VicoTas
Câu hỏi
Hương ngocanh123456
21/05/2013 08:02

Câu hỏi của người bắt đầu tiếp cận TTCK

Tôi rất quan tâm đến chứng khoán va muốn đầu tư nhưng tôi không biết nên đăng kí tài khoản lưu ki chứng khoán ở đâu, chi phí mở tài khoản là bao nhiêu? Sau khi có tài khoản thì liên lạc với ai để mua hoặc bán chứng khoán. Tuy biết một số thông tin về chưng khoán nhưng tôi e rằng còn rất hạn chế. Xin các Anh hãy cho tôi vài lời khuyên ! Hiện nay tôi đang sinh sống tại Hà nội, vậy tôi nên chọn công ty chứng khoán nào làm công ty giao dịch cho mình?

Danh sách câu trả lời (1)
avatar C4ndyman 21/05/2013 08:02
băn khoăn của bạn cũng là băn khoăn chung của nhiều bạn khác đang rất quan tâm và muốn tham gia vào thị trường chứng khoán. Tôi xin trả lời một cách đơn giản nhất những băn khoăn của bạn như sau, dựa trên những thông tin này bạn có thể tiếp tục tìm hiểu bổ sung những thông tin cần thiết khác.

A. Làm thế nào để tham gia vào giao dịch chứng khoán

Hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán được khởi đầu bằng việc đặt lệnh mua bán tại Văn phòng giao dịch của Công ty chứng khoán đặt tại các địa điểm khác nhau trong cả nước. Trước khi đặt lệnh, khách hàng phải làm thủ tục mở tài khoản tại Công ty chứng khoán.

Lệnh của khách hàng được chuyền từ Văn phòng công ty chứng khoán đến người đại diện của công ty tại sàn giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán. Các lệnh mua bán được đấu giá với nhau. Kết quả giao dịch sẽ được thông báo lại cho công ty chứng khoán và khách hàng của công ty. Những lệnh được thực hiện sẽ chuyển sang hệ thống thanh toán và lưu ký chứng khoán làm các thủ tục thanh toán chuyển giao chứng khoán và tiền.

I. Mở tài khoản:

Trước khi đặt lệnh, khách hàng mở tài khoản tại công ty chứng khoán. Việc mở tài khoản phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa khách hàng và công ty chứng khoán.

1. Các thông tin liên quan đến tài khoản

Khi mở tài khoản, khách hàng phải cung cấp các thông tin sau cho công ty chứng khoán:

* Tên đầy đủ
* Địa chỉ thường trú.
* Số điện thoại
* Số chứng minh thư.
* Các thông tin khác như số tài khoản tại ngân hàng, số tài khoản chứng khoán tại công ty chứng khoán khác (nếu có), thu nhập và kiến thức về thị trường chứng khoán.
* Khi có bất kỳ sự thay đổi nào liên quan đến các thông tin trên, khách hàng phải thông báo ngay cho công ty chứng khoán.

2. Loại tài khoản:

* Tài khoản lưu ký:

Hầu hết tài khoản của khách hàng là tài khoản lưu ký. Khách hàng mua và bán chứng khoán thông qua tài khoản này trên cơ sở giao ngay. Nếu khách hàng không thực hiện được việc thanh toán vào ngày thanh toán quy định, công ty chứng khoán có quyền bán chứng khoán có trên tài khoản để lấy tiền thanh toán.

* Tài khoản ký quỹ:

Khách hàng có thể sử dụng tài khoản này để vay tiền hoặc chứng khoán của công ty chứng khoán.

* Tài khoản uỷ thác:

Là tài khoản qua đó khách hàng uỷ thác cho nhà môi giới quyền mua và bán chứng khoán mà không cần thông báo hoặc có sự đồng ý của khách hàng.


3. Báo cáo tài khoản

Hàng tháng, công ty chứng khoán phải gửi cho khách hàng bản báo cáo về tình trạng tài khoản của khách hàng. Báo cáo phải ghi rõ mọi sự thay đổi trên tài khoản.

II. Đặt lệnh và loại lệnh

1. Đặt lệnh

Khi khách hàng muốn giao dịch, họ phải đặt lệnh bằng một trong các hình thức sau đây:

* Đặt lệnh trực tiếp tại phòng lệnh của công ty chứng khoán.
* Đặt lệnh qua điện thoại.
* Qua mạng vi tính nối mạng trực tiếp với phòng lệnh của công ty chứng khoán.

