
Cách sắp đặt lại hệ thống âm thanh tại gia ?

Phòng nghe là yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng âm thanh. Trên thực tế, có thể coi đặc tính âm học của phòng nghe như “thiết bị đặc biệt” trong hệ thống hi-fi. Bởi mỗi phòng nghe sẽ tạo nên một hiệu ứng đặc biệt đến quá trình tái tạo âm thanh của bộ dàn. Do đó, hệ thống audio chỉ có thể phát huy tối đa khi được kê đặt chính xác trong môi trường đã xử lý âm học phù hợp. Một trong những biện pháp đơn giản, nhưng khá hiệu quả trong việc cải thiện âm thanh của hệ thống là sắp đặt hệ thống loa vào vị trí tối ưu trong phòng nghe.
Cách bố trí loa trong phòng nghe là yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng âm thanh và khả năng trình diễn của loa. Công việc tưởng như đơn giản này lại là rắc rối lớn nhất với rất nhiều người nghe. Việc sắp đặt loa có tác động không nhỏ đến độ chi tiết, sự chính xác của âm hình, chất và lượng của âm bass, sự trung thực của âm mid… Để có cách sắp xếp loa phù hợp nhất với từng loại phòng nghe, người dùng cần nắm rõ những nguyên lý cơ bản về các mối tương quan giữa hai loa, hệ thống loa với người nghe và loa với phòng nghe. Dưới đây là một số lưu ý khi sắp đặt loa trong phòng nghe.
Đầu tiên là mối tương quan “hình học” giữa người nghe và loa, nghĩa là phải sắp xếp sao cho người nghe và hai loa xếp thành hình tam giác cân với vị trí ngồi nghe nằm trên đường phân giác. Nguyên tắc này đảm bảo tạo ra âm hình tốt nhất. Tiếp theo, khoảng cách từ loa đến các bức tường phòng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và độ lớn của âm trầm. Loa càng đặt gần tường và góc phòng nghe, âm bass càng lớn. Song điều này không đảm bảo cho chất lượng của âm trầm. Trong nhiều trường hợp, việc đặt loa gần tường khiến âm trầm trở nên thiếi kiểm soát, đánh mất độ chi tiết cần thiết.
Tiếp đó, vị trí của loa và vị trí ngồi nghe trong phòng cũng ảnh hưởng đến cách thức cộng hưởng của phòng. Lối cộng hưởng đặc trưng sẽ tăng cường ở một số tần số nhất định, tạo nên đỉnh trong toàn bộ dải tần. Kết quả của hiện tượng này có thể khiến âm thanh trở nên thiếu tự nhiên, bị sai âm hoặc lùng bùng. Chỉ khi nào âm cộng hưởng của phòng được giới hạn, âm trầm của hệ thống mới trở nên chính xác, âm trung sẽ trong sáng hơn.
Điểm cần lưu ý khi đặt loa là khoảng cách từ loa đến bức tường phía sau càng xa, âm hình càng được cải thiện, đặc biệt theo chiều sâu. Do đó, nếu không bị giới hạn về chiều sâu của không gian phỏng, người chơi nên đặt loa cách tường sau tối thiểu 1,2m. Bên cạnh đó, một trong những điểm mà người nghe ít chú ý là độ cao của loa. Bởi không phải ngẫu nhiên mà ở độ cao khác nhau, loa có thể phát ra tông giọng không giống nhau. Dĩ nhiên, với mỗi cặp loa, nhà sản xuất sẽ khuyến cáo đặt ở độ cao nhất định để cặp loa cho chất âm cân bằng nhất.
Ngoài ra, việc tính toán độ chụm (góc nghiêng của loa hướng về phía người nghe) không chỉ ảnh hưởng đến độ cân bằng trong chất giọng mà còn tác động đến độ rộng của âm hình và độ chụm của âm thanh.
Cụ thể hơn, yếu tố quyết định chất lượng âm thanh xuất phát từ loa là mối quan về hình học giữa người nghe và hai loa (chưa kể các yếu tố của phòng nghe). Điều quan trọng nhất là người nghe ngồi chính giữa hai loa, tức là khoảng cách từ người nghe đến mỗi loa bằng nhau (người nghe và hai loa tạo thành hình tam giác cân). Khi đó, vị trí của người nghe được coi là điểm ngọt (sweet spot). Về cơ bản, đó là điểm nghe tối ưu, đón nhận nhiều chất lượng âm thanh phát ra từ hai loa với chất lượng tốt nhất. Khoảng cách từ người nghe đến hai loa nên dài hơn khoảng cách giữa hai loa đôi chút. Nếu không thực hiện được yêu cầu này, người chơi khó có thể khai thác được âm hình tốt nhất của hệ thống.
