
Kinh nghiệm ra mắt gia đình chồng tương lai?

-
Cư xử
Sự tự nhiên, chân thành là điều làm mọi người dễ gần và dễ có cảm tình với bạn nhất. Đừng lúng túng, căng thẳng mà hãy coi trọng mọi người trong gia đình chàng như những người họ hàng của mình đã lâu không gặp. Đừng coi mình là khách mà ngồi ru rú một chỗ, hoặc đi tha thẩn ngoài vườn để tránh tầm nhìn của họ. Hãy nhớ mục đích của bạn là gây ấn tượng tốt với gia đình nhà chàng, vì thế bạn nên chủ động hòa nhập, đừng để ý câu nệ đến thái độ dè dặt của họ. Bạn có thể xuống bếp với mẹ chàng như ở nhà mình, dù bà có nói là không cần bạn giúp gì cả. Bạn có thể hỏi bà cách làm món này món kia, hoặc học hỏi kinh nghiệm bà nấu những món hợp khẩu vị của chàng… Bạn có thể hỏi chuyện em gái chàng xem cô bé học lớp mấy, thích đọc sách gì, ở trường có gì vui không? Hay nói với bố chàng về thời vụ , khen ông chăm sóc mảnh vườn đẹp quá, hoặc quan sát xem ông có sở thích gì để bắt chuyện. Bạn cần nhớ, tự nhiên, chân thành nhưng phải giữ ý tứ, mức độ để không “thái quá bất cập”.
Cư xử không nên tùy tiện, phóng túng, không can thiệp sâu vào công việc hay quan hệ tình cảm của mọi người trong gia đình chàng. Nhất là đối với chàng, trước mặt mọi người chàng không phải là của riêng bạn, vì thế bạn nên giữ khoảng cách, tránh những cử chỉ quá tự nhiên như âu yếm, nũng nịu, nhõng nhẽo, làm duyên, tự ái, giận hờn, cãi cọ… Bạn sẽ khiến chàng khó xử, còn cha mẹ chàng sẽ cau mày đấy! Có điều gì không bằng lòng với chàng, bạn hãy kiềm chế, đợi khi nào chỉ có hai người hãy nói với nhau.
-
Lời nói
Không nên e dè quá đến mức “câm như hến”, hoặc trả lời các câu hỏi của cha mẹ chàng một cách lúng búng, lí nhí khiến họ phải “căng tai” để nghe. Nhưng cũng không nên nói quá nhiều, quá to, trước khi nói cần suy nghĩ xem điều gì nên nói và điều gì không nên nói, nói có đúng lúc đúng chỗ không. Trong lời nói không nên bao hàm ý săm soi, châm chọc hay so sánh, chê bai. Càng không nên “khéo nói” một cách quá giả dối, thiếu trung thực. Chúc bạn đạt “điểm 10” trong lần đầu ra mắt cha mẹ chàng.