Nội dung của mẫu lệnh gồm các thông tin sau:

* Lệnh đó là Mua hay Bán, được in sẵn với mẫu khác nhau.
* Số lượng.
* Tên chứng khoán, mã số loại chứng khoán.
* Tên của khách hàng và mã số.
* Ngày giờ đặt lệnh.
* Thời gian có hiệu lực của lệnh.

2. Loại lệnh

a. Lệnh thị trường (Market order): Người ra lệnh chấp nhận mua, bán theo giá hiện hành trên thị trường.

b. Lệnh giới hạn (Limit order): Đối với việc chào bán, giá giới hạn là giá thấp nhất sẵn sàng bán. Đối với việc chào mua, là giá cao nhất sẵn sàng mua.

c. Lệnh dừng (Stop order)

Lệnh dừng để bán: Khách hàng mua 100 cổ phần với giá 12 ngàn đồng/cổ phần. Sau một thời gian giá cổ phiếu này lên tới 20 ngàn đồng/cổ phần. Khách hàng chưa muốn bán vì ông ta cho rằng giá còn tăng nữa. Nhưng để đề phòng trường hợp giá không tăng mà lại giảm, khách hàng này đặt lệnh dừng với người đại diện công ty chứng khoán để bán với giá 19 ngàn đồng/cổ phần chẳng hạn. Nếu thực tế giá cổ phiếu đó không tăng mà lại giảm thì giá cổ phiếu đó giảm tới 19 ngàn, người môi giới sẽ bán cho ông ta.

Lệnh dừng để mua: Lệnh này thường được dùng trong trường hợp bán khống để giới hạn sự thua lỗ. Chẳng hạn khách hàng vay của công ty chứng khoán một số cổ phần và bán đi với giá 30 ngàn đồng/cổ phần với hy vọng giá cổ phiếu giảm xuống tới 20 ngàn đồng/ cổ phần, ông ta sẽ mua để trả. Nhưng để đề phòng trường hợp giá cổ phiếu không giảm mà lại tăng, khách hàng đó đặt một lệnh dừng để mua với giá 35 ngàn đồng. Khi giá lên tới 35 ngàn đồng, người môi giới sẽ mua cổ phiếu đó cho ông ta và ông ta đã giới hạn sự thua lỗ của mình ở mức 5 ngàn đồng / cổ phần.

Một lệnh dừng để mua được đưa ra trên mức giá thị trường hiện hành còn một lệnh dừng để bán được đưa ra thấp hơn giá thị trường hiện hành..

d. Lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh - ATO
Xem tại đây http://saga.vn/view.aspx?id=2376

Các loại lệnh khác: các loại lệnh được đưa ra nhằm những mục đích nhất định

* Lệnh giới hạn dừng (stop limit): cũng giống như một lệnh dừng nhưng nó sẽ chuyển thành một lệnh giới hạn chứ không chuyển thành một lệnh thị trường khi đạt tới điểm dừng.
* Lệnh thực hiện toàn bộ hay huỷ bỏ (Fill or Kill): loại lệnh này được thực hiện ngay toàn bộ hoặc huỷ bỏ.
* Lệnh thực hiện ngay hoặc huỷ bỏ (Immediate or cancel IOC): lệnh được thực hiện ngay một phần nào đó, phần còn lại bị huỷ bỏ.
* Lệnh toàn bộ hoặc không (All or None, AON): với một thời hạn cho trước, chẳng hạn một ngày, lệnh phải được thực hiện toàn bộ, nếu không khách hàng sẽ không chấp nhận việc thực hiện đó.

III. Đấu giá trên Sở giao dịch:

a. Đấu giá định kỳ và đấu giá liên tục:

Đấu giá định kỳ là hệ thống trong đó các lệnh mua và lệnh bán được tích tụ lại trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó mới được ghép với nhau để hình thành một mức giá duy nhất tại điểm có khối lượng mua và bán lớn nhất được thực hiện.
Đấu giá liên tục là hệ thống trong đó các lệnh mua và lệnh bán liên tục được ghép với nhau nếu có thể.

Đấu giá định kỳ có ưu điểm là cho phép hình thành giá cả tốt nhất trên cơ sở khối lượng mua bán lớn được tích tụ lại. Đấu giá định kỳ thích hợp với thị trường có khối lượng giao dịch nhỏ; nó cho phép giảm bớt sự biến động quá mức của giá cả. Tuy nhiên, việc đấu giá liên tục lại thích hợp với thị trường có khối lượng giao dịch lớn. Nó cho phép hình thành giá cả tức thời đáp ứng được những thay đổi thường xuyên về thông tin trên thị trường.

