
Vì sao lại có lụt?

Lụt là hiện tượng nước trong sông, hồ tràn ngập một vùng đất[1]. Lụt có thể dùng để chỉ ngập do thủy triều, nước biển dâng do bão. Lụt có thể xuất hiện khi nước trong sông, hồ tràn qua đê hoặc gây vỡ đê làm cho nước tràn vào các vùng đất được đê bảo vệ[2]. Trong khi kích thước của hồ hoặc các vực nước có thể thay đổi theo mùa phụ thuộc vào giáng thủy hoặc tuyết tan, nó không có nghĩa là lũ lụt trừ khi lượng nước này tràn ra gây nguy hiểm cho cho các vùng đất như làng, thành phố hoặc khu định cư khác.
Lụt có thể xảy ra khi mực nước sông dâng cao do lũ lớn làm tràn ngập và phá hủy các công trình, nhà cửa dọc theo sông. Có thể giảm thiệt hai do lũ bằng cách di dời dân cư xa sông, tuy nhiên các hoạt động kinh tế, dân sinh thường gắn liền với sông. Do vậy, con người vẫn cứ định cư trong những khu vực có nhiều rủi ro bị thiệt hại do lũ, khi đó giá trị thu được do sống gần vực sông cao hơn là chi phí dự báo lũ định kỳ.

Lụt thường xảy ra vào mùa mưa nhiều. Nước mưa rơi xuống, một phần thấm xuống lòng đất, một phần bốc hơi bay lên, nhưng phần lớn là chảy trên mặt đất, qua các khe, suối hội nhập vào sông. Lượng nước chảy vào sông nhiều hay ít phụ thuộc vào việc mưa nhiều hay ít. Mưa càng to, thời gian mưa càng lâu, nước chảy vào sông sẽ càng nhiều. Nếu trong một thời gian ngắn có một lượng nước rất lớn chảy vào sông vượt quá khả năng tải nước tối đa của nó, nếu đê điều không đủ độ cao, không vững chắc thì sẽ xẩy ra lụt.
Ở những nước có mùa mưa vào mùa hè thì lũ lụt dễ xảy ra trong thời gian này. Ở vùng Địa trung hải, châu Âu, mùa hè lại không mưa nhiều mà mùa đông mới là mùa mưa nhiều nhất, vì vậy ở đây lũ lụt thường xẩy ra vào mùa đông. Còn ở vùng hàn đới thường không có mưa mà chỉ có tuyết rơi. Tuyết rơi xuống tích tụ trên mặt đất, đến mùa xuân ấm áp mới tan thành nước chảy vào sông, vì vậy ở những vùng này lũ lụt dễ xảy ra vào mùa xuân.
Để chống lũ lụt, ngoài việc xây dựng các công trình thủy lợi như đắp đê, v.v. còn có một biện pháp rất có hiệu quả, đó là làm biến đổi các đồi núi trọc bằng cách trồng nhiều cây. Bởi vì sau khi nước mưa rơi xuống đất, nếu mặt đất trọc lốc, độ dốc lại cao, nước sẽ chảy đi rất nhanh; nếu mặt đất có nhiều cỏ và cây, nước sẽ thấm một phần vào lòng đất, tốc độ chảy chậm lại, giảm bớt được việc nước, đất chảy mất đi, nước sông không thể đột ngột dâng cao. Chính vì vậy mà đã có người gọi rừng cây là “kho chứa nước màu xanh”.