Việc điều chỉnh khoảng cách giữa hai loa đòi hỏi người nghe phải lựa chọn để hy sinh một trong hai yếu tố: âm hình và độ chụm của âm thanh. Cụ thể hơn, hai loa càng xa nhau (vị trí người nghe không đổi), âm hình càng có xu hướng mở rộng, song độ chụm của âm thanh trở nên mờ nhạt, thậm chí không tồn tại. Ngược lại, nếu đặt hai loa quá gần nhau, độ rộng của âm hình sẽ bị co lại, các chi tiết âm thanh cũng sẽ bị bó hẹp và bóp chặt, gây nên hiện tượng rối, nhiều hình âm.
Để giải quyết vấn đề này, người nghe còn một giải pháp khác là điều chỉnh góc nghiêng của loa. Ở một góc nghe phù hợp, cặp loa có thể tạo nên âm hình rộng với âm thanh chụm, gắn kết. Người chơi có thể thực hiện một số thao tác đơn giản để tìm ra vị trí, góc nghe tối ưu bằng cách giữ nguyên góc mở của loa và thay đổi vị trí ngồi nghe tiến lên hoặc lùi xuống trên một đường thẳng. Trong quá trình dịch chuyển và lắng nghe đó sẽ có một điểm mà ở đó âm thanh được tái tạo gắn kết, chặt chẽ, âm hình vững và ổn định. Thông thường, giọng hát của ca sĩ được mix sao cho nằm chính giữa sân khấu. Dựa vào đó, người chơi có thể sử dụng đĩa vocal để kiểm tra độ tập trung và cân bằng của âm hình. Tiếp tục hoàn thiện quá trình này, người nghe có thể đặt hai loa khá gần nhau, lắng nghe thật kỹ và xác định điểm chính giữa của âm hình. Dịch hai loa ra xa hơn một chút và tiếp tục lắng nghe. Liên tiếp lặp lại quá trình dịch chuyển/lắng nghe cho đến khi cảm nhận được khoảng chính giữa của âm hình trở nên rộng hơn, phân tán hơn, ít tập trung hơn, điều đó cho thấy người nghe đã chạm đến điểm giới hạn, bắt đầu vượt quá khoảng cách tối ưu giữa hai loa. Người nghe cần lưu ý, chỉ lắp chân đế nhọn cho loa sau khi tìm ra được vị trí tối ưu trong phòng nghe.
Một yếu tố rất đáng để người nghe cân nhắc là mối tương quan với phòng nghe. Vẫn có thể áp dụng nguyên lý “tương quan hình học” cho vị trí nghe và loa, song hãy thử nghiệm ở vị trí nghe gần loa (tương ứng khoảng cách giữa hai loa hẹp) và vị trí nghe cách xa loa (tương ứng khoảng cách giữa hai loa rộng) và so sánh. Thực tế, ở vị trí nghe xa hơn, các đặc tính âm học của phòng nghe sẽ tác động đến chất âm nhiều hơn so với vị trì nghe gần. Với vị trí ngồi gần loa, người chơi sẽ nghe được âm thanh trực tiếp từ loa nhiều hơn và tránh được nhiều âm phản xạ. Ở một số hệ thống, người nghe cần ngồi xa loa một khoảng cách nhất định để các loa con có thể tích hợp tối ưu với nhau. Nếu người nghe cảm nhận sự khác biệt quá rõ ràng với âm thanh phát ra từ mỗi loa con, từ các dải tần, thì họ cần gia tăng khoảng cách với hệ thống loa đó.

Vấn đề chất lượng âm thanh không phải nằm ở việc bạn mua một bộ rạp tại gia giá 2.000 USD hay 50.000 USD, mà thực chất vấn đề còn nằm ở cách bố trí và sắp đặt hệ thống này sao cho đúng. Trước khi nghĩ rằng mình có một bộ dàn tồi và cần phải nâng cấp, hãy thử một số mẹo sắp xếp dưới đây xem chất lượng âm thanh có được cải thiện hơn không, bởi đôi khi, chính việc sắp đặt không đúng cách đã khiến cho một bộ âm thanh chất lượng trở nên tồi tệ đối với bạn.
