
Lựa chọn ti vi độ nét cao (HDTV) theo tiêu chuẩn thế nào?

Hiện nay, ti vi độ nét cao (HDTV) đang là "mốt". Từ những công nghệ giúp hình ảnh chuyển động mượt mà cho đến công nghệ 3D mới nhất, bài viết sẽ đề cập đến những tính năng mà bạn cần có cho chiếc TV tiếp theo trong gia đình.
Khi dạo qua các siêu thị điện máy trưng bày những chiếc TV mới, bạn sẽ thấy TV nào cũng cố trình diễn những hình ảnh sống động nhất, tươi tắn nhất. Những tính năng mới của chúng hứa hẹn mang lại cho người xem nhiều lợi ích. Vậy khác biệt giữa những TV ấy như thế nào? Chúng đẹp cỡ nào? Bài viết sẽ giúp bạn có thể nắm bắt những tính năng quan trọng của TV để lựa chọn.
Thế giới TV đang thay đổi
Nói chính xác, thế giới TV... là phẳng. Thị trường vừa chuyển dịch từ TV CRT độ phân giải chuẩn với kích thước cồng kềnh, nặng sang dạng TV mỏng, đẹp, nhẹ, độ phân giải cao và màn hình phẳng. Theo công ty nghiên cứu thị trường DisplaySearch, TV màn hình phẳng bán ra tăng từ 5% trong năm 2004 đến gần 75% trong tổng số TV tính đến hết mùa Xuân năm nay. Còn xét về tổng doanh thu, TV màn hình phẳng hiện nay chiếm đến hơn 90% trên thị trường TV toàn cầu.
Theo hiệp hội điện tử tiêu dùng Mỹ (CES), 52% hộ gia đình Mỹ có HDTV. Và bây giờ, số lượng người chấp nhận HDTV vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Với nhiều người thường hay thay đổi thiết bị, chiếc TV mua năm nay có thể đẩy chiếc HDTV cũ từng mua trước đây ra khỏi phòng khách, chuyển sang nhà bếp hoặc phòng ngủ. Dù là chiếc HDTV đầu tiên hay là thứ 3 thì bạn cũng nên chọn chiếc TV nào có các tính năng mới nhất hiện nay.
Có thể bạn thích tìm mua chiếc HDTV nào đó có giá thật hấp dẫn nhưng cũng đừng trông chờ giá hạ xuống, thậm chí nếu HDTV hôm nay thấp hơn 20% so với năm ngoái. Theo một nhà phân tích của DisplaySearch, thực sự panel LCD có trong HDTV ngày một đắt hơn. Nhưng cho đến nay, giá của HDTV trên kệ hàng vẫn chưa phản ánh được xu thế này. Có thể các siêu thị điện máy cũng sẽ có những đợt giảm giá mạnh.
Một xu hướng gần đây là HDTV hỗ trợ Full HD, là TV có khả năng hiển thị độ phân giải HD ở mức 1080p. Hầu hết mọi TV có kích thước lớn hơn 40" đều có khả năng hỗ trợ độ nét 1920x1080, tức Full HD (1080p); TV màn hình nhỏ hơn thì đa số hỗ trợ HD mức 720p.
Các HDTV hiện nay chủ yếu khác nhau ở tập tính năng, mà thường là tăng khả năng hiển thị màu sắc và tốc độ quét màn hình. Có vài chi tiết kỹ thuật như thời gian đáp ứng chuyển động nhanh và đèn nền LED trước đây chỉ dành cho những model cao cấp nay đã có trên dòng sản phẩm tầm trung, giá "dễ chịu" hơn. Nhưng những tính năng mới này là gì, liệu chúng có thực sự khác biệt khi xem không? Tính năng nào cần có, tính năng nào nên chi thêm tiền để có?
Tăng tần số làm tươi
Theo DisplaySearch, khoảng phân nửa HDTV LCD từ 40" trở lên có tần số quét 120Hz hoặc cao hơn. Phải mất vài năm để thông số 120Hz đến được với dòng sản phẩm phổ thông. Đến nay, ở kích thước này, chỉ có dòng màn hình cấp thấp, giá rẻ là vẫn giữ tần số làm tươi chuẩn 60Hz. Với dòng HDTV dưới 40" thì lại khác. Theo DisplaySearch, mọi LCD bán ra trong quý 2/2009, chỉ có 14% đạt tần số quét 120Hz, dự kiến con số này sẽ tăng lên 24% vào năm 2013.
