
Sau một lần sinh mổ còn có thể sinh thường được không
Tôi năm nay 27 tuổi, sinh cháu được 9 tháng. Sau khi sinh mổ bao lâu thì mới được sinh lần nữa ạ? Và có thể sinh thường được không? Trước khi sinh cháu tôi bị buồng trứng đa nang, vậy để lâu sau này sinh lại cháu thứ 2 có khó không ạ?

Trong trường hợp một người phụ nữ đã từng mổ lấy thai, một câu hỏi thường được đặt ra là: nếu có thai lại, người phụ nữ đó có thể sinh thường (sinh ngã âm đạo) được không?
Tỉ lệ thành công của sinh ngã âm đạo sau khi mổ lấy thai dao động rất nhiều từ 70-85%. Bởi vì, để quyết định 1 trường hợp có thể theo dõi sinh ngã âm đạo, người bác sĩ sản khoa sẽ cân nhắc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm:
(1) Đánh giá tình trạng mổ lần trước:
- Nguyên nhân mổ lần trước: đây là yếu tố quan trọng, nếu lý do còn tồn tại như khung chậu hẹp thì phải mổ lại cho lần có thai sau.
- Thời gian từ lúc mổ tới thời điểm có thai lần sau, nếu dưới 16 tháng thì được gọi là “ vết mổ cũ” mới. “Vết mổ cũ” mới có nhiều nguy cơ nứt trong thai kỳ nên sẽ có chỉ định mổ lại khi thai đủ trưởng thành, trước khi vào chuyển dạ.
- Số lần mổ lấy thai: nếu có từ 2 lần mổ lấy thai trở lên thì nên mổ lấy thai trong lần kế tiếp
- Sự lành vết mổ trong lần mổ lấy thai trước: nếu có tình trạng nhiễm trùng sau mổ thì có khả năng vết mổ không lành tốt và có nhiều nguy cơ nứt vết mổ khi có thai lần hai cho nên có chỉ định mổ lại.
- Đường mổ trong tử cung, nếu là mổ được dọc thân tử cung thì phải mổ lại vì nguy cơ nứt vết mổ cao. Hiện nay, đa số các trường hợp đều được mổ ngang đoạn dưới tử cung. Lưu ý, đường mổ ngoài da có thể là dọc dưới rốn, nhưng đường mổ trong tử cung vẫn là đường ngang.
(2) Đánh giá tình trạng thai đang có:
- Nghĩa là khi xem xét tình trạng mổ lần trước không ghi nhận yếu tố cần phải mổ lại, nhưng tình trạng thai lần này ngôi thai bất thường (ngôi mông), ước lượng cân thai lần này nhiều hơn lần trước… thì có chỉ định mổ lại
(3) Khi xem xét 2 yếu tố trên, không ghi nhận yếu tố cần phải mổ lại thì có thể cho phép theo dõi sanh ngã âm đạo. Tuy nhiên, theo dõi sanh ngã âm đạo cần phải đủ các điều kiện như phòng mổ, phải có người có kinh nghiệm theo dõi… để có thể can thiệp khi có biến chứng xảy ra. Qua trình theo dõi gồm :
- Theo dõi sát tim thai, cơn gò, vết mổ vì có thể nứt vết mổ khi vào chuyển dạ.
- Vào giai đoạn sổ thai, cần giúp sanh bằng kiềm để rút ngắn giai đoạn vì giai đoạn sổ thai có nguy cơ nứt vết mổ nhất.
Đối với trường hợp của chị, lần thứ nhất mổ lấy thai và lần này đang có thai 6 tháng, chị hỏi có thể sinh thường không? Vì chị không nêu đầy đủ thông tin, nên tôi không thể tư vấn chi tiết. Theo tôi, chị nên đến khám thai định kỳ ở một nơi có cơ sở phẫu thuật:
- Chị nên đưa giấy xuất viện lần mổ trước để bác sĩ đánh giá tình trạng vết mổ của chị để xem xét có nguy cơ nứt vết mổ. Nếu tình trạng vết mổ không có chỉ định mổ lại thì dựa trên tình trạng thai kỳ bác sĩ sẽ quyết định có thể theo dõi sinh ngã âm đạo hay không?
- Nếu có thể theo dõi sinh ngã âm đạo, thì chị nên theo dõi sinh tại cơ sở có điều kiện phẫu thuật. Vấn đề “đẻ không đau” chưa được áp dụng vì dấu hiệu ‘đau vết mổ’ cần được theo dõi trong suốt quá trình chuyển dạ, và khi có dấu hiệu này có thể có chỉ định mổ vì nghi ngờ nứt vết mổ.

Bạn thân mến!
Sinh mổ là một cuộc phẫu thuật với thao tác rạch một đường phía bụng dưới và tử cung của người mẹ để lấy em bé ra được dễ dàng. Vết sẹo mổ trên tử cung liên quan mật thiết với việc sinh lần tới, có thể bị bục trong quá trình chuyển dạ tự nhiên. Để đảm bảo an toàn tối đa, tốt nhất lần mang thai sau nên cách với lần sinh mổ trước ít nhất là 2 năm.
Lần đầu bạn sinh mổ, lần sau có sanh thường được hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố như: lần mổ trước nguyên nhân gì, lần mang thai sau cách lần mổ trước bao lâu, vết mổ cũ có lành tốt không, tình trạng thai lần này có gì bất thường không (ngôi mông, thai to…).
Bác sĩ sẽ cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định cho bạn sanh mổ hay ngã âm đạo.
Bạn bị buồng trứng đa nang đã sinh được 1 lần rồi thì khả năng có thai lần sau sẽ dễ hơn.
Theo kinh nghiệm của TS. BS Nguyễn Khắc Liêu: buồng trứng đa nang vốn kém nhạy cảm với FSH, sau khi điều trị cho có thai được và sau khi sinh thì tiên lượng buồng trứng đa nang sẽ tốt hẳn lên, kinh nguyệt trở nên đều hơn và tự có thai được. Có thể các hormon thai nghén, trong đó có estriol với hàm lượng rất cao làm tăng nhạy cảm của buồng trứng, đã đáp ứng được với FSH và LH của tuyến yên nên cải thiện được hoạt động của buồng trứng.
Chúc bạn hạnh phúc!