Nên mua LG Magna hay Oppo Neo 5
Mình đang phân vân giữa 2 điện thoại này. Mọi người tư vấn hộ với.
Nếu đang phân vân giữa LG Magna và Oppo Neo 5 thì mình khuyên bạn nên chọn LG magna nhé, Oppo là đồ Tàu đấy:
LG Magna xếp cùng phân khúc với Asus Zenfone 5, Samsung Galaxy Grand Prime, Lenovo S60 hay Oppo Neo 3 cũng như chiếc Windows Phone Lumia 640. Màn hình và pin là hai điểm được đánh giá cao trên smartphone Android 2 SIM của LG. Trong khi dù được đề cao về khoản selfie, camera nói chung lại là điểm đáng cân nhắc trên sản phẩm này.
Magna trông giống như chiếc LG G4 thu nhỏ. |
Thiết kế
Magna giống như một chiếc LG G4 thu nhỏ và khác biệt nhiều so với dòng L series giá thấp năm ngoái. Điểm nhấn là việc máy có màn hình cong giống G4, tuy nhiên, độ cong lại rất nhỏ và khi nhìn khó nhận biết, chỉ khi cầm máy, người dùng mới thấy sự khác biệt rõ hơn đôi chút. Phần cong chủ yếu tạo ra từ mặt lưng máy tạo cảm giác ôm tay và cầm thoải mái, chắc chắn hơn điện thoại kiểu dáng phẳng thông thường.
Nhìn từ mặt trước và mặt sau Magna trông khá sang và cao cấp so với tầm tiền. Mặt lưng làm từ nhựa nhưng với lớp sơn vân giả kim loại giống như trên G4 chống bám vân tay hiệu quả và còn giúp giấu các vết trầy xước. Tuy nhiên, Magna chỉ có đúng hai màu vàng đồng và đen, kết hợp với dáng vẻ góc cạnh nên trông nam tính.
Thiết kế của máy khá sang, phần lưng trông đẹp nhưng vẫn cần chau chuốt hơn ở viền. |
Nếu so với đối thủ Lenovo S60, LG Magna không mỏng và thời trang vì dày tới 10,1 mm, bù lại, kích thước bề ngang và rộng điện thoại được thu lại gọn hơn nhờ thiết kế tối giản. Dãy phím điều hướng Android được làm dạng ảo thay vì dãy phím cảm ứng nên viền dưới màn hình khá mỏng. Màn hình hiển thị chiếm tới 70,5% phần mặt trước điện thoại, một tỷ lệ khá lớn khi ngay cả những smartphone cao cấp cũng ít thấy.
LG bố trị cụm phím cứng nằm toàn bộ ở phần lưng. So với thiết kế của Zenfone 2, cụm phím của LG có cả phím nguồn chứ không chỉ âm lượng, cho cảm giác bấm thuận tay và êm ái hơn nhưng vị trí quá gần nhau giữa các phím nguồn và phím âm thanh khiến thao tác chụp ảnh màn hình (nhấn cùng lúc phím nguồn và giảm âm lượng) hơi khó khăn. Mặt trước và sau thiết kế ổn nhưng cạnh viền hai bên của máy tỏ ra thô. Phần hoàn thiện ở giắc tai nghe, microUSB ở trên đỉnh và đuôi máy chưa chau chuốt, chỉ tạm chấp nhận được so với mức giá tầm thấp.
Màn hình
Đây là ưu điểm đáng quan tâm của Magna so với các model tầm giá 4 triệu đồng khác, vì LG trang bị công nghệ In-Cell với tấm nền IPS LCD khiến cho màn hình cho cảm giác rất nổi, sát với mặt kính bảo vệ, tăng hiệu quả khi xem hình ảnh. Góc nhìn của Magna rất rộng và gần như đạt mức tối đa.
Màn hình 5 inch HD với tấm nền IPS In-cell là lợi thế của Magna so với các model cùng tầm. Tuy nhiên, độ cong quá ít nên chưa mang đến trải nghiệm mới lạ thực sự. |
Kích thước 5 inch với độ phân giải HD 720p như nhiều model cùng tầm như Microsoft Lumia 640 và Lumia 540 hay Lenovo S60, Asus Zenfone 5, nhưng độ chi tiết của màn hình Magna tốt hơn, hình ảnh hiển thị trong và khá mịn màng. Màu sắc thể hiện trung thực, màu trắng trung tính không ám vàng như Lumia 540.
