
Ở Đức hay về Việt Nam?
Trước khi sang đây, thực tế tôi cũng nghĩ là mình sẽ ở lại, sẽ lấy một cô vợ người Đức, sẽ… vân vân và vân vân. Nhưng rồi, sau 5 năm học đại học, sau gần ấy năm xa quê hương, gia đình, người thân, tôi mới thấy rằng không đâu bằng chính quê hương mình.
Giờ đây, trước khi trở về, mọi người khuyên tôi một ý, người bảo về, người nói ở lại. Ngay cả bố mẹ tôi, anh em tôi cũng muốn tôi ở lại, nhưng họ đâu có hiểu cuộc sống bên này và bố mẹ tôi đâu có hiểu tôi về cũng vì họ. Nếu như Việt Nam không phải là nơi tôi đã từng trải qua thời thơ ấu, không phải là nơi có bố mẹ, anh chị, bạn bè tôi đang sống thì tôi về làm gì. Nếu như tôi không biết tôi sinh ra ở đâu, không biết tôi lớn lên ở đâu, có lẽ tôi sẽ chọn một nơi nào đó tốt nhất để tôi sống. Tôi sẽ chọn nước Đức làm quê hương tôi. Nhưng “Cây có cội” và “Sông có nguồn” ở nơi xa này, tôi thấy nỗi nhớ nhà luôn thôi thúc tôi trở về.
Hôm nay, một ngày đầu tháng 10, Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng long-Hà Nội, chợt nghe bài hát Nhớ về Hà Nội của Hồng Nhung tôi lại càng thêm nhớ Hà Nội, nhớ thủ đô của tôi. Những kỉ niệm lại ùa về trong tôi, tôi lại càng mong ngày trở về.
Tôi nghĩ đất nước đang hòa bình, đang phát triển nhanh, không còn thời bao cấp, cơ hội việc làm nhiều… cớ chi cứ phải bám vào nước Đức như bao người đang làm. Liệu có nhất thiết phải là nước Đức? Liệu ai đi rồi cũng ở lại như thế thì nước Đức có lẽ sẽ phải cần một diện tích gấp năm, gấp ba lần bây giờ mới chứa đủ người nhập cư. Tôi thấy tôi còn trẻ, cơ hội còn nhiều, tôi muốn về làm việc tại quê hương tôi - Việt Nam. Nhiều người cũng ủng hộ tôi về, vì họ ở bên này giờ muốn về cũng không về nổi. Vì sao? Vì họ còn có vợ con họ bên này, vì họ đang ở cái tuổi chẳng phải trẻ, mà cũng không phải già. Không còn trẻ để làm lại từ đầu, và cũng chưa đủ già đề về nghỉ ngơi. Về thì họ sẽ làm gì, con họ sẽ ra sao… một bài toán lớn mà hầu như không có lời giải cho họ.
Còn nhiều người cũng nói tôi bị "hâm" nếu về. Nhưng thử nghĩ xem, họ đi làm như trâu như bò, bán sức lao động bằng chân bằng tay lấy vài đồng Euro để gửi về Việt Nam mua nhà, mua đất làm cho giá đất trong nước cao ngút trời, trong khi họ đâu được ở. Tối ngày đi làm, họ làm việc 365/365 ngày, hầu như không tiếp xúc, không bạn bè ngay cả với chính người Việt. Liệu có đáng không?
Còn nhớ mấy năm về trước có một gia đình họ Lý người Hàn Quốc, gốc gác của họ là người Việt. Tuy tổ tiên họ đã rời nước ta sang Hàn Quốc được hàng vài trăm năm. Giờ đây họ đích thực là người Hàn Quốc, không biết tiếng Việt, ấy vậy mà sau hàng trăm năm, một gia đình họ Lý đã học tiếng Việt tìm về cội nguồn của họ ở Bắc Ninh, rồi cả gia đình chuyển về Việt Nam sinh sống, coi mình là người Việt. Việc di cư từ một nước phát triển, tiên tiến về một nước lạc hậu, đang phát triển của họ từ lâu đã làm tôi rất khâm phục. Thế nên tôi nghĩ việc trở về lại quê hương của tôi đâu có gì to tát so với họ.
