VicoTas
Câu hỏi
avatar quyen112
05/06/2013 01:10

Đánh giá chi tiết Macbook Pro 15-inch mid 2010?



Danh sách câu trả lời (1)
avatar sometime 05/06/2013 01:10

Apple Macbook Pro 15″ là sản phẩm dành cho những người dùng chuyên nghiệp, với cấu hình đủ mạnh mẽ để thực hiện các công việc chuyên sâu phức tạp, bên cạnh đó vẫn giữ được sự cân bằng với tính di động và độ gọn nhẹ của máy. Khác với Macbook Pro 13″ – dòng MBP có kích thước và giá thấp nhất hay MBP 17″ to oạch, đây là chiếc máy đạt được sự cân bằng hoàn hảo giữa sức mạnh và kích thước.

Cấu hình và thiết kế, phụ kiện

Chiếc Macbook Pro 15″ mà chúng tôi có trong tay sử dụng vi xử lý mới nhất từ Intel – Core i5-540M với xung mặc định 2.53GHz, 4GB RAM DDR3 1066MHz và bộ đôi đồ họa: Intel HD Graphics + NVIDIA Geforce GT330M.

Cấu hình chi tiết:

  • Kích thước màn hình: 15.4-inch 16:10 ratio.
  • CPU: Intel Core i5-540M 2.53GHz.
  • RAM: 4GB DDR3 1066MHz.
  • VGA: Intel HD Graphics, NVIDIA Geforce GT 330M.
  • HDD: 500GB.
  • ODD: SuperDrive.
  • LCD: LED backlit w/res. 1440×900.

Thiết kế vỏ hộp của Macbook Pro vẫn tương tự như các dòng MBP trước: đơn giản và gọn nhẹ, phụ kiện đi kèm cũng rất đơn giản: bộ sách hướng dẫn, 2 DVD cài đặt OS và ứng dụng, Bộ sạc và dây nguồn nối dài.

Thiết kế tổng quan – các kết nối và tính năng

Thiết kế tổng quan của Macbook Pro 15″ không có gì khác biệt so với các dòng máy unibody trước đó, với thân máy làm từ nhôm nguyên khối, nắp đậy phía dưới là một tấm nhôm mỏng. Quy trình sản xuất thân máy bằng nhôm này đòi hỏi công nghệ gia công có độ chính xác cao, do chỉ một miếng nhôm nhưng phải đáp ứng toàn bộ các chức năng của máy.

 

Do được làm bằng nhôm và thiết kế nguyên khối nên trọng lượng thân máy của Macbook Pro khá nhẹ và chắc chắn. Bù lại, máy chỉ có một màu duy nhất đó là màu trắng bạc của nhôm,với bề mặt được gia công khá kĩ, cho cảm giác rất dễ chịu khi tiếp xúc, tuy nhiên hơi trơn và bạn phải cẩn thận nếu không muốn chiếc máy tuột khỏi tay.

Các đường cong trên thân máy khá mềm mại, tuy nhiên những góc vuông lại khá dứt khoát và mạnh mẽ, khiến ngoại hình máy phù hợp cho cả nam và nữ sử dụng. Lớp vỏ nhôm tuy khá cứng nhưng lại có nhược điểm cố hữu của vật liệu này: dễ bị móp khi lực tác động lớn. Còn lại thì chất liệu này khá hoàn hảo: không bao giờ bám vân tay, dễ lau chùi, ít bám bẩn, bụi, khó trầy xước và khi bị trầy xước cũng khó nhìn ra.

Một điểm tôi hơi khó chịu với thân máy là góc tì tay quá “vuông”, khi tì tay trong thời gian dài dễ gây đau và hằn lên da. Giải pháp duy nhất là nâng cao chiếc ghế bạn đang ngồi để khỏi phải tì tay vào cạnh máy. Ở đây, Apple hẳn đã hi sinh tính khả dụng và bù vào đó sự thẩm mỹ, với toàn bộ chiếc máy khi đóng nắp có cảm giác như một miếng nhôm nguyên khối.

