
Vì sao Nokia chậm 3 năm so với iphone?

Đọc bài kể cũng thấy buồn cho một hãng điện thoại lớn như Nokia thật.
Nhưng trong thương trường thì chuyện thành bại tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường, nhiều lúc còn đứng bên bờ vực phá sản ý chứ. Tuy nhiên, chính từ thất bại thì mới có những cuộc cách mạng trong phương thức kinh doanh cũng như trong việc điều hành của Nokia.
Tôi là một fan Nokia nhưng cũng phải công nhận rằng, bên cạnh những mặt mạnh, hãng cũng có những chiêu kinh doanh không hợp lý (xin lỗi phải nói câu này tuy không phải một người chuyên kinh doanh).
Thứ nhất, tôi thấy đúng là họ cho ra đời quá nhiều mẫu mã điện thoại. Dù biết việc phải ra nhiều loại sản phẩm thuộc nhiều phân khúc khác nhau để phù hợp với nhiều tấng lớp là đúng, nhưng thậm chí trong cùng một phân khúc sản phẩm lại cho ra quá nhiều mẫu (thậm chí cả ở phân khúc bình dân, rẻ tiền cũng nhiều loại quá). Đơn cử như một loạt 2220, 2330, 2600, 2690, 2680, 2700... toàn tầm trên dưới một triệu đồng. Vậy cho ra quá nhiều sự lựa chọn thế để làm gì và lại tốn kinh phí cho design mẫu mã nữa chứ. Nhiều khi người dùng còn hoa mắt không biết đằng nào mà lần. Cũng tình trạng tương tự với nhiều dòng máy cao cấp hay trung cấp của Nokia. Dĩ nhiên, một hãng chuyên sản xuất điện thoại di động thì phải nghiên cứu nhiều mẫu mã rồi, không như Apple, sản phẩm của họ không chỉ mỗi cái iPhone, nào là phân mềm, hệ điều hành, iPod, máy tính..., nhưng cũng không nên ra quá nhiều sản phẩm cùng phân khúc như thế.
Thứ hai, tôi thấy trong thời buổi này mà việc PR của Nokia có vẻ như vẫn ở thập niên trước. Bây giờ đôi khi việc PR, làm ầm ỹ sản phẩm còn hút khách hàng hơn chính chất lượng sản phẩm (tôi nói là "đôi khi" thôi nhé, không phải tất cả). Apple thì làm đủ trò PR cho iPhone (từ rò rỉ thông tin, xay iPad, điều tra chứng nghiện iPhone ...). Trong khi đó tôi thấy các mẩu quảng cáo đơn thuần của Nokia ngày càng ít, chưa nói gì đến những chiêu PR độc đáo.
Thứ ba, ngày nay một sản phẩm bền chưa chắc đã là lựa chọn số một, nó chỉ còn là sự lựa chọn cho những người có thu nhập thấp và ở các nước đang phát triển như Việt Nam thôi. Tôi nghĩ giới trẻ bây giờ hiếm ai dùng một cái điện thoại quá hai năm nếu có điều kiện về kinh tế. Và đặc biệt điện thoại thì rất nhanh chán. Nên lợi thế của Nokia về độ bền so với Samsung, LG dần dần bị mờ nhạt.
Thứ tư, về giá thành. Công nhận là giá của Nokia so với Sony Ericsson, HTC, iPhone là rẻ (tương đối thôi) nhưng theo tôi thì rẻ hơn vài chục USD thậm chí hàng trăm USD với chúng ta là quan trọng chứ với người dân ở các nước phát triển thì không là vấn đề lắm. Như một thầy giáo dạy tiếng Anh của tôi (người Mỹ) cho biết, một năm một gia đình bình dân ở Mỹ (gồm 2 vợ chồng và 2 con) chi tiêu cho sinh hoạt khoảng 40.000 USD, như vậy nếu so sánh về mức tiêu dùng thì người Mỹ mua một chiếc iPhone với giá khoảng 2.000 USD (cả chi phí cho hợp đồng cam kết sử dụng) chỉ bằng một phần 20 chi tiêu một năm, so với giá 14 triệu một chiếc iPhone trong khi thu nhập của gia đình bình thường Việt Nam khoảng 60 triệu. Vậy tỷ lệ là bao nhiêu? Với họ, việc mua một điện thoại giá khoảng 500 đến 1.000 USD chắc cũng không phải là gì lớn lắm nhỉ.
Trên đây là vài suy nghĩ chủ quan của tôi về Nokia, chia sẻ cùng các bạn và đặc biệt những Nokia's fan như tôi.