
Vì sao kiến ba khoang “tấn công” chung cư Hà Nội?

Anh Trần Văn Duy (35 tuổi , Khu tập thể xây lắp lâm nghiệp, Thanh Trì) cho biết, trong một tháng trở lại đây anh đã bị một loại côn trùng đốt 2 lần. Tuần trước, anh bị đốt ở bắp chân nhưng cứ nghĩ bị "giời leo" nên ra hiệu thuốc gần nhà mua về bôi. Tuy nhiên phải mất gần một tuần vết loét mới khỏi.
Cách đây 3 ngày, anh lại bị đốt tiếp. Lần này anh bị cắn hẳn 3 nốt ở mặt và 2 nốt ở cánh tay. Vết đốt rộp lên gây ngứa ngáy, lở loét rất khó chịu. Anh lên mạng tìm hiểu thấy thông tin và ảnh về loại côn trùng đốt mình chính là kiến ba khoang.
Anh Duy kể: “Tôi để ý thấy buổi tối, kiến bò khắp tường, xung quanh bóng đèn nê-ông có hôm kiến bâu kít mít”.
2 vết kiến ba khoang cắn trên chân anh Duy (Ảnh: Mai Hương)
Kiến ba khoang xuất hiện ở khá nhiều nơi, đặc biệt là các khu chung cư và bắt đầu khiến nhiều người lo lắng vì thường xuyên bị chúng đốt, đặc biệt là trẻ em.
Ở khu Mễ Trì Thượng, Hà Nội, kiến ba khoang cũng xuất hiện nhiều. Chị Thu Thuận, sống ở chung cư này, cho biết: “Thực ra tôi cũng đã nhìn thấy loại kiến này từ khá lâu nay mà không biết là loài gì nên không để ý. Con gái tôi cũng vài lần bị côn trùng này cắn, mỗi lần bị rất lâu khỏi, vết thương sưng, ngứa, rát nhiều. Mấy hôm nay trên bóng điện nê-ông của nhà tôi lại thấy xuất hiện con như thế, tôi đang lo quá không biết làm thế nào”.
Anh Trọng Bình ở chung cư 15-17 Ngọc Khánh, Hà Nội cũng cho biết, mấy hôm nay con cả nhà chị bị con kiến ba khoang này cắn, bị nổi bọc nước và đau rát. “Nhà tôi mấy tối nay phải đóng chặt các cửa sổ, không dám bật đèn sợ nó bay vào cắn bé”, anh kể.
Trên các diễn đàn, nhiều ông bố, bà mẹ đã chia sẻ khá nhiều thông tin và hình ảnh về loại kiến này để tìm cách giải quyết đúng nhất cho những vết lở loét mà gia đình mình phải chịu đựng sau khi bị loại kiến này đốt.
Vết cắn của kiến ba khoang có thể gây lở loét nếu không không chữa trị kịp thời.
Một thành viên ở chung cư 183 Nguyễn Văn Thái chia sẻ trên diễn đàn webtretho một loạt hình ảnh về con kiến ba khoang và những vết cắn trên người của con chị để các mẹ khác cùng cảnh giác.
Chủ đề này đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ. Nickname Chip89 ở chung cư Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mấy hôm nay trong nhà chị bắt đầu xuất hiện loại côn trùng này. Chị chia sẻ: “Cũng mùa này năm ngoái, con gái tôi đã bị con kiến này cắn, lúc đầu không biết, nhà tôi tưởng cháu bị zona và mua thuốc về trị mãi chưa khỏi. Mấy hôm nay, nhà tôi lại bắt đầu thấy xuất hiện loại kiến này”.
Rất nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng, làm thế nào để đối phó với loại côn trùng này. Nhiều mẹ hốt hoảng: “Em ở khu chung cư Kim Liên, con bé nhà em bị con này cắn mà cứ tưởng bị giời leo, phải làm thế nào để tiêu diệt bây giờ hả các mẹ” hay “Mình đang khổ sở với kiếng ba khoang lắm. Trẻ con ở khu chung cư mình bị cắn nhiều lắm. Con trai mình bị cắn ngay đầu, mình phải cạo đầu cho con. Các mẹ chú ý bảo vệ con mình nhé”.
Kiến ba khoang hiện đang xuất hiện tại nhiều chung cư ở Hà Nội.
Nhiều mẹ chia sẻ cách chữa khi bị kiến ba khoang cắn. “Khi bị kiến cắn, các mẹ lấy đá chườm luôn cho con nhé. Không cần bôi thuốc gì cả. Cứ chườm liên tục cho nốt đốt lặn xuống là khỏi. Ngày chườm khoảng mấy lần. Còn bôi cái gì vào nốt đấy cũng sưng lên và mưng mủ, rất đau và độc nhé".
Trao đổi với Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, Khoa hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung Ương, bà cho biết, kiến ba khoang sinh sôi, phát triển mạnh vào đầu mùa mưa, thời tiết ẩm ướt tháng 8, 9, 10. Loại côn trùng này thường xuất hiện vào ban đêm, ở những nơi có ánh điện, đèn nê-ông… Hiện nay, ở các thành phố hầu hết đều dùng đèn nê-ông nên loại côn trùng này xuất hiện ngày càng nhiều và lan rộng nhanh.
Tiến sỹ Phạm Thị Khoa khuyến cáo người dân cẩn trọng với loại côn trùng này (Ảnh: Mai Hương)
Vết cắn của kiến ba khoang tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó gây tổn thương da rất mạnh. Đặc biệt, đối với những người có cơ địa dị ứng với côn trùng thì dễ sưng rộp, nổi bọc nước sau khi bị cắn 12 - 36 giờ. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang lở loét; trường hợp bị đốt ở mắt có thể gây mù lòa tạm thời.
TS Khoa khuyến cáo người dân nên thận trọng vì việc tiêu diệt loại côn trùng này rất khó. Do có hệ thống lỗ thở dọc các đốt nên ngửi thấy mùi hóa chất là lập tức các lỗ đóng lại, không thở nữa, chúng lăn ra chết giả, thậm chí có thể kéo dài cả tuần sau đó tỉnh lại.
Điều đáng lo ngại hơn là trên thị trường có rất nhiều hóa chất trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được kiểm soát về chất lượng, phun vào côn trùng không chết mà còn nguy hại đến sức khỏe. Do đó, TS khuyên người dân tuyệt đối không nên tự ý mua các loại thuốc được quảng cáo ngoài thị trường về tự phun trong nhà.
Theoo bà Khoa, giải pháp tốt nhất là các gia đình nên dùng lưới chống muỗi, côn trùng, giảm bớt ánh đèn vào các tháng côn trùng phát triển. Nên giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, sử dụng các loại cây đuổi côn trùng trong nhà như xả, dạ hương.
Nếu chẳng may bị kiến ba khoang đốt, người dân cần xử lý nhanh bằng cách lấy nước sạch mát rửa chỗ kiến đốt, sau đó cho xà phòng rửa nhẹ. Tuyệt đối không được chà mạnh khiến vết đốt lở loét dẫn tới nguy cơ nhiễm trùng. Nếu bị đốt nhiều, các vết đốt sưng to, bỏng rát thì nên đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.