Nhờ dựng máy tính để bàn tầm 89 triệu đồng
Việc đầu tiên khi xây dựng một dàn máy tính, chúng ta nên xác định sẽ đi theo hãng sản xuất nào: AMD hay Intel? Với mục tiêu của bài viết bị giới hạn kinh phí, nên tôi sẽ lựa chọn Intel, sở hữu hiệu năng của lõi đơn tốt hơn, tiêu thụ điện và tỏa nhiệt ít hơn so với đối thủ của mình.
1. CPU: Intel Core Pentium G3258– 1.500.000đ
Mùa hè năm ngoái, Intel đã cho ra mắt con chip giá rẻ có thể ép xung (OC – overclock: sử dụng phần cứng hoặc phần mềm để thay đổi xung nhịp của con chip lên cao hơn so với bản gốc của nhà sản xuất) với mã G3258.
Hiệu năng đơn nhân ấn tượng cùng với điện năng tiêu thụ thấp (53W) cộng với khả năng ép xung tuyệt vời (dễ dàng đẩy lên mức 4.5Ghz so với xung nhịp 3.2Ghz ban đầu). Đây là sự lựa chọn hợp lý cho cấu hình build trong bài viết này.
Tuy nhiên, với một số bạn không thích mạo hiểm (thay đổi nhịp xung của CPU yêu cầu sự hiểu biết nhất định về phần cứng) thì có thể lựa chọn G3440 cùng phân khúc với mức giá gần như không thay đổi.
2. Mainboard: ASUS H81M-E – 1.470.000đ
Tôi lựa chọn bo mạch chủ này vì nó có khả năng hỗ trợ OC và có thành phần I/O đầy đủ cùng với mức giá rất dễ chịu.
Bo mạch chủ hỗ trợ công nghệ dual-channel cho RAM với xung nhịp từ 1033 tới 1600Mhz. Có sẵn 2 cổng USB 3.0 thời thượng. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là cổng HDMI lại vắng mặt. Ở tầm giá này, một điều hiển nhiên là main chỉ hỗ trợ 1 khe cắm PCIe x16 nên việc nâng cấp SLI hay CrossFireX là không khả thi.
3. RAM: AVEXIR CORE SERIES 4GB DDR3 Bus 1600Mhz – 900.000đ
Với mức giá bộ nhớ trong (RAM) đắt đỏ như hiện này tôi khuyên bạn nên bỏ hầu bao thêm chỉ vài chục nghìn để rước về một chiếc vừa có tản nhiệt, vừa có đèn led như AVEXIR CORE series kể trên.
Có một điều rất đáng tiếc, là bản đèn led VÀNG chỉ có phiên bản 2x4GB. Vì sao tôi nói tiếc, bởi bo mạch chủ của chúng ta đã có sẵn một tông vàng rất đẹp.
4. Nguồn: SEASONIC S12II 430W – 1.000.000đ
Tôi có xu hướng để dành phần hơn túi tiền cho PSU, một bộ nguồn tốt chưa bao giờ là sự đầu tư sai lầm. Các bạn có thể tiết kiệm được một chút tiền cho PSU để bù đắp cho thành phần khác nhưng với mức giá này, điều đó không thực sự khôn ngoan.
5. VGA: ASUS R7260X-DC2OC-2GD5 hoặc MSI N750Ti TF 2G/OC – 3.800.000đ
Linh kiện có thể nói là quan trọng hàng đầu trong cấu hình chuyên chơi game này chính là VGA. Tôi xin đưa ra hai cái tên đến từ hai đối thủ sừng sỏ nhất, cùng một tầm giá, gần như cùng một hiệu năng.
Nhưng xin lưu ý là R7 260X có mức giá rẻ hơn một chú còn GTX 750Ti lại tiêu thụ ít điện hơn. Về hiệu năng chơi game các bạn có thể xem qua video dưới đây.
6. HDD: WD Blue 500GB – 1.180.000đ
WB Blue vừa đủ để chứa kha khá game mới cùng hàng tá những thứ linh tinh mà qua thời gian sử dụng chúng ta lưu vào máy. Hiển nhiên với mức độ sử dụng như ngày nay, 500GB sẽ chẳng trụ được với thời gian là nửa năm sử dụng. Dù vậy, ngần ấy thời gian cũng đủ để bạn cân nhắc nâng dung lượng HDD.
7. Case – 300.000đ
Trong trường hợp này, lời khuyên tốt nhất của tôi là lựa chọn một case no-name (loại rẻ tiền) vì tổng linh kiện trên của bạn đã ngốn khoảng 9.850.000đ rồi. Việc nâng cấp có thể hoãn đến một vài tháng sau, đầu tư một thùng máy mid-tower là hoàn toàn có thể.
KẾT
Cấu hình trên có lẽ chưa phải là một cấu hình tối ưu, nhưng với sự hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân, tôi tin là cấu hình này sẽ không làm bạn thất vọng.