Tất nhiên mỗi người một suy nghĩ, một quan điểm và cách nhìn khác nhau về cuộc sống. Tôi xác định về lại Việt Nam, nhưng tôi trăn trở trước khi trở về vì tôi muốn mọi việc được tốt đẹp. Tôi mong điều tốt lành sẽ đến với tôi. Còn tôi luôn tự nhủ như một lời bài hát: “Cuộc đời là hư vô. Bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay”

Cuộc sống cần có những giá trị cao hon vật chất
Bài viết rất hay, nói lên được suy nghĩ của những người sống xa nhà ở xứ người. Bản thân tôi cũng ở hoàn cảnh tương tư như vậy. Trước khi ra nước ngoài, tôi đã học 1 đại học về xã hội, lại là nơi đào tạo về tiếng Anh rất tốt. Do vậy mà tiếng Anh của tôi rất khá, tôi hoà nhập vào xã hội của người Tây rất tốt. Tôi có nhiều bạn Tây, nhiều gia đình rất quý tôi, coi tôi như 1 thành viên trong gia đình họ...Tôi cũng cố gắng học theo cách sống văn minh của người Tây, đặc biết là trong công việc...Nhưng dần dần mình cũng nhận ra rằng xã hội này không thuộc về mình, mình chỉ là công cụ đóng góp vào sự phát triển xã hội của họ, chứ mình không phải là một phần trong đó.
Bản thân tôi cũng có công việc full-time rất tốt, nhưng mình nhiều khi nghĩ đời sống tinh thần của mình không bằng anh chàng làm ở quán bar, bởi anh ta tuy kiếm được ít tiền hơn nhung có 1 cuộc sống tinh thần hoàn hảo bởi vì anh ta sinh ra ở đây....Tôi nghĩ càng những người có học, có suy nghĩ độc lập, có dịp đi càng sâu vào xã hội của họ như bạn Thành thì lại càng cảm thấy trăn trở, không hạnh phúc khi sống ở xứ người. Những người chỉ thiên về lao động chân tay thì đôi khi lại cảm thấy hạnh phúc hơn vì suy nghĩ của họ đơn giản, lại chủ yếu co cụm lại thành 1 cộng đồng nhỏ, mà không đi ra tiếp xúc với xã hội bên ngoài....

Hãy nghĩ về công việc.
Hi , Mình tầm tuổi cậu và đang cao học nuoc ngoài. Mình nói thật với bạn thế này, hầu hết, phải nói là một phần rất lớn những người Việt định cư ở nước ngoài làm những nghề tay chân/bán hàng, mở restaurant. Với họ, về VN họ thực sự không có nhiều cơ hội, nên họ phải cố bám trụ lại bằng mọi cách. Nhưng những người như mình với Thành thì khác. Mình đã sang học rồi, thì phải dùng cái đó mà kiếm sống, chứ như bác gì nói bác bỏ đi mở cửa hàng mình thấy tầm vớ vẩn quá, cuộc sống không phải cứ kiếm được tiền là được, mà mình cần phải kiếm sống bằng chuyên môn, trí thức của mình, sở thích của mình.
Có người sẽ nói, ở Đức cũng sẽ dùng đc tri thức đó. Nhưng sẽ là gì? Như Thành nói, sẽ mãi mãi là làm thuê/bị kì thị và không bao h có cái gì thực sự là to tát do mình làm ra cả, chỉ là làm thuê, mãi mãi là làm thuê. Thử hỏi ở nước ngoài có bao nhiêu người Việt Nam làm chủ những cty lớn, những cty mà thực sự là nhân viên phải lao động bằng trí óc?
