùng X100 hiện tại.

Sự ra đời của X100s không những khắc phục được nhược điểm lấy nét chậm của X100 mà đồng thời máy còn được Fujifilm trang bị thêm tới 2 tính năng rất tuyệt vời bổ trợ cho việc lấy nét tay được chính xác hơn. Độ phân giải của máy được tăng lên 16.1MP bằng với X-Pro1, sử dụng cảm biến CMOS thế hệ thứ 2 cùng với công nghệ X-Trans giúp cho hình chụp được sắc nét hơn, giảm thiểu được hiện tượng Moire của ảnh mà không cần dùng tới AA Filter. Máy vẫn giữ nguyên thiết kế cổ điển của dòng X100, từ hình dáng, kích thước, cân nặng, ống kính, hệ thống phím bấm, màn hình LCD… Cái thay đổi đó là EVF độ phân giải cao hơn (2,4 triệu điểm ảnh), phần mềm và bộ vi xử lý bên trong cũng được nâng cấp lên.
Cảm giác cầm X100s vẫn rất đầm và chắc tay, hệ thống nút điều khiển được giữ nguyên nên người dùng X100 cũ không cần phải mất thêm thời gian để làm quen với X100s mới. Cái làm mình quan tâm nhất trên X100s đó là 2 hệ thống bổ trợ lấy nét tay mới mà Fujifilm đã trang bị cho nó, bao gồm:
- Digital Split Image: khi chuyển sang chế độ lấy nét tay này, chính giữa màn hình sẽ có một cái khung hình chữ nhật màu trắng đen, bên trong khung có vài đường thẳng nằm ngang và bạn rất dễ nhìn thấy chúng, đó là khi bạn lấy nét chưa chuẩn. Lúc này bạn chỉ cần xoay vòng lấy nét trên ống kính để lấy nét vào điểm mình cần (nằm trong hình chữ nhật này), xoay cho đến khi nào những đường thẳng nằm ngang kia biến mất thì hình ảnh sẽ hiện lên rõ nét nhất, đúng nét nhất.
- Focus Peak Highlight: chế độ lấy nét này hơi khó nhìn hơn một chút, khi bạn xoay ống kính để di chuyển trường lấy nét (DoF) thì trong khu vực DoF đó, máy sẽ làm sáng (Highlight) các đường nét của vật thể có khung khung hình. Khi DoF di chuyển đến đâu thì vùng đó sẽ sáng lên. Như vậy bạn sẽ biết được là mình đang lấy nét vào điểm nào.
Ngoài ra, những điểm mới còn lại thì mình đã nói khá rõ trong bài giới thiệu trước đây, bạn có thể đọc lại ở bên dưới.