Thông thường các nước có thị trường chứng khoán phát triển đều áp dụng cả phương thức đấu giá định kỳ và đầu giá liên tục. Mỗi ngày giao dịch có thể có 1 hoặc 2 phiên giao dịch (buổi sáng và buổi chiều). Vào đầu giờ phiên giao dịch buổi sáng, người ta xác định giá mở cửa theo phương thức đấu giá định kỳ. Sau đó việc giao dịch được thực hiện theo phương thức đấu giá liên tục. Cuối ngày giao dịch, người ta lại xác định giá đóng cửa theo phương thức đấu giá định kỳ.

b. Nguyên tắc ghép lệnh

* Giá mua cao hơn giá cơ bản và giá bán thấp hơn giá cơ bản sẽ được thực hiện trước.
* Phân bổ từ bên có khối lượng ít sang bên có khối lượng nhiều.
* Nếu sau khi khớp lệnh có nhiều mức giá cùng thoả mãn thì lấy mức giá gần với giá đóng cửa của ngày hôm trước hay mức giá của ngay phiên giao dịch trước đó.

c. Các nguyên tắc ưu tiên trong việc so khớp lệnh

* Nguyên tắc cơ bản đầu tiên được áp dụng là nguyên tắc ưu tiên về giá. Theo nguyên tắc này, các lệnh có giá tốt nhất (chào mua cao nhất và chào bán thấp nhất) được ưu tiên thực hiện trước.
* Nguyên tắc ưu tiên về thời gian: trong những lệnh có cùng mức giá, lệnh nào đến trước sẽ được ưu tiên thực hiện trước.
* Ưu tiên về khách hàng: có hai loại khách hàng là khách hàng cá nhân và khách hàng là nhà đầu tư có tổ chức như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư…SGDCK thường áp dụng quy tắc ưu tiên khách hàng là cá nhân trước khách hàng là nhà đầu tư có tổ chức.
* Ưu tiên về khối lượng: lệnh nào có khối lượng lớn hơn sẽ được ưu tiên phân phối trước.
* Ưu tiên ngẫu nhiên : theo nguyên tắc này, người ta chỉ áp dụng ưu tiên về giá. Sau đó các lệnh khi đưa vào hệ thống sẽ được máy tính sắp xếp một cách ngẫu nhiên

IV. Giao dịch đặc biệt

1. Giao dịch khối

Những giao dịch có khối lượng lớn (số cổ phiếu và trị giá lớn) được gọi là lô lớn. Thông thường những giao dịch có khối lượng lớn được giao dịch theo cách thức riêng gọi là giao dịch khối. Có hai cách giao dịch là:

* Tổ chức đấu thầu.
* Thương lượng dựa trên giá đóng cửa.

2. Giao dịch lô lẻ

Lô lẻ là những lô khối từ

* 1 tới 9 cổ phiếu (trường hợp lô chẵn 10 cổ phiếu)
* 1 tới 99 cổ phiếu (trường hợp lô chẵn 100 cổ phiếu)
* 1 tới 999 cổ phiếu (trường hợp lô chẵn 1.000 cổ phiếu).

Giá giao dịch lô lẻ thường được xác định trên cơ sở quyết định của Công ty môi giới căn cứ vào giá đóng cửa của ngày giao dịch hôm trước.

Việc giao dịch lô lẻ được thực hiện tại công ty chứng khoán và trong giao dịch lô lẻ, công ty môi giới thường thu phí cao hơn.

3. Giao dịch chứng khoán không có cổ tức

Định kỳ, theo quyết định của Hội đồng quản trị, công ty cổ phần có thể trả cổ tức bằng tiền hoặc cổ phiếu. Những cổ đông có danh sách vào ngày đăng ký cuối cùng sẽ được nhận cổ tức.

Những cổ đông sở hữu chứng khoán từ sau ngày khoá sổ sẽ không được nhận cổ tức. Vào ngày chứng khoán không có cổ tức, giá tham chiếu sẽ bằng giá đóng cửa ngày hôm trước trừ đi cổ tức.

Trường hợp trả cổ tức bằng cổ phiếu
Giá tham chiếu = Giá đóng cửa ngày hôm trước/(1 + tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu)

Trường hợp trả cổ tức bằng tiền và bằng cổ phiếu
Giá tham chiếu = Giá đóng của ngày hôm trước – cổ tức bằng tiền/
(1+ tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu)

4. Giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu mới

Công ty cổ phần thường ưu tiên cho cổ đông hiện tại quyền đặt mua cổ phiếu trong trường hợp phát hành chứng khoán để tăng vốn. Tương tự như việc nhận cổ tức, những cổ đông có danh sách vào ngày đăng ký cuối cùng sẽ được hưởng quyền này.