Vài nhà sản xuất chỉ tung ra HDTV ở 120Hz. Ví dụ Sony chỉ có 1 dòng duy nhất - Bravia S5100 là không hỗ trợ tần số 120Hz hoặc 240Hz.
Khác biệt 120Hz
Qua thử nghiệm của PC World Mỹ, tập trung về chuyển động theo chiều dọc, ngang và chéo của hình ảnh trên nhiều HDTV khác nhau, họ đưa ra kết luận: tỉ lệ làm tươi 120Hz cho chất lượng hình ảnh tốt hơn thấy rõ so với TV có tỉ lệ làm tươi chuẩn là 60Hz. Nhưng từ 120Hz đến 240Hz không có nhiều khác biệt.
Khác biệt giữa 60Hz và 120Hz rất rõ ràng, ví dụ, trên những model 120Hz, ảnh có chữ cuộn từ phải sang trái trông mượt hơn, chữ dễ đọc hơn nhiều.
Chú ý là bài viết chỉ đề cập đến dòng TV LCD (không phải màn hình plasma) bởi vì LCD hiện chiếm đến hơn 90% thị phần trên thị trường HDTV. Nhưng công nghệ LCD có một nhược điểm là hiển thị hình chuyển động nhanh kém. Công nghệ này dựa trên các phân tử nhỏ xíu di chuyển qua lại để chặn hoặc để cho ánh sáng từ nền panel đi qua, tạo nên hình ảnh. Và những phân tử này cần thời gian để di chuyển từ điểm này đến điểm kia. Kết quả là các thiết kế panel truyền thống bị mờ khi hiển thị các hình ảnh chuyển động nhanh. Nhìn chung, các đường biên của vật thể chuyển động nhanh bị nhoè, có vệt, tạo nên những lỗi không mong muốn.
Các nhà sản xuất nhận ra rằng thay đổi cấu trúc phân tử và thay đổi mô hình chất liệu tinh thể lỏng vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề này và thủ thuật ở đây là làm tươi hình ảnh với tần số gấp đôi, tăng từ 60Hz lên 120Hz. Ngoài ra, các nhà sản xuất cải thiện mạch điều khiển TV để nó có thể nhận biết khung hình gốc theo dòng ảnh 60Hz và nội suy một khung hình mới để hiển thị thêm một ảnh trung gian.
Cách này đã cải thiện được đáng kể chất lượng ảnh so với TV 60Hz thông thường (xem thêm mục " Khác biệt 120Hz" trong bài) nên rất đáng tiền đầu tư cho TV với tần số làm tươi tối thiểu ở 120Hz. Chênh lệnh về giá giữa 60Hz và 120Hz không nhiều nhưng có thể bạn phải thêm từ 1,8 – 3,6 triệu đồng cho tính năng này ở dòng HDTV kích thước 40"- 42". Đây là tính năng phải có nếu bạn định xem thể thao, phim hành động...
Nếu 120Hz đã tốt thì 240Hz phải tốt gấp đôi, có đúng thế không? Câu trả lời vẫn còn rất mù mờ. Các nhà sản xuất đưa ra công nghệ làm tươi màn hình 240Hz lại được chia ra làm 2 nhóm, mỗi nhóm có cách thức khác nhau. Samsung và Sony sử dụng công nghệ 240Hz thực thụ, (giống như kiểu của TV 120Hz), mạch điều khiển bắt đầu với một cặp khung hình từ 60Hz, nhưng sau đó tạo tiếp ra 3 khung hình phụ nữa, chứ không phải 1 như của 120Hz. Điều này có nghĩa là mỗi khung hình gốc thì TV hiển thị đến 4 khung hình.
Việc thêm những khung hình phụ này cũng khiến cho chất liệu tinh thể lỏng di chuyển nhanh hơn thông thường, do đó cũng giảm được hiện tượng bóng mờ. Sự khác biệt này có thể nhận biết được khi so với TV 120Hz nhưng trong thử nghiệm thì mức độ cải thiện không ấn tượng như trường hợp của TV 60Hz và 120Hz ngay cả khi đặt 2 TV cạnh nhau. Như vậy, TV 240Hz có thể không đáng để bạn bỏ tiền cho nó nếu so với TV 120Hz (hiện thời, để chuyển từ 120Hz lên 240Hz bạn phải chi thêm từ 6-12 triệu đồng, rất nhiều nếu so với đi từ 60Hz lên 120Hz).
