
Mẹo chữa mất tiếng?

Dùng giá đỗ xanh 300g – 500g, rửa sạch, giã nát, chế thêm chút nước đun sôi để nguội, chắt lấy nước, chia ra uống dần từng ít một. Kinh nghiệm cho thấy khi mới bị mất tiếng, áp dụng ngay biện pháp này, chỉ một lúc sau tiếng nói đã trở lại bình thường.
Theo Đông y giá đỗ xanh có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng sinh tân, nhuận phế, thanh nhiệt… Có thể sử dụng chữa bỗng nhiên mất tiếng do ‘Phong nhiệt’ – thường kèm theo những chứng trạng như đau họng, khát nước, ho, đờm vàng đặc; tắc mũi, mũi chảy nước đục; đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng.
Dùng gừng già 10g, sắc lấy nước, hòa đường đỏ vào uống.
Gừng già tươi 10g, cành lá tí tô 10g, hành 3 cây (liền cả củ và rễ). Tất cả rửa sạch, sắc lấy nước uống.
Theo Đông y, gừng tươi có vị cay, tính ấm. Có tác dụng giải biểu (giải cảm), ôn phế chỉ khái (ấm phổi, trừ ho). Đối với trường hợp mất tiếng do ‘phong hàn’ – biểu hiện bởi những chứng trạng kèm theo như sợ lạnh, sốt nhẹ, không mồ hôi, đau đầu, đau mình, mũi tắc, ho, đờm trong loãng, mũi chảy nước trong, rêu lưỡi trắng mỏng, có thể sử dụng gừng theo cách trên để chữa.
Dùng trái sung
Trái sung 15 – 20g, thái nhỏ, hãm nước sôi, có thể cho thêm chút đường phèn, uống thay trà trong ngày. Có tác dụng phòng viêm họng, chữa khản tiếng, mất tiếng cấp tính và mạn tính.
Theo Đông y, trái sung có vị ngọt, tính mát. Sách thuốc Đông y thường nhấn mạnh: Trái sung chủ thanh lợi yết hầu, khai hung cách, tiêu viêm, hóa trệ; Là vị thuốc chuyên trị các bệnh ở yết hầu (họng và thanh quản). Kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi họng bị đau, hái vài trái sung ăn là bệnh giảm.
Dùng Kha tử
Lấy thịt quả kha tử giã dập rồi ngậm. Có tác dụng chữa mất tiếng kèm theo đau cổ họng, ho rất tốt. Thời trước, những người hát rong thường dùng thịt quả khả tử,ngào với mật ong làm ô mai, ngậm cho trong tiếng và tránh được khô cổ.
Kinh nghiệm trên hiện nay vẫn được một số ca sĩ áp dụng. ‘Kha tử’ là quả cây kha tử, còn gọi là ‘cây chiêu liêu’, có thể mua ở khắp các cửa hàng Đông Nam dược; Có khi bán ở cả hàng khô, hiệu mứt.