
Sinh viên nên dùng laptop thế nào cho hiệu quả

1/ Sử dụng laptop đúng mục đích
Là một sinh viên, bạn đã biết phải quản lý thời gian và chi phối chúng sao cho hợp lý với các hoạt động khác nhau trong một ngày, một tuần, một tháng và một năm. Máy tính xách tay cũng vậy, khi bạn biết về nó và yêu thích nó thì phần lớn thời gian trong ngày bạn sẽ "ở lì" bên máy, và một lúc nào đó các kế hoạch, dự tính, các hoạt động cho riêng bản thân bạn sẽ ngày một mất đi, thay vào đó là sự sụt giảm về tư duy và thể chất khi mà sức hút mãnh liệt của máy tính và Internet khiến bạn không còn lưu tâm đến cuộc sống ngoài đời thực của mình. Bạn hãy cẩn thận sử dụng laptop của mình, xem nó như chỉ là một công cụ hỗ trợ bên cạnh những công việc quan trọng khác của bạn, có như vậy bạn sẽ làm chủ bản thân, dùng laptop cho những mục đích thật chính đáng.
2/ Lựa chọn phần mềm phù hợp với nhu cầu học tập
Nếu là học sinh sinh viên, bạn chỉ nên cài đặt một số phần mềm tiện ích phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu của bạn. Điều này sẽ giúp bạn không vô tình bị cuốn hút vào những phần mềm ngoài mục đích học tập, gây lãng phí thời gian.
Sau đây là một vài phần mềm cần thiết nhất cho các bạn khi cài đặt một máy tính laptop "sinh viên":
- Phần mềm "trình điều khiển" (Driver softwares) máy tính: Phần mềm này luôn được các hãng sản xuất đóng gói thành một đĩa CD kèm theo khi bạn mua laptop, giúp bạn cài đặt để laptop có thể nhận biết các phần cứng, phần mềm khác khi bạn sử dụng sau khi cài đặt Windows. Đây cũng là phần mềm bắt buộc phải có trên bất kỳ máy tính nào. (Tốt nhất khi cài đặt driver thì bạn nên cài theo thứ tự: driver chipset, driver card màn hình, driver card âm thanh, driver card mạng LAN, Wireless,… -> sau đó cài lần lượt các driver còn lại).
- Phần mềm diệt virus (Antivirus): phần mềm này đảm bảo cho hệ điều hành của bạn "sạch sẽ" và hạn chế việc virus tấn công, chiếm quyền điều khiển hoặc dữ liệu của bạn bị hư hỏng, lây nhiễm sang những thành phần cá nhân quan trọng của bạn trong máy tính.
- Phần mềm giải mã và nghe nhạc, xem phim: Bạn có thể dùng phần mềm nghe nhạc VLC Media Player (phần mềm này có thể chạy hầu hết tất cả các định dạng video trên laptop của bạn và giúp bạn tránh "lãng phí" thời gian lên web tìm kiếm các codec (bộ giải mã tín hiệu hình ảnh, âm thanh) cho các định dạng video khác. Ngoài ra, phần mềm KM Player cũng có thể coi là bổ sung cho Windows Media Player truyền thống có sẵn trên hệ điều hành Windows, nhưng vẫn không tốt về mặt âm thanh bằng VLC Media Player. Bạn nào dùng Linux có thể sử dụng Democracy Player để chơi và tải phim, nhạc.
- Phần mềm đọc file PDF: Adobe Reader được lựa chọn với đại đa số người dùng, dùng để đọc các file định dạng PDF. Bạn có thể thử dùng một phần mềm hoàn toàn miễn phí khác là Foxit Reader chạy nhanh và "nhẹ nhàng" hơn thay thế cho Adobe Reader. Đối với người dùng Linux có thể sử dụng chương trình PDF Creator để tạo và xem các tài liệu PDF.
- Trình duyệt web Google Chrome: là trình duyệt được Google phát triển và phát hành miễn phí. So với các trình duyệt khác, Chrome chạy khá nhanh và tìm kiếm hiệu quả giúp tiết kiệm thời gian của bạn. Các bạn dùng HĐH Mac thường dùng trình duyệt Safari hoặc Firefox, còn Linux thì đã có một trình duyệt Firefox được cài đặt và được cho là phù hợp nhất.
- Tiện ích Adobe Flash player: cho phép bạn có thể xem thêm các đoạn clip Flash trên trình duyệt web, kể các file ".exe" trên máy tính xách tay của bạn.
- Phần mềm download: Internet Download Manager là công cụ download file rất phổ biến cho người dùng máy tính. Phần mềm cho phép tải về nhanh chóng hầu hết các định dạng file từ file nén cho đến file âm thanh, hình ảnh,…bạn có thể dùng phần mềm để download các tài liệu về các môn học, những bài tập, bài nghiên cứu được chia sẻ trên các trang forum, cộng đồng mạng thông qua Internet mà không làm bạn tốn thời gian nhiều.
- Microsoft Office: Đây là phần mềm không còn xa lạ đối với bất kỳ người dùng máy tính nào, phần mềm này có "cốt lõi" liên quan đến bất kỳ tài liệu nghiên cứu nào trên máy tính xách tay của bạn. Bạn có thể xem, trình diễn tài liệu, soạn thảo văn bản, chỉnh sửa hình ảnh,… Người dùng Linux có thể sử dụng phần mềm mã nguồn mở thích hợp hơn là Open Office (bạn có thể tải từ nguồn: OpenOffice.org) cho phép bạn tạo ra Word, Excel, PowerPoint và các tập tin PDF miễn phí khác.
- Phần mềm nén/giải nén các tập tin (file), thư mục (folder): WinRAR (có tính phí) hoặc 7-Zip (miễn phí) giúp bạn dễ dàng làm giảm kích thước (nén) và giải nén các files/ folders cần gửi, trao đổi với giáo viên, bạn bè...