LG lại đi lên 240Hz bằng con đường khác: model 240Hz của họ tạo một khung hình nội suy cho mỗi khung hình thực ở 60Hz chuẩn, giống với TV 120Hz nhưng tăng số lần bật sáng đèn nền lên gấp đôi cho mỗi khung hình. Dù vậy, 60 khung hình thực cộng với 60 khung hình nội suy tạo nên 120 khung hình, và đèn nền nháy 2 lần cho mỗi khung hình tạo nên 240 lần nháy mỗi giây. Giống như luồng ánh sáng nháy nơi sàn nhảy, đèn nháy giúp "chụp đứng" hành động trên màn hình và giảm vệt mờ chuyển động. Nhưng cách lừa đôi mắt này thực sự vẫn chỉ là 120 khung hình/giây nên ta vẫn có thể khẳng định rằng tần số quét này nhanh hơn dạng công nghệ 120Hz trên các model thông thường.
Panel với tần số làm tươi 120Hz (hoặc cao hơn) có thêm một ích lợi nữa: hầu hết các chương trình truyền hình đều được ghi hình ở 30 khung hình/giây nên dễ dàng tăng gấp đôi cho tần số 60Hz phổ biến hiện nay trên HDTV. Dù vậy, phim được ghi hình ở 24 khung hình/giây nên lại nảy sinh các vấn đề kỹ thuật để số hóa chúng cho DVD hoặc cho phát hình. Để đồng bộ với tốc độ 30 khung hình/giây, cứ mỗi 4 khung hình trong phim phải được “nới ra” để hợp với 5 khung hình của video. Quá trình này hiện thực điều này gọi là “3:2 pulldown”, sử dụng 2 vùng giao thoa (interlace) của khung hình đầu và 3 vùng giao thoa của khung hình tiếp theo để kéo dãn đoạn phim ra.
Việc chuyển đổi này có thể phát sinh những hiệu ứng không mong muốn, như hình ảnh bị “giật” khi màn hình hiển thị hình ảnh hoàn chỉnh. Nhưng không như 60Hz, 120Hz chia tròn số cho 24 nên những panel này có thể hiển thị nội dung 24 khung hình/giây mà không cần thêm bước chuyển đổi bằng cách cho mỗi khung hình thực hiển thị 5 lần.
Đèn LED nền
Một tính năng khác đang dần phổ biến là màn hình sử dụng đèn nền LED thay cho đèn nền CCFL (cold cathode flourescent lamp) phổ biến. Cả Samsung và Toshiba đặt tên dòng sản phẩm của họ có tính năng này là TV LED, điều này có thể gây nhầm lẫn cho người dùng. TV LED không phải công nghệ mới, chúng chỉ là các LCD TV nhưng có loại đèn nền khác mà thôi.
LED có vài ích lợi hơn so với dạng thiết kế đèn CCFL (cold-cathode fluorescent lamp) thông thường mà nhiều LCD TV hiện đang sử dụng. So với công nghệ CCFL, đèn nền LED cần ít điện năng hơn (với TV 40” tiết kiệm điện được đến 40%) và hiển thị màu sắc tốt hơn. TV LED xử lý dải màu xanh lá và đỏ tốt hơn nên hình ảnh trông tự nhiên hơn, thực hơn.
Có lẽ lợi ích lớn nhất của đèn nền LED là khả năng cải thiện độ tương phản và có độ sâu về mảng màu đen, nhờ thế thu hẹp khoảng cách giữa màn hình LCD và màn hình plasma vốn có dải màu đen sâu hơn LCD. Lại một lần nữa, các nhà sản xuất chọn 2 cách tiếp cận khi lắp đặt đèn nền LED.
Một thiết kế đặt đèn LED bên dưới panel LCD trong một dàn ma trận rộng. Cách này cho phép TV sử dụng chức năng tự động nhận diện các mảng tối của khung hình (local dimming): nếu mạch điều khiển nhận diện một vùng nào đó trong hình bị tối thì TV có thể tự động làm mờ đèn LED phía sau mảng tối nhỏ đó. Điều này giúp điều chỉnh gam đen ở mức thấp, tăng độ tương phản cho hình ảnh.
