
Quy định bắt buộc việc thay đổi Chủ tịch HĐQT
Tôi là thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) của 1 CTCP được cổ phần hoá từ năm 2007 có dưới 100 nhà đầu tư, có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng. Từ đó đến nay, công ty tôi đã thay đến 3 đời chủ tịch HĐQT từ 3 lần chuyển nhượng cổ phần. Song, tại mỗi lần thay đổi này, tôi đều không được xin ý kiến chính thức bằng văn bản.
Xin hỏi, pháp luật có quy định bắt buộc việc thay đổi Chủ tịch HĐQT phải xin ý kiến các thành viên HĐQT hay không? Nếu ông Chủ tịch HĐQT hay thành viên HĐQT chuyển nhượng CP trong thời gian còn đương nhiệm hoặc CP chưa hết thời hạn hạn chế chuyển nhượng 3 năm được thực hiện như thế nào?

Bầu Chủ tịch Hội đồng Quản trị
Tại khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) hoặc HĐQT bầu Chủ tịch HĐQT theo quy định tại Điều lệ công ty”. Như vậy, việc bầu Chủ tịch HĐQT sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều lệ của từng công ty. Có hai trường hợp sau có thể xảy ra:
Nếu Điều lệ Công ty bạn quy định việc bầu Chủ tịch HĐQT thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ thì không phải xin ý kiến của thành viên HĐQT, ĐHĐCĐ sẽ tiến hành bầu Chủ tịch HĐQT.
Nếu Điều lệ Công ty bạn quy định HĐQT bầu Chủ tịch HĐQT thì Chủ tịch HĐQT được bầu trong số thành viên HĐQT. Theo đó, việc bầu Chủ tịch HĐQT bắt buộc phải được thông báo cho các thành viên HĐQT. Các thành viên HĐQT sẽ bầu Chủ tịch HĐQT bằng cách biểu quyết tại cuộc họp theo nguyên tắc đa số, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định. Mỗi thành viên HĐQT có một phiếu biểu quyết. Nếu rơi vào trường hợp này, Công ty của bạn bầu Chủ tịch HĐQT mà không xin ý kiến của thành viên HĐQT là trái với quy định của Điều lệ công ty bạn và không phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2005.
Chủ tịch và thành viên HĐQT chuyển nhượng cổ phần khi chưa hết nhiệm kỳ và trong ba năm đầu kể từ ngày Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Tại khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của ĐHĐCĐ. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Sau thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ”.
Như vậy, việc cho phép hoặc hạn chế chuyển nhượng cổ phần của Chủ tịch và thành viên HĐQT phụ thuộc vào việc họ có phải là cổ đông sáng lập của Công ty hay không. Cụ thể gồm hai trường hợp sau:
Nếu Chủ tịch và thành viên HĐQT không phải là cổ đông sáng lập của Công ty thì Luật Doanh nghiệp 2005 không có quy định nào cấm hay hạn chế đối với việc chuyển nhượng cổ phần mà họ sở hữu tại bất kỳ thời điểm nào, khi họ còn đương nhiệm hay không.
Nếu Chủ tịch và thành viên HĐQT là cổ đông sáng lập của Công ty thì họ bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần phổ thông theo quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp 2005 nêu trên. Theo đó, trong thời hạn ba năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập chỉ được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho các cổ đông sáng lập khác, nếu chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập thì bắt buộc phải được sự chấp thuận của ĐHĐCĐ.
Hãy liên hệ: http://www.newvisionlaw.com.vn/ chúng tôi sẽ giúp bạn