Mặt dưới Macbook Pro là tấm nhôm mỏng che phủ toàn bộ các linh kiện bên trong, với 8 ốc nhỏ bắt chặt. 4 feet cao su của máy rất mỏng, chỉ hơi nhô lên so với mặt phẳng còn lại, điều này giúp đáy máy tỏa nhiệt xuống mặt tiếp xúc nhanh hơn khi không có không khí lưu thông, ngược lại, trong môi trường có không khí lưu thông mạnh thì đây là một thiết kế tồi. Feet quá mỏng cũng khiến đáy máy dễ bị trầy xước khi bạn không để ý đặt máy lên các mặt phẳng gồ ghề, nhưng bù lại mặt dưới không có bất kì lỗ hút khí nào giúp bạn yên tâm hơn khi mặt bàn ẩm ướt.

Các kết nối của Macbook Pro 15″ có chút khác biệt so với các mẫu có kích thước nhỏ hơn: FireWire 800 hiện diện trở lại và bên cạnh đó là khe đọc thẻ nhớ SD card, cùng 2 jack cắm riêng biệt cho micro và headphone. Các kết nối còn lại bao gồm: đầu sạc Magsafe kết nối bằng nam châm, Gigabit Ethernet, một cổng Mini DisplayPort và 2 USB, tất cả đều được bố trí ở bên cạnh trái của máy. Bên cạnh phải chỉ có duy nhất khe nhét đĩa quang của SuperDrive và khe khóa Kensington.

Một số chi tiết nhỏ khác mà có thể ít ai chú ý, ngoài các kĩ sư thiết kế của Apple: đèn báo dung lượng pin rất hữu dụng bên trái thân máy, và chiếc đèn nhỏ báo tình trạng hoạt động ở phía trước. Quan niệm rằng: “đèn báo hiệu (status light) chỉ hoạt động khi nó báo hiệu điều gì đó và chỉ khi bạn nhìn đến nó”, chiếc đèn nhỏ phía trước máy đã được gia công khá cầu kì: lớp nhôm tại ví trí đèn được bào mỏng bằng tia laser, đủ mỏng để ánh sáng xuyên qua khi đèn bật nhưng lại đủ dày để bạn không nhận ra có một chiếc đèn LED tồn tại ở đó.

Bàn phím – touchpad

Đặc trưng của sản phẩm Apple là tuy không mang lại cho người dùng tất cả những gì mới nhất, nhưng từng tính năng mà nó mang đến phải là tốt nhất, hoàn hảo nhất có thể. Các kĩ sư Apple rất giỏi trong việc chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất, từ hành trình phím, khoảng cách phím, lực nhấn và hành trình phím touchpad, cho đến lực mở nắp máy hay bề rộng phần lõm vào của gờ mở máy. Đầu sạc Magsafe cũng là một đại diện tốt cho phong cách thiết kế này.

Bàn phím Macbook Pro kể từ khi thiết kế unibody ra mắt đều là màu đen, tương phản hoàn toàn so với phím màu trắng trên Macbook thường. Điều này cũng dễ hiểu khi Apple trang bị thêm cho bàn phím của mình hệ thống đèn LED chiếu sáng bên dưới, màu đen sẽ giúp bàn phím có độ tương phản cao hơn và người dùng sẽ làm việc thoải mái hơn trong môi trường thiếu sáng.

Các phím được thiết kế hợp lý với độ nảy và khoảng cách hoàn hảo, như truyền thống xưa nay của Macbook. Bàn phím chicklet tuy không có các mặt phím cong ôm lấy ngón tay, nhưng các cạnh phím được bo tròn cùng khoảng cách hợp lý khiến cảm giác gõ phím thực sự thoải mái. Theo tôi đánh giá, ngoài bàn phím Thinkpad ra thì bàn phím Apple cũng xứng đáng đứng ngôi đầu trong thế giới laptop.

Do layout đặc trưng của bàn phím Apple, kích thước bàn phím khá nhỏ nên còn dư khá nhiều chỗ cho dàn loa 2 bên, thềm để tay và touchpad to khủng bố. Nói về touchpad, đẳng cấp và công nghệ của Apple lại một lần nữa được thể hiện. Không quá lời khi với bàn phím và touchpad này, Macbook Pro xứng đáng có được bộ đôi input hoàn hảo nhất mà tôi từng biết.