Một cách khác sử dụng đèn LED với panel LCD là đặt đèn LED dọc theo rìa bên dưới panel, như model UN46B8000 chỉ dày 1,2” của Samsung. Cách này cần phải có thêm những bộ khuếch tán để trải ánh sáng đồng đều khắp màn hình ngay bên dưới lớp LCD nhưng vì thế nó giảm hoặc làm mất hẳn khả năng cải thiện độ tương phản bằng chức năng làm dịu vùng tối dựa trên những “mảng nhỏ” như đề cập trên. Tuy vậy, thiết kế này lại tốn ít linh kiện và giúp quản lý nhiệt lượng tỏa ra từ đèn LED dễ dàng hơn.
Mặc dù TV LED có những ích lợi riêng nhưng chúng cũng có vài hạn chế. Điều đầu tiên có thể kể đến là giá thành sản phẩm cao hơn nhiều so với TV nền CCFL, trung bình hơn khoảng 5,4 triệu đồng, giá này là chi phí chế tạo LED và chi phí lắp đặt các mảng LED. Hơn nữa, quá trình sản xuất LED vẫn chưa thể tạo ra những đơn vị LED đồng nhất về màu sắc, vì thế các nhà sản xuất phải kiểm tra từng đèn LED để nhóm nó với các đèn LED khác có cùng màu. Đèn LED càng đồng đều, càng chính xác về màu sắc bao nhiêu thì giá của chúng càng cao bấy nhiêu. Chỉ khi nào ngành công nghiệp giải quyết được vấn đề trên thì LCD TV với đèn nền LED mới có giá cạnh tranh được với TV CCFL.
Nếu bạn quan tâm đến chất lượng hình ảnh và mong muốn có TV chất lượng cao hơn thì một model đèn nền LED có thể đáng cho bạn chi thêm tiền.
Tính kết nốiNăm nay có một xu hướng lớn khác liên quan đến khả năng kết nối để mang Internet lên TV. Nhiều HDTV hiện đã có ngõ Ethernet phía sau, cộng thêm với phần mềm để chạy được các nội dung web. Nếu bạn kết nối Internet thông qua thiết bị định tuyến (router) của mạng gia đình thì TV của bạn có thể truy cập đến nhiều nội dung nền web mà không cần đến chiếc máy tính nào.
Theo dữ liệu của Nielsen, 90% hộ gia đình tại Mỹ hiện có truy cập Internet băng rộng trong nhà nên một TV có khả năng lướt web là hoàn toàn khả thi với tầm công nghệ ngày nay, nhất là nếu HDTV có sẵn tính năng Wi-Fi, hiện đã khá phổ biến trên nhiều thiết bị.
Các TV bán ra hiện nay thường giới hạn truy cập web. Cách làm này nhằm đơn giản hóa khả năng sử dụng, định vị và điều này là quan trọng bởi vì bạn phải sử dụng bộ điều khiển từ xa thay vì dùng chuột, bàn phím và trình duyệt hoàn chỉnh.
Năm nay đánh dấu sự ra đời ứng dụng Widget của Yahoo Connected TV. Hiện ứng dụng Widget được áp dụng cho các TV có kết nối Internet của LG, Samsung, Sony và Vizio. Tuy nhiên, dịch vụ và trình diễn này thay đổi tuỳ theo nhãn hiệu vì các nhà sản xuất có những chọn lựa khác nhau về Widgets trên sản phẩm của họ. Hiện có Widget về tin tức, thời tiết, thông tin thể thao cũng như truy cập đến các trang web như YouTube, Twitter, Flickr và Facebook.
Tuy nhiên, lĩnh vực này không chỉ có Yahoo Widgets. Sony đang tiếp tục phát triển phiên bản Bravia Internet Video Link về truyền video trực tiếp từ mạng, trong đó có các mục cho Amazon Video on Demand, CBS, Netflix, Slacker Internet Radio, YouTube… Các TV khác như sản phẩm của Panasonic và LG Electronics cũng có những mô đun cho các dịch vụ kể trên; mẫu số chung phổ biến nhất là Amazon Video on Demand, Netfix và Vudu cùng với các trang web chia sẻ hình ảnh như Flickr và Picasa, các trang web nhạc như Pandora và Slacker Internet Radio.