5. Giao dịch chứng khoán ngân quỹ

Chứng khoán ngân quỹ là phần chứng khoán do công ty phát hành mua lại chính chứng khoán do mình phát hành ra để nhằm chống lại việc bị thâu tóm, hợp nhất hoặc hạn chế giá chứng khoán bị giảm mạnh.

Việc mua lại chứng khoán phải chịu sự quản lý chặt chẽ của trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK). Công ty phát hành mở một tài khoản tại một công ty chứng khoán chỉ định. Một ngày trước ngày giao dịch công ty phải trình cho SGD đơn xin mua chứng khoán (trình bày rõ số lượng và giá đặt mua). Số lượng không được quá 10% cổ phiếu lưu hành.

Lệnh phải đặt trước khi mở cửa thị trường và chỉ được đặt lệnh một lần trong một ngày. Việc mua lại chỉ được thực hiện trong phạm vi 3 tháng và trong vòng 6 tháng không được bán lại chứng khoán ra thị trường kể từ ngày mua lại.

Giá đặt mua chứng khoán ngân quỹ không được vượt quá giá đóng cửa ngày hôm trước trong một tỷ lệ nhất định.

6. Giao dịch ký quỹ

Mua ký quỹ: là việc khách hàng vay tiền của công ty chứng khoán để mua chứng khoán. Với phương thức mua ký quỹ, khách hàng có thể tăng lượng lợi nhuận được thu trên một tổng đầu tư nhất định, và công ty chứng khoán thì thu được phí hoa hồng do việc thực hiện một khối lượng dịch vụ lớn hơn, đồng thời cũng thu tiền lãi trên tiền cho khách hàng vay. Loại giao dịch này được thực hiện trên tài khoản bảo chứng.

Ví dụ: Bạn dự đoán cổ phiếu thường ABC với giá hiện thời là 15.000 đồng một cổ phiếu, sẽ tăng giá trong vòng 1 năm, lên 30.000 đồng. Với số tiền bạn có là 1.500.000 đồng, bạn có thể mua 100 cổ phiếu ABC, nắm giữ trong một năm và bán ra để thu về 3.000.000 đồng, đạt mức lợi tức trên đầu tư là 100%.

Tuy nhiên, bạn cũng có thể thực hiện việc ký quỹ bằng cách trả 50% tổng giá mua, 50% còn lại sẽ vay tại công ty chứng khoán, nơi bạn mở tài khoản ký quỹ. Trong trường hợp này, bạn có thể đầu tư 3.000.000 đồng và mua 200 cổ phiếu. Nếu dự đoán của bạn là đúng, giá thị trường của cổ phiếu ABC tăng lên 30.000 đồng trong vòng 1 năm, bạn có thể bán cổ phiếu ra và thu về 6.000.000 đồng. Tất nhiên, trong số 6.000.000 đồng thu về này bạn phải trả lại 1.500.000 đ đã vay của công ty chứng khoán, và tiền lãi của khoản vay đó, giả sử với lãi suất 10% một năm:
6.000.000 – 1.500.000 – 150.000 = 4.350.000 (đồng)

Lợi nhuận của bạn sẽ là chênh lệch giữa con số đầu tư ban đầu 1.5 triệu, tức là bằng 2.850.000 đồng, lợi tức so với đầu tư là 190%. Vậy mua ký quỹ đã làm tăng tỷ lệ lợi nhuận của bạn lên đáng kể.

Tuy nhiên, mua ký quỹ cũng như con dao hai lưỡi. Nếu cổ phiếu lên giá, bạn sẽ có lời đáng kể, nhưng nếu cổ phiếu giảm giá, khoản lỗ của bạn cũng tăng lên. Ngay cả khi cổ phiếu vẫn giữ nguyên mức giá, bạn cũng vẫn thua lỗ, bởi số lãi phải trả cho số tiền vay trong suốt thời gian ký quỹ cứ lớn dần lên. Và hơn nữa, không phải chứng khoán nào cũng được phép giao dịch theo mức này.

Mức ký quỹ ban đầu được thực hiện theo luật định, ví dụ như luật Mỹ là 50%. Sau đó, nếu giá thị trường của cổ phiếu thay đổi, tỷ lệ của số dư ký quỹ của khách hàng so với số dư nợ có thể giảm xuống nhưng không xuống thấp hơn 25% nếu tụt xuống quá ngưỡng này, công ty chứng khoán có thể yêu cầu khách hàng đặt thêm tiền ký quỹ.

