
Hỏi về bệnh rối loạn thần kinh thực vật?

Với những triệu chứng bạn mô tả, đúng là bạn bị chứng bệnh cường giao cảm (hay rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn thần kinh tim). Chứng bệnh cường giao cảm có nhiều nguyên nhân gây ra. Căng thẳng thần kinh và nhà ở chật chội, khói thuốc lá trong nhà cũng là những nguyên nhân gây ra chứng bệnh này.
Cường giao cảm là một chứng bệnh lành tính không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Bạn không nên lo lắng quá. Vì càng căng thẳng, lo nghĩ nhiều về bệnh, cường giao cảm sẽ càng nặng thêm và triệu chứng sẽ càng gia tăng. Bạn cũng nên khuyên người thân trong gia đình bỏ thuốc. Nhiều công trình khoa học đã chứng minh, người hút thuốc lá "bị động" (hít hơi thuốc lá do người hút thở ra) bị ảnh hưởng sức khoẻ không khác những người hút thuốc lá.
Chứng cường giao cảm có thể tự mất đi sau một thời gian không cần điều trị gì. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng như nhịp nhanh xuất hiện làm bạn khó chịu nhiều, bạn có thể dùng thêm các thuốc an thần và các thuốc chẹn bêta giao cảm như propranolol (biệt dược inderal), atenolol (tenormin), metoprolol (betaloc), bisoprolol (concor). Tuy nhiên, cần có sự thăm khám và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.
Bạn cũng không nên dùng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê... để tránh các đợt cường giao cảm mới.
Rối loạn chức năng thần kinh nghĩa là có hệ thống thần kinh nào đó có những xáo trộn chức năng.
Rối loạn thần kinh tim không phải là một bệnh tim thực thể (không có thành phần nào của tim bị tổn thương thật sự). Người bị rối loạn thần kinh tim thường cảm thấy nhiều triệu chứng (nặng ngực, thiếu hơi thở, hồi hộp, mệt mỏi...) nhưng bác sĩ khám và các xét nghiệm đều không phát hiện được dấu hiệu bất thường nào của tim. Rối loạn này lành tính, có tiên lượng tốt, không ảnh hưởng đến chuyện lập gia đình.
Bạn phải được nghỉ ngơi hoàn toàn trong một khoảng thời gian nhất định từ 1 -3 tháng ở những nơi yên tĩnh không có tiếng động ồn ào; nếu có điều kiện, nên về đổi gió ở đồng quê.
- Tuyệt đối không xúc động quá mức hoặc căng thẳng thần kinh như: đọc truyện tình cảm “lâm li bi đát” hay xem những phim “hành động”, phim “chưởng”.
- Bạn không nên thức quá khuya.
- Bạn không được sử dụng các chất kích thích như uống rượu, hút thuốc, uống trà đậm, cà phê… Và nên tránh ăn uống thái quá, nên ăn nhiều rau quả tươi.
- Nên tập thể dục thể thao đều đặn với những môn thể thao hữu ích có lợi cho người bệnh như đi bộ, bơi lội, thái cực quyền…
- Sử dụng thuốc thật hạn chế và cần có chỉ định rõ ràng của thầy thuốc, chỉ nên dùng thuốc khi gặp tình trạng xúc động mạnh, tim đập dồn dập, khó ngủ hoặc mất ngủ. Cần bổ sung các vitamin nhóm B và C.

Khi bạn có các triệu chứng thần kinh: nhức đầu, chóng mặt,... bạn cần kiểm tra tổng quát. Ngoài những bệnh lý về mắt (cận thị, loạn thị,..), bệnh lý về máu (thiếu máu, dị dạng mạch máu não bẩm sinh,...), thì bạn cần tìm nguyên nhân do thần kinh. Những tổn thương thần kinh có thể phát hiện được bằng xét nghiệm (x-quang, CT, MRI,..) và những bệnh lý thần kinh không thể phát hiện bằng xét nghiệm đều có thể gây ra các trịêu chứng như bạn kể trên. Điều trị bệnh lý thần kinh bạn cần đến khám bác sỹ chuyên khoa thần kinh, tuân thủ điều trị; bên cạnh đó bạn cần chế độ ăn uống hợp lý, làm việc vừa sức, tránh lo lắng, căng thẳng tinh thần, ngủ đủ giấc.
Chúc bạn khỏe mạnh.