Chất liệu được Apple sử dụng làm touchpad là một loại nhựa đặc biệt hơi đục màu với một lớp kính mỏng phủ lên trên (do đó có tên gọi là Glass Trackpad), với cảm giác trượt đầu ngón tay rất êm và nhẹ nhàng, khác hẳn phần nhôm trên vỏ máy. Cảm giác di ngón tay trên touchpad Macbook luôn đem đến trải nghiệm tuyệt vời với bất cứ ai, phím cơ học chìm bên dưới cũng mang lại điểm nhấn và lực nhấn hoàn hảo. Cộng thêm khả năng multitouch mượt mà và sự hỗ trợ trên cả tuyệt vời từ Mac OS X, có thể nói, đây là touchpad tốt nhất tại thời điểm hiện tại, và bạn hoàn toàn có thể lướt web hay làm các công việc đơn giản mà quên hẳn chú chuột rời phiền phức.

Màn hình – Loa

Màn hình Macbook Pro 15″ theo tôi nhận xét là có chất lượng hình ảnh tốt nhất trong tất cả các sản phẩm laptop của Apple, và tất nhiên là tương đương với Macbook Pro 17″. Khớp mở màn hình vẫn nhẹ nhàng và mang đến cảm giác “cao cấp” như thường lệ, với dòng chữ Macbook Pro nổi bật phía dưới màn hình. Toàn bộ màn hình được phủ một tấm kính liền theo kiểu “borderless”, điều này cũng giúp tấm nền LCD và LED ở phía trên chắc chắn hơn rất nhiều.

Phía trên màn hình là webcam iSight và cảm biến ánh sáng (light sensor) giúp điều chỉnh độ sáng màn hình tùy theo độ sáng môi trường. Đây cũng là sự khác biệt giữa Macbook Pro và Macbook thường.

Độ sáng và tương phản trên màn hình đạt mức rất cao, nhưng có vẻ kém đôi chút so với màn hình trên MBP 15″ Core 2 Duo đời trước, không rõ là tôi cảm nhận sai hay thực sự như vậy. Nhiệt độ màu mặc định trên màn hình máy Mac khá lạnh, điều này lại càng làm tăng sự sắc nét và ấn tượng của bạn khi lần đầu lướt web trên chiếc máy này. Tuy màn hình gương khá bóng nhưng duyệt web ngoài trời ít nắng vẫn rất thoải mái, không đến nỗi không nhìn thấy gì. Panel mà Apple sử dụng vẫn là loại TN cao cấp, với góc nhìn dọc không được lớn và góc nhìn ngang bị ngả vàng, dù rất ít.

Phía dưới khớp mở màn hình chính là hệ thống thoát nhiệt của máy. Với máy sử dụng đồ họa rời, Apple trang bị 2 quạt khá êm với tốc độ mặc định 2000rpm, tối đa 6000rpm.

Tất nhiên, với mục tiêu tạo ra một chiếc laptop hoàn hảo nhất có thể, âm thanh hẳn là vấn đề Apple khó có thể bỏ qua. Loa trên Macbook Pro 15″ khá to, hơn nhiều so với Macbook thường tôi đã review trước đây. Chất âm rất trong và vang, bass ổn ở mức chấp nhận được, dù tôi là người nghe khá khó tính. Loa trên Macbook Pro 15″ nằm ở 2 bên bàn phím, và các lỗ thoát âm thanh nằm tại đây lại là một câu chuyện thiết kế khác. Toàn bộ các lỗ được đục cẩn thận bằng laser từ bên trên, sau đó gia công bề mặt kĩ lưỡng. Nếu bạn lướt tay qua khu vực này, bạn sẽ rất khó cảm nhận được rằng có những chiếc lỗ li ti nằm ở đó, tạo cảm giác thống nhất trên toàn bộ thân máy. Kích thước lỗ thoát âm cũng không quá nhỏ, đủ để âm thanh không bị biến dạng, nhưng cũng không quá lớn để các hạt bụi có thể kẹt vào. Chỉ cần chùi nhẹ bằng một chiếc khăn ẩm, tất cả sẽ lại như mới.