Giao dịch từ 25% trở lên số cổ phiếu có qưyền biểu quyết

Theo quy định tại điều 58 Quy chế giao dịch, thành viên, niêm yết và công bố thông tin của UBCKNN, một tổ chức hoặc cá nhân muốn thực hiện giao dịch CK với khối lượng từ 25% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức niêm yết phải tổ chức đấu thầu công khai, vì với khối lượng giao dịch từ 25% trở lên thực chất là giao dịch mua lại công ty (thâu tóm công ty) để dành quyền kiểm soát công ty. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam chưa có những quy định cụ thể về việc đấu thầu công khai.

Vì vậy để giúp bạn đọc hiểu được cách thức đấu thầu như thế nào, xin giới thiệu cách thức đấu thầu mà các nước hiện đang áp dụng. Cổ phiếu tham gia đấu thầu là cổ phiếu có quyền biểu quyết. Số lượng cổ phiếu chào mua từ 25% hoặc hơn trong tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đã phát hành. Thời gian thực hiện đấu thầu thông thường là 6 tháng nhưng tối đa không quá 1 năm. Số lượng bên tham gia bán từ 10 trở lên.

Việc đấu thầu sẽ được tiến hành bên ngoài Trung tâm giao dịch chứng khoán và theo các bước sau:

1. Trước tiên bên chào mua cần phải tổ chức đại hội cổ đông, đại diện ban giám đốc điều hành trình bày đề án thâu tóm và lấy ý kiến của cổ đông. Trên cơ sở xem xét đánh giá hiệu quả của đề án, đại hội sẽ bỏ phiếu, theo đó HĐQT sẽ ra nghị quyết. Nếu kết quả bỏ phiếu ủng hộ đề án thâu tóm thì Chủ tịch HĐQT sẽ ra nghị quyết tiến hành mua cổ phiếu công ty mục tiêu, để kiểm soát.
2. Sau khi Chủ tịch HĐQT ra quyết định, công ty gửi biên bản họp đại hội cổ đông lên UBCKNN và Sở giao dịch chứng khoán kèm theo đơn đề nghị về việc tiến hành thâu tóm công ty mục tiêu, bằng hình thức đấu thầu mua công khai. Nội dung đơn đề nghị gồm: mục đích của việc thâu tóm, nguồn tài chính phục vụ cho việc thâu tóm, thời gian chào mua (thời gian tiến hành đấu thầu), giá đặt mua, thời hạn thanh toán, tình hình hoạt động kinh doanh hiện tại của công ty kể cả các công ty con, các tổ chức phụ trợ có liên quan như ngân hàng, công ty môi giới..., thực trạng sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của công ty mục tiêu, loại và số lượng cổ phiếu chào mua, phương pháp thực hiện, phương án kinh doanh sau khi đấu thầu thành công và các vấn đề khác.
3. Công ty thâu tóm thoả thuận với công ty môi giới là thành viên của sở giao dịch chứng khoán về các nghiệp vụ, uỷ thác mua giữa khách hàng với công ty môi giới, bảo quản chứng khoán, thanh toán và các thoả thuận khác.
4. Các loại tài liệu nộp gồm: hồ sơ đăng ký kinh doanh (đăng ký thành lập và điều lệ hoạt động của công ty), văn bản thỏa thuận giữa công ty với công ty môi giới về các nghiệp vụ nói trên, xác nhận của tổ chức tài chính về số tiền ký quỹ của công ty, bản sao về việc thông báo trên báo chí và các tài liệu khác có liên quan.
5. Gửi thông báo tới công ty mục tiêu về việc tiến hành mua cổ phiếu của công ty.
6. Thông báo ra công chúng trên các phương tiện truyền thông, báo chí đặc biệt trên các tờ báo phát hành hàng ngày.
7. Thời gian thực hiện: 7 ngày sau khi đệ trình bản thông báo lên UBCKNN và sở giao dịch chứng khoán.
8. Lập và thuyết minh bản cáo bạch để gửi tới các cơ quan trên. Sau khi nhận được đơn đề nghị do công ty chào mua gửi tới, UBCKNN tổ chức xem xét hồ sơ để đưa ra kết luận cuối cùng có cho phép tiến hành thâu tóm hay không, trong trường hợp không cho phép thì UBCKNN phải có giải thích rõ lý do không đồng ý. Thời hạn xét duyệt không quá 7 ngày làm việc, việc xét duyệt phải dựa vào tính khả thi của đề án thâu tóm, trong đó yếu tố tài chính và tính hiệu quả của việc thâu tóm này là hai yếu tố đặc biệt quan trọng.

