VicoTas
Câu hỏi
avatar jessika000
24/05/2013 23:00

Cuộc sống ở nước ngoài bắt đầu như thế nào?



Danh sách câu trả lời (3)
avatar viethoang 24/05/2013 23:00

Du học là một quyết định...

Một quyết định vội vàng, một quyết định nhiều đắn đo, một quyết định của bản thân hay có khi là của bố mẹ. Và rồi bạn chợt nhận ra mình đã đi du học, chợt mở mắt nhìn thấy một khung cảnh là lạ, những khuôn mặt chẳng thân quen, chợt thấy lạnh và... chợt thấy cô đơn...

Tất cả là một sự bắt đầu

Có những điều tưởng chừng như rât đơn giản và hiển nhiên khi ở Việt Nam nhưng khi đi du học thì không còn ‘rõ là như thế’ nữa. Bạn đang đi xe máy riêng và có tiền đi taxi, bạn thông thuộc đường phố. Sau một chuyến bay, bạn đã bước tới một đất nước mới. Bạn không có xe riêng và taxi đôi khi không dễ bắt và lại còn đắt tiền. Nếu bạn muốn đi đâu, bạn cần tra bản đồ và canh giờ tàu xe chạy. Nếu bạn không đến kịp, bạn sẽ lỡ chuyến tàu. Có khi bạn đến kịp, nhưng tàu quá đông và bạn bị bỏ rớt lại giữa bến tàu vẫn còn chật cứng và những cái nhìn vội vã. Có khi bạn đi cả tàu và bus cũng chưa đến được điểm bạn muốn, bạn phải cuốc bộ một đoạn nữa, và chắc chắn là không tránh khỏi chuyện ngơ ngác tìm đường và... đi lạc. Câu chuyện hiển nhiên về cái xe máy và dễ dàng tấp vào vỉa hè gọi ý ới bạn bè đã trở nên xa vời như một giấc mơ. Sự bắt đầu mới mẻ cho việc đi lại tốn khá nhiều thời gian để làm quen và chấp nhận. Chấp nhận di chuyển 2 3 tiếng một ngày bao gồm cả thời gian chờ đợi và lỡ tàu, thậm chí căng thẳng hơn là nhầm tàu và lỡ chuyến. Chấp nhận rằng không phải chỗ nào cũng có tuyến bus bạn cần và nếu có thì lại không chạy đêm. Chấp nhận rằng giờ đi lại của bạn do cả một hệ thống vận tải quyết định chứ không phải là quyết định của riêng bạn với chiếc xe hai bánh nữa rồi. Chấp nhận rằng công việc đơn giản nhất là đi lại, giờ đây cũng không theo ý bạn một cách trọn vẹn, không còn trong tầm kiềm soát của bạn nữa. Đó mới chỉ là những chấp nhận đầu tiên...

 

Nỗi cô đơn

Bạn đang có bạn bè xung quanh, nói cùng chung thứ tiếng của mình, đùa cùng chung giọng điệu. Ở đây, bạn nói thứ tiếng khác, văn hóa khác, suy nghĩ khác và hình như là kiểu cười cũng khác. Bạn căng thẳng khi không ai vui niềm vui của mình, không ai cười câu chuyện của mình và đôi khi chỉ đơn giản là không nói rõ được tâm tư của mình. Mọi thứ xung quanh từ đồ ăn, cách đi lại, giờ sinh hoạt đều không theo cách bạn từng biết. Bạn gọi điện về nhà than thở với gia đình, chat chit với bạn thân, nhưng không ai thực sự hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bạn buồn, bạn xì trét và đôi khi trầm cảm. Bạn cố gắng tìm niềm vui bằng cách tiêu tiền, đi club và đi bar. Nhưng nó chỉ giúp bạn giải tỏa đôi chút. Bạn cô đơn và tìm kiếm bạn trai/bạn gái để có người chia sẻ. Nếu có chuyện xảy ra, tồi tệ nhất là chia tay, một lần nữa bạn lại rơi vào cái vòng suy sụp. Tâm lý không ổn định, cuộc sống khác biệt làm bạn béo lên hoặc gầy đi theo những cách không hề lành mạnh. Bạn nhìn xung quanh và ai cũng có vẻ ổn, ai cũng có bạn và vui vẻ. Nhưng có lẽ bạn không biết rằng hầu như ai cũng có một nỗi cô đơn và một khoảng lặng của riêng họ. Những câu chuyện “harm-self” (tự kỷ) có lẽ không xa xôi như bạn nghĩ. Không ít những cô bạn xung quanh đã hơn một lần rạch tay. Và có thể đó là lý do tại sao bạn sẽ không thấy cô ý mặc áo hai dây hay hở vai. Có những vết sẹo sẽ không bao giờ hết. Có những cuộc đời đã đi xuống chứ không đi lên...

