
Cách phòng tránh các bệnh mùa thu?

BS Nguyễn Thùy Hương (Khoa Đông Y, BV Bạch Mai) cho biết: thời tiết mùa thu thường hanh khô khiến chúng ta dễ bị nhiệt với các biểu hiện tim đập nhanh, người nóng bừng, miệng và môi khô, bồn chồn không yên. Bệnh nặng có thể xuất hiện triệu chứng loét miệng, viêm họng... Đặc biệt vào mùa này, nhu cầu năng lượng của cơ thể tăng cao cả về đạm, vitamin và khoáng chất. Nếu thân nhiệt tăng 1 độ C thì chuyển hóa cơ bản tăng hơn 1%. Nhưng khi sốt cao, hệ tiêu hóa giảm tiết dịch tiêu hóa, dịch dạ dày, dịch tụy, mật làm người bệnh đắng miệng, mất khẩu vị, chán ăn, giảm co bóp và nhu động ruột dẫn đến lâu tiêu và đầy bụng. Khi bị sốt, người bệnh chán ăn, nhưng thực chất lúc này cơ thể cần năng lượng và chất nhiều hơn bình thường. Vì thế người bệnh cần thực hiện theo 3 nguyên tắc: ăn đủ lượng, đủ chất, uống nhiều nước rau, quả, orezol, chọn thức ăn mềm, dễ tiêu, chế biến ngon, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Trong bữa ăn cho người bị sốt cao, nên sử dụng thịt gà nấu dạng súp, cháo hoặc ăn các thức giàu đạm và canxi dễ tiêu như cá, tôm, cua. Với trẻ còn bú mẹ, cần tăng cường cho bú mẹ nhiều lần trong ngày để bổ sung dinh dưỡng và vitamin. Nếu trẻ không chịu bú, mẹ có thể vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống. Trẻ lớn hơn khi có sốt do nhiễm khuẩn, nên bổ sung thức ăn giàu đạm như thị lợn, bò, gà và trứng gà. Trẻ dưới 1 tuổi nên cho ăn lòng đỏ trứng gà, trên 1 tuổi cho ăn cả quả. Ngoài ra cho trẻ ăn thêm cháo đậu đen, đậu xanh, hoặc nước đậu tương, nước hoa quả… Người bệnh không nên ăn các thực phẩm khó tiêu như khoai lang, khoai sọ, miến, ngô. Với người hay bị dị ứng do chức năng gan kém, nóng gan, cần kiêng đồ cay nóng và các thức ăn mà bản thân đã từng dị ứng như hải sản.