
Bác tôi có một căn nhà ở Hà Nội, muốn sang tên cho con đẻ đang mang quốc tịch Đức thì phải làm thế nào?
Câu hỏi:
Bác tôi có một căn nhà ở Hà Nội, muốn sang tên cho con đẻ đang mang quốc tịch Đức thì phải làm thế nào? Mong được các luật tư vấn, xin chân thành cảm ơn!
(Nguyễn Văn Nam - Email: namelectrical5@yahoo.com)

Trả lời:
Trường hợp nêu trên của bạn, hiện tại con đẻ của bác bạn đang mang quốc tịch Đức, nhưng chưa nói rõ đã mất hay còn quốc tịch Việt Nam. Do vậy, sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
1.Trường hợp thứ nhất: Nếu con đẻ của bác bạn hiện đang mang quốc tịch Đức nhưng vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam:
Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Nhà ở ban hành ngày 23/6/2010 (có hiệu lực ngày:08/08/2010), cho phép người Việt định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam được phép sở hữu nhà ở không hạn chế số lượng.
Theo Luật Quốc tịch sửa đổi, bổ sung thì một người có quyền mang 2 quốc tịch. Vậy bạn vẫn vừa mang quốc tịch Việt Nam và quốc tịch Đức, bạn vẫn có đầy đủ quyền tiếp tục sở hữu nhà và đất, bạn vẫn là công dân Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 126 Luật Nhà ở sửa đổi ngày 18/06/2009 quy định:
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
a) Người có quốc tịch Việt Nam…
Điều 121 Luật đất đai được sửa đổi, bổ sung về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam như sau:
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Như vậy, căn cứ vào quy định nói trên nếu con đẻ của bác bạn hiện đang mang quốc tịch Đức nhưng vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam thì sẽ được sở hữu nhà ở, đất ở tại Việt Nam.
2.Trường hợp thứ hai: Nếu con đẻ của bác bạn hiện đang mang quốc tịch Đức và đã thôi quốc tịch Việt Nam:
Luật Nhà ở năm 2005 quy định: Cá nhân nước ngoài sẽ được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu thuộc các trường hợp; đó là: người vào trực tiếp hoạt động đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật đầu tư; người nước ngoài có công đóng góp với đất nước được tặng bằng khen từ cấp bộ trở lên; nhà văn hoá, nhà khoa học; người kết hôn với công dân Việt Nam và hiện đang sinh sống tại Việt Nam; người được chủ tịch nước công nhận là công dân danh dự; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam.
Như vậy, nếu con đẻ của bác bạn hiện đang mang quốc tịch Đức và đã thôi quốc tịch Việt Nam và thuộc một trong các trường hợp trên thì được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam.
3.Thủ tục sang tên nhà ở:
Theo quy định pháp luật về Nhà ở, việc chuyển quyền sở hữu căn nhà phải thông qua hợp đồng giao dịch nhà ở, và thực hiện giao dịch nêu trên tại Phòng Công chứng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để làm căn cứ sang tên căn nhà.
Căn cứ Điều 8 Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12, sau khi có được hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng cho tặng giữa bố và con với căn nhà, phải chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở bao gồm:
+ Đơn đề nghị;
+ Bản sao các giấy tờ chứng minh tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam như đã nêu ở phần trên;
+ Bản chính hợp đồng mua bán, tặng cho nhà ở;
+ Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên bán, bên tặng cho theo quy định của pháp luật về nhà ở;
+ Biên lai nộp thuế, lệ phí.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được nộp tại cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở phải cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.