Với mức tăng trưởng lên tới 22%/năm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn hàng đầu thế giới. Theo nghiên cứu mới công bố của Hiệp Hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong 5 năm tới, quy mô thị trường có thể đạt 10 tỷ USD.
Mặc dù phát triển nhanh chóng, nhưng thị trường thương mại điện tử Việt còn tiềm tàng nhiều thách thức. Số đông người tiêu dùng Việt vẫn chưa hoàn toàn hài lòng về chất lượng dịch vụ của ngành. Vì thế, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt cần phải tìm hiểu, lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu thực sự của khách hàng .
Nghiên cứu mới đây do iPrice Group - bộ máy tìm kiếm liên hợp tại 7 thị trường Đông Nam Á phối hợp cùng Trusted Company - nền tảng đánh giá cho các doanh nghiệp thương mại điện tử tại những thị trường mới phát triển như Đông Nam Á và Ấn Độ - trên cơ sở phân tích hơn 30.000 đánh giá của người tiêu dùng tại hơn 5.000 website thương mại điện tử đã cho thấy, người Việt Nam và người Thái Lan phàn nàn về hàng nhái nhiều hơn các quốc gia khác trong khu vực.
Người Việt thậm chí còn phàn nàn nhiều hơn 15% so với người Thái, dẫu cho Thái Lan được OECD đánh giá là đứng thứ 4 thế giới về nạn hàng giả tràn lan.
Cũng theo nghiên cứu, người Việt tìm cách tra vấn nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm khi viết đánh giá, trái ngược với các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore hoặc Indonesia (vốn chỉ tham khảo về cách thức mua hàng). Đa phần người tiêu dùng Việt vẫn chuộng hình thức chat trực tiếp với shop để hỏi thêm thông tin về sản phẩm cách thức sử dụng sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc thiếu niềm tin vào thương mại điện tử đã khiến người Việt Nam không sẵn sàng tiêu tiền vào các trang bán hàng trực tuyến. Số liệu cho thấy, phàn nàn về giá thành sản phẩm là phàn nàn phổ biến thứ nhì của người Việt. Người Việt cũng tích cực hỏi về mã khuyến mãi sản phẩm ở mục đánh giá.
Có tới hơn 80% người tiêu dùng Việt vẫn ưu thích hình thức thanh toán bằng tiền mặt nên dẫn tới 30% đơn hàng đã bị hủy sau khi đặt hàng. Đa phần người tiêu dùng trả lại sản phẩm phản hồi rằng hàng hóa không giống như những gì họ kì vọng (hình thức hoặc chất lượng sản phẩm thấp hơn) trước khi đặt mua sản phẩm.
Người Việt cũng ngày càng khó tính hơn khi mua hàng. Thế hệ dưới 20 tuổi được cho là có yêu cầu cao hơn so với các thế hệ tiền nhiệm. Số liệu cho thấy, người tiêu dùng dưới 20 tuổi có xu hướng cho điểm đánh giá về doanh nghiệp và đơn hàng thấp hơn hơn so với thế hệ 25-30 tuổi
Đánh giá về doanh nghiệp thương mại điện tử, so với các quốc gia Đông Nam Á khác, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam được người tiêu dùng đánh giá 3,7 trên 5 điểm. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, chỉ có những doanh nghiệp thương mại điện tử lớn tại Việt Nam mới có tính năng cho điểm đánh giá từ người dùng.
Điều này cho thấy, tuy một số doanh nghiệp thương mại điện tử lớn đã từng bước cải thiện chất lượng dịch vụ để đem đến trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho người tiêu dùng Việt nhưng nhìn xa hơn các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam nói chung cần phải có thêm nhiều nỗ lực để đáp ứng nhu cầu khách hàng bằng cách giải quyết triệt để những đánh giá tiêu cực đến từ người dùng.
Theo Kiều Châu - Bizlive