
Còi xe hơi - bấm thế nào là đủ ?
"Mình còi rồi mà họ có tránh đâu. Không bóp sao em đi được?" là câu trả lời của một tài trẻ taxi Mai Linh. Quãng đường 2 km, 3 ngã tư mà còi liên tục, liên tục.
Sau Tết, tôi công tác 3 ngày ở Nha Trang xinh đẹp. Đi bằng taxi Mai Linh từ khách sạn Olympic đến chi nhánh văn phòng trên đường Nguyễn Thành Phương, chừng 2 km. Mỗi ngày hai chuyến, bác tài nào cũng nhiệt tình bấm còi. Cứ có xe phía trước là bóp. Họ làm như thể đã thành quen.
Còi ôtô, như bao thứ khác. Đủ thì tốt. Thừa thành bệnh. Nó là thứ để chúng ta giao tiếp với phần còn lại ở ngoài cửa kính. Sử dụng đúng sẽ thành "văn hóa giao thông".
Trên xa lộ, còi giúp bạn an toàn. Nhưng trong phố, đô thị hay ngang trung tâm thương mại, hãy hạn chế bấm. Ngang qua bệnh viện, trường học hay ban đêm từ 23h đến 5h sáng, theo luật GTĐB là cấm sử dụng.
Vậy mà 3 ngày Nha Trang, thành phố du lịch, còi như không hạn chế. Cả xứ Huế và miền Trung cũng vậy. Xe càng to, càng xịn thì càng có quyền "bắt nạt" các phương tiện nhỏ con và bình dân?
Xe ben, xe buýt "vừa ăn cướp vừa la làng" (giành đường và nẹt còi). Biển đỏ, biển xanh "nháy mắt" liên tục, "la hét" lấn làn rất tự nhiên. Xe xịn, xe sang của “đại gia” và "tiểu gia" thì "trương mắt ếch" (pha bật bất kể ngày đêm).
Nhiều bác tài, vừa chạy vừa bấm vang cả phố. Nhưng đôi khi chẳng vì lý do cụ thể. Chỉ đơn giản là được đi trước người khác.
Vì thế, còi có lẽ là lý do làm "mối thâm thù" giữa ôtô và xe máy ngày thêm chồng chất!
Ở TP HCM, nơi tôi làm việc và sinh sống, trừ ben, buýt và một số ít xe cá nhân là hay “la lối” thậm chí thi thoảng “chửi thề” còn lại phần lớn các phương tiện xe hơi khác khá lịch sự trong “giao tiếp”.
Đứa em rể ở Huế có lần cũng buột miệng thốt lên "người Sài Gòn hình như ít dùng còi".
Đường phố vốn dĩ đã nhiều âm thanh “tra tấn”, còi hợp lý (chỉ những trường hợp thật cần thiết) sẽ góp phần làm cho giao thông thêm trật tự, an toàn mà còn tạo hình ảnh đẹp với bạn bè đến thăm.
Điều đó bắt đầu từ mỗi cá nhân chúng ta, khi ngồi sau vô-lăng.
Vài lời chia sẻ từ những quan sát cá nhân khi tham gia giao thông.
Chúc các bác lái xe an toàn!

Mấy ông lái ôtô đường đông nghẹt cứ bấm còi inh ỏi là đây. Đi xe cũng thể hiện trí thông minh, tinh mắt, phản xạ tốt. Cấp bằng ào ào cho mấy cái ông chưa học hết cấp 3 ==> bấm còi inh ỏi là đúng rồi.
Có biện pháp không cần phạt tiền. Chỉ cần phạt học lại luật giao thông, học lại đạo đức lối sống khoảng 10 giờ. Chia ra 3 ngày mỗi ngày 3 tiếng trên đồn công an. Học xong mới cấp lại bằng (ông trời cũng không dám vi phạm lần 2).
Mấy chú công an cứ thấy người ta vi phạm nhiều là lại đòi tăng tiền phạt. Phải có biện pháp giải quyết đúng như vậy mới không tái diễn nữa. 3 ngày lên đồn công an hết 10 tiếng coi thử hơn cái tiền phạt không ^_^.
Bởi vậy có trách là trách nhà nước. Dân chỉ là...phần lỗi trong xã hội này thôi

Tôi là người rất hiếm khi còi, bất đắc dĩ lắm mới còi, những người ngồi sau xe mình thì cứ thấy vật cản là " kìa còi đi" mình thì nhất định không. Điều này tôi học được ở các nước bạn, sống ở nước bạn cả tuần tôi cũng không nghe thấy tiếng còi, thật là thích. Còn nhớ anh bạn tôi 2 lần bị đuổi việc vì lái xe cho sếp mà cứ còi mặc dù đã bị sếp nhắc nhiều lần.
Chưa kể còn có cái thói đèn pha chói rọi, ngược chiều nhau nhưng cứ hay chơi ngông, nhiều khi rất bực mình. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ở HN xe máy không bao giờ đi đúng phần đường của mình, đã thế lại còn đội những loại mũ bảo hiểm mà không biết còi to thê có nghe thấy không nữa.
Còn ô tô với nhau thì cũng hay lấn đường của nhau cho nên đã lấn đường thì họ cứ pha lên cho an toàn hay sao ấy. Đặc biệt các bác Taxi không bao giờ chịu đi theo hàng. Đôi khi tắc đường chính là do không nhường nhau là chính.
Xin cảm ơn nhưng cái còi đúng và đủ.

