Cách đây không lâu rộ lên chuyện người bán khoai lang có thể kiếm hơn 10 triệu/tháng làm dân văn phòng cũng phải “ganh tị”, hay chuyện người con học hành đàng hoàng tốt nghiệp xong đi làm chỉ đủ xài, trong khi nguồn thu nhập chính trên dưới 10 triệu lại từ người mẹ mua ve chai…đó không phải là trường hợp cá biệt, mà nó vẫn đang hiện diện trong cuộc sống nhưng không ít người trong chúng ta nhận ra, để từ đó thấy được giá trị đích thực của sức lao động.
Một người làm văn phòng mặc đồ công sở đi xe đẹp chưa chắc đã kiếm nhiều tiền hơn một người bán bánh mì hay hủ tiếu gõ lề đường, cá biệt có trường hợp một xe bánh tráng trộn có thu nhập hơn 1 triệu mỗi đêm khiến cho ngay cả giám đốc cũng còn phải giật mình chứ đừng nói là nhân viên. Họ không thể ngờ những nghề mà họ cho rằng tầm thường lại có mức thu nhập “khủng” như vậy, trong khi mang tiếng là làm công ty này công ty nọ nhưng cũng chỉ là “có tiếng không mà có miếng”. Đó là do không biết đã đành, nhưng sau khi biết thì ra sao? Cũng chả sao, cũng chẳng ai từ bỏ công việc hiện tại để đi bán khoai lang bán bánh tráng trộn cả.
Không ai có đủ can đảm để từ bỏ đồ đẹp, phòng máy lạnh để khoác lên người những bộ đồ không còn mới, suốt ngày phải chường mặt ra đường đối diện với ô nhiễm khói bụi. Không ai dám từ bỏ cái tôi quá lớn của mình để làm những công việc kia vì sĩ diện vì mặc cảm, họ chấp nhận nguồn thu nhập vừa đủ trang trải nhưng bù lại họ được ăn ngon mặc đẹp, thậm chí họ chấp nhận thất nghiệp nhưng có mấy ai dám làm công việc hái ra tiền nhưng cơ cực kia đâu.
Lớn lên được học hành đến nơi đến chốn, bằng cấp này nọ, điều đó dường như đã mặc định với nhiều người, nhưng ngược lại vì hoàn cảnh vì số phận éo le không ít người không được đến trường, hoặc việc học hành trở nên dang dở, và quãng đời sinh viên hay tấm bằng là thứ quá xa lạ và xa xỉ với họ. Họ phải lao vào cuộc sống bằng lao động chân tay thay vì khối ốc, nhưng đó mới là cuộc sống. Nếu ai cũng chọn những công việc nhẹ nhàng thì các công việc nặng nhọc sẽ về phần ai, ai cũng ngồi văn phòng thì ai sẽ quét rác…? Không có một nghề nào là thấp kém, nghề nào cũng cần cho xã hội. Miễn là việc làm chân chính, thì đồng tiền kiếm được từ những giọt mồ hôi kia lại càng có ý nghĩa và càng được trân trọng.
Nói như vậy không có nghĩa là cứ không cần học hành cũng sẽ có nguồn thu nhập hấp dẫn, điều đó tùy thuộc vào đầu óc của mỗi người, tùy thuộc vào vận may, tùy thuộc vào những việc họ làm. Cuộc sống không phải lúc nào cũng bất công hay lúc nào cũng công bằng, có người làm việc nặng nhọc bưng bê khuân vác nhưng số tiền công họ nhận được cũng chẳng đáng là bao so với người buôn bán mặc dù cũng cùng không có bằng cấp như nhau. Điều đó cho thấy nếu bạn là người có đầu óc kinh doanh, thì cho dù làm việc ở môi trường nào, bằng cấp hay không bằng cấp bạn vẫn có thể thành công.
Nếu bạn đã lỡ không có bằng cấp thì cũng chẳng sao, đừng than thân trách phận, đừng so đo với đời vì việc đó không thay đổi được gì cả chỉ tốn thời gian. Mục đích của kinh doanh là đem về lợi nhuận, ta hãy lấy ví dụ một người bán khoai lang, nếu phân tích kỹ thì họ cũng là một nhà kinh doanh thật thụ mặc dù “công ty” của họ chỉ là chiếc xe đẩy. Họ mua nguồn nguyên liệu giá rẽ nhưng sau quá trình chế biến không tốn chí phí là mấy, thì họ lại bán ra với giá gấp nhiều lần số vốn ban đầu, đó là họ đã thành công. Một người mua ve chai cũng vậy, với người bình thường thì đó là rác nhưng đối với họ đó là tiền. Mua một bán năm là quá bình thường đối với họ, nhưng nếu so sánh với doanh nghiệp lớn thì đây là con số trong mơ, thử hỏi có mấy doanh nghiệp sáng bỏ ra một tỷ chiều thu về năm tỷ, nhưng nếu so sánh tương quan về cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp với chiếc xe đẩy thì rỏ ràng việc họ bỏ ra một ngàn mua nguyên liệu để thu về năm ngàn là một việc hết sức bình thường. Như vậy có thể thấy họ là những người kinh doanh tài ba, chính những trải nghiệm thật tế đó đã khiến không ít người nắm bắt được nhu cầu của xã hội, họ phát triển dần dần và tạo nên những cơ ngơi đáng mơ ước và bền vững.
Qua đó cho thấy bằng cấp là cần thiết nhưng đó không phải là tất cả, vẫn có ông giám đốc thành đạt này chưa học hết cấp một vẫn có bà giám đốc kia chưa học hết cấp hai. Nhưng điểm chung ở họ chính là nghị lực trong cuộc sống, dám nghĩ dám làm. Họ có thể làm các công việc mà mọi người cho là tầm thường nhưng hiệu quả mang lại thì không thể phủ nhận, hãy kiếm tiền bằng chính sức lao động của bạn cho dù là công việc nào thì cũng đáng trân trọng miễn là lương thiện. Và hơn hết là dẹp bỏ cái tôi quá lớn trong mỗi con người, dẹp bỏ sự mặc cảm qua một bên để lao động, để thành công trong cuộc sống từ những điều bình dị nhất.