Suy nghĩ tích cực và chấp nhận sự thật

Rồi một lúc nào đó bạn sẽ tự hỏi: Ai đánh cắp cuộc sống của tôi? Hãy học cách chấp nhận và suy nghĩ tích cực, bạn sẽ thấy một cuộc sống mới đang chờ đón.

Thay vì căng thẳng chờ tàu cho kịp đi học đi làm, bạn hãy đi sớm một chút để có thời gian đệm và thong thả đi lại.

Thay vì sốt ruột trên bus, bạn hãy mang theo một cuốn sách và đọc trên đường đi. Nó giúp bạn cảm thấy thời gian không dừng lại và ít nhất bạn đang làm được điều gì đó cho bản thân mình.

Hãy để ý đến giờ giấc ăn uống của mình và cố gắng điều chỉnh thành một nhịp sinh hoạt đều đặn. Nó sẽ không làm bạn xì trét và suy giảm sức khỏe. Giảm sút thể lực cũng là một lý do tương đối lớn làm bạn căng thẳng.

Chấp nhận sự khác biệt và coi nó như một điều mới lạ. Làm quen với bạn bè mới và chấp nhận cách suy nghĩ khác biệt, cách xử sự (theo bạn là) lạ lùng. Sau một thời gian bạn sẽ cảm thấy mình thay đổi, suy nghĩ tích cực hơn, hòa đồng hơn với bạn bè và rồi cuộc sống sẽ lại trở nên thân quen và rồi chắc chắn sẽ làm bạn phải nhớ khi phải tạm biệt cuộc sống tự lập dẫu có khó khăn và gian nan nhưng bạn đã vượt qua và mới chỉ bắt đầu quen.

Đừng vội vàng. Shock văn hóa, khó khăn hòa nhập và giữ thăng bằng là những điều bình thường ai cũng gặp phải. Đừng căng thẳng và mong mọi thứ trở lại bình thường. Có người mất 2 tháng, nhưng cũng có người phải mất đến 2 năm để có thể quen với cuộc sống mới. Nếu bạn mất 6 tháng cũng đừng quá tự ti và nản lòng. Hãy lắng nghe sự thay đổi của bản thân, từng chút từng chút một.

Khi bạn không còn mơ về một cái xe máy để đi và vui vẻ chờ tàu đến nghĩa là bạn đã chấp nhận thực tế và hòa mình vào cuộc sống rồi đấy. Du học là một trải nghiệm. Hãy vững vàng đón nhận nhé.

 

 (Theo Hotcourses.vn)


avatar duytuantn 24/05/2013 23:00

Hội nhập là một chủ đề lớn được đề cập đến rất nhiều trong các hội thảo, diễn đàn, tổ chức xã hội ở các nước có số lượng người nhập cư ngày một tăng.

Hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam chọn con đường du học và phần lớn các bạn rất năng động nên cũng dễ dàng thích nghi khi sinh sống và học tập trong với môi trường mới.

Tuy nhiên, cũng có không ít bạn, vì nhiều lý do đã bị “khớp” và cảm thấy khó, thậm chí là không thể hòa nhập, không thể phát huy thế mạnh vốn có của bản thân.