Những gì anh viết đều rất đúng. Tuy nhiên có câu chuyện của tôi, tôi muốn chia sẻ với anh và độc giả như sau.
Sau đợt công tác Thái Land về tôi thấy ở Bangkok mặc dù xe rất đông nhưng các bac tài rất ít khi sử dụng còi điều đó lam tối thấy rất hay. Về nước tôi thử áp dụng và kết quả tôi nhận được tức thời là một vết trầy xước rất nặng ở đầu xe do người đi xe máy cố chen lấn.
Thiết nghỉ lúc đó tôi bóp còi thì người đi xe máy kia chưa hẳn đã lao xe vào xe tôi. Theo tôi nghĩ cứ không phải chạy xe lớn hơn là dùng còi để bắt nạt những người chạy xe máy đâu mà đôi lúc những người chạy xe như chúng tôi còn bị xe máy bắt nạt nửa là khác.
Điển hình như câu chuyện trên mà xảy ra ngược lại thì chúng tôi chắc chắn sẽ bị bồi thường là cái chắc. Còn trường hợp của tôi thì xe máy bỏ chạy mất. Vì vậy ở hoàn cảnh chạy xe hơi ở VN mà không dùng còi thì coi như bịt mắt mà chạy xe thôi.

Biết thế nào là đủ, là thừa. Cứ cảm thấy không an toàn cho mình và người tham gia giao thông là phải bấm, chẳng có nhẽ lại không bấm. GTVN là ''phức hợp", đường thì bé, chợ xanh, chợ cóc thì nhiều, cửa hàng, vp, bệnh viện, trường học, cơ quan, dân cư... đều bám lấy mặt đường mà sinh nhai. Khi tất cả đều ùa ra đường thì hỗn tạp, tại sao lại không bấm.
Tp HCM có mức độ ô nhiễm môi trường rất cao, trong đó ô nhiễm về khí thải, về tiếng ồn, về khói bụi do các phương tiện tham gia giao thông chiếm tỷ trọng lớn, chưa kể ô nhiễm khói bụi và các chất độc hại từ các nhà máy, khu công nghiệp, ô nhiễm nguồn nước và rác thải công nghiệp cũng như của dân... vào loại cao nhất cả nước. Riêng tiếng ồn động cơ phương tiện và tiếng ồn do còi xe cao gấp hàng chục lần, thậm chí vài trăm lần so với tiêu chuẩn của WHO, NUH và cao nhất cả nước.
Sao có thể nói Tp HCM '' các PT TGGT khá lịch sự trong giao tiếp '' được. Muốn không dùng còi hoặc dùng một cách lịch sự, có VH thì hạ tầng GT phải tốt và cả ý thức của người TGGT nữa. Nếu hạ tầng mà chưa tốt thì khó có thể nói có ý thức tốt lắm. Ngược lại có ý thức tốt mà hạ tầng kém thì cái ý thức đó sẽ sớm mai một. Một ví dụ điển hình là cơ quan tôi có một nhóm chuyên gia người Đức làm cho một tổ chức phi Chính Phủ về các dự án trồng rừng.
Khi họ mới sang đây, lúc đầu là chưa dám TGGT, sau thì TGGT và họ có ý thức kỷ luật, tiết kiệm và tôn trọng Luật rất cao (tính cách của người Đức), sau 3 năm họ bị " Việt Nam hoá'', tức là cũng bon chen, cũng cướp khoảng trống, cũng lên vỉa hè khi tắc đường, cũng đi tắt, đi ngược chiều cho nhanh...
Một ví dụ nữa là trên đoạn đường cao tốc HN- Bắc Ninh; Pháp vân - Cầu giẽ ; Đại lộ Thăng Long; đường cao tốc Trung Lương - Tp HCM.... rất ít các phương tiện bấm còi. Vì sao ? Vì hạ tầng tương đối tốt, xe được phân làn, phân tốc độ và rất ít hoặc không có xe máy và các phương tiện thô sơ khác. Tóm lại là TGGT có VH với môi trường của VN là hơi khó.
Mặc dù chúng ta đưa Luật vào trường học từ lâu rồi, từ khi HS đang còn ở tuổi mẫu giáo cơ, thế mà vẫn không khá hơn được là bao. Khó quá.

Tôi cũng có muốn còi đâu, nhiều khi nghe các bác đằng sau còi nhiều cũng thấy ức chế lắm chứ. Nhưng khổ nỗi đường ô tô các bác xe máy cứ hồn nhiên đi vào, đi chậm nhưng cứ thích phải sát làn bên trái, không những không còi mà phải còi cho tới khi nào "trả lại tên cho em" thì mới thôi ấy chứ.
Chỉ mong các bác công an giao thông làm chặt về chạy xe đúng làn thì mới cải thiện được. Các bác này chả bao giờ bắt xe máy bởi chắc nghĩ họ ít tiền nên để xe máy, người đi bộ đi lung tung, cũng kệ, có khi người đi bộ sang đường sai ngay trước mặt nhưng công an cũng không bắt, chắc bắt họ chả được gì nên bắt ô tô sướng hơn.
Hãy đi đúng làn đuờng của mình, kể cả ô tô lẫn xe máy và người đi bộ thì sẽ giảm được còi nhiều.