
RAW và JPG, định dạng nào hơn?

Việc sử dụng định dạng ảnh RAW nên bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn chứ không phải là một cách để khẳng định “đẳng cấp”.
Từ lâu, việc chọn lựa định dạng ảnh RAW hay định dạng ảnh JPG đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi dai dẳng trong giới nhiếp ảnh kỹ thuật số.
Một số người chuyên sử dụng định dạng RAW cho rằng, chỉ có định dạng này mới thể hiện đẳng cấp của người chụp ảnh. Cũng có tâm lý coi người dùng định dạng JPG là “nghiệp dư” hơn mình.
Trong khi đó, không ít người chụp ảnh coi JPG là định dạng tối ưu, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu quan trọng trong nhiếp ảnh kỹ thuật số. Với họ, định dạng RAW là không cần thiết vì nó quá nặng và rườm rà trong việc xử lý.
![]() |
Khó có thể nói ai đúng ai sai, bởi định dạng ảnh nào cũng có những ưu điểm riêng của mình.
Ảnh JPG có dụng lượng nhỏ, cho phép chụp được nhiều ảnh hơn với cùng một thẻ nhớ, không tốn dung lượng ổ cứng khi lưu trữ và dễ dàng chia sẻ ảnh với cộng đồng. Do dung lượng nhỏ, tốc độ ghi nhớ nhanh nên chế độ chụp liên tục với ảnh JPG luôn đạt tốc độ tối ưu.
Do được xử lý sẵn trong máy ảnh, ảnh JPG giúp người chụp tiết kiệm được nhiều thời gian xử lý hậu kỳ. Người chụp chỉ cần thiết lập một chế độ xử lý mặc định thích hợp, sau đó là bấm máy và lựa những hình ảnh ưng ý nhất.
Trái ngược với JPG, ảnh RAW lại là thiên đường của những nhiếp ảnh gia ưa thích xử lý hậu kỳ. Một bức ảnh RAW có thể được xử lý theo rất nhiều phương án khác nhau, cho ra những phiên bản ảnh có hiệu ứng khác nhau mà chất lượng hình ảnh vẫn được giữ ở mức cao nhất.
Do những đặc trưng riêng của mỗi định dạng nên tùy vào nhu cầu thực tế mà người chụp ảnh sẽ quyết định lựa chọn ảnh RAW hay ảnh JPG. Ví dụ, đối với một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh phong cảnh, định dạng RAW sẽ là lựa chọn tối ưu bởi định dạng này đem lại những giải pháp xử lý tinh tế về sáng tối, màu sắc, tương phản, đáp ứng tốt nhất ý đồ nghệ thuật của người chụp.
Trong khi đó, các phóng viên sẽ lựa chọn định dạng JGP bởi họ cần truyền đạt các hình ảnh đến công chúng với tốc độ sớm nhất có thể. Với họ, thời gian bỏ ra để xử lý hậu kỳ nhiều khi là quá xa xỉ.
Tuy nhiên, cũng không nên ngạc nhiên nếu thấy một nhiếp ảnh gia phong cảnh chụp ảnh JPG hay một phóng viên chụp ảnh RAW, bởi một người chụp ảnh sáng suốt sẽ làm chủ được cả hai định dạng này và biết hoán đổi vị trí của chúng trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Là tên gọi chung cho định dạng ảnh thô của tất cả các nhà sản xuất máy ảnh số, RAW được hiểu theo đúng nghĩa đen của nó là sống, thô, nguyên gốc (raw). Các tập tin RAW chứa toàn bộ dữ liệu gốc mà bộ cảm biến máy ảnh nhận được khi chụp, trước khi bị xử lý và chuyển thành định dạng JPG.
Nói một cách hình tượng, ảnh RAW là một “miếng thịt sống” mà trong vai trò của người đầu bếp, nhiếp ảnh gia sẽ “xào nấu” nó theo ý mình để tạo ra một món ăn hợp khẩu vị nhất.