Theo mình, hãy về VN, bằng kinh nghiệm và trí thức của mình, hãy nỗ lực lao động. Nếu có đk thì mở 1 cty riêng và làm chủ. Mình đã đi làm ở VN khoảng hơn 2 năm về IT, hầu hết các sếp đều là dân du học sinh về. Cực kì thành đạt, Audi/Mer không phải gì lớn lao đâu. Sếp mình bảo nếu ở lại thì chả bao h được như thế này. Y tế ư? Hix, ốm đau ko thích bệnh viện ta thì khám bvien Tây,mình thấy ổn, từ dịch vụ đến chất lươngk. Hoặc giả nói dại lâm trọng bệnh thì đi Sing/Thái, có xa xôi đâu, nhanh hơn từ Muchen đến Hamburg mà. Mà cả đời mình có mấy lần trọng bệnh đây? Giáo dục ư? Chú nào dẫn chứng GD VN không tốt là nói xạo. GD khôgn tốt tại sao vẫn đào tạo được ra những người như chính cậu, hay như những người xung quanh mình, thừa sức tiếp thu tri thức nước ngoài, tất cả do mình mà thôi. Chỉ cần định hướng cho con cái tốt là được. Hãy nghĩ kĩ nhé, đừng nên nghe những người bàn lùi.

Sống hay ở lại nước Đức
Chào bạn , Ban đang sống ở Đức bạn cảm thấy bị kỳ thị hay sao ? Bạn đang sống ở Thành Phố nào của Đức vậy ? Bạn hãy chuyển sang tây Đức mà sống . Tôi vốn là cũng một cựu sinh viên và đã sống ở Đức hơn 20 năm qua , cuộc sống có lúc vui lúc buồn . Những lúc rảnh rỗi thì cũng đi đánh Bia( Billiard) uống bia ..Tắm hơi....Massa .. Đầy đủ khu giải trí cho bạn . Hiện nay tôi đã có gia đình con tôi học cũng rất giỏi mà tiếng Việt thì nó cũng chẳng thua kém ai , mình phải biết cách giải quyết tình hình Dần đưa gia đình vào nề nếp á châu . Nề nếp gia đình là do minh tạo dựng và giáo dục .
Hiên nay tôi không còn làm hãng nữa mà đi kinh doanh nhà hàng và có rất nhiều khách quen họ là kỹ sư , bác sĩ , công chức ... Tôi cả thấy họ rất là thân thiện không phải vì tôi là chủ quán mà người ta thân thiện mà người ta cảm thấy tôi cũng rất thân thiện với người ta (có đi có lại) . Mỗi lần đi làm giấy tờ cũng rất là dễ dàng không phải đút lót ... tất cả sòng phẳng( sauber) . Con tôi đi học cũng không sợ bi bắt nạt hay hút- chích .. Nếu có chuyện gì thi tôi nói với giáo viên chủ nhiệm ( Klassenlehrer) là có cách giải quyết. Bạn nên suy nghĩ lại . Giúp đỡ quê hương bằng nhiề cách chứ không phải bằng một cách . Dân giàu thi nưóc mạnh . Chúc bạn thành công

Chào Bạn!
Tôi cũng sắp lên đầu 3 như bạn vào tháng 1 năm sau. Tôi xin giới thiệu tôi sinh ra ở Thái Bình (10 năm), lớn lên ở Lao Cai 10 năm và từ 2000 đến nay ở Hà Nội thuê nhà và đi làm 10 năm. Cuộc sống của lứa tuổi chúng ta thật gian khó nhưng chúng ta đã vươn lên không ngừng để được như hôm nay. Tốt nghiệp Bách Khoa sau 8 năm vừa làm vừa học, tôi xin làm cho hãng ABB và đi công tác từ đầu năm đến nay 3 lần gần 3 tháng ở châu Âu. Tôi nhìn thấy nước Pháp rất đẹp, sống ở Venizia, Italia 93 tuần tháng 3)cũng rất đẹp. Trở về VN 3 tuần rồi lại bay sang Đức 1 tháng 4-5. Tôi sống ở Bad Honnef gần Bonne, lại về VN 3 tuần rồi lại phải quay lại chỗ cũ (nhưng tôi sống ở Konigswinter) 1 tháng nữa. Tôi đã đi nhiều thành phố bằng sử dụng bahn card trên những chuyến tầu chậm, đi Amsterdam Hà lan. Hiện tôi đang làm việc ở Hà nội và có thể phải đi Phần lan công tác. Cũng giống như bạn, tôi đã chạy vào rừng thể thao, đi chơi với các đồng nghiệp đến Đức từ khắp nơi trên hành tinh. Nhưng tôi thấy mình thích hợp nhất là sống, học tập và lao động tại thủ đô của chúng ta mặc dù còn thế này thế khác ( hiện tôi vẫn thuê nhà và đi xe đạp, ô tô cơ quan hằng ngày). Tôi yêu quý tất cả, gia đình, bạn bè, quê hương và những năm tháng gian khó nữa.