Loa trung tâm.
![]() |
Hệ thống âm thanh được sắp đặt lý tưởng. Ảnh: Canadahifi. |
Thông thường, các loa trung tâm không được đặt ở vị trí tối ưu. Lý tưởng, loa tweeter của loa trung tâm phải được đặt trong cùng mặt phẳng ngang với loa tweeter của hai loa trái phải. Tuy nhiên, cách sắp đặt này khó có thể thực hiện được trên thực tế bởi loa trung tâm thường được đặt trên hoặc dưới màn hình TV. Trong trường hợp này, bạn nên đặt loa trung tâm càng sát TV càng tốt. Tweeter của loa trung tâm càng xa tweeter hai loa trái phải bao nhiêu thì âm hình của loa trung tâm càng ít chính xác bấy nhiêu. Chất lượng âm thanh còn bị ảnh hưởng bởi phản âm từ trần và nền nhà, vì thế mà loa trung tâm càng gần các mặt phản âm này, âm thanh sẽ càng bị "sền sệt".
Ngay cả nếu như màn hình TV của bạn không hoàn toàn nằm chính giữa loa trái phải, bạn vẫn nên để loa trung tâm ở vị trí chính giữa màn hình, bởi hầu hết lời thoại trong phim sẽ do loa trung tâm đảm nhiệm, vì thế phải làm sao cho âm luôn như được phát ra từ chính màn hình.
Nếu loa trung tâm được đặt ở trên giá trong hốc tường hay giá để TV, hãy kéo nó sát ra rìa bên ngoài thay vì để thụt vào trong. Nếu loa bị thụt vào trong, âm thanh nghe sẽ như phát ra từ trong hộp, rất bí. Bằng việc kéo dịch loa ra ngoài, bạn đã tạo thêm khoảng không để âm thanh được "mở" hơn và có thể bạn sẽ thấy ngạc nhiên về chất lượng âm chỉ với vài dịch chuyển nhỏ như vậy.
Cuối cùng, đảm bảo là loa trung tâm được đặt ngang bằng với vị trí ngồi nghe, không quá chúc xuống dưới, không quá ngẩng lên trên. Để điều chỉnh, bạn có thể dùng những miếng đệm nhỏ kê dưới để sao cho màng loa chiếu thẳng theo phương ngang tới trước mặt mình.
Loa trước.
![]() |
Các sắp đặt 2 loa trước điển hình. Ảnh: Extranet. |
Các loa trái phải thường khá dễ xếp đặt. Lý tưởng là các loa này được đặt cân đối hai bên của màn hình TV và được xoay một góc khoảng 22 đến 30 độ hướng về phía vị trí ngồi nghe. Hai loa này phải được đặt trên cùng một mặt phẳng ngang với loa trung tâm, và nếu chúng là dạng bookshelf và được đặt trên giá hay hốc tường, hãy dịch chúng ra sát mép ngoài.
Khoảng cách giữa các loa này với tường hậu và tường bên cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới âm trầm cũng như trường âm chung. Loa càng đặt gần tường hậu hay tường bên, âm trầm nghe càng mạnh hơn. Khoảng cách giữa loa với tường sẽ tác động tới chất lượng và mức độ âm trầm. Kéo loa ra xa tường hậu sẽ gia tăng độ sâu trường âm, nhưng nếu kéo xa quá sẽ lại giảm độ tập trung âm. Tùy vào diện tích căn phòng mà thử các khoảng cách khác nhau và tự quyết định độ xa như thế nào là vừa tối ưu, vừa thích hợp cho tai nghe của bạn. Lưu ý, khoảng cách loa đến tường hậu và tường bên không nên để bằng nhau.
Khoảng cách giữa hai loa trái phải cũng ảnh hưởng đến độ rộng của trường âm, theo đó, khoảng cách càng lớn, trường âm càng rộng. Hướng loa về phía vị trí ngồi nghe theo độ chụm khác nhau cũng có ảnh hưởng đến trường âm và âm hình trung tâm. Độ chụm càng lớn, âm hình trung tâm càng rõ nét nhưng âm trường lại giảm và ngược lại. Vì thế, hãy tự tìm cho mình góc xoay loa và độ chụm sao cho vừa tai nhất.
