
Người dân đang phải mua vàng giá “trên trời”?!
(Dân trí - 09/10/2012) Dù NHNN đã cho phép gia công 350.000 lượng vàng phi SJC thành vàng miếng SJC nhưng giá vàng trong nước vẫn không “hạ nhiệt” được như kỳ vọng. Người dân vẫn đang phải mua vàng miếng SJC cao hơn vàng thế giới quy đổi gần 3 triệu đồng/lượng.

Chốt phiên chiều nay 8/10, giá vàng SJC tại Hà Nội được các cửa hàng vàng niêm yết quanh mức giá 47,68 triệu đồng/lượng (mua vào) - 47,84 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tương đương mỗi chiều 50.000 đồng và 10.000 đồng/lượng so với mở cửa phiên sáng. Tại TPHCM, giá vàng SJC mua vào được doanh nghiệp vàng niêm yết thấp hơn, ở mức 47,54 triệu đồng/lượng còn giá bán ra tương đương với thị trường Hà Nội (47,84 triệu đồng/lượng).
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng trong nước hiện vẫn cao hơn 2,8 triệu đồng/lượng. Mức giá chênh này được tồn tại trên thị trường trong thời gian dài gần đây, thậm chí có thời điểm vàng lên “cơn sốt”, giá vàng trong nước còn cao hơn thế giới 3 triệu đồng/lượng.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì mức chênh lệch quá cao như vậy là có biểu hiện của tình trạng đầu cơ, thao túng và sự mất cân đối cung cầu trên thị trường. Để tạo sự ổn định trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gia công hơn 350.000 lượng vàng (tương đương 13 tấn vàng) từ các loại vàng móp, méo, vàng “phi” SJC.
Có thể thấy rõ kỳ vọng của NHNN trong việc bình ổn thị trường thông qua việc “bơm” 350.000 lượng vàng vào thị trường nhưng trên thực tế, đã 20 ngày trôi qua (kể từ thời điểm ngày 20/9, khi NHNN yêu cầu Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chuẩn bị kế hoạch để triển khai gia công hơn 350.000 lượng vàng), giá vàng trong nước vẫn biến động mạnh và luôn cao hơn vàng thế giới gần 3 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, động thái “bơm thêm vàng vào thị trường” không mang lại nhiều giá trị trong bối cảnh hiện nay. Bởi theo lý giải của ông Long, số vàng trên là lượng vàng miếng SJC móp méo và vàng miếng phi SJC mà các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng đề nghị được gia công. Do đó, cung cầu trên thị trường hoàn toàn không có gì thay đổi, dẫn tới việc khó rút ngắn khoảng cách chênh lệch giá như hiện nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NHNN TP.HCM, cho biết số vàng móp méo của Công ty SJC đã gia công xong từ lâu. Còn tiến độ chuyển đổi vàng thương hiệu khác bị chậm vì phải qua khâu kiểm định từng miếng vàng nhằm đảm bảo đúng tiêu chuẩn vàng miếng SJC. Như vậy, có thể hiểu rằng, một khi doanh nghiệp xin được giấy phép của NHNN để chuyển đổi từ vàng “phi” SJC sang vàng SJC đã lập tức có lãi tiền tỷ.
Theo tính toán từ các doanh nghiệp vàng, khi gia công, ngoài chi phí 50.000 đồng/lượng cho phía Công ty SJC, doanh nghiệp sẽ mất thêm tiền vận chuyển từ Hà Nội vào TPHCM để dập rồi lại vận chuyển số lượng vàng đó ra Hà Nội. Tính ra, tổng chi phí để gia công một lượng vàng miếng sang vàng SJC chưa đến 100.000 đồng. Ví dụ, nếu doanh nghiệp gia công khoảng 10.000 lượng vàng “phi” SJC, với mức chênh lệch giá giữa vàng phi SJC và vàng SJC hiện khoảng 1 triệu/lượng, thì doanh nghiệp đã có thể lời khoảng chục tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, việc mà NHNN cần làm ngay trước khi cấp giấy phép chuyển đổi sang vàng miếng SJC là tiến hành kiểm kê xem thực chất lượng vàng “phi” SJC tồn đọng của doanh nghiệp là bao nhiêu; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp tự kiểm kê, chốt số lượng hàng tồn.
“Con số vàng phi SJC hàng tạ mà doanh nghiệp công bố để gia công thành vàng SJC thật khó hiểu. Cũng là một doanh nghiệp kinh doanh vàng, tôi biết rất khó có chuyện mua vàng phi SJC để dự trữ, ngoài thời điểm doanh nghiệp mua để “ém giá” rồi sau đó chuyển sang làm vàng nữ trang vì trọng lượng loại vàng phi SJC cũng tương đương với vàng 4 số 9”, ông Hải nói. Theo tính toán của ông Hải, nếu số lượng vàng phi SJC tồn kho 1 tạ, tương đương với giá trị 5 triệu USD.