Bạn hãy đợi đến khi có con hãy quyết định về hẳn hay không
Chào bạn. Bạn vẫn còn độc thân nên chưa thấm thía những giá trị, những khác biệt mà một nền giáo dục tốt và nhân văn có thể dành cho con bạn. Tôi lớn lên ở VN, đi học trường bình thường, rồi cũng giành được học bổng du học Thạc sỹ ở Châu Âu. Tôi ở nước ngoài ngắn hơn bạn, và tôi cũng chưa kịp cảm thấy mình thuộc về nơi đó (belonging). Lúc học xong, tôi thậm chí còn chẳng có ý nghĩ ở lại. Nhưng bây giờ có con, tôi lại nghĩ khác.
Nền giáo dục ở Việt Nam làm cho tôi thiếu niềm tin, không phải là ở chỗ trường dạy được cho con tôi cái gì mà là cách trường dạy và đối xử với học sinh, với việc dạy và học nói chung. Bài báo gần đây ở một báo mạng đưa nhận xét của GS Hồ Ngọc Đại: nền giáo dục Việt Nam là nơi "học sinh bị biến thành con tin", trường muốn đối xử thế nào cha mẹ cũng phải chịu. Bạn hãy đánh một vài keyword sẽ tìm được bài này. Và có lẽ bạn theo dõi báo chí, và trao đổi với những người đã có con thì sẽ hiểu được nỗi niềm của các cha mẹ đối với nền giáo dục tại Việt Nam hiện nay.
Bạn có nhắc tới vấn đề muốn con bạn thực sự làm người Việt Nam. Tôi nghĩ nếu bạn thực sự muốn giữ những giá trị Việt Nam cho con, thì bạn chính là người quan trọng nuôi dưỡng những đức tính đó cho con. Nếu ở Việt Nam mà bạn không có thời gian, kiên nhẫn để dạy dỗ con thì con càng dễ hư. Tôi nghĩ nhân cách chủ yếu vẫn do sự rèn giũa của cha mẹ từ lúc nhỏ mà có. Mà tôi thực sự dị ứng với cách nghĩ rằng trẻ con phương Tây thì sống không tình cảm với bố mẹ... Tôi nghĩ ở đâu cũng tùy bố mẹ hết thôi. Xã hội nào cũng có người nọ người kia. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh với bạn khía cạnh về tương lai của con bạn thôi. Bạn cũng đã hiểu rất rõ những điều mà bạn không thể mua được dù có tiền ở Việt Nam rồi.
Hãy đợi có con rồi hãy quyết định về Việt Nam hay không bạn nhé. Hãy nói chuyện nhiều hơn với bạn bè, những người lớn hơn bạn khoảng 5-10 tuổi ở Việt Nam để hiểu hơn những được mất mà bạn sẽ phải đánh đổi. Hãy vào những diễn đàn nơi các cha mẹ lo lắng về trăm thứ khi con bước chân vào trường học để hình dung viễn cảnh khác nhau một trời một vực giữa hai nền giáo dục. Khi bạn nghĩ khác đi, mọi sự sẽ thay đổi hẳn. Tôi thấy buồn cười với những người hô hào về sống ở Việt Nam để cống hiến cho đất nước. Thử hỏi có bao nhiêu người thực sự cống hiến được cho đất nước một cách đáng kể khi về Việt Nam. Nếu có lòng thì ở đâu cũng cống hiến được. LM
( Lam me )