Loa surround.
![]() |
Loa surround nên đặt hơi lên một chút so với vị trí ngồi nghe. Ảnh: Fastcache. |
Các loa surround nên được đặt hơi lên một chút so với vị trí ngồi nghe. Có thể đặt các loa này ở ngay vị trí hai bên tai nếu phòng hẹp, nhưng nếu phòng rộng hơn, bạn có thể chuyển hơi dịch phía sau vị trí ngồi nghe với độ chếch khoảng 20 độ. Trong phim, âm của loa surround chủ yếu là âm môi trường xung quanh nên hướng tính không quá quan trọng như đối với loa trung tâm. Tuy nhiên, nếu sử dụng loa surround là các loa lưỡng cực cũng có thể gia tăng thêm trường âm cho phim.
Các hệ thống 6.1 và 7.2.
![]() |
Một hệ thống 7.2 kênh tiếng. Ảnh: S8. |
Trong hệ thống 6.1, do loa sau chỉ có một nên có thể đặt ngay phía sau vị trí nghe với độ cao tương tự như loa trái phải sau. Việc có thêm một loa này giải phóng cho các loa surround khỏi phải đặt ở sau vị trí ngồi để tạo hiệu ứng mà có thể đặt ngay hai bên vị trí ngồi nghe, còn phía sau đã có loa hậu đảm nhiệm.
Nhưng nếu bạn có hệ thống 7.2, nghĩa là có tới 2 loa sau, sẽ có hai trường phái đặt loa sau. Trường phái thứ nhất là đặt các loa sau cách xa nhau để tạo một trường âm rộng hơn với âm phân bố đều hơn. Trường phái thứ hai lại đặt chúng gần nhau (nhưng không phải là sát nhau) để tạo điểm trung tâm tốt hơn cho các âm từ phía sau. Ví dụ, nếu một nhân vật trong phim đi đến từ phía sau người xem, bạn sẽ muốn nghe thấy bước chân nhân vật này ở ngay phía sau lưng mình chứ không phải từ hai hướng phía sau dội lại. Chuẩn âm thanh rạp THX khuyến cáo kiểu đặt loa theo trường phái thứ hai này. Tuy nhiên, một trong những đặc tính liên quan đến sở thích nghe nhìn là những gì là tồi với người này có khi lại là hay với người khác. Vì thế, tùy sở thích của bạn là gì mà bạn có thể sắp đặt theo trường phái nào chứ không nhất thiết phải theo, kể cả đó có là THX.
Âm tính của phòng nghe.
![]() |
Một phòng nghe được cách âm hoàn chỉnh. Ảnh: Twincitiers. |
Bản thân phòng nghe cũng có vai trò quan trọng tác động đến chất lượng của bất kỳ hệ thống âm thanh nào. Tất cả mặt phẳng cứng có trong phòng nghe sẽ phản xạ âm thanh và âm thanh chúng ta nghe được là sự kết hợp của âm chính và âm phản. Âm chính thì đến thẳng tai nghe, trong khi âm phản thì đến từ tường bao, trần, sàn nhà hay đồ đạc với một độ trễ nhất định. Thông thường, âm chính chủ yếu tạo nên âm hình, còn âm phản tạo nên sắc điệu.
Điều đầu tiên bạn cần quan tâm là sàn nhà. Sàn càng cứng thì âm phản càng nhiều. Do âm phản đến tai chậm hơn các âm chính nên khi kết hợp, chúng khiến cho toàn bộ âm bị "sền sệt", không rõ ràng, nhất là các âm kênh trung tâm. Nếu có thể, hãy trải một lớp thảm dày trong phòng nghe, hoặc ít nhất cũng là một tấm thảm giữa hệ thống loa trước và vị trí bạn ngồi nghe. Và tốt nhất, không nên để bàn uống nước ở khoảng không này bởi nó cũng sẽ góp phần làm cho âm phản chói hơn.