Thời lượng pin

Dòng Macbook Pro năm nay của Apple nổi bật với 2 đặc trưng: vi xử lý Arrandale và bộ đôi card đồ họa Intel/NVIDIA tự chuyển đổi. Quy trình test thời lượng pin sẽ có thay đổi chút ít, với việc so sánh giữa 2 card đồ họa trong các tác vụ khác nhau: xem video flash HD và duyệt web, nghe nhạc bình thường. Tất cả các bài test đều thực hiện trên Mac OS X, 2 phiên bản Adobe Flash là 10.0 và 10.1.82.76 (đã hỗ trợ tăng tốc GPU chính thức), video Flash HD sử dụng là trailer Avatar HD 1080p trên Youtube.

Thời gian sạc pin 1h17m theo tôi là khá nhanh, do adapter sạc của Macbook Pro đã được tăng công suất từ 60W lên 85W. Khi xem video youtube HD với phiên bản Adobe Flash chưa hỗ trợ tăng tốc giải mã H.264 từ phần cứng, thời lượng pin khá thê thảm với chỉ 1h52m, CPU load luôn khá cao. Arrandale tuy tiên tiến với khả năng tiết kiệm điện khi nghỉ rất tốt, nhưng khi “bị đánh thức”, CPU này ăn điện rất khủng và nhiệt lượng tỏa ra cũng khỏi phải bàn. Thời lượng xem flash HD này thậm chí còn kém cả chiếc MBP 15″ Penryn mà bạn tôi đã dùng gần 1 năm, dù là với mức CPU load cao hơn.

Sau khi cập nhật Flash lên phiên bản mới nhất, hỗ trợ tăng tốc giải mã H.264 từ GPU, mọi chuyện đã khá hơn rất nhiều. Thời lượng sử dụng khi tăng tốc lần lượt bằng NVIDIA Geforce và Intel HD là 3h17m và 3h35m, đủ tốt cho một bộ phim dài. Rất cảm ơn Adobe vì món quà “tuy trễ còn hơn không” này.

Thời lượng duyệt web, nghe nhạc với âm lượng cao nhất, độ sáng màn hình 75% (đủ sáng cho mọi nhu cầu sử dụng) lần lượt là 7h25m và 5h58m cho Intel HD và NVIDIA Geforce. Thời lượng pin mà Apple tuyên bố cho chiếc MBP này là 8-9 tiếng liên tục, tuy nhiên rất khó đạt được mức này nếu độ sáng màn hình trên 50%. Cảm nhận của tôi là Arrandale khi bị “đánh thức” (load trên 20% và xung đạt max) ăn điện khá nhiều, có lẽ do Turbo Boost. Thời lượng pin không hề vượt trội so với dòng MBP 15″ Core 2 Duo trước đó, dù dung lượng pin đã tăng thêm vài WHr và Arrandale được chế tạo trên quy trình 32nm.

Nhiệt độ

Tất nhiên, với cấu hình phức tạp và nhiều tính năng mới như khả năng chuyển đổi card đồ họa, phần test nhiệt độ cũng dài ra khá nhiều. Nhìn chung, khi sử dụng bình thường thì Macbook Pro rất dễ chịu về nhiệt độ, nhưng khi xem flash HD hay làm gì đấy phức tạp một tẹo là biết tay nhau ngay. Phần trên máy không khó chịu lắm do thiết kế hợp lý của các linh kiện bên trong máy (dưới thềm để tay là pin và ổ cứng – 2 thành phần có nhiệt độ không thay đổi nhiều), nhưng bên dưới máy không khác gì lò nướng với một số khu vực gần 50 độ. Biết sao được khi thân máy bằng nhôm, Macbook Pro lại khá mỏng và bộ đôi Arrandale/Geforce tỏa nhiệt nhiều đến vậy. Dù sao, kết quả này cũng không có gì kinh khủng khi so sánh với một số chiếc PC laptop khác, nhất là các laptop với đồ họa rời cho mục đích gaming.

