
Cách phát hiện sớm ung thư vú?

Theo một nghiên cứu mới đây thì xét nghiệm máu có thể dự báotrước 20 năm nguy cơ mắc ung thư vú sau mãn kinh.
Các nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện Phụ nữ và Brigham ở Boston, Mỹ đã nghiên cứu 796 phụ nữ mãn kinh, không dùng liệu pháp hormon và có chẩn đoán ung thư vú trong giai đoạn từ năm 1989-2002.
Những đối tượng này cũng tham gia vào nghiên cứu Nurse’ Health Study và được lấy mẫu máu theo dõi từ năm 1989-2002.
Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có nồng độ cao 2 hormon sinh dục là estradiol, testosteron và hormon DHEAS (được tuyến thượng thận sinh ra) tăng từ 50-107% nguy cơ bị ung thư vú khi so sánh với những phụ nữ có nồng độ thấp các hormon này. Nồng độ các hormon này cao cũng liên quan tới tái phát ung thư vú hoặc tử vong do ung thư vú.
Tuy nhiên, những phụ nữ có nồng độ cao homron sinh dục SHBG (được xem là yếu tố làm giảm các tác dụng gây ung thư của một số hormon) lại giảm được 30% nguy cơ mắc ung thư vú so với những phụ nữ có SHBG thấp.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy nồng độ hormon estrogen cao làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú dương tính với thụ thể hormon.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội ung thư Hoa kỳ thì để chẩn đoán nguy cơ mắc ung thư vú còn cần tính đến các yếu tố nguy cơ khác như độ tuổi, chủng tộc, tiền sử gia đình…
Kết quả nghiên cứu này sẽ được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ (AACR) tại Anaheim, Clifornia.

Ung thư vú (UTV) là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. BS.CKII. Trần Nguyên Hà, trưởng khoa nội 4, Bệnh viện ung bướu TP.HCM, thông tin thêm: Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây UTV nhưng gần một nửa bệnh nhân không xác định được yếu tố nguy cơ rõ ràng.
Các yếu tố nguy cơ cao
- Tuổi: tần suất của bệnh tăng theo mỗi thập niên của cuộc đời. 85% trường hợp UTV xảy ra ở phụ nữ trên 50 tuổi.
- Tiền căn gia đình: người thân đời thứ nhất (mẹ, chị em gái, con gái) có mắc bệnh UTV.
- Tiền căn cá nhân: những phụ nữ có tiền căn UTV trước đó sẽ tăng nguy cơ phát triển UTV đối bên, hay ung thư buồng trứng, cổ tử cung, đại trực tràng. Hoặc tiếp xúc với tia xạ.
Các yếu tố nguy cơ trung bình
Các yếu tố này sẽ làm tăng nguy cơ UTV 1,5 - 2 lần:
- Đậm độ vú trên nhũ ảnh: phụ nữ chụp nhũ ảnh kết quả cho thấy có nhiều vùng tăng đậm độ thì có nguy cơ bị UTV cao hơn người chủ yếu là mô mỡ.
- Kết quả sinh thiết bất thường: sinh thiết là lấy một phần mô vú để xem cấu tạo của nó dưới kính hiển vi. Kết quả là bất thường khi tăng sản mô tuyến vú, tăng sản không điển hình. Trong khi đó, thay đổi sợi bọc hoặc bướu sợi tuyến không tăng nguy cơ UTV.
- Tiếp xúc tia xạ: xạ trị vào thành ngực liều cao (sau điều trị bệnh lymphom).
Các yếu tố nguy cơ khác
- Chu kỳ kinh nguyệt: phụ nữ có kinh sớm (trước 12 tuổi), chu kỳ kinh đều thì có nguy cơ ung thư cao gấp 4 lần người có kinh lần đầu trễ (sau 13 tuổi) và có chu kỳ kinh dài, không đều. Có kinh trễ làm giảm nguy cơ UTV khoảng 25% mỗi năm. Phụ nữ mãn kinh tự nhiên sớm (trước 45 tuổi) giảm phân nửa nguy cơ UTV so với chính họ nếu mãn kinh sau 55 tuổi. Mãn kinh trước 35 tuổi giảm 60 - 70% nguy cơ ung thư. Nguy cơ ung thư tăng dần theo độ tuổi mãn kinh, cứ 1 năm chưa mãn kinh thì nguy cơ ung thư lại tăng thêm khoảng 4%. Phụ nữ châu Á có kinh lần đầu trễ và tuổi mãn kinh sớm hơn phụ nữ Mỹ nên tần suất UTV ở phụ nữ châu Á thấp hơn phụ nữ Mỹ.
- Thai kỳ và cho con bú: đây là yếu tố giúp phụ nữ giảm nguy cơ UTV. Phụ nữ có thai lần đầu đủ tháng khi dưới 20 tuổi thì nguy cơ ung thư chỉ bằng phân nửa người không có con. Mỗi lần có thai sau đó thì nguy cơ ung thư giảm thêm khoảng 7%. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ này giảm khi tuổi có thai lần đầu đủ tháng tăng (mang thai trễ), thậm chí phụ nữ có thai sau 32 tuổi sẽ có nguy cơ UTV cao hơn người không có con.
- Điều trị hormon thay thế: nghiên cứu cho thấy, sau mỗi 5 năm điều trị estrogen thay thế thì nguy cơ UTV tăng 10%. Sau mỗi 5 năm điều trị estrogen - progestin thay thế thì nguy cơ UTV tăng cao hơn: 25 - 40% (mặc dù dùng estrogen kết hợp với progestin ở phụ nữ không cắt tử cung là để giúp bảo vệ nội mạc tử cung).
