
Vì sao học sinh bỏ học nhiều?

Thực trạng học sinh bỏ học
Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, trong năm học 2010-2011, tính đến ngày 20-2-2011, toàn tỉnh đã có gần 2.000 học sinh từ bậc tiểu học đến Trung học phổ thông ( THPT) bỏ học. Gần 2.000 học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó. Trong đó, học sinh bậc THPT bỏ học nhiều nhất với hơn 1.130 em, Trung học cơ sở (THCS) 600 em, tiểu học 16 em. Hầu hết học sinh bỏ học đều ở các huyện nông thôn và miền núi, nhà cách xa trường, thiếu ăn, hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Giáo viên nhiều trường ở các huyện miền núi Quế Phong, Con Cuông, Tương dương, Kỳ Sơn.. đang phải quyên góp tiền lương mua lương thực và đi xin gạo để nuôi, kéo học trò tiếp tục đến lớp học. Tuy vậy số học sinh đến lớp vẫn thưa vắng, trong số học sinh bỏ học trên may ra vận động được thêm một số học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở, còn số em học sinh Trung nhọc phổ thông thì khó đến lớp lại, vì đã theo anh, theo chị “Nam tiến” để mưu sinh rồi…
Vì sao học sinh bỏ học
Đi sâu vào tìm hiểu kỹ vì sao học sinh bỏ học và bỏ học nhiều như vậy, chúng tôi nhận được nhiều câu trả lời khác nhau nhưng tổng hợp lại vì những lí do sau:
Thứ nhất Do không chuộng cái chữ: Cùng với tập quán canh tác nương rẫy, sau kỳ nghỉ tết vui chơi thoả sức, ăn ngủ tự do, nay phải trở lại trường vùi đầu vào sách vở, ngồi trong lớp cả ngày mỏi hết cả lưng, học cả ngày đau cả cái đầu. Không thuộc bài còn bị thầy, cô giáo phê bình, muốn ăn phải nấu lấy mà ăn và tất cả những cái không tên khác nữa bó buộc vào thân, làm cho các cô, các cậu vốn đã không thích học hành, nay có cơ hội bỏ học luôn.
Giáo viên trường THCS Môn Sơn đi vận động học sinh Đan Lai đi học trở lại
Thứ hai là do kinh tế khó khăn: Sau tết, khi các em trở lại trường học, gia đình phải chuẩn bị thêm đủ thứ nào gạo củi, nào thực phẩm, tiền học, tiền trọ và cả tiền chi tiêu cá nhân. Học kỳ I kết thúc, sang học kỳ II, tất cả các khoản quỹ, đống góp phải nộp, dồn lên gia đình, trong khi tết vừa xong nhiều khoản, thậm chí tất cả tiền bạc dồn vào vui xuân, đón tết, không chỉ hết tiền mà nhiều hộ gia đình hết cả lúa, gạo ăn. Đây là tác nhân thứ hai làm các em bỏ học.
Thứ ba là Học để làm gì?: Theo thống kê trên cho ta thấy số học sinh bậc trung học phổ thông bỏ học chiếm hơn số nửa ( 1.130/2.000). Hiện trạng chung của cả nước sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, Đại học ra trường không xin được việc làm, phải vào Nam mưu sinh, kiếm sống vài ba năm sau lấy chồng, sinh con, để cái hết hy vọng tìm việc làm, ở nhà sản xuất lâu ngày quên luôn cả cái chữ, đừng nói đến nghề. Con chị như vậy khiến con em cũng nản và tác nhân thứ ba khiến các em bỏ học.
Thứ tư là theo anh chị đi làm ăn: Kỳ nghỉ tết sự đoàn tụ gia đình, bạn bè, anh em sum họp, thấy anh chị đi làm có đồng ra, đồng vào, có quần áo đẹp, một số nhà máy, xí nghiệp quan tâm chở công nhân về tận nhà ăn tết, chị kể cho em đi làm sướng hơn đi học, tự do hơn đi học, ngoài làm việc trong giờ tại nhà máy, ngoài giờ được đi chơi tham quan thành phố, biết đây, biết đó. Ra tết các anh, các chị đi, các em cũng khăn áo đi làm theo các chị, trong khi các nhà máy, xí nghiệp ra tết thường thiếu lao động, sẵn xe các em cũng bỏ học theo anh chị đi làm luôn. Chưa nói đến học sinh trung học phổ thông đã đến tuổi cập kê. Về nghỉ tết có cơ hội gần gũi nhau hơn, trai bản trên đến chơi, thăm gái bản mường dưới, tỏ tình yêu nhau, theo anh về làm vợ, chấm dứt đời học sinh.