Kết nối Internet có thể cho bạn truy cập nội dung chứa trên mạng gia đình, gồm CD nhạc đã lưu vào máy tính, ảnh số, video gia đình. Có vài TV có thể truy cập đến các nội dung này. Tổ chức Digital Living Network Alliance (DLNA) chứng nhận hầu hết TV có khả năng kết nối Internet; bạn đưa những tập tin lên thiết bị lưu trữ có chứng thực DLNA trong mạng gia đình và TV DLNA sẽ mở nhạc, hình và video lên màn hình. Theo trang web của hiệp hội (www.dlna.org) có hơn 500 TV có chứng thực DLNA hiện có trên thị trường. Windows Media Player 11 và 12 cũng có thể làm máy chủ DLNA, nên hãy dùng PC chạy XP, Vista hoặc Windows 7 để chứa thư viện nghe nhìn của bạn.
Ethernet tích hợp cũng có một lợi ích khác: nâng cấp phần mềm của TV để nó có thể tự động tải về firmware mới nhất hoặc một ứng dụng Widget mới, dịch vụ mới nào đó để lần sau bạn bật HDTV thì ứng dụng đó đã sẵn có.
Kết nối mạng sẽ cho bạn truy cập đến vô vàn nội dung phụ khác nhau, như video theo nhu cầu hoặc các video miễn phí, nhưng bạn hãy tìm hiểu kỹ trước khi chi tiền nếu bạn muốn sử dụng một dịch vụ, ứng dụng cụ thể nào đó. TV có kết nối Ethernet không có nghĩa là HDTV đó sẽ truyền được tập tin nghe nhìn trên mạng gia đình của bạn hoặc sẽ có mọi dịch vụ web mà bạn muốn.
“Xanh” hơn?
Thiết bị điện tử tiêu dùng đang ngày một xanh hơn, và thị trường HDTV cũng không ngoại lệ trong xu thế này. Trong khi panel phẳng của plasma tiêu tốn nhiều điện năng hơn model LCD thì cả hai công nghệ này cũng đều có được những bước tiến lớn về tiêu thụ điện năng.
Ví dụ, ở chế độ tiết kiệm “Eco”, độ sáng màn hình sẽ dịu đi để tiết kiệm điện năng, là lúc mà người xem không cần đến độ sáng cao nhất, giống như máy in hoạt động ở chế độ in nháp. Cảm biến nhận diện ánh sáng môi trường có thể tự động điều chỉnh độ sáng hình ảnh, giúp tiết kiệm điện năng. Và các nhà sản xuất TV plasma vừa phát triển vài công nghệ tiết kiệm năng lượng cho dòng sản phẩm này.
Hầu hết các nhà sản xuất không ngần ngại khoe khả năng “xanh” của họ bất cứ khi nào có thể. Để biết được model nào có “xanh” hay không, bạn hãy tìm logo Energy Star 3.0 trên sản phẩm. Đây là chương trình không bắt buộc, do tổ chức bảo vệ môi trường Mỹ và Bộ Năng lượng Mỹ đưa ra và để được chứng nhận, một HDTV không được vượt quá giới hạn điện năng tiêu thụ tối đa trong đặc tả Energy Star 3.0. Giới hạn này khác nhau tùy vào kích thước màn hình và chương trình Energy Star chia HDTV làm ba phần: dưới 40”, 40” đến 50” và lớn hơn 50”. (Bạn có thể tham khảo danh sách model đã được cấp logo Energy Star tại: find.pcworld.com/63934).
Phiên bản Energy Star tiếp theo là 4.0 đang được cân nhắc, có thể sẽ hiệu lực từ ngày 1/5/2010 và phiên bản 5.0 sẽ thay thế 4.0 vào ngày 1/5/2012. Những đặc tả kỹ thuật mới này sẽ giảm nhiều hơn nữa lượng điện năng tối đa cho phép trên các TV được thông chuẩn.
Theo vài nguồn tin, người tiêu dùng có thể tiết kiệm từ 300-600 ngàn đồng mỗi năm về tiền điện nếu chọn một TV có lượng điện năng tiêu tốn thấp. Điều này không phải là một ích lợi lớn nhưng nếu tính ở phạm vi toàn quốc hoặc toàn cầu và trong thời gian dài thì con số này sẽ rất lớn.
Kết luận
Một số tính năng mới mà bài viết đề cập có thể sẽ giúp bạn tận hưởng những thước phim theo một cách khác hoặc cải thiện hình ảnh hiển thị. Nhìn chung, khi bạn quyết định sẽ mua model gì thì đừng bị tác động bởi vẻ hào nhoáng của sản phẩm. Thay vào đó, hãy chú ý đến những chi tiết kỹ thuật mà bạn cần khi xem những nội dung khác nhau trên chiếc TV mới.