Mặt phản âm thứ hai cần quan tâm là tường bên. Hãy nhờ một người cầm một chiếc gương ở cùng độ cao với loa tweeter của loa trái hoặc phải và đứng ở sát tường bên của loa đó và quay về phía vị trí ngồi nghe. Ở vị trí này, nếu bạn nhìn thấy loa (trái hoặc phải) trong gương, nghĩa là vị trí đó sẽ là điểm phản âm chính, và bạn nên dùng các vật liệu hấp thụ âm phủ lên bề mặt này. Nếu điểm phản âm này là cửa sổ thì nên mua một tấm rèm dày. Lặp lại thao tác này ở cả hai bên trái và phải của loa chính.
Điểm phản âm tiếp theo cần lưu tâm là trần nhà vì nó cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến kênh trung tâm. Hãy đặt một tấm hấp thụ âm phía trên vị trí loa trung tâm sẽ tạo được chất âm thoại "chặt" hơn.
Tường hậu của phòng nghe cũng nên được phủ một lớp hấp thụ hoặc tán âm. Có thể dùng một giá sách lớn hoặc tấm tản âm phù hợp.
Đặt loa siêu trầm.
![]() |
Một vị trí đặt loa siêu trầm lý tưởng. Ảnh: The-home-cinema. |
Đặt loa siêu trầm hợp lý cũng khá phức tạp bởi mức độ tác động đến không gian âm trong phòng của loa siêu trầm có thể còn tồi tệ hơn các loa toàn dải thông thường. Các loa này lại thường to và cồng kềnh mỗi khi di chuyển nên việc tìm được vị trí thích hợp cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Một trong những cách dễ dàng nhất để tìm điểm đặt loa siêu trầm là áp dụng quy trình đảo. Nghĩa là, thay vì tìm điểm đặt, bạn hãy đặt loa siêu trầm tại đúng vị trí ngồi nghe, sau đó chơi những đoạn nhạc có nhiều âm trầm và di chuyển ghế ngồi đến từng vị trí khác nhau trong phòng cho đến khi nghe được âm thanh hợp lý nhất. Lúc này hãy chuyển loa siêu trầm đến vị trí đó và quay lại ngồi ở vị trí nghe xem chất âm có thay đổi gì hay không.
Một cách cải thiện âm trầm khác cũng có thể áp dụng đó là sử dụng các tấm tiêu âm trầm. Đặt một tấm tiêu âm ngay phía sau của loa trầm, sau đó lấy các tấm tiêu âm khác và đặt ở các góc khác nhau trong căn phòng cho đến khi các âm dội biến mất và âm trầm nghe sâu và sạch hơn.
Cấu hình bộ A/V Receiver.
Các bộ receiver A/V hiện đại thường đều có chức năng cho phép hiệu chỉnh nối với loa nào, kích cỡ mỗi loa, khoảng cách tới vị trí nghe và tới mỗi loa và tần số giao cắt. Một số receiver thậm chí còn cho phép thiết lập trở kháng riêng cho từng loa nối vào. Để đảm bảo chính xác, bạn có thể phải dùng đồng hồ đo áp lực âm (Sound Pressure Level_SPL) bán rời cho các hiệu chỉnh này.
Tuy nhiên, ngoài việc thiết lập bằng tay như trên, các receiver hiện đại còn có chức năng tự căn chỉnh thiết lập loa tích hợp. Theo đó bằng việc dùng một microphone đi kèm được đặt ở vị trí ngồi nghe, receiver sẽ tự động phát ra các âm khác nhau, thu lại và tự động tính toán mức độ phân phối âm cũng như tần số giao cắt tới mỗi loa trong hệ thống. Khi đã được tính toán, hệ thống âm thanh sẽ được tối ưu để loại bỏ các hiện tượng méo âm gây ra do phản âm (từ tường hay các vật dụng khác trong phòng).
Hầu hết các nhà sản xuất receiver đều phát triển riêng hệ thống tự động căn chỉnh của riêng mình. Một số khác lại dựa vào hệ thống căn chỉnh tiêu chuẩn của hãng Audyssey. Về mặt đại thể có thể nói các receiver càng đắt tiền thì hệ thống căn chỉnh tự động sẽ càng chính xác.
Một trong số các cách được nhiều người áp dụng mà bạn có thể học hỏi là lựa chọn cách căn chỉnh âm thanh bằng tay trước, nghe sau đó để receiver tự động căn chỉnh xem chất âm ở cách nào là hợp lý, từ đó tinh chỉnh để phù hợp với sở thích nghe của riêng mình.