
Còi xe hơi - bấm thế nào là đủ ?
"Mình còi rồi mà họ có tránh đâu. Không bóp sao em đi được?" là câu trả lời của một tài trẻ taxi Mai Linh. Quãng đường 2 km, 3 ngã tư mà còi liên tục, liên tục.
Sau Tết, tôi công tác 3 ngày ở Nha Trang xinh đẹp. Đi bằng taxi Mai Linh từ khách sạn Olympic đến chi nhánh văn phòng trên đường Nguyễn Thành Phương, chừng 2 km. Mỗi ngày hai chuyến, bác tài nào cũng nhiệt tình bấm còi. Cứ có xe phía trước là bóp. Họ làm như thể đã thành quen.
Còi ôtô, như bao thứ khác. Đủ thì tốt. Thừa thành bệnh. Nó là thứ để chúng ta giao tiếp với phần còn lại ở ngoài cửa kính. Sử dụng đúng sẽ thành "văn hóa giao thông".
Trên xa lộ, còi giúp bạn an toàn. Nhưng trong phố, đô thị hay ngang trung tâm thương mại, hãy hạn chế bấm. Ngang qua bệnh viện, trường học hay ban đêm từ 23h đến 5h sáng, theo luật GTĐB là cấm sử dụng.
Vậy mà 3 ngày Nha Trang, thành phố du lịch, còi như không hạn chế. Cả xứ Huế và miền Trung cũng vậy. Xe càng to, càng xịn thì càng có quyền "bắt nạt" các phương tiện nhỏ con và bình dân?
Xe ben, xe buýt "vừa ăn cướp vừa la làng" (giành đường và nẹt còi). Biển đỏ, biển xanh "nháy mắt" liên tục, "la hét" lấn làn rất tự nhiên. Xe xịn, xe sang của “đại gia” và "tiểu gia" thì "trương mắt ếch" (pha bật bất kể ngày đêm).
Nhiều bác tài, vừa chạy vừa bấm vang cả phố. Nhưng đôi khi chẳng vì lý do cụ thể. Chỉ đơn giản là được đi trước người khác.
Vì thế, còi có lẽ là lý do làm "mối thâm thù" giữa ôtô và xe máy ngày thêm chồng chất!
Ở TP HCM, nơi tôi làm việc và sinh sống, trừ ben, buýt và một số ít xe cá nhân là hay “la lối” thậm chí thi thoảng “chửi thề” còn lại phần lớn các phương tiện xe hơi khác khá lịch sự trong “giao tiếp”.
Đứa em rể ở Huế có lần cũng buột miệng thốt lên "người Sài Gòn hình như ít dùng còi".
Đường phố vốn dĩ đã nhiều âm thanh “tra tấn”, còi hợp lý (chỉ những trường hợp thật cần thiết) sẽ góp phần làm cho giao thông thêm trật tự, an toàn mà còn tạo hình ảnh đẹp với bạn bè đến thăm.
Điều đó bắt đầu từ mỗi cá nhân chúng ta, khi ngồi sau vô-lăng.
Vài lời chia sẻ từ những quan sát cá nhân khi tham gia giao thông.
Chúc các bác lái xe an toàn!

Còi không phải thiết kế để giành đường. Chỉ những đô thị mới phát triển thì mới có tình trạng bấm còi vô tội vạ. Nhu cầu công việc mình đã đi khá nhiều nước nhưng không đâu bấm còi vô tội vạ như VN cả. ngay cả láng giềng Thái Lan cho dù kẹt xe còn kinh hoàng hơn VN nhiều nhưng không bao giờ có kiểu bấm còi loạn lên thế cả.
Còi chỉ được dùng khi trên cao tốc có nguy cơ va chạm mới bấm. đi ngược nhau dùng còi báo hiệu khi thấy người quen chẳng hạn. Bản thân mình rất khó chịu với kiểu bấm còi loạn lên. cá nhân mình rất ít khi dùng còi. Thậm trí các thiết kế xe Châu Âu thường thiết kế còi khá nặng phần nào cũng để cho người lái không lạm dụng bấm còi lung tung.
Hay như dòng Civic đưa còi vào trung tâm vô lăng với lực ấn khá nặng giúp hạn chế bớt việc hơi xảy ra tí là bấm còi. Đặc biệt hơn nữa là ở VN hầu như các bảng cấm bóp còi tại các khu vực Bệnh Viện, Trường Học hầu như bị quên lãng. Không một tài xế nào thèm quan tâm.
Nếu có dịp các bạn cứ đến trước bệnh viện sẽ thấy hàng loạt xe bấm còi vô tư. Có lẽ còn phải có một thời gian dài nữa khi ý thức lái xe và tôn trọng môi trường sống cao lên thì may ra mới bớt việc bấm còi vô tội vạ. Việc này cũng giống như việc ngồi trên xe máy ai cũng cho mình là đi đúng trong khi lên xe du lịch bạn sẽ luôn cảm thấy sao xe máy chả bao giờ đi đúng phần đường của họ cả. Vấn để chủ yếu vẫn là ý thức khi tham gia giao thông của người dân thôi.
Không loại trừ được xe gắn máy hay du lịch.