Khi những khó khăn chưa thể “gỡ bỏ”, những mặc cảm vẫn còn tồn tại thì thật khó để các bạn có một cuộc sống thú vị và trên hết là ảnh hưởng rất nhiều đến thành tích học tập, nghiên cứu của mỗi người. Trong một môi trường năng động và nhiều người trẻ như môi trường Đại học thì đó là nơi tốt nhất để các bạn “trải lòng”. Nếu vẫn còn e ngại, xin “mách” các bạn một số “bí kíp” sau:

Để có thể hội nhập khi du học
Du học sinh nên tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để hòa nhập với môi trường mới

1. Tham gia các hoạt động của trường: Tất cả các trường Đại học, Cao đẳng đều tổ chức rất nhiều hoạt động ngoài hoạt động học. Đó có thể là những hoạt động có liên quan ít nhiều đến việc học như các hội thảo, trình diễn, hoặc những hoạt động chỉ đơn thuần mang tính chất giải trí như các buổi chiếu phim, biểu diễn văn nghệ do Hội sinh viên tổ chức.

Tất cả các hoạt động ấy từ cấp trường đến cấp khoa đều có những thông báo rộng rãi qua thư điện tử cá nhân, trên trang Web của trường, trên các bảng tin... Và, thông qua các hoạt động ấy, các bạn tham gia sẽ nhận được thêm nhiều thông tin, làm quen với bạn mới, học hỏi được nhiều điều ngoài giáo trình.

2. “Kết nối” qua kênh sinh viên quốc tế: Mỗi trường đều có phòng Quan hệ quốc tế với rất nhiều nhiệm vụ từ quản lý sinh viên nước ngoài cho đến việc hỗ trợ học tập, thuê nhà, giải quyết các thắc mắc hoặc tổ chức thực tập ở nước ngoài. Trường nào có nhiều sinh viên quốc tế thì các bạn càng dễ dàng giao lưu và học hỏi.

Với tâm trạng của những người xa nhà, không kể quốc tịch thì đều có thể dễ dàng “đồng cảm” sau vài lần bắt tay, chào hỏi. Ngoài ra, mỗi học kỳ, bộ phận quản lý sinh viên quốc tế luôn tổ chức các buổi tiệc để sinh viên các quốc gia làm quen. Các bạn đừng bỏ qua những sự giúp đỡ và hỗ trợ này nhé. Từ những hướng dẫn cũng như “gỡ rối” ấy, các bạn hoàn toàn có thêm một cơ hội tham gia bồi dưỡng một khóa ngoại ngữ miễn phí hoặc một giá thuê phòng có thể chấp nhận được...

3. Giới thiệu bản thân mọi lúc có thể: Khi trường bạn, khoa bạn xuất hiện một sinh viên ngoại quốc thì cũng gây chú ý cho nhiều người. Không chỉ là những câu chào hỏi thông thường mà các bạn cũng nên giới thiệu bản thân mình với các thầy cô, với những sinh viên bản xứ. Chắc chắn, các bạn sẽ nhận được sự chào đón nhiệt tình, giúp đỡ tận tình và dần dần gây được thêm nhiều thiện cảm với người đối diện. Một câu nói như: “Tôi đến từ Việt Nam” hoặc vài thông tin về đất nước, con người Việt Nam để các bạn có thể trình bày khi cần thiết là việc hoàn toàn nên chú ý.

4. Tham gia tổ chức các sự kiện: Nếu trường bạn đông sinh viên Việt Nam thì các bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội để cùng Hội sinh viên Việt Nam giao lưu, giới thiệu đất nước, bản thân qua các lễ hội ẩm thực, văn hóa. Tuy nhiên, điều này cũng cần sự năng nổ, tham gia nhiệt tình của mỗi bạn để chương trình thành công và chính các bạn có thêm một cơ hội để hoàn thiện mình. Thông thường, nhiều bạn đã chuẩn bị quốc kỳ Việt Nam, áo dài,... trong hành trang lên đường ra nước ngoài và giới thiệu ở các sự kiện của trường, của thành phố khi có dịp.

5. Chú ý việc “nhập gia tùy tục”: Mỗi quốc gia, vùng miền đều có những phong tục riêng, những giới hạn nhất định trong giao tiếp. Nhiều bạn khi sang nước ngoài vẫn còn giữ sự “hồn nhiên” khi nói chuyện qua điện thoại với âm lượng lớn giữa nơi đông người hoặc tụ tập ăn uống, hát hò quá ồn ào vào dịp cuối tuần...

