
Quan hệ xong bạn gái bị chảy máu ?

Bạn biết gì về hiện tượng “cô bé” bị chảy máu khi “lâm trận” xong? Tuy không phải là hiện tượng xảy ra phổ biến, thế nhưng, nó lại làm hầu hết mọi người cảm thấy bất an khi gặp phải. Thực hư của vấn đề này là như thế nào và phải làm gì trong trường hợp ấy? Cùng Tâm sự bạn trẻ tìm hiểu ngay từ bây giờ, bạn nhé! Một vài giả thuyết “Ung thư là cái chắc”. Nghe đứa bạn thân phán một câu xanh rờn như thế, Liên thấy đau nhói trong tim. “Mới tí tuổi đầu, làm gì có chuyện ung thư? Đấy là bệnh của các bà, các mẹ mà”, Liên cố chống chế để tìm cho mình một tia hi vọng sống. “Nhưng mày đã làm “chuyện ấy”, mà nếu đã từng làm “chuyện ấy” đều có nguy cơ bị ung thư chứ sao”. Nhỏ bạn ra vẻ hiểu biết. “Tao mới làm “chuyện ấy” có vài lần thôi mà. Làm sao ung thư nhanh như thế được. Mới lại ung thư thì phải có thời gian ủ bệnh chứ?” Trước lời lý sự của Liên, cô bạn bắt đầu ú ớ: “Hay mày bị va đập “vùng kín” mà không nhớ, rồi dẫn đến việc chấn thương gây xuất huyết âm đạo như thế này?” Biết rằng chẳng thể tìm được một thông tin khoa học nào từ cô bạn gái thân yêu, Lan chán nản bỏ về. Rõ ràng, không phải là kỳ nguyệt san, cũng chẳng phải bị va đập vào đâu, nhưng “cô bé” của Liên lại chảy máu một cách đầy bất thường ngay sau khi vừa “lâm trận” với bạn trai xong. Bỏ qua nỗi xấu hổ, Liên quyết định tìm gặp chuyên gia để làm sáng tỏ mọi vấn đề. Lắng nghe ý kiến chuyên gia Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến để lý giải cho hiện tượng ra máu khi quan hệ tình dục là màng trinh bị rách. “Nếu bạn cho rằng những vệt máu xuất hiện trên quần chip kia không thể là kết quả của một màng trinh đã bị rách vì đây đã là lần thứ n bạn quan hệ tình dục, thì có lẽ bạn đã nhầm to”. Tư vấn viên Quỳnh Hương của Tâm sự bạn trẻ khẳng định. Đúng là thông thường, màng trinh (nếu có) sẽ bị rách ngay trong lần quan hệ tình dục đầu tiên (vì nó chỉ nằm ngay cửa âm đạo nên khó có thể giữ nguyên được hình dáng ban đầu khi nhận một lực tác động mạnh như thế từ “cậu nhỏ”), thế nhưng, thực tế là, màng tinh có cấu tạo và kích thước vô cùng khác nhau. Thế nên, có nhiều người sau khi “lâm trận”, màng trinh sẽ rách ngay lập tức, nhưng cũng có những người khi sinh em bé, màng trinh mới bị rách. Nói như vậy có nghĩa là, những vệt máu kia có thể là dấu vết báo hiệu màng trinh đã thực sự rách, và đó chẳng phải là điều gì đáng lo ngại. Ở tình huống của Liên, máu cũng có thể xuất hiện nếu như bạn làm “chuyện ấy’’ sau khi vừa sạch kinh. Bởi lẽ, theo sự xâm nhập của “cậu nhỏ”, lượng máu còn lại của chu kì kinh nguyệt vừa kết thúc sẽ được tống xuất nốt ra ngoài. Trường hợp này cũng là rất bình thường và máu kinh có thể hết trong vòng một đến hai ngày sau đấy. Bên cạnh đó, một lý do khác lý giải cho hiện tượng này là: nếu bạn quan hệ tình dục quá mạnh hoặc bạn gái chưa sẵn sàng cho việc này, dịch sinh dục ra chưa đủ nhiều, máu sẽ xuất hiện, báo hiệu những xây xước ở cơ quan sinh dục. Trường hợp này sẽ đi kèm với hiện tượng đau, rát…. Mặc dù vậy, những hiện tượng này không tồn tại quá lâu mà thường mất đi sau đó một vài ngày. Và tất nhiên, để khắc phục nó, cách tốt nhất là cùng nhau xây dựng khúc “dạo đầu” thật hoàn hảo. Hãy chia sẻ những quan điểm của mình về “chuyện ấy” cũng như thông báo cho người kia vị trí của những điểm nhạy cảm. Có như vậy, bạn mới không “lãng phí” máu một cách vô ích. Tuy nhiên, nếu nhận thấy rằng việc ra máu đi kèm với các hiện tượng khác như ngứa, rát, mẩn đỏ, chảy dịch có mùi khó chịu…, thì có lẽ, bạn đã mắc một viêm nhiễm hay bệnh lây truyền qua đường tình dục nào đó. Lúc này, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu các dấu hiệu này không có chiều hướng thuyên giảm. Nghe theo lời khuyên của bạn bè hay tự kê đơn, bốc thuốc cho mình không những không làm bệnh mau khỏi mà còn khiến nó trở nên trầm trọng hơn. Bạn nên nhớ, một vài bệnh phụ khoa có thể có những biểu hiện lâm sàng vô cùng giống nhau, nên không thể thấy “triệu trứng của tớ cũng giống như của nhỏ bạn”, mà tự bắt bệnh cho bản thân. Ra máu sau khi quan hệ tình dục tưởng như là vấn đề trầm trọng, thế nhưng, nó trở nên rất bình thường nếu như bạn nắm bắt được tất cả thông tin. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta được quyền chủ quan với nó, mà để mỗi người có thể thận trọng hơn trước những hiện tượng gặp phải, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Theo Tâm sự bạn trẻ
