
Khi nào nên sinh bé thứ hai?

Các nhà nghiên cứu cho rằng mỗi phụ nữ nên có khoảng cách 2-3 năm giữa 2 lần sinh. Theo Viện Alan Guttmacher, khoảng cách trung bình giữa 2 con là khoảng 30 tháng.
Theo một nghiên cứu của Anh, nên chờ 18-30 tháng sau khi sinh con thứ nhất mới thụ thai con thứ hai. Điều đó tốt cho sức khỏe của em bé thứ hai. Các bác sĩ thấy rằng, 40% em bé thụ thai sớm hơn 6 tháng sau khi anh chị nó ra đời bị sinh non và nhẹ cân. Những trẻ thụ thai khi anh chị đã được 10 tuổi cũng vậy.
Một nghiên cứu tương tự ở Mỹ cho thấy, thời gian lý tưởng giữa 2 con là 24-35 tháng. Các bác sĩ cho rằng cơ thể mẹ cần thời gian để lấy lại sức khỏe, giải tỏa stress và được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng mà người mẹ đã mất sau khi sinh con thứ nhất.
Hoàn cảnh tài chính của bạn ra sao?
Tiền không phải là tất cả, nhưng bạn cũng phải đảm bảo một con số tối thiểu khi sinh. Hãy xét xem mỗi trẻ cần chi phí bao nhiêu cho việc ăn mặc, khám chữa bệnh. Bạn sẽ cần nhiều hơn 1 chút trong ngân sách hàng tháng của gia đình trước khi mang thai em bé thứ hai. Điều quan trọng là suy xét hoàn cảnh công việc của bạn nữa. Nhiều phụ nữ thấy thật khó khăn để tiếp tục công việc toàn thời gian hay bán thời gian khi có thêm em bé. Bạn có phải nghỉ làm không?
Tùy thuộc vào độ tuổi của bạn
Tuổi cũng là một nhân tố, đặc biệt đối với phụ nữ. Nếu bạn 38 tuổi và muốn hơn 2 con, bạn nên có khoảng cách 3 năm. Nhưng nếu bạn dưới 30 tuổi, không có trục trặc về sức khỏe thì có thể uyển chuyển thời gian. Nhiều phụ nữ vẫn có thể mang thai khi 41-42 tuổi, nhưng tỷ lệ sinh sản giảm sút đột ngột từ khi bạn được 35 tuổi.

Ảnh minh họa
Bé lớn nhà bạn bao nhiêu tuổi?
Anh(chị) em chênh nhau một tuổi
Ai cũng biết trẻ càng nhỏ, càng cần có mẹ. Trước một tuổi, em bé cần mẹ hầu như 24/24 tiếng trong ngày. Mẹ bế ẵm, mẹ cho ăn, mẹ cho đi chơi. Tóm lại ở đâu cũng có mẹ bên cạnh. Chỉ có điều, khi bé đã một tuổi và chập chững biết đi, là lúc mà mẹ phải chạy theo những bước chân tò mò tìm hiểu thế giới của bé. Quả là vất vả, nhưng chính sự tiếp xúc ngày đêm của mẹ và bé giúp bé phát triển về mặt trí tuệ và cảm xúc.
Trẻ được gần mẹ thường xuyên như trường hợp này sẽ gắn bó với mẹ hơn so với những em bé cùng lứa hay phải ngồi trong cũi chơi một mình. Khi bé bước sang tuổi thứ hai, đó chính là lúc bố mẹ chỉ cho bé biết thế giới lạ lẫm và to lớn xung quanh bé. Nếu bạn sinh ngay đứa con thứ hai, bạn sẽ không có điều kiện quan tâm tới đứa đầu như thế. Khi hai anh em (chị em) trong nhà chênh nhau một tuổi, bọn trẻ có những đặc điểm giống như trẻ sinh đôi, trẻ sẽ chậm nói hơn so với các bạn, bởi vì khoảng thời gian lẽ ra được gần bố mẹ, thì anh (chị) “nhí” lại phải chơi cùng em. Như vậy mặc dù hai anh em vẫn khác nhau về thể lực, song cậu (cô) em lại “kìm hãm” sự phát triển trí tuệ của anh (chị) mình.
