
Chia sẻ kinh nghiệm dùng chân côn đúng cách khi lái xe ?

Có nhiều cách đi số nhưng không thể bỏ qua những cách đi số cơ bản. ‘’ Côn ra ga vào – Ga vào côn ra ‘’ có lẽ là nguyên tắc cơ bản. Tuy nhiên việc sử dụng chân côn thế nào?
- Đạp côn chạm sàn và hành trình 1/3 khi khởi động máy và khởi hành: Điều này nhiều người nếu học k bài bản chắc chắn sẽ không biết. Trước hết thao thác này sẽ giúp điều chỉnh tư thế ngồi khi lên xe, thao tác này cùng với việc lắc ngang cần số giúp cho bạn chắc rằng xe đã ở số 0, trường hợp xe vẫn đang ở số nào đó thì bạn vẫn có thể khởi động nổ xe dễ dàng. Khi côn chạm sàn, xe nổ vào số 1 nhả nhẹ 1/3 hành trình đạp côn thấy xe rung lên là lúc côn đã bám. Tuy nhiên hành trình côn phụ thuộc vào đời xe, loại xe có xe côn cao, xe côn thấp, lá côn mòn hay còn tốt vv. Ngoài ra việc này cũng giúp cho việc đi ‘’số tắt’’ vào những trường hợp dừng xe khẩn cấp hay đi chọn số phù hợp với tốc độ tương ứng.
- Đạp côn dứt khoát khi ngớt ga để chuẩn bị lên số: điều này có vẻ không hoàn toàn đúng khi xe đang đi với tốc độ chậm vì sẽ gây ‘’hẫng’’ nhất thời vì vậy nếu ở tốc độ chậm nên miết chân côn rồi đạp chạm sàn. Khi tốc độ xe từ 40km/h trở lên thì việc đạp chân côn dứt khoát khi lên số sẽ giúp xe ‘’ thoát ‘’ nhanh và tăng tuổi thọ bộ côn.
- Côn ra từ từ để tiếp ga khi lên số xong: Điều này khi ở tốc độ chậm sẽ giúp xe k có cảm giác rung giật tuy nhiêu nếu lạm dụng việc đi số thấp trong quãng đường dài mà k lên số sẽ làm giảm tuổi thọ bộ côn, tiếng xe sẽ gầm gừ khó chịu... khi xe đạt tốc độ và điều kiện an toàn đủ thì cần đi hết số. Khi từ số 4 lên 5 có thể đạp và ra côn dứt khoát. Với những xe hiện đại có ‘’ bù ga’’ thì ngớt ga đạp côn lên số mà k cần tiếp ga xe sẽ bù ga lên vòng tua để cho người lái chỉ việc tiếp thêm ga nếu muốn đi nhanh hơn.
- Vê hay đỡ côn khi đề pa lên dốc hay đi với tốc độ chậm: Thao tác này có lẽ gây hại cho côn nhất. Tuy nhiên việc đề pa lên dốc hay di chuyển với tốc độ chậm nối đuôi nhau lên dốc là điều khó tránh khỏi vì vậy hãy hạn chế việc vê hay đỡ côn bằng việc sử dụng phanh tay, ra số 0 khi dừng xe lâu, đi số đúng tốc độ, đạp côn chạm sàn khi xe bị đuối và ‘’nuôi ga’’ rồi chọn số hợp lý. Khi nhìn đệm cao su trên bàn đạp côn của một chiếc xe nếu thấy mòn quá nhiều có nghĩa là người lái đặt áp lực nhiều lên chân côn.
- Khi đang đi với tốc độ cao mà có sự cố bất ngờ bạn phải phanh trước đừng lo xe chết máy mà để xe trôi theo lực hãm của phanh và lực quán tính khi cảm giác chậm hẳn rồi hay xe hơi giật bạn đạp côn chạm sàn rồi xử lý tiếp cũng chưa muộn.
- Vấn đề côn kép = hai côn = ù cạch cạch: Điều này có lẽ ít được nói tới trong đào tạo thời kỳ này vì đa phần các xe đều là xe hiện đại việc đồng tốc giữa các hệ thống truyền động ngày càng chính xác. Côn kép chỉ dùng cho những trường hợp xe cũ, lạc hậu, đồng tốc kém. Côn kép hiểu là: 2 lần đạp côn mới lên hay giảm được một số ( ù cạch cạch là vậy) vút ga côn lần thứ nhất ra số 0 > úm ga > côn lần 2 > lên số cần đi. Tuy nhiên với các xe cũ, số dai, hay trong các trường hợp khẩn cấp từ số cao về số thấp sử dụng côn kép cũng rất hiệu quả..
Tóm lại, việc đi xe số sàn ngoài đôi tay ra thì đôi chân cũng rất quan trọng mà chân côn cũng là cần sử dụng đúng kỹ thuật bài bản. Hãy sử dụng mu bàn chân (hay ức) để đạp côn. Chỉ sử dụng côn khi cần thiết, khi đã sử dụng xong hãy đặt ra ngoài bàn đạp hay thư giãn co duỗi tuỳ thích rồi lại để vào vị trí sẵn sàng dễ đạp nhất khi cần.