B. Phương thức giao dịch thoả thuận tại TTGDCKHN
Trung tâm GDCK Hà Nội đã bắt đầu hoạt động từ giữa tháng 7/2005. Trong thời gian đầu, Trung tâm GDCK Hà Nội áp dụng phương thức giao dịch thoả thuận. Một số nội dung cơ bản về hoạt động giao dịch hiện nay tại sàn giao dịch thứ cấp của Trung tâm GDCK Hà Nội bao gồm:

Qui định về giao dịch

* Thời gian giao dịch: Từ 9h00-11h00 vào tất cả các ngày làm việc trong tuần (trừ các ngày nghỉ theo qui định tại Bộ Luật Lao động).
* Giá tham chiếu: là bình quân gia quyền của các mức giá giao dịch của ngày có giao dịch gần nhất.
* Biên độ giao động giá:
* Đối với cổ phiếu: +/- 10%
* Đối với trái phiếu: không qui định biên độ
* Đơn vị yết giá: 100 đồng
* Đơn vị giao dịch: không qui định
* Khối lượng giao dịch tối thiểu:
* Đối với cổ phiếu: 5.000 cổ phiếu
* Đối với trái phiếu: 100 triệu đồng tính theo mệnh giá
* Hình thức thanh toán:
* Các lệnh có khối lượng nhỏ hơn 100.000 cổ phiếu hoặc nhỏ hơn 10 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu: hình thức thanh toán đa phương với chu kỳ T+3

Các lệnh có khối lượng lớn hơn hoặc bằng 100.000 cổ phiếu hoặc 10 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu thì được lựa chọn 1 trong 3 hình thức sau:

* Đa phương với chu kỳ thanh toán T+3
* Song phương với chu kỳ thanh toán T+2
* Trực tiếp với chu kỳ thanh toán từ T+1 đến T+3

Trình tự giao dịch thoả thuận

Nguyên tắc giao dịch:

Các giao dịch phải được thực hiện thông qua công ty chứng khoán thành viên của Trung tâm GDCK Hà Nội.

Trước tiên, để thực hiện giao dịch nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại một công ty chứng khoán là thành viên của Trung tâm GDCK Hà Nội. Nhà đầu tư sẽ được công ty chứng khoán hướng dẫn đầy đủ các thủ tục để mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Sau khi đã tìm hiểu kỹ về các loại chứng khoán đăng ký giao dịch trên Trung tâm GDCK Hà Nội, nhà đầu tư có thể bắt đầu đưa ra các quyết định đầu tư của mình.

Khi đặt lệnh mua bán chứng khoán, nhà đầu tư phải đảm bảo đủ tỉ lệ ký quỹ trên tài khoản. Cụ thể là, khi đặt lệnh bán thì nhà đầu tư phải có đủ số chứng khoán trong tài khoản, còn khi đặt lệnh mua thì nhà đầu tư phải có đủ số tiền kí quỹ theo thoả thuận với công ty chứng khoán.
Trường hợp đã xác định được đối tác giao dịch:
Nếu nhà đầu tư đã tìm được đối tác giao dịch và đã hoàn tất thoả thuận giao dịch thì thông báo cho công ty chứng khoán về thoả thuận này, công ty chứng khoán sẽ thực hiện nhập lệnh giao dịch vào hệ thống của Trung tâm GDCK Hà Nội.

Trường hợp chưa xác định được đối tác giao dịch:

Khi có nhu cầu giao dịch, nhà đầu tư sẽ đặt lệnh mua/lệnh bán tại công ty chứng khoán.
Căn cứ vào lệnh của nhà đầu tư, công ty chứng khoán sẽ nhập lệnh vào hệ thống giao dịch tại Trung tâm GDCK Hà Nội, ngay lập tức các lệnh đó sẽ được hiển thị trên sổ lệnh của thị trường.
Căn cứ vào thông tin trên sổ lệnh, các công ty chứng khoán sẽ liên lạc với nhau để giúp nhà đầu tư tìm kiếm và thoả thuận với các đối tác giao dịch về mức giá và khối lượng giao dịch. Khi đạt được thoả thuận, công ty chứng khoán sẽ thực hiện lệnh giao dịch cho nhà đầu tư.