Chắc chắn, các bạn sẽ nhận được cái nhìn không mấy thiện cảm từ những sinh viên khác sống cùng ký túc xá hoặc tệ hơn nữa là sự can thiệp, phê bình từ người chủ nhà trọ. Mỗi người có một “khoảng riêng” và sinh viên cũng vậy. Vì vậy, các bạn cần chấp nhận điều ấy để tạo được một “điểm chung” có thể làm hài lòng cho nhiều người và bản thân mình cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn khi mình đã “vì mọi người”.

Con đường du học không trải toàn “hoa hồng” và mỗi bạn cần nỗ lực, cố gắng trong mọi tình huống, mọi công việc. Để nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, hoặc để tự các bạn thực hiện một việc thì trước hết các bạn hòa mình vào xã hội ấy, môi trường ấy.

Trải nghiệm và hòa nhập để thành công. Các bạn nhé!

avatar trancongmin 24/05/2013 23:00

Những năm đầu (75-85), phần lớn người Việt Nam khi tới Mỹ đều được hội đoàn hay nhà thờ đứng ra bảo lãnh hỗ trợ, cũng như được hưởng quy chế khá cao, nhất là những gia đình có con em nhỏ dưới 18 tuổi. Khi đó họ chẳng cần phải lo lắng, cứ từ từ tìm hiểu, học hỏi để hội nhập, mọi thứ đã có chính phủ lo. Đến từ một đất nước nghèo, nhu cầu vật chất cuộc sống còn ở mức tối thiểu, nên ai cũng hài lòng với hiện tại, nhất là thời điểm đó, nhìn quanh người Việt ai cũng nghèo như nhau, chẳng ai giàu hơn ai để so sánh.

Đời sống ở đâu cũng vậy, phải đi làm mới có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa nhu cầu vật chất theo cuộc sống ngày càng lên cao.

Ngày mới qua, chỉ ao ước có nhu cầu sống tối thiểu. Nhưng khát vọng con người là thăng tiến, người Việt cũng không ngoại lệ, nên sau nhiều năm hội nhập, cuộc sống người Việt ở hải ngoại đã không còn cách biệt với người bản xứ, hay có thể có phần trội hơn. Vì người Việt vốn rất kiên trì chịu khó, cũng như bỏ công bỏ của nhiều để đầu tư cho học vấn con cái, nên sau nhiều năm, thành quả của họ có thể nhìn thấy một cách rõ ràng, phải nói là đáng ngưỡng mộ.

Còn thành phần mới qua định cư sau này, hầu hết là ra đi theo quy chế di dân, cá nhân bảo lãnh, như cha mẹ bảo lãnh cho con, anh em bảo lãnh cho nhau, chồng bảo lãnh vợ, do vậy điều kiện vật chất, thời gian hỗ trợ giúp đỡ có phần hạn chế hơn nhiều.

Đồng thời, vào thời điểm hiện tại, cuộc sống ở Việt Nam đã cải thiện hơn xưa. Có những bạn đang có cuộc sống tốt, có nhà (do cha mẹ để lại), có việc làm ổn định, hàng tháng (hay thỉnh thoảng) được thân nhân nước ngoài hỗ trợ một vài trăm đô la, có thể rất giàu hoặc không giàu, nhưng chí ít cũng có cuộc sống ung dung. Do đó có ước vọng rằng đi ra nước ngoài để có cuộc sống dễ dàng hơn, nhất là một cường quốc như nước Mỹ, và điển hình là thấy Việt kiều hải ngoại nhiều người thênh thang áo gấm về làng.

Với suy nghĩ như vậy, nên không ít người qua tới đây, thiếu kiến thức tối thiểu của cuộc sống hải ngoại, khi đối diện với khó khăn không lường trước đã không thích ứng được, dẫn đến suy sụp tinh thần, bất đắc chí, than thân trách phận, có khi oán trách cả người đã bảo trợ họ sang, vì sao giàu thế mà không lo cho họ một cuộc sống như họ muốn. Thành ra cả người bảo trợ lẫn người được bảo trợ đã lâm vào cảnh khó khăn bứt rứt, tiến thoái lưỡng nan, sứt mẻ tình cảm.

Ở bài viết này, tôi xin đưa ra những bước bắt buộc phải có của cuộc sống mới, mà bạn cần phải vượt qua, nếu muốn tái định cư ở một đất nước xa lạ, mọi thứ từ ngôn ngữ cũng như cách sống hoàn toàn khác biệt.