Sáng nay tôi đi làm qua đoạn đường Cầu Am - Hà Đông không may bị tắc đường, trước mặt tôi cả một rừng người với đầy khói xe và bụi. Không còn chỗ nào để tiến lên nên tôi đành tắt máy xe dừng lại một chỗ để góp phần giảm bớt tiếng ồn và khói bụi. Và cái tôi nhận được là tiếng còi xe inh ỏi của một chiếc ô tô biển xanh 33A----.
Mặc dù rất "buồn" và bức xúc trước cảnh tượng đó nhưng tôi cố nhịn, cứ tưởng là họ còi vài lần rồi họ nhìn thấy đằng trước không còn chỗ cho tôi nhường đường cho họ thì thôi, nhưng liên tục tiếng còi thét lên. Tôi tò mò muốn biết người đang điều khiển xe đấy trông "đẹp zai" thế nào nên ngoảnh lại nhìn.
Thật đáng sợ khi trông anh ta đẹp zai thật đang ném vào tôi cái nhìn trợn tròn mắt và người ngồi bên cạnh (chắc là Sếp) đang cười điệu cười mỉa mai. Tôi thật không hiểu vì sao văn hóa giao thông của người Việt Nam mình lại kém cỏi đến vậy. Nếu muốn thay đổi được tôi nghĩ chắc phải 40 năm nữa.
Hoặc cho tất cả người VN mình sang Singapore sống một thời gian

Do tính chất công việc là dân kỹ thuật nên Tớ được đi nhiều nơi và khi đọc bài viết này nên Tớ muốn góp chút ý kiến. Ở nước ta thì bóp còi được coi là ra hiệu là : "thằng kia tránh ra chổ khác" đôi lúc là vậy. Bóp thoải mái, không cần quan tâm đến người khác nghĩ gì, xe tải, bus, 3 bánh, thậm chí là mấy chú nhóc mới mua xe...
Điều này ảnh hướng tới nét văn minh của cá nhân họ. Nhưng trong số họ có bao nhiêu người suy nghĩ về chuyện này... Thật tình mà nói thì khi đi chợ ở Việt Nam thì :"trời ui" cảnh lấn chiếm dừng xe giữa đường để mua bán (bát nháo) mà không bóp kèn thì không được vì bức xúc quá, nhưng đôi lúc bóp kèn sẽ gây xung đột giữa đôi bên...(trong lúc kẹt xe thì ai cũng muốn đi trước thế là "ý thức" lúc này k còn nữa, ai nhanh và them chút láu cá thì chen chân vào...thế là bóp kèn bóp bóp, hổn loạn.
Một lần đi công tác Thái Lan, Tớ thấy đất nước Bạn văn minh hơn Việt Nam khoảng 30 năm. Về việc bóp kèn hầu như là rất ít khi xảy ra...Tớ hỏi bác lái Taxi thì được biết rằng nếu bóp kèn nhiều như vậy là có "ý chưởi người ta" nên tốt nhất là hạn chế. Mà người đi trước và người đi sau rất có ý thức... nói chung là tốt lắm, không thể viết ra hết được...
Ví dụ như nếu bóp kèn thì cũng tuân thủ theo các điều khoảng sau: 2 tiếng "bin bin" liên tiếp là có nghỉ là xe sau muốn xe trước nhường đường, hoặc chớp đèn pha. Còn ờ nước Ta thì ôi thôi, cứ muốn vượt là bóp cho tới khi nào được thì thôi, làm ảnh hưởng tới những người bên cạnh "ghét ghét".
Nói chung là nước ta người dân vẫn còn ý thức kém lắm...bình luận thì chắc cũng 30 năm nữa chắc cũng còn.

Còi là một trong những tín hiệu trong giao thông. ngoài ra còn có đèn xi nhan, nháy đèn pha ... Nếu đi cùng chiều không còi nhỡ đâu người ta tạt tay lái do đùa nghịch, sang đường, vượt xe khác ... thì mình đâm vào người ta mất. có phải ai cũng muốn còi đâu, vì người ta không có ý thức, không có sự hiểu biết nên mới phải còi.
Còi không phải chỉ đối với những người đang lấn sân, mà còn với với cả những người đi sát lề bên phải, đơn giản là để báo hiệu cho họ biết mình đang đi đến, họ phải chú ý đi thẳng không được tạt ngang tạt ngửa hoặc vượt ẩu.
Có người nói chỉ cần nháy đèn là đủ, nháy đèn chỉ báo hiệu cho đối tượng đi ngược chiều, làm sao báo hiệu cho "xe đạp" đi cùng chiều biết được. Ra đường tôi chỉ quan tâm đến an toàn cho mình và người khác, tôi không quan tâm đến cái gì gọi là nét văn hóa hay gì gì đó. nếu có những cái đó đã không phải còi.