
Phòng tránh dị tật ở thai nhi như thế nào?

Bạn thân mến!
Dị tật bẩm sinh là vấn đề khiến thai phụ lo lắng trong suốt thời kỳ mang thai. Đây là hiện tượng trẻ mới sinh ra đã bị mắc bệnh hoặc có những dị tật từ trong thời kỳ thai nhi.
Nguyên nhân dẫn đến dị tật bẩm sinh
- Cả cha và mẹ đều có nhân tố di truyền dị tật.
- Khi trứng thụ tinh phát sinh những biến dị, hoặc lúc thụ tinh phát sinh nhiễm sắc thể dị thường.
- Có một ảnh hưởng nào đó tác động đến cơ thể người mẹ trong thời kì đầu mang thai, gây ra quái thai và dị thường. Có thể do một số thuốc điều trị bệnh cho mẹ; người mẹ tiếp xúc, hít phải hóa chất độc hại, khói thuốc lá; thai phụ bị nhiễm virus, vi khuẩn, trong đó virus rubella… Đây là nguyên nhân chiếm 90% trong số các ca dị tật bẩm sinh ở trẻ.
- Cuối kì mang thai, do thai nhi tự phát triển và nhận một số tác động ảnh hưởng nào đó của cơ thể mẹ gây và ra dị thường như: không hợp nhóm máu, thai phụ mắc một số bệnh.
Trong bất kì trường hợp nào, trước khi sinh đẻ đều không có cách gì để phán đoán được rõ ràng là thai nhi có dị tật hay không. Bởi vậy, phụ nữ mang thai luôn lo lắng về việc mình sẽ sinh ra con bị dị tật. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ trẻ sơ sinh bị dị tật đã giảm đi rất nhiều, vì thế thai phụ không cần phải lo lắng quá mức, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
5 lời khuyên giúp hạn chế dị tật ở thai nhi
- Thai phụ nên chủ động có thai và cả hai vợ chồng cần khám sức khỏe trước khi quyết định có thai. Khi thấy trễ kinh và xuất hiện các triệu chứng thai nghén, bạn cần đi khám để khẳng định xem mình có thai chưa, từ đó có chế độ dưỡng thai hợp lý.
- Khi nghi ngờ có thai, không nên can thiệp bằng thuốc, hóa chất, tia xạ...
- Cần ăn uống một cách khoa học, sạch sẽ, hạn chế những thức ăn có hóa chất, thuốc trừ sâu và những thức ăn có khả năng gây tiêu chảy.
- Sử dụng axít folic trước và trong lúc mang thai giúp hạn chế tình trạng dị tật ống thần kinh (gây ra những bệnh thần kinh) ở thai nhi.
- Phụ nữ lớn tuổi không nên mang thai, đặc biệt từ 40 tuổi trở đi.