Anh (chị) em chênh nhau hai tuổi
Một đứa trẻ mới hai tuổi sẽ tỏ ra ích kỷ (và hoàn toàn có quyền làm thế) khi phải “nhường” mẹ cho em. Sinh con thứ hai cách con đầu 2 tuổi là một thử thách về mặt tinh thần đối với đứa con đầu tiên. Bé sẽ tỏ ra ganh tỵ công khai với em. Mặc dù các bà mẹ có một đống lý do để cho rằng sinh con cách hai năm là hợp lý (tắm cho bọn trẻ cùng một lúc, cho đi cùng một nhà trẻ, cho bọn trẻ tự tha thẩn chơi với nhau), nhưng có một điều rõ ràng rằng trước khoảng 4 tuổi, trẻ rất cần thường xuyên có mẹ, và việc mẹ “chia đôi” thời gian để chăm sóc bé thứ hai là làm tổn hại tới tâm lý và nhu cầu phát triển của con lớn. Không phải giây phút nào mẹ cũng phải ở bên cạnh con. Nhưng những khi gần con, người mẹ cần giành toàn bộ tình cảm, quan tâm cho con, chứ không bị phân tán bởi còn “em út ít” đang đòi mẹ bế. Hoặc cho con bé bú, bạn tranh thủ dành chút thời gian cho con lớn, như vậy cũng không đúng, bởi bạn đang thực hiện nhiệm vụ làm mẹ một cách “nửa vời”. Chỉ trong trường hợp có một người thứ hai (bố hay bà) thường xuyên ở cạnh con cả, như vậy mới có thể coi là bạn sinh con thứ hai mà không ảnh hưởng chút nào tới anh(chị) cả của bé.
Anh(chị) em chênh nhau ba tuổi
Trẻ ba tuổi vẫn “kiểm soát” sự chăm sóc của mẹ đối với em mình một cách vô thức và nhiều khi rất hằn học. Một đứa trẻ lên ba còn quá bé để hiểu rằng em mình không phải là địch thủ, và còn quá ích kỷ để kiên nhận “xếp hàng” chờ “đến lượt” mình được mẹ yêu. Tuổi này, để “giành lại” mẹ, trẻ hay giả vờ ốm vì đó là “kế” hay nhất để có được sự quan tâm của mẹ. Tiếc là thường trong hoàn cảnh ấy, bà sẽ thay mẹ chăm anh (chị) và bé lại bị đặt vào đúng vị trí của mình, tức là phải nhường em.
Anh chị em chênh nhau bốn tuổi
Đó là một ông anh (bà chị) lý tưởng nhất. Trẻ ở độ tuổi này đã đủ lớn để hiểu rằng mẹ luôn yêu mình, kể cả khi mẹ đang bận chăm em. Không những thế, trẻ 4 tuổi đã biết chờ đợi, biết giữ lời hứa và thậm chí còn biết quan tâm tới em. Các bé gái luôn thích chơi trò “mẹ và con” nên nhiều khi trở thành người giúp việc đắc lực cho mẹ. Còn các bé trai thậm chí đã biết tự hào vì thành viên mới của gia đình, và có ganh tỵ với em thì cũng đòi quyền lợi một cách rất “người lớn”
Anh (chị) em chênh nhau từ 5 tuổi trở lên
Trẻ càng lớn thì nhận thức càng tốt hơn và sự ghen tỵ với em út giảm hẳn, có thể nói là không có, nếu được bố mẹ chuẩn bị cho về mặt tâm lý từ trước. Nhưng có một vấn đề nảy sinh: hai anh(chị) em chênh nhau nhiều tuổi quá thì sẽ không thích chơi với nhau do sở thích của mỗi người một khác. Anh(chị) trong trường hợp này sẽ gần như trở thành một “người lớn” nữa chứ không phải là bạn bè cùng suy nghĩ và có các mối quan tâm chung.
Làm sao chuẩn bị tinh thần cho con về việc có em?
Nếu con đầu lòng của bạn lên hai, hãy tỉ tê nói chuyện với con về chuyện sắp xảy ra. Thậm chí ngay cả khi cậu (cô) cả mới chỉ lên một tuổi rưỡi, cũng cần tìm cách giải thích để con bạn không bị sốc khi thấy trong nhà xuất hiện thêm một thành viên mới. Bạn có thể cho con nghe tiếng em bé đạp chân trong bụng mẹ và nói “Đây là em của con đấy”. Trẻ ở tầm tuổi này đã có một số vốn từ ngữ nhất định và bắt đầu hiểu được. Còn nếu con đầu lòng đã ba tuổi thì bạn lại càng dễ giải thích. Bạn có thể cho con xem một cuốn truyện tranh về các em bé mới sinh nhỏ bé ra làm sao, thiệt thòi thế nào vì không được ăn kem hay đi đến nhà trẻ, rằng em chỉ có biết ăn và ngủ, vì vậy phải thương em…