Nhiệt độ khi sử dụng bình thường trên Mac OS X

Nhiệt độ khi xem flash HD không tăng tốc GPU

Nhiệt độ khi xem flash HD có tăng tốc từ GPU NVIDIA, tốc độ quạt 2000 RPM

Nhiệt độ khi xem flash HD có tăng tốc từ GPU NVIDIA, tốc độ quạt 4000 RPM

Nhiệt độ khi xem flash HD có tăng tốc từ GPU NVIDIA, tốc độ quạt 6000 RPM

Hình ảnh CPU-Z và GPU-Z:

Nhiệt độ CPU idle và full-load trên Windows:

Một điều thú vị: Xem video flash HD dù có tăng tốc từ GPU hay không cũng khiến nhiệt lượng tỏa ra là như nhau. Điều này khá dễ lý giải: Phần việc CPU đảm nhận đã chuyển sang cho GPU, mà với 2 chiếc vi xử lý có TDP tương đương nhau (25W), nhiệt lượng tỏa ra với cùng khối lượng công việc là như cũ, dù phân công làm việc như thế nào. Điều có lợi khi bật tăng tốc từ GPU là bắt “cục mỡ” này hoạt động, dành nhiều CPU hơn cho các tác vụ đòi hỏi multitasking khác.

Thử nghiệm hiệu năng

Đầu tiên là Geekbench trên Mac OS X 10.6 Snow Leopard, so sánh cùng Geekbench trên Windows 7 Ultimate 64-bit.

Điểm số Xbench:

Cinebench R10 và R11.5:

PC MarkVantage 64-bit có điểm khá tốt:

Tốc độ ổ cứng thường thường bậc trung:

Điểm số 3DMark 06 của duy nhất NVIDIA Geforce GT 330M, do trên Windows card Intel HD đã không còn thấy bóng dáng đâu nữa:

Test sơ với các ứng dụng đòi hỏi nhiều CPU load:

Các tính năng mới

Tính năng “Optimus” trên Mac OS X:

Thật ra gọi Optimus là để đỡ phải dài dòng, cơ chế chuyển đổi card đồ họa trên Mac lại có nhiều chỗ không giống Optimus chút nào, và thậm chí tốt hơn. Với Optimus ‘chuẩn’, chương trình driver của NVIDIA cho card đồ họa sẽ duy trì một danh sách “whitelist” quy định những chương trình cần đến năng lực của Geforce thay cho chip tích hợp Intel HD Graphics. Danh sách này sẽ được cập nhật từ “đám mây”.

Một đặc điểm khác: khi Geforce chạy thì dữ liệu đồ họa sẽ được đọc/ghi đồng thời vào framebuffer của cả 2 card đồ họa, với Intel HD là trên bộ nhớ chính (RAM hệ thống), còn Geforce là dedicated memory trên card (RAM VGA), bên cạnh đó Intel HD vẫn hoạt động, chỉ là không xuất hình ra mà thôi. Với cơ chế hoạt động như vậy, máy vẫn tiêu hao một phần năng lượng nhất định dù chẳng để làm gì cả.

Công nghệ chuyển đổi trên Mac có 2 điểm khác: Mac OS X không duy trì “whitelist” nào cả, mà phân biệt ứng dụng dựa trên các framework đồ họa mà phần mềm đó sử dụng. Nếu ứng dụng cần tới các framework “cao cấp” như OpenCL (cái này Intel HD không hỗ trợ), OpenGL, CoreGraphics hay Quartz Composer, Geforce sẽ nhảy vào cuộc.

Các trường hợp khác thì chỉ có Intel HD đảm nhiệm mà thôi. Cách phân biệt này khá hay, nhưng không hoàn hảo: Ngay cả các ứng dụng “bình dân học vụ” như Yahoo Messenger, Socialite cũng có thể kéo Geforce vào cuộc, đơn giản chỉ vì lập trình viên của các phần mềm này muốn thêm tí hiệu ứng của các framework cao cấp vào cho “màu mè” mà thôi. Trong trường hơp của Adobe Photoshop hay flash video thì miễn bàn: Intel HD là không thể đủ cho cuộc chơi.

Một điểm khác nữa của công nghệ chuyển đổi trên Mac: tuy dữ liệu vẫn được ghi vào framebuffer của cả 2 card, nhưng Intel HD sẽ được tắt hoàn toàn. Chuyện ghi vào framebuffer của cả 2 cũng không có gì đáng trách: RAM hệ thống thì không thể tắt được rồi, và chúng ta cũng cần ghi cả vào đây để Intel HD còn biết đường nhảy vào làm việc tiếp khi được bật trở lại. Các bạn nếu có hứng thú có thể đọc thêm tại Arstechnica về sự khác biệt giữa 2 công nghệ này.