Sau khi đặt chân đến xứ Mỹ, người thân (người bảo trợ) sẽ mất vài ngày đưa bạn đi làm giấy tờ, hợp thức hoá cần thiết cho cuộc sống ở Mỹ, như thẻ căn cước, thẻ y tế, xin nhập học cho bọn trẻ.

Dưới đây là những quyền lợi bạn được hưỡng từ chính phủ:

- Các cháu dưới 18 tuổi sẽ vào học trường tiểu học và trung học gần nhà. Có xe bus đưa rước đi về hai bận, ăn trưa miễn phí ở trường. Có thể được cho vào lớp đặc biệt thời gian đầu để củng cố Anh ngữ. (Nhớ đem theo đầy đủ học bạ ở bên Việt Nam, và cần dịch sang tiếng Anh)

- Các cháu trên 18 tuổi có thể ghi danh nhập học ở trường cao đẳng địa phương với tên gọi là Community College. Ở đó bạn có thể học tiếng Anh và chọn một nghề nào đó làm kế sinh sống trong tương lai. Tùy theo sở thích và trình độ, bạn có thể chuyển tiếp lên trường đại học 4 năm để lấy bằng cử nhân.

Nếu bạn không có thu nhập, hoặc thu nhập thấp, thì tất cả miễn phí. Hầu hết ai cũng được chính phủ tài trợ (xin học bổng), đây là quyền lợi chung cho mọi công dân Mỹ.

Ngoài tiền học phí, sách vở do chính phủ giúp, miễn hoàn trả, nếu đủ điều kiện, bạn có thể nộp đơn vay tiền từ chính phủ, giúp hỗ trợ sinh sống để có thể học toàn thời gian.

- Con nít dưới 18 tuổi, người già trên 65 tuổi được trợ cấp y tế toàn phần của chính phủ (medicaid), và còn có thể xin thêm được food stamps (trợ cấp thực phẩm).

- Những người trên 18 tuổi hoặc dưới 65 tuổi, thu nhập thấp sẽ xin được trợ cấp y tế bán phần của chính phủ, như ở Texas có chương trình Gold card mà người Việt mình hay gọi là thẻ vàng. Mỗi tiểu bang có những chương trình và tên gọi khác nhau. (Những người mới nhập cư, hầu hết đủ điều kiện được hưởng vì chưa có thu nhập).

Người bảo trợ, hoặc cho gia đình bạn ở tạm nhà họ một thời gian ngắn cho đỡ tốn kém, hoặc tìm mướn dùm bạn một căn nhà (mắc rẻ tùy theo khả năng) và từ đây sẽ bắt đầu hành trình gian khổ, tự túc tự cường của chính bạn.

Nếu bạn có vốn mang theo, có tiền sống một thời gian không đến nỗi quẫn bách, thì lúc này bạn nên tranh thủ học tiếng Anh, cho dù không cần nhiều, nhưng ít nhất nghe được, nói được chút ít để kiếm việc làm, vì chẳng lẽ họ mướn bạn vào làm, còn phải mướn thêm người thông dịch?

Một điều cấp bách khác là phải học lái xe. Nhờ người thân kiếm mua một chiếc xe, mới cũ mắc rẻ tùy khả năng. Đây là chuyện bắt buộc (nếu không có tiền, bạn cũng phải thương lượng với người thân để hỏi mượn, sau này sẽ hoàn trả). Quỹ thời gian ở nước ngoài rất eo hẹp, không ai có thể đưa đón bạn mỗi ngày đi và về.

Ngôn ngữ và chiếc xe là chìa khoá mở đầu cho cuộc sống, ngày nào còn chưa có hai thứ này thì bạn sẽ còn bế tắc.

Trường hợp bạn không có tiền mang theo, nghĩa là vô sản, thì không thể chần chờ. Bạn phải chấp nhận bất cứ việc làm nào (đương nhiên là lương thiện), dù là những việc làm tay chân nặng nhọc, những việc không cần chất xám, để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Người bảo trợ, họ có thể tự nguyện giúp bạn thời gian đầu trong khả năng, nhưng họ không có bổn phận phải nuôi bạn và gia đình bạn. Hoặc dù họ có muốn, đôi khi cũng không đủ khả năng, vì số phí này không phải là con số nhỏ.

