
Trở thành thông dịch viên, cần phải học gì?
Em rất thích tiếng Anh và thích những công việc hướng ngoại. Em có ngoại hình ổn, có khả năng nói trước đám đông. Muốn trở thành thông dịch viên hoặc làm các công việc liên quan đến ngoại giao em nên chọn ngành nào?

Bạn thân mến!
Học ngành tiếng Anh, ngoài việc làm công tác biên dịch, phiên dịch, bạn có thể làm nhiều việc khác nữa. Chẳng hạn như đi dạy ngoại ngữ, làm công tác hành chính - văn phòng ở những đơn vị cần tiếng Anh, làm nhân viên hoặc tham gia các dự án xã hội của các tổ chức nước ngoài…
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý muốn làm tốt những công việc trên, chỉ tấm bằng ĐH ngành ngoại ngữ thôi chưa đủ. Muốn đi dạy tốt bạn cần có khả năng sư phạm. Muốn làm thông dịch viên, ngoài vốn tiếng Anh bạn cần có khả năng sử dụng ngôn ngữ, nói năng trôi chảy, dùng từ chính xác, diễn đạt lưu loát tiếng Anh và cả tiếng Việt.
Đó là chưa kể muốn thông dịch lĩnh vực nào, bạn cũng cần có kiến thức chuyên ngành nhất định về lĩnh vực đó. Muốn làm công tác hành chính, văn phòng bạn cần trang bị thêm các kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ liên quan đến mảng công việc này. Muốn làm việc tại các tổ chức, các dự án nước ngoài, bạn cần có thêm kỹ năng cần thiết như: lập kế hoạch, tổ chức thực hiện công việc công việc, am hiểu lĩnh vực công việc mình sẽ làm…
Hiện nay không chỉ SV tiếng Anh mới giỏi tiếng Anh. Khi đi xin việc người vừa giỏi tiếng Anh vừa có bằng cấp, khả năng chuyên môn (đúng yêu cầu nhà tuyển dụng) đương nhiên sẽ có lợi thế hơn người chỉ có bằng tiếng Anh. Bạn thường thấy thông dịch viên xuất hiện khi có hội nghị, hội thảo, những buổi gặp mặt, đàm phán… Đây là công việc không thường xuyên, không có nhiều người sống chuyên bằng nghề này. Thông thường họ làm những công việc khác, khi cần thiết họ đảm nhận thêm vài trò thông dịch thôi.
Bạn sẽ có hai hướng lựa chọn. Thứ nhất, bạn theo ngành tiếng Anh theo sở thích. Trong quá trình học ĐH bạn sẽ có điều kiện tiếp cận gần hơn những dạng công việc mình có thể làm, bạn sẽ đi học thêm những khóa học ngắn hạn (về hành chính, nghiệp vụ văn phòng… chẳng hạn).
Thứ hai: bạn có thể chọn một ngành học khác có thể phù hợp (xã hội học, Đông phương học, quản trị nhân lực, bảo hiểm…), trong quá trình học bạn sẽ tiếp tục củng cố kiến thức tiếng Anh, sau này ra trường sẽ dễ xin việc hơn. Chúc bạn thành công.