- Béo phì: làm tăng nguy cơ UTV ở phụ nữ mãn kinh, tăng tỷ lệ tái phát cũng như giảm thời gian sống còn của bệnh nhân UTV. Có sự liên quan giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) và tử suất UTV. BMI càng lớn thì khả năng mắc bệnh UTV càng cao, đặc biệt với những người sau mãn kinh tự nhiên mập phì ra.
- Các ung thư khác: ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư đại tràng cũng làm tăng nguy cơ phát triển UTV.
Tuy vậy, UTV vẫn có thể xảy ra đối với những người được cho là ít có nguy cơ mắc bệnh (nam giới, phụ nữ trẻ).
Những dấu hiệu bất thường nào ở vú liên quan đến ung thư?
UTV thường không có triệu chứng, những dấu hiệu có thể không giống nhau ở các phụ nữ nhưng đôi khi nhận thấy có vấn đề bất thường gồm:
Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân chỉ sờ thấy một hạt cứng nhỏ không đau. Khi khối bướu lớn, sờ thấy một cục hoặc một chỗ dày lên ở tuyến vú có thể kèm theo:
- Vú bị sưng, ấm, bị đỏ hoặc bị sẫm màu lại.
- Thay đổi về kích thước hoặc hình dạng.
- Da ở vú bị lõm vào, loét hoặc nhăn nhúm.
- Ngứa, đau, tróc da trên núm vú.
- Đầu núm vú bị tụt vào.
- Núm vú thay đổi hình dạng hoặc đột nhiên có tiết dịch, đặc biệt là tiết dịch màu hồng.
- Vú bị đau.
- Có khối u, hạch vùng nách hoặc vùng trên xương đòn.
- Đau ngực cũng có thể là một triệu chứng của ung thư nhưng không phổ biến.
Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, việc đầu tiên cần làm là đi khám bệnh. Đầu tiên, đừng hoảng sợ vì 80% khối u vú không phải là ung thư. Cục u thường là bọc (nang) vô hại, chỉ là sự thay đổi mô liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, một sự xáo trộn lành tính của tuyến vú gọi là thay đổi sợi bọc hoặc là các bướu sợi tuyến lành tính, viêm hoặc áp xe vú, viêm - loét núm vú, bọc sữa hoặc viêm tắc tuyến sữa ở người cho con bú, viêm tuyến vú sau bơm silicon.
Trong những dấu hiệu kể trên, dấu hiệu nào gần với UTV?
Những dấu hiệu thường gặp là: da vú dày lên hoặc lồi lõm hay lún; đau hoặc ngứa ở vú hoặc chảy dịch ở núm vú; vú sưng to lên hoặc phì đại; đỏ da ở vú; nổi hạch nách hoặc vùng cổ.
Ngoài ra còn có UTV dạng viêm đỏ, sờ có thể cảm thấy ấm giống như hiện tượng viêm, phát triển rất nhanh. Da vú có thể trở nên dày, có màu đỏ giống như phát ban và có thể giống như vỏ trái cam. Nhiều người không biết là ung thư nên đi thầy lang đắp lá thuốc, hút mủ, lấy cùi... Việc làm này giống như chọc vào ổ kiến lửa tạo điều kiện cho ung thư phát tán nhanh hơn.
Những phương pháp phát hiện UTV?
Tự khám vú mỗi tháng/lần từng được khuyến cáo rộng rãi, tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy việc làm này chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong việc phát hiện ung thư. Vì thế thay cho việc kiểm tra bằng một lịch trình thường xuyên như trước, quan điểm hiện nay là lưu tâm và nhận biết bất kỳ thay đổi ở ngực của mình, định kỳ khám và làm các xét nghiệm cần thiết.
Để xác định có mắc bệnh UTV hay không, bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng tuyến vú, siêu âm vú, chụp nhũ ảnh, thử tế bào và đôi khi phải sinh thiết những tổn thương nghi ngờ ở vú. Khi đã xác định bệnh, bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn bệnh và lên kế hoạch điều trị.
- Nhũ ảnh (X-quang tuyến vú): phát hiện sớm UTV trước khi có các triệu chứng sẽ dễ dàng hơn cho việc điều trị khỏi. Chụp nhũ ảnh có thể phát hiện khối u trước khi chúng đủ lớn để nhận biết trên lâm sàng. Các khuyến cáo quốc tế đề nghị chụp hàng năm bắt đầu từ tuổi 40 cho các phụ nữ có nguy cơ trung bình.
- Siêu âm chẩn đoán: bên cạnh việc chụp nhũ ảnh, các bác sĩ có thể yêu cầu làm siêu âm vú để bổ sung chẩn đoán. Siêu âm có thể giúp xác định sự hiện diện của những bọc (nang) chứa dịch mà không phải là ung thư.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có thể được đề nghị cùng với chụp nhũ ảnh để kiểm tra thêm cho một số trường hợp đặc biệt ở những người có nguy cơ cao bị UTV.
- Chọc hút bằng kim nhỏ và mổ sinh thiết: cách chắc chắn để xác định xem có phải là ung thư không là làm sinh thiết. Nghĩa là lấy một mẫu mô nghi ngờ để kiểm tra kỹ hơn trong phòng thí nghiệm thông qua một cây kim nhỏ hoặc đôi khi làm tiểu phẫu để lấy một phần hoặc trọn bướu nếu còn nghi ngờ. Kết quả sẽ cho biết tính chất lành hay ác và nếu là ung thư sẽ biết là loại gì để chọn ra những phương pháp điều trị phù hợp.