* Hệ thống giao dịch của Trung tâm GDCK Hà Nội sẽ nhận và xác nhận các lệnh giao dịch do công ty chứng khoán nhập vào và sẽ đưa ra kết quả giao dịch tổng hợp của toàn thị trường.
* Kết quả giao dịch thỏa thuận sẽ được hiển thị ngay trên màn hình của đại diện giao dịch và màn hình thông tin của CTCK
* Giới thiệu phương thức giao dịch báo giá tại Trung tâm GDCK Hà Nội

Được sự đồng ý của Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, ngày 2/11/2005, Trung tâm GDCK Hà Nội chính thức đưa phương thức giao dịch báo giá vào hoạt động.

Những nội dung chính trong cơ chế hoạt động của phương thức giao dịch báo giá như sau:

Các qui định về giao dịch:

Thời gian giao dịch: Từ 9h00-11h00 các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ theo qui định tại Bộ Luật Lao động).

Hình thức thanh toán: Giao dịch báo giá: Tất cả các giao dịch báo giá (gồm cả giao dịch cổ phiếu và giao dịch trái phiếu) được thanh toán theo hình thức thanh toán đa phương (T+3).

Đơn vị yết giá:

* Giao dịch báo giá:
* Đối với cổ phiếu: 100 đồng.
* Đối với trái phiếu: không quy định.
* Giao dịch thỏa thuận: không quy định.
* Đơn vị giao dịch: Giao dịch báo giá: 100 cổ phiếu hoặc 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) tính theo mệnh giá trái phiếu.
* Giá tham chiếu: Giá tham chiếu của cổ phiếu là bình quân gia quyền các giá thực hiện qua phương thức giao dịch báo giá của ngày có giao dịch gần nhất.


Biên độ dao động giá:

* Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đối với cổ phiếu là ±10%.
* Không áp dụng biên độ dao động giá đối với các giao dịch trái phiếu.
* Hiệu lực của lệnh: trong phiên giao dịch, lệnh giới hạn được nhập vào hệ thống giao dịch có hiệu lực cho đến hết phiên hoặc cho đến khi lệnh bị huỷ trên hệ thống.

Loại lệnh giao dịch: Lệnh giao dịch báo giá là lệnh giới hạn.

Nguyên tắc thực hiện lệnh giao dịch báo giá

* Các lệnh có mức giá tốt nhất được ưu tiên thực hiện trước.
* Nếu có nhiều lệnh cùng mức giá thì lệnh nào được nhập vào hệ thống trước sẽ được thực hiện trước.
* Nếu lệnh mua và lệnh bán cùng thoả mãn nhau về giá thì mức giá thực hiện sẽ là mức giá của lệnh được nhập vào hệ thống trước.
* Lệnh giao dịch có thể được thực hiện toàn bộ hoặc một phần theo bội số của đơn vị giao dịch.
* Sửa, hủy lệnh: Nhà đầu tư được phép huỷ lệnh hoặc thay đổi mức giá đối với các lệnh chưa được khớp hoặc phần còn lại của lệnh đã khớp một phần.


Các bước tiến hành giao dịch báo giá:

* Sau khi nhà đầu tư đặt lệnh (mua/bán) tại các công ty chứng khoán, đại diện giao dịch của công ty chứng khoán sẽ nhập các lệnh của khách hàng vào hệ thống giao dịch tại Trung tâm GDCK Hà Nội. Nếu nhà đầu tư muốn thực hiện lệnh theo phương thức thoả thuận hoặc muốn thực hiện toàn bộ khối lượng thì phải ghi rõ những yêu cầu này trên phiếu lệnh, công ty chứng khoán sẽ thực hiện những lệnh này theo phương thức thoả thuận. Nếu phiếu lệnh không có các yêu cầu trên thì đại diện giao dịch của công ty chứng khoán sẽ nhập lệnh đó vào hệ thống giao dịch báo giá.
* Các lệnh đặt này được hiển thị trên màn hình của đại diện giao dịch và màn hình thông tin của công ty chứng khoán.
* Nhà đầu tư theo dõi các lệnh (mua/bán) thông qua màn hình thông tin tại công ty chứng khoán và lựa chọn các lệnh phù hợp để đặt lệnh đối ứng.
* Các lệnh nhập vào hệ thống sẽ được tự động khớp ngay với các lệnh đối ứng có mức giá thoả mãn tốt nhất đã chờ sẵn trong hệ thống. Tức là, nếu thoả mãn về giá thì các lệnh mua có mức giá cao nhất sẽ được khớp với các lệnh bán có mức giá thấp nhất. Mức giá thực hiện được xác định là mức giá của lệnh được nhập vào hệ thống trước.
* Nếu ở cùng một mức giá mà có nhiều lệnh mua/lệnh bán thì lệnh nào nhập vào hệ thống trước sẽ được thực hiện trước.
* Các lệnh có thể được thực hiện một phần hoặc toàn bộ (nếu các lệnh đối ứng đáp ứng được toàn bộ khối lượng). Các lệnh chưa được thực hiện hoặc mới thực hiện một phần sẽ được lưu lại trên hệ thống để chờ thực hiện với các lệnh mới.
* Kết quả giao dịch sẽ được hiển thị trực tuyến trên màn hình thông tin của các công ty chứng khoán.
* Kết thúc phiên giao dịch, TTGDCK Hà Nội sẽ xác nhận kết quả giao dịch với công ty chứng khoán thành viên và công ty chứng khoán thành viên thông báo cho khách hàng

