
Kiểu dáng công nghiệp là gì?

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó.
Tiêu chuẩn bảo hộ
- Tính mới: khác biệt đáng kể với những kiểu dáng đã được bộc lộ dưới hình thức bất kỳ.
- Tính sáng tạo: người có hiểu biết trung bình không thể tạo ra một cách dễ dàng.
- Khả năng áp dụng công nghiệp: có thể sử dụng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm.
Đối tượng loại trừ
1. Kiểu dáng do đặc tính kỹ thuật bắt buộc phải có, tức là một thiết kế nhằm bảo đảm chức năng hoạt động sẽ không được bảo hộ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp.
2. Kiểu dáng các công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
3. Hình dáng không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng.
Đơn kiểu dáng công nghiệp nhiều phương án
Qui định hiện hành cho phép nộp đơn bao gồm nhiều phương án với điều kiện cơ bản là các phương án không khác nhau cơ bản. Thí dụ, hai phương án được xem là khác nhau cơ bản khi chúng được hình thành từ các phần khác nhau và việc tổ hợp chúng là khác nhau.
Bản mô tả
Khác với các nước, Việt Nam yêu cầu mô tả chi tiết và nêu phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp gần như tương tự như phần mô tả phương án thực hiện và yêu cầu bảo hộ của đơn sáng chế. Bản mô tả là một phần không thể thiếu khi nộp đơn xin bảo hộ kiểu dáng ở Việt Nam. Cũng cần lưu ý là bản mô tả là một trong các cơ sở xác định phạm vi bảo hộ. Các yêu cầu của bản mô tả kiểu dáng công nghiệp bao gồm : bộc lộ đầy đủ các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp, nêu rõ các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp ít khác biệt nhất đã biết, phù hợp với ảnh chụp hoặc bản vẽ. Ngoài ra, nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án thì Phần mô tả phải thể hiện đầy đủ các phương án và chỉ rõ các đặc điểm khác biệt giữa phương án cơ bản và các phương án còn lại. Nếu kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn đăng ký là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì Phần mô tả phải thể hiện đầy đủ kiểu dáng của từng sản phẩm trong bộ đó.