Cảm ứng của Magna nhạy và thao tác chính xác ở tốc độ cao và hỗ trợ tối đa 10 điểm chạm đồng thời. Điểm hay ở các smartphone của LG là ngay ở tầm giá thấp, hãng vẫn trang bị tính năng gõ nhẹ 2 lần vào màn hình để mở sáng (Knock On). Nó hoạt động mượt và chỉ cần gõ nhẹ nhàng, không tốn nhiều lức và hạn chế cần đến phím nguồn.
Ngoài ra, Magna cũng có chế độ bảo mật Knock Code, cho phép tạo ra các mật mã bằng các nhịp chạm trên màn hình. Một cách bảo mật khá an toàn nhưng tiện dụng so với các kiểu truyền thống có sẵn ở Android.
Màn hình dễ bám bẩn như mồ hôi, dấu tay hay dãy phím ảo là những điều chưa hài lòng. |
Điểm không hay ở Magna là màn hình dễ bị bám bẩn và dãy phím ảo làm tốn diện tích sử dụng cũng như hiển thị so với dãy phím cảm ứng như nhiều mẫu Android khác. Thậm chí, so với Android gốc, LG còn bố trí thêm một phím chuyển đổi sim khiến nó trông rối. Khi chưa quen dùng, việc bấm nhầm giữa phím chuyển đổi đa nhiệm (hình []) với phím Home (hình O) diễn ra khá thường xuyên vì không gian chật chội. Trong một số ứng dụng như trình duyệt mặc định theo máy, dãy phím điều hướng cũng không tự ẩn đi. Nếu không cần thiết, người dùng nên thiết lập lại bố cục dãy phím ảo về 3 nút.
Hiệu năng
LG đã không cố nâng RAM của máy lên 2GB mà chỉ sử dụng 1GB RAM, trong khi khá nhiều model đối thủ cùng tầm giá hiện giờ đã lên mức 2GB. Dung lượng RAM 1GB khiến cho điện thoại chạy chậm đi đáng kể khi hoạt động một thời gian nếu không đóng các ứng dụng không cần thiết. Ngoài ra, sau khi dùng một số ứng lâu và lúc thoát ra, Magna thường gặp cảnh tải lại các biểu tượng ứng dụng ở màn hình chủ.
Hiệu năng của LG Magna gần ngang ngửa với Galaxy A5 và thuộc dạng tốt trong phân khúc, tuy nhiên, hạn chế chỉ có 1GB RAM. |
Hiệu năng tổng thể của LG Magna thuộc diện ổn trong tầm giá khi được vi xử lý 4 nhân 1,3 GHz của MediaTek kéo lại. Máy không khó khăn để xử lý các nội dung HD, Full HD cũng như các trò chơi có đồ hoạ cao như Asphalt 8 hay Mordern Combat 5.
Tuy nhiên, ngoài RAM, Magna còn một hạn chế đang tiếc nữa là chỉ có bộ nhớ trong 8GB và dung lượng trống không nhiều. Nếu không lắp thẻ nhớ, người dùng chỉ có thể cài đặt một trò chơi dung lượng lớn như Asphalt 8 và một số ứng dụng sử dụng. Tốt nhất là người dùng nên sắm một thẻ nhớ microSD ngay từ đầu trước để mở rộng không gian lưu trữ (thêm được tối đa 32GB).
Camera
LG Magna có chất lượng camera không tệ so với cùng phân khúc, thậm chí còn nhỉnh hơn một số đối thủ. Máy ảnh chính 8 megapixel cho chất lượng ảnh chi tiết và sắc nét ở điều kiện đủ sáng. Khả năng cân bằng trắng, màu sắc tỏ ra trung thực. Tốc độ chụp ảnh khá nhanh.
Camera chụp khá tốt so với tầm giá nhưng lại thiếu nhiều tính năng mở rộng. |
Tuy nhiên, ngược với phần lớn các mẫu smartphone Android khác, camera của Magna có tính năng nghèo nàn, thậm chí còn thua cả iPhone. Nó không hỗ trợ chụp HDR cũng như Panorama. Camera chính không cho phép đo sáng, tự chỉnh cân bằng trắng mà hoàn toàn tự động. Thậm chí, các chế độ cảnh chụp cũng không được LG đem lên. Thay vào đó, người dùng chỉ được phép lựa chọn độ phân giải, kích cỡ ảnh.