B. Lưu ký chứng khoán

Lưu ký chứng khoán là một trong những điều kiện để thực hiện giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trước khi thực hiện giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư phải ký hợp đồng mở tài khoản tại các thành viên lưu ký.

Lưu ký là việc gửi chứng chỉ chứng khoán tờ cổ phiếu, trái phiếu, hoặc các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu chứng khoán vào hệ thống lưu ký chứng khoán. Hệ thống lưu ký chứng khoán bao gồm Trung tâm lưu ký và các thành viên lưu ký. Chứng chỉ chứng khoán của nhà đầu tư sẽ được cất giữ an toàn tại Trung tâm lưu ký. Chứng khoán đã được lưu ký sẽ được ghi nhận vào tài khoản lưu ký chứng khoán đứng tên nhà đầu tư. Khi chứng khoán được giao dịch, tài khoản của nhà đầu tư sẽ được ghi tăng hoặc giảm mà không cần phải trao tay tờ chứng chỉ chứng khoán.

Lưu ký chứng khoán là bắt buộc trước khi muốn chứng khoán được giao dịch qua sàn giao dịch của Trung tâm giao dịch chứng khoán. Trung tâm giao dịch chứng khoán hiện nay đóng vai trò là Trung tâm lưu ký. Việc lưu ký chứng khoán chỉ được thực hiện tại các thành viên lưu ký của Trung tâm giao dịch chứng khoán. Các thành viên lưu ký bao gồm các công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại đã được Uỷ Ban Chứng Khoán Nhà Nước cấp phép hoạt động lưu ký và đã đăng ký làm thành viên lưu ký của Trung tâm giao dịch chứng khoán. Hiện nay Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh có 14 thành viên lưu ký, trong đó 11 thành viên lưu ký là các công ty chứng khoán và 3 thành viên lưu ký là các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Trước đây nhà đầu tư trong nước chỉ được lưu ký chứng khoán tại thành viên lưu ký trong nước - là các công ty chứng khoán hoặc các ngân hàng thương mại trong nước, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được lưu ký tại thành viên lưu ký nước ngoài - là các công ty chứng khoán liên doanh với nước ngoài hoặc các ngân hàng thương mại liên doanh với nước ngoài hoặc các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy định này đã được thay đổi, theo Quyết định số 51/2003/QĐ-BTC ngày 15/04/2003 của Bộ Tài Chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế lưu ký, thanh toán bù trừ và đăng ký chứng khoán, nhà đầu tư trong và ngoài có thể mở tài khoản lưu ký chứng khoán ở bất kỳ thành viên lưu ký nào. Việc lưu ký chứng khoán sẽ được bắt đầu bằng các thủ tục mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại thành viên lưu ký. Các chứng khoán sau khi được lưu ký tại thành viên lưu ký sẽ được thành viên lưu ký tái lưu ký tại Trung tâm giao dịch chứng khoán. Sau khi thành viên hoàn tất việc tái lưu ký tại Trung tâm giao dịch chứng khoán thì chứng khoán đó mới được phép giao dịch. Chứng khoán lưu ký của nhà đầu tư được cất giữ tại kho của Trung tâm giao dịch chứng khoán dưới dạng quản lý tổng hợp. Chứng khoán của nhà đầu tư lưu ký tại Trung tâm giao dịch chứng khoán được quản lý riêng biệt với chứng khoán của chính thành viên lưu ký.

Theo quy định hiện hành, mỗi nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản lưu ký tại một thành viên lưu ký. Do vậy nhà đầu tư cần tìm hiểu trước để lựa chọn một thành viên lưu ký thích hợp cho mình. Trong trường hợp muