
Có bầu nhưng không biết và tiêm vacxin phòng Rubella có sao không?

Chào bạn!
Tiêm văcxin nghĩa là tiêm một liều lượng virus vào cơ thể, để từ đó cơ thể tự sinh ra kháng thể. Với văcxin phòng rubella, các bác sĩ thường khuyến cáo sau tiêm 2-3 tháng, tối thiểu là sau 1 tháng chị em mới nên có thai, khi đấy cơ thể đã sản sinh ra kháng thể.
Theo phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, về nguyên tắc, phụ nữ mang thai không nên tiêm văcxin rubella. Lý do là về lý thuyết, văcxin rubella là văcxin sống, đã giảm độc lực nhưng vẫn có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, như dẫn đến dị dạng bẩm sinh giống như nhiễm virus rubella.
Tuy nhiên, trên thực tế người ta không có bằng chứng về vấn đề này. Qua theo dõi 1.000 bà bầu - đã tiêm văcxin rubella trong thời kỳ đầu mang thai mà không biết mình có thai - cho thấy không ai sinh con bị dị dạng bẩm sinh.
Vì thế, theo ông, không có chỉ định nạo phá thai trong trường hợp đã tiêm khi mang thai ở tháng đầu. Chị em cần đi khám thai thường xuyên để được tư vấn và chăm sóc thai tốt hơn.
Chúc bạn mẹ tròn con vuông!

Bệnh Rubeon là một bệnh sốt phát ban do virut Rubella gây nên. Nếu mắc bệnh trong thời kỳ có thai, đặc biệt 3 tháng đầu, sẽ có nguy cơ con sinh ra mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) với một số dị tật liên quan đến mắt, tai, não..
Về bản chất, bệnh thường không nguy hiểm với người lớn vì các triệu chứng thường nhẹ. Sau khi mắc bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời. Tuy nhiên, do yếu tố nguy cơ với thai nhi nên cần đuợc tiêm phòng.
Tại nhiều nước, vắc xin Rubella được tiêm cho trẻ em trên một tuổi, phối hợp với vắc xin quai bị và vắc xin sởi. Hiện tại vắc xin phối hợp này đã có ở Việt Nam.
Khi tiêm chủng vắc xin Rubella cho phụ nữ tuổi sinh đẻ, Ủy ban tư vấn thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ (ACIP) khuyến nghị cán bộ tiêm chủng phải hỏi người phụ nữ định tiêm vắc xin xem đang có thai hay không hoặc có dự định có thai trong 4 tuần tới không. Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 4 tuần không nên tiêm vắc xin Rubella vì vẫn tồn tại một nguy cơ rất nhỏ về mặt lý thuyết cho thai nhi.
Tất cả các trường hợp khác nên được tiêm vắc xin sau khi được giải thích về nguy cơ lý thuyết của việc tiêm vắc xin trong thời kỳ có thai và tầm quan trọng của việc không nên có thai trong vòng 4 tuần sau khi tiêm vắc xin.
Nếu người phụ nữ được tiêm vắc xin đang có thai nhưng không biết hoặc có thai trong vòng 4 tuần sau khi tiêm vắc xin, thì nên được bác sĩ tư vấn về các vấn đề có liên quan đến thai nhi. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin phối hợp sởi – quai bị – Rubella không được coi là nguyên nhân dẫn đến bỏ thai.