
Thủ tục nhập hộ khẩu Hà Nội??
Gia đình tôi đăng ký tạm trú tạm vắng ở Hà Nội 6 năm nay; nhà đang ở chỉ mua bán bằng giấy viết tay. Chồng tôi là cán bộ cơ quan nhà nước. Vậy chúng tôi có đủ điều kiện nhập hộ khẩu Hà Nội không? (Kim Oanh)
Nếu có, cần những giấy tờ gì?

Điều kiện nhập hộ khẩu Hà Nội
Theo quy định tại Điều 20 Luật Cư trú 2006, công dân “Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên”… là một trong những trường hợp được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú thì giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân để đăng ký thường trú là một trong các giấy tờ sau đây:
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở;
- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
- Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
- Giấy tờ có xác nhận của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên….
Theo các quy định nói trên, nếu bạn đã có thời gian tạm trú tại Hà Nội là 6 năm nhưng nhà của bạn đang ở chỉ mua bán bằng giấy viết tay nên bạn cần phải có giấy tờ xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về nhà ở, đất ở của bạn không có tranh chấp là bạn có đủ điều kiện để được nhập hộ khẩu tại Hà Nội.
Hồ sơ để đăng ký thường trú (cấp sổ hộ khẩu) được gửi tới công an cấp quận, huyện nơi bạn cư trú.
Hồ sơ bao gồm:
1. Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
2. Bản khai nhân khẩu.
3. Giấy chuyển hộ khẩu.
4. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở, đất ở của bạn không có tranh chấp).
5. Giấy tờ về tạm trú có thời hạn (sổ tạm trú hoặc xác nhận của công an xã, phường, thị trấn về thời gian đăng ký tạm trú) hoặc xác nhận của công an phường, xã, thị trấn về thời gian tạm trú. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Công ty Luật Hồng Hà
Số 2 ngõ Thi Sách, phố Thi Sách, Hà Nội

Câu hỏi của bạn Kim Oanh tôi xin trả lời như sau:
I. Căn cứ khoản 1 Điều 20 Luật cư trú; điểm a khoản 1 Điều 5; điểm a khoản 1 Điều 7, Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 107/2007/ NĐ-CP ngày 25/6/2007 hướng dẫn một số điều Luật cư trú và Thông tư số 06/2007/TT-BCA-C11 ngày 01/7/2007 của Bộ Công an hướng dẫn một số điều Luật cư trú và Nghị định 107/2007/ NĐ-CP.
Theo quy định các điều luật viện dẫn ở trên, vợ chồng bạn đã đăng ký tạm trú ở Hà Nội được 6 năm, nhà ở của vợ chồng bạn nhận chuyển nhượng bằng giấy viết tay. Vì vậy, giấy viết tay này không có giá trị chứng minh là ở hợp pháp bởi vì, theo quy định của pháp luật việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở phải lập thành hợp đồng bằng văn bản có công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, bạn vẫn thuộc trường hợp được nhập khẩu Hà Nội theo quy định tại điểm a Điều 5 Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 107/2007/ NĐ-CP ngày 25/6/2007 cụ thể như sau: “Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên”. Theo quy định này trường hợp của bạn giấy tờ mua bán nhà ở viết tay không có giá trị chứng minh là nhà ở hợp pháp (như đã phân tích ở trên).
Do vậy, vợ chồng bạn đến UBND phường nơi bạn đăng ký tạm trú để làm thủ tục xin xác nhận nhà ở, đất ở của vợ chồng bạn đang ở không có tranh chấp, khiếu kiện.
II. Trường hợp cụ thể của bạn hồ sơ đăng ký thường trú tại Hà Nội bao gồm:
1- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
2- Bản khai nhân khẩu;
3- Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú);
4- Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.
5- Giấy đăng ký tạm trú liên tục từ 1 năm trở lên.
Chúc bạn thành công.

Mong sao không còn phải nhọc nhằn về hộ khẩu
Thời buổi thế kỷ 21 rồi mà đất nước Việt Nam chúng ta vẫn còn tình trạnh hộ khẩu thành phố này hay hộ khẩu thành phố nọ.
Tại vì hộ khẩu thành phố này quan trọng hơn thành phố nọ cho nên mới có tình trạng và tệ nạn khác xảy ra. Nếu chúng ta là người Việt Nam sanh ra tại nước Việt Nam thì chúng ta là công dân Việt Nam. Đã là công dân Việt Nam rồi thì bất cứ mảnh đất nào trong phạm vi nước Việt Nam chúng ta có quyền cư ngụ, làm việc và sinh sống. Có được như vậy thì về mặt hành chánh của chúng ta bớt đi phần nào rườm rà và khi ấy thì việc hộ khẩu thành phố lớn hay thành phố nhỏ không còn tệ nạn làm khó nhân dân.
Chúng tôi mong sao đất nước mình mỗi ngày mỗi văn minh hơn, không còn phải nhọc nhằn về hộ khẩu hay là đăng ký tạm trú, tạm vắng nữa ... Hộ khẩu (Hậu Khổ ) ... biết rồi ... nói mãi..
Vài lời góp ý kính mong Việt Nam chúng ta một ngày một phát triển theo văn minh và hiện đại hóa.