Thiếu chế độ chụp tối nên khả năng chụp thiếu sáng của Magna không được đánh giá cao. Độ nhiễu khá nhiều giống như các model cùng tầm. Khi chụp trong phòng hoặc lúc thiếu sáng, máy thường tự động đẩy sáng lên cũng như tự động điều chỉnh lại cân bằng trắng, khiến một số trường hợp lên màu không thật.
Camera trước là điểm gỡ gạc lại phần nào khi nó được trang bị tiện ích để selfie tốt, bằng cách ra lệnh bằng giọng nói cũng như xoè và nắm tay để chụp ảnh từ xa.
Giao diện và tính năng
Giao diện tuỳ biến của LG trên Android 5.0. |
Magna là một trong số ít những chiếc smartphone tầm thấp hiện giờ được cài đặt sẵn Android 5.0 Lollipop thay vì bản cũ 4.4 KitKat. Giao diện của máy kế thừa từ các model cao cấp như G3 hay G4, đi theo phong cách phẳng nhưng chưa được như Android gốc. Ngoài tính năng mở khoá bằng nhịp gõ Knock On và Knock Code, một tiện ích hay khác ở giao diện của LG là tính năng xem thông báo và xem giờ
Giao diện của LG chưa cho phép tuỳ biến và cá nhân hoá nhiều, và vẫn cần phải hoàn thiện nhiều để đem đến trải nghiệm tốt. Việc có dung lượng RAM thấp chỉ 1GB cũng khiến cho giao diện của Magna thường bị giật và lag nhẹ trong quá trình sử dụng lâu. Tính năng hiển thị thông báo cuộc gọi, tin nhắn dạng cửa sổ thu nhỏ (Pop-up) khá hay, tuy nhiên, giao diện này không còn chế độ mở ứng dụng dạng cửa sổ nhỏ như dòng L series năm ngoái.
Mẫu Android 4 triệu đồng còn được LG trang bị 2 SIM. Điểm tốt là nó hỗ trợ chế độ 3G kép nên không cần lựa chọn SIM chính hay phụ để kết nối dữ liệu Internet, cũng như chế độ chuyển cuộc gọi thông minh từ SIM này sang SIM kia khi cần thiết. Nhưng điểm chưa tốt là chế độ cài đặt và sử dụng 2 SIM trên Magna phức tạp, tốn nhiều thao tác.
Chế độ sử dụng và quản lý 2 SIM trên Magna chưa ổn. |
Ví dụ lúc cần thực hiện cuộc gọi, người dùng phải chủ động lựa chọn sim chính hay sim phụ, bằng phím ảo hoặc kéo thanh thông báo Notification xuống. Phần quản lý sim kép trong mục cài đặt được sắp xếp chưa rõ ràng, khiến việc chuyển đổi sim mất thao tác, rắc rối với người mới dùng lần đầu.
Thời lượng pin
Đây chính là ưu điểm đáng quan tama của Magna so với các model 5 inch tầm giá 4 triệu đồng khác. Thử nghiệm bằng công cụ PC Mark, thời gian sử dụng liên tục với nhiều tác vụ khác nhau của LGMagna đạt tới 8 giờ 15 phút, nhiều hơn hơn 2 giờ so với đối thủ Lenovo S60. Sản phẩm có viên pin đi kèm dung lượng 2.540 mAh.
Trong khi sử dụng thực tế với nhu cầu trung bình, Magna có thể cho thời gian hoạt động được từ một ngày rưỡi đến 2 ngày ở chế độ 2 SIM, kết nối dữ liệu 3G mở liên tục. Hoạt động lâu, Magna không bị nóng nhiều ở phần lưng, tuy nhiên, mặt trước của máy toả nhiệt nhiều hơn và hơi ấm.
Màn hình đẹp, pin lâu cùng với thiết kế trông khá sang, nam tính là những điểm hấp dẫn trên LG Magna. Ở tầm giá 4 triệu đồng, đây là một mẫu Android dùng được với hiệu năng ổn, chạy Android 5.0. Thiếu sót ở sản phẩm là việc camera cho chất lượng khá nhưng tính năng nghèo nàn. Ngoài ra, hạn chế đáng tiếc là việc chỉ có RAM 1GB cùng dung lượng bộ nhớ trong hơi thấp.