Vang trong nước vẫn cao hơn 3tr đ/lg so với vàng QT quy đổi |
9:47 - 12.10.2012 |
Lúc 6h10 trên sàn châu Á, giá vàng giao tháng 12 đứng ở mức 1.767,74 USD/oz, tăng so với mức 1.760,65 USD/oz cùng thời điểm phiên hôm trước. Trong phiên hôm qua, vàng có lúc đã bật tăng trở lại lên mức 1.774 USD/oz nhưng sau đó giảm nhẹ trở lại. Giá vàng trong nước bám theo diễn biến của thế giới và không có dấu hiệu thu hẹp khoảng cách hơn 3tr đ/lượng so với giá vàng QT quy đổi.
Khủng hoảng nợ tại châu Âu tiếp tục gia tăng, điều nhà đầu tư cho rằng là yếu tố “ủng hộ” cho đồng USD tăng giá, điều thường khiến giá vàng mất “động lực”. Hôm qua S&P đã hạ tín nhiệm Tây Ban Nha xuống thêm 2 mức (2 notches) hôm 11/10 nhưng nhà đầu tư vẫn “bỏ qua” và lạc quan vào một gói cứu trợ cho Tây Ban Nha. “Việc hạ tín nhiệm Tây Ban Nha của S&P sẽ làm cho sự hồi phục của giá vàng không dễ dàng,” Chuck Butler, chủ tịch các thị trường thế giới tại EverBank, nói. Mặc dù hồi phục trở lại, nhưng giá vàng vẫn đang tìm kiếm xu hướng, hoặc chinh phục ngưỡng 1.800 USD/oz và tăng tiếp, hoặc sẽ giảm trở lại khi đối mặt với những vấn đề kinh tế thế giới mới. Về kỹ thuật, ngưỡng hỗ trợ mạnh của giá vàng là 1.750 USD/oz. Các số liệu tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang tốt hơn dự kiến có thể sẽ khiến nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ sớm kết thúc gói QE3. Trước đó Fed tuyên bố sẽ chi 40 tỷ USD/tháng để mua trái phiếu và tài sản xấu cho tới khi thị trường việc làm tốt lên. Về dài hạn, vàng vẫn là kênh đầu tư tốt. Các quỹ ETFs hiện nắm giữ 75,03 triệu oz vàng tính tới 9/10, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Một điều tra của Reuters cho thấy vàng sẽ tiếp tục tăng trong quý 4/2012 và trong năm sau. Trong khi đó, dầu thô tiếp tục tăng lên mức 92,79 USD/thùng, so với mức 91,62 USD/thùng của phiên trước. Đây là phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp của dầu thô bất chấp triển vọng kinh tế thế giới u ám và lượng dự trữ dầu và nguồn cung vẫn đảm bảo. Dầu Brent giáo tháng 11 tăng 1,38 USD/thùng lên mức 115,71 USD/thùng. Theo NDHmoney |

Vàng, dầu cùng giảm |
10:25 - 11.10.2012 |
Trước viễn cảnh kinh tế thế giới u ám, dầu thô đã không thể “một mình một chợ” tăng giá, trong khi giá vàng tiếp tục giảm phiên thứ 4, bỏ xa mốc 1.800 USD/oz. Lúc 6h10 phút sang nay trên sàn châu Á, giá vàng giao tháng 12 hiện đứng ở mức 1.760,65 USD/oz, giảm so với 1.765,02 USD/oz cùng thời điểm phiên trước. Trong phiên hôm qua, vàng có lúc đã rớt xuống 1.756,81 USD/oz. Xu thế giảm vẫn là chủ đạo đối với giá vàng trong ngắn hạn. Tính tới nay, vàng đã giảm giá phiên thứ 4 liên tiếp, sau khi thất bại trong nỗ lực chinh phục đỉnh cao trong năm 1.800 USD/oz. Nhà đầu tư vàng hiện chưa có thông tin gì mới về khu vực châu Âu trong khi các cảnh báo về rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu trở lại khiến họ lo lắng hơn. “Hiện không có số liệu gì rõ ràng, không có gì mới về eurozone, Tây Ban Nha vẫn chưa xin “giải cứu”,” Chuck Butler, chủ tịch thị trường thế giới tại EverBank, nói. “Hiện tại các thông tin về chính sách tiền tệ nới lỏng tại Mỹ và EU không còn là mới. Do đó chúng tôi không cho rằng sẽ có nhiều lực mua vàng mới mà chỉ dựa trên thông tin dạng này,” James Steel, nhà phân tích kim loại của HSBC, nói. Về dài hạn, theo khảo sát của Reuters, triển vọng giá vàng vẫn rất tốt, khi nhiều nhà phân tích dự báo vàng có thể đứng ở mức 1.690 USD/oz trong năm 2012, so với mức dự báo 1.685 USD/oz dự báo trong quý 2/2012 và 1.765 USD/oz dự báo trong tháng 1/2012. Trong khi đó, dầu thô đứng ở mức 91,62 USD/thùng, so với 91,94 USD/thùng của phiên trước và mức 89,86 USD/thùng cuối tuần qua khi dự báo nhu cầu sẽ giảm và nguồn cung tiếp tục ổn định. Tổ chức tiền tệ quốc tế IMF cảnh báo rủi ro suy thoái kinh tế thế giới lần 2 đang gia tăng ở mức báo động và cuộc chiến chống lại suy giảm kinh tế lần này sẽ khốc liệt hơn năm 2009. Thông tin này đã tác động xấu đến các thị trường tài chính cũng như thị trường hàng hóa trên thế giới. OPEC dự báo nguồn cũng sẽ tiếp tục ổn định trong vài năm tới và giảm dự báo tiêu thụ dầu thô trên thế giới xuống 800.000 thùng/ngày, giảm 20% so với trước đó 100.000 thùng/ngày trong năm 2012. OPEC dự báo nhu cầu dầu thô năm 2013 có thể tiếp tục giảm thêm 20%. Theo NDHmoney |