Thật tình lái xe số sàn thích nhất là anh chàng côn này.
Côn cũng như cá tính của một thanh niên vậy. Vào thì mạnh mẽ và dứt khoát, nhưng ra thì nhẹ nhàng êm ái nhất là khi tăng giảm số. Có lúc thì nhấn nhứ theo kiểu vào không vào hẵn mà ra cũng không ra hẵn khi đang ở số thấp để xe tăng hay giảm bớt trớn mà không bị đỏ đít nhiều lần.
Có lúc thì phải cứ giữ yên cho xe bò đến mỏi cả bàn chân. Còn những lúc cần tăng tốc vượt xe khác thì côn như anh chàng lính chiến xung trận vào rất mạnh mẽ và ra cũng oai hùng: nhấn ga, qua mặt, vào côn, chuyển số, nhả côn và vào ga. Vèo một cái đã qua mặt khi vượt xe khác. Cảm giác này thì lái xe số tự động rất tiếc là không có vì côn đã được lập trình sẵn.
Nói chung sử dụng côn hợp lý khi chạy số sàn sẽ rất thú vị!

Theo tôi , các bác phải hiểu tác dụng của côn (hay ly hợp) là ngắt truyền động từ động cơ đến trục bánh xe theo tốc độ xe thích hợp.Sang số và ngắt côn thích hợp sẽ làm cho xe tiết kiệm xăng và bền máy, các bác mới lái hay gặp tình trạng ép ga ( tức là tốc độ xe đi chậm mà không chịu trả về số thấp 1hoặc 2, cứ đạp ga mà đi) làm hao xăng, máy mau xuống cấp nữa.tóm lại là nhiệm vụ của côn chỉ sử dụng khi sang số thôi.
Khi sang số xong thỉ chân trái phải để sang một bên, tránh đạp lên chân côn dẫn đến mau mòn bố côn. khi các bác thắng thì phải rà thắng trước chứ không phải ngắt côn trước rồi mới đạp thắng nha các bác. Điều này các bác nào mới tập lái lưu ý cho,các bác tài già nhiều năm kinh nghiệm đều bảo phải làm vậy hết.
Nhưng tôi không hiểu tại sao khi học trong trường dạy lái xe, các thầy nhà ta lại bảo phải đạp côn trước rồi mới rà thắng, rất nguy hiểm do xe chạy bằng quán tính khá nhanh. Chúng ta có thói quen sai từ khi đi học, do vậy bác nào mới lái nên tập lại cho đúng, tôi lúc đầu lái cũng vậy thôi.
Để côn lâu mòn và xe không bị giật khi sang số, chúng ta nên đạp sát chân côn khi sang số và thả từ từ, đạp nhẹ ga (òa ga) là xe sẽ nhẹ lướt đi. tất nhiên là đi nhiều sẽ đạp nhả côn nhẹ nhàng thôi mà các bác.
Chúc các bác lái xe an toàn!