Còn việc làm ở xứ người trong trường hợp bạn là người mới ở đất nước này sẽ như thế nào? Cũng không khó hiểu, này nhé:

Cứ tưởng tượng, một người mới nhập cư đi xin việc làm: không nói, không nghe được chủ muốn nói gì, kinh nghiệm nghề nghiệp không có, đôi khi cũng đã có tuổi, sức khoẻ không còn sung mãn... Tất cả là con số không, không khác đứa bé còn đang chập chững tập đi, thì bạn sẽ làm được những gì, ngoài những việc không ai muốn làm mới tới tay mình.

Vậy thì sao? Có hai trường hợp:

1. Bạn là người năng động, tự tin:

Tôi chấp nhận vì tôi biết, với tôi đây chỉ là tạm thời. Một thời gian nữa, khi quen cuộc sống ở đây, rành đường xá, tiếng Anh giỏi, tôi sẽ tìm một việc làm khá hơn, hợp với khả năng hơn.

Với tôi, đều quan trọng hơn cả là môi trường, điều kiện sống tốt cho tương lai, sự phát triển của các con. Tôi tin với khả năng của mình, tôi chấp nhận dấn thân.

2. Bạn không chấp nhận được thực tại:

- Lỡ ôm một ảo mộng thiên đường.

- Từng nghe cuộc sống bên Mỹ vất vả, mà không hình dung được tới mức này.

- Ở Việt Nam tôi sướng gấp mấy lần, công việc cũ nhàn hạ, có nhân viên, tội gì. Tiếng là qua Mỹ mà tôi phải làm những chuyện nặng nhọc, như làm tiệm phở, làm chợ, giữ con nít.

- Nhìn chung quanh, thấy người qua trước giàu có, trong khi tôi phải làm việc tay chân như thế này, thật là mất mặt, biết vậy tôi không đi.

Hay thậm chí có bạn nằng nặc đòi quay về Việt Nam! Đó là những trường hợp tôi thấy đang xảy ra rất nhiều.

Mỗi lần quyết định đi hay ở đều không phải chuyện đơn giản. Ngoài chuyện tốn kém tiền bạc, thời giờ, còn có nỗ lực tình cảm của nhiều người thân. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi chỉ có mục đích phần nào giúp cho bạn hiểu rõ con đường trước mặt, để có một quyết định sáng suốt nhất.

Những người Việt tha hương từ nhiều năm trước, họ không có chọn lựa nên dù thế nào cũng cắn răng dấn thân, kiên quyết đạp đổ mọi trở ngại. Nhờ vậy, có thể nói gian khổ họ trải qua, nhất là tinh thần, gấp vạn lần hoàn cảnh hiện tại của các bạn, nhưng họ đã vượt qua và thành công.

Còn hiện tại, bạn có lợi thế hơn nhiều. Bạn có người thân bên cạnh hướng dẫn trong cuộc sống mới, có chút tiền mang theo. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã vững mạnh. Về tinh thần, bớt được nhiều cảm giác bơ vơ lạc lõng. Tuy nhiên, thời nào cũng có những việc bạn phải tự làm. Đó là nỗ lực phấn đấu, việc này không ai có thể làm thay thế bạn được.

Tôi hy vọng những thành quả giàu sang của người đi trước sẽ là động lực cho bạn dấn thân, chứ đừng lấy đó so sánh, phân bì để rồi thay vì dấn thân tiến bước, bạn trở thành thất chí, than thân trách phận, dùng ánh mắt cay đắng nhìn đời.

Tôi đã chứng kiến không ít người là nạn nhân của nhân sinh quan sai lầm này. Hãy nhớ những người thành công hiện giờ, họ cũng phải trải qua một thời gian dài phấn đấu, không khác gì bạn bây giờ. Hay có khi còn khổ hơn bạn bây giờ nữa.

Còn nếu bạn đọc xong bài viết này, đã có chút khái niệm, thấy rằng hoàn cảnh mình ở Việt Nam tốt hơn, thì tôi khuyên bạn nên ở lại nước mình, đừng đi làm chi cho phí thì giờ, tốn tiền và tốn công người bảo trợ.