Trên Windows, tôi không thể tìm thấy Intel HD Graphics do (nhiều khả năng) đã bị EFI tắt. Apple buộc chúng ta dùng card Geforce và tất nhiên cũng chẳng có nhiều điều để nói ngoài phần điểm số benchmark ở phần trước.

Một giải pháp khá hoàn hảo cho người dùng: sử dụng cái đầu thay vì để mặc máy tính quyết định. Các bạn có thể tải về gfxCardStatus tại đây, phần còn lại thì tự khám phá nhé.

Tăng tốc giải mã H.264 từ GPU:

Xem flash với Intel HD không tăng tốc

Xem flash với Intel HD tăng tốc GPU

Việc có 2 card đồ họa còn sinh ra một rắc rối khác: Việc chuyển đổi sẽ tác động như thế nào đến việc tăng tốc flash, với 2 card thì giải mã có gì khác nhau? Sau khi mất khá nhiều thời gian tìm hiểu, tôi tạm đưa ra kết luận ngắn gọn sau:

  • Khi xem video Flash fullscreen không tăng tốc với độ phân giải 1080p -> tự chuyển sang dùng Geforce.
  • Khi xem video Flash tăng tốc GPU với độ phân giải 1080p -> tự chuyển sang dùng Geforce ngay cả khi không fullscreen.
  • Các video độ phân giải 720p trở xuống do không nén bằng H.264 (tôi đoán là vậy) nên không được tăng tốc, CPU load còn cao hơn cả khi xem 1080p.

Kết luận 1: Cập nhật Flash mới nhất, xem video 1080p khi có cơ hội.

Xem flash với Geforce không tăng tốc

Xem flash với Geforce tăng tốc GPU

  • Với Flash 10.0 không hỗ trợ tăng tốc: Intel HD và NVIDIA Geforce đều xử lý tốt khi không fullscreen. Khi fullscreen thì Intel HD thất bại do hình ảnh bị vỡ hạt và framerate thấp.
  • Với Flash 10.1 hỗ trợ tăng tốc từ GPU: Intel HD và NVIDIA Geforce cho chất lượng hình ảnh tương đương nhau, CPU load thấp như nhau, số framerate đủ xem và mượt cả khi fullscreen lẫn không fullscreen.

Kết luận 2: Cập nhật Flash mới nhất và sử dụng Intel HD để tăng tốc khi cần tiết kiệm pin.

Kết luận

Với mức giá 44.490.000đ đã gồm VAT (giá tại FPT Shop), nhiều người tỏ ra khá “sốc” và không nghĩ chiếc máy này xứng đáng với mức giá đó. Tuy nhiên, Macbook Pro là dành cho những người dùng chuyên nghiệp – những ai hiểu rõ mình cần gì. Nếu bạn không cần một chiếc máy cấu hình quá mạnh (vì mạnh quá cũng chẳng để làm gì khi không có thời gian chơi game), thích sự cân bằng hoàn hảo giữa kích thước và sức mạnh, và tất nhiên, đánh giá cao những giá trị khác mà Apple mang lại, như sự chăm chút đến từng chi tiết, cảm giác sử dụng thoải mái, trải nghiệm sự hoàn hảo, đẳng cấp… thì đây là chiếc laptop bạn cần.

Mức giá gần 44,5 triệu có thể gọi là cao, nhưng không thể gọi là đắt, đơn giản vì chưa có một chiếc laptop nào tương xứng để có thể so sánh với Macbook Pro, trong “lãnh địa” mà Apple tạo ra cho riêng mình. Bạn thích PC? Sony Vaio có thể đắt, Acer có thể rẻ. Còn nếu bạn thích Mac? không có chiếc Mac nào là rẻ cả.