Chắc do thói quen, nên bà con mình cứ gọi bàn đạp ly hợp là côn. Tôi xin phép được phản đối lại cái từ "rà" chân côn. Rà chân côn, nghĩa là đạp ly hợp lưng chừng, nghĩa là giảm lực ép của lo xo ly hợp, giống như ta chỉ áp sát hai bàn tay vào với nhau, mà không ép chặt. Nếu có ngọai lực tác động, thì 2 đĩa này vẫn có thể trượt trên nhau.
Lúc này sinh nhiệt và mài mòn rất lớn. Về quan điểm cơ khí thì hòan tòan không nên làm thế. Chỉ xin xét trong trường hợp đa số xe du lịch, 4 đến 7 chỗ, có ly hợp ma sát khô thôi. Thứ nhất, khi khởi hành, lúc chúng ta đạp côn, vào số, thì đĩa chủ động của ly hợp quay theo động cơ, đĩa bị động lúc này đứng yên theo bánh xe. chúng ta buông chân côn, đĩa bị động sẽ tiến vào áp sát đĩa chủ động, nhanh hay chậm là do tốc độ buông chân.
Tại ly hợp lúc này, bắt buộc xảy ra sự trượt giữa 2 đĩa ly hợp. Tất nhiên, vật liệu ma sát của đĩa ly hợp được chế tạo để chịu được sự trượt đó. Vì khi có sự trượt, sẽ sinh ra nhiệt, và độ mài mòn rất lớn. Thứ hai, dù cho vật liệu của các đĩa ma sát ly hợp có bền đến đâu đi chăng nữa, thì muốn kéo dài tuổi thọ của ly hợp, các lái xe nên giảm thiểu sự trượt giữa hai đĩa. nghĩa là hai đĩa này quay cùng tốc độ. Rõ ràng là khi khởi hành, bắt buộc phải chấp nhận sự trượt rồi, nhưng có thể giảm thiểu, khi ta buông chân ly hợp 1 cách hợp lý, theo kinh nghiệm của tôi, thì nên để tốc độ tua máy lúc khởi hành càng thấp càng tốt, sự trượt giữa hai đĩa ly hợp sẽ giảm tối thiểu.
Cụ thể hơn, là đừng đạp ga vội, buông chân ly hợp ra từ từ, đến khi thấy xe rung nhẹ, lúc này tiếp thêm ga 1 chút, tiếp tục buông ly hợp, tốc độ buông tùy theo cảm nhận tốc độ xe, khi thấy xe đã nhích lên bằng người đi bộ (ở số 1) thì buông chân nhanh ra hòan tòan.
Khi xe đang chạy, nhất là trong thành phố, ở tốc độ chậm, nhiều bác hay rà ly hợp, để tránh giật xe, và chết máy, nhưng đây là cách phá ly hợp nhanh nhất vì lúc đó, sự trượt giữa hai đĩa ly hợp xảy ra liên tục có thể đến mức bốc khói có mùi khét mù lên do vật liệu ma sát của 2 má ly hợp quá nóng. Theo kinh nghiệm của tôi. Lúc dừng đèn đỏ trong thành phố, hay nhích từng mét một trong phố đông, thì lành nhất là cài số 1.
Không đạp ga, nhả chân ly hợp cho đến khi xe nhích 1 chút, thì đạp dứt khóat cho cắt ngay, để xe trôi theo đà từng tý một. Khi có thể chạy nhanh hơn 1 chút (bằng hoặc chậm hơn người đi bộ 1 chút) thì buông chân tòan bộ, vẫn không đạp ga nhé. Nếu có thể đi nhanh hơn 1 chút nữa, thì vào số 2, buông chân ly hợp dứt khóat, vẫn không đạp ga.
Nếu có chướng ngại vật trước mặt, thì đạp dứt khóat, sát sàn xe, và rà phanh thôi. Nôm na là nên nhấp nhấp ly hợp thôi. Và động tác đạp ly hợp, phải đảm bảo làm sao cho hai đĩa ly hợp có thời gian quay cùng tốc độ nhiều nhất. Các bác cũng nên tận dụng đà của xe, ví dụ chạy trên đường bằng phẳng trong thành phố, sắp tới ngã 3, ngã tư, hay chỗ đông người, thì cắt ly hợp, về số N luôn, cho xe trôi, vì đằng nào cũng phải thắng. Quán tính xe rất lớn mà. Đi như thế, tôi thấy, vừa tiết kiệm xăng, vừ bảo vệ được ly hợp. Vài kinh nghiệm nhỏ chia sẻ cùng các bạn.
Chúc các bạn lái xe an tòan.

Côn (hay còn gọi là ly hợp – đúng với ý nghĩa của nó, là ngắt hoặc truyền lực kéo của máy tới các bánh xe chủ động).
Để sử dụng côn cho đúng, dễ nhất là bạn nên để ý đến người thợ cưa máy, mới bập vào thanh gỗ họ phải cho cưa áp sát từ từ, sau đó quen tải của máy mới tăng lực áp, nhợ vậy máy cưa không bị giật hay cháy.
Đó là khi đạp hay nhả côn. Còn khi đi trên đường xấu hay đi tốc độ chậm, bạn có thế nhấp côn để tạo ra lực hợp lý mà số không làm được cho dù đã lựa chọn số tối ưu nhất cho tình huống.