Nước Mỹ chưa bao giờ tự phong đất nước này là thiên đường, chỉ là từ những cảm nhận của một đại đa số nào đó, ưu ái mến tặng cho nó mà thôi. Thiên đường hay địa ngục là do từng trường hợp cá nhân, đừng thần thánh hoá quá, để rồi thất vọng.

Theo quan điểm của riêng tôi, đất Mỹ không là thiên đường một cách huyễn hoặc, xa xôi. Đất Mỹ cũng có ưu, có khuyết, và nhiều mặt tầm thường như mọi nước khác. Có đều tôi có thể khẳng định, nơi chốn này cho bạn và nhất là giới trẻ rất nhiều cơ hội để tiến thân. Chỉ là bạn có chịu nắm lấy hay không mà thôi!

Trả lời câu hỏi
Tải lại mã
Câu hỏi lĩnh vực Du học
nophoto Thủ tục du học ở Đức?

Đăng lúc: 23:00 - 24/05/2013 trong Du học

nophoto Hỏi về chương trình dự bị đại học?

Đăng lúc: 22:59 - 24/05/2013 trong Du học

nophoto :Em đang là sinh viên năm thứ 4 ngành quản lý đất đai, muốn học lên cao học ở Úc.

Đăng lúc: 22:59 - 24/05/2013 trong Du học

nophoto Chuẩn bị để đi du học tại úc

Đăng lúc: 22:59 - 24/05/2013 trong Du học

nophoto Du học Mỹ cần nhũng yêu cầu gì hả các bạn?

Đăng lúc: 22:59 - 24/05/2013 trong Du học

nophoto Kinh nghiệm vượt qua rào cản để hòa nhập khi du học Mỹ?

Đăng lúc: 22:59 - 24/05/2013 trong Du học

Đức Vân Các trường ĐH ở Anh mạnh về ngành nào và sinh viên Việt Nam thường đi du học ngành nào ở Anh?

Đăng lúc: 22:59 - 24/05/2013 trong Du học

nophoto Nên đi du học vào thời điểm nào?

Đăng lúc: 22:59 - 24/05/2013 trong Du học

nophoto Bí quyết chọn trường du học Úc ?

Đăng lúc: 22:59 - 24/05/2013 trong Du học

dang duc thang Xin tư vấn giúp e chuyện này?

Đăng lúc: 22:59 - 24/05/2013 trong Du học

nophoto Hỏi về trường Kent Institute ở Úc

Đăng lúc: 22:59 - 24/05/2013 trong Du học

Đức Vân Các anh chị giúp em tư vấn về du học ở new zeland với ?

Đăng lúc: 22:58 - 24/05/2013 trong Du học

Hin Học SaigonTech hay đi du học?

Đăng lúc: 22:58 - 24/05/2013 trong Du học

nophoto Em định đi du học Úc, ngành thiết kế thời trang nhưng không biết trường nào tốt . Xin tư vấn dùm?

Đăng lúc: 22:58 - 24/05/2013 trong Du học

nophoto Con tôi đang học năm 4 ÐH Ngân hàng. Xin hỏi tôi muốn cho con tôi học thạc sỹ tài chính ngân hàng bằng tiếng Anh tại Ðức có tốt không?

Đăng lúc: 22:58 - 24/05/2013 trong Du học

lê văn nguyên Tôi đang học năm thứ 2 đại học Y dược TP. HCM ngành bác sĩ y học cổ truyền. Nay tôi muốn du học Mỹ

Đăng lúc: 22:58 - 24/05/2013 trong Du học

nophoto Em đang học lớp 10 và dự định sang năm sẽ đi du học Mỹ. Nhưng gia đình em không có điều kiện tài chính khá giả

Đăng lúc: 22:58 - 24/05/2013 trong Du học

nophoto Tư vấn du học?

Đăng lúc: 22:58 - 24/05/2013 trong Du học

nophoto Thủ tục để xin thư nhập học của trường Canada?

Đăng lúc: 22:58 - 24/05/2013 trong Du học

nophoto Có cách nào vừa học vừa làm ở Australia?

Đăng lúc: 22:58 - 24/05/2013 trong Du học

Rao vặt Siêu Vip