Nếu bạn chưa thỏa mãn với mức cấu hình của chiếc Macbook Pro 15″ trong bài viết, FPT Shop cũng đưa ra một số cấu hình và kích thước khác cho bạn lựa chọn:

Tên model: MC373ZP/A

  • Kích thước: 15.4-inch
  • CPU: Core i7 2.66 GHz.
  • RAM: 4GB DDR3.
  • HDD: 500GB
  • Đồ họa: NVIDIA GeForce GT 330M/ 512MB GDDR3
  • Giá bán: 49,940,000đ

Dòng máy Macbook Pro 17-inch có kích thước khá lớn và thoải mái khi sử dụng, nhắm đến mục đích thay thế máy tính để bàn:

Tên model: MC024ZP/A

  • Kích thước: 17-inch
  • CPU: Core i5 2.53 GHz.
  • RAM: 4GB DDR3.
  • HDD: 500GB
  • Đồ họa: NVIDIA GeForce GT 330M/ 512MB GDDR3
  • Giá bán: 52,778,000đ

Kết luận về Apple Macbook Pro 15.4-inch model MC372ZP/A:

Ưu điểm:

  • Mỗi thành phần đều là một ưu điểm.

Khuyết điểm:

  • Có quá nhiều ưu điểm (LOL).
  • Về thiết kế: vỏ máy nóng khi chạy ứng dụng cần nhiều tài nguyên gây khó chịu, feet (chân đế cao su) quá mỏng làm thân máy dễ bị xước.
  • Giá cao.
  • Mac OS X và các phần mềm nền Mac không phổ biến cho lắm.
Trả lời câu hỏi
Tải lại mã
Câu hỏi lĩnh vực Phần cứng
nophoto Tôi muốn download Driver của webcam LEBECA PRO?

Đăng lúc: 01:10 - 05/06/2013 trong Phần cứng

nophoto Vấn đề format USB ?

Đăng lúc: 01:10 - 05/06/2013 trong Phần cứng

nophoto Đánh giá chi tiết máy scan Kodak ScanMate i1120?

Đăng lúc: 01:10 - 05/06/2013 trong Phần cứng

nophoto Cách chọn cpu của máy tính bàn?

Đăng lúc: 01:10 - 05/06/2013 trong Phần cứng

nophoto Máy tính khởi động lâu ?

Đăng lúc: 01:10 - 05/06/2013 trong Phần cứng

nophoto Làm thế nào có thể rút usb ra khỏi lap?

Đăng lúc: 01:10 - 05/06/2013 trong Phần cứng

nophoto Máy không lắp thêm Ram được ?

Đăng lúc: 01:10 - 05/06/2013 trong Phần cứng

nophoto Máy tính thi thoảng bật ko lên màn, ko có đèn chuột và bàn phím ?

Đăng lúc: 01:10 - 05/06/2013 trong Phần cứng

nophoto Các bạn cho Tôi hỏi về máy tính với!

Đăng lúc: 16:59 - 16/07/2013 trong Phần cứng

nophoto Hỏi cách khắc phục lỗi drive USB trên wins 7 ?

Đăng lúc: 01:10 - 05/06/2013 trong Phần cứng

Ngô Minh Tùng Win 7 khi rút dây nguồn bị treo máy ?

Đăng lúc: 01:10 - 05/06/2013 trong Phần cứng

nophoto Em đang xài chip intel core dual E5300, main asus, có thể xài được Ram 1G loại nào ạ?

Đăng lúc: 01:10 - 05/06/2013 trong Phần cứng

Phương Xin thông tin về main intel 845GV

Đăng lúc: 01:10 - 05/06/2013 trong Phần cứng

nophoto Lỗi card màn hình card rời ASUS 512 mb?

Đăng lúc: 01:10 - 05/06/2013 trong Phần cứng

nophoto Laptop khởi động không lên màn hình ?

Đăng lúc: 01:10 - 05/06/2013 trong Phần cứng

nophoto Mua DVD_RW cho Laptop GATEWAY-M6823 ở đâu ?

Đăng lúc: 01:09 - 05/06/2013 trong Phần cứng

Củ Chuối Main DDR2 gắn được Card Asus EN9800GT không?

Đăng lúc: 01:09 - 05/06/2013 trong Phần cứng

Nguyễn Văn Siêu Máy của mình có bluetooth không các bác ơi!?

Đăng lúc: 01:09 - 05/06/2013 trong Phần cứng

nophoto Máy tự khởi động lại ?

Đăng lúc: 01:09 - 05/06/2013 trong Phần cứng

nophoto Ở đâu bán main này ?

Đăng lúc: 01:09 - 05/06/2013 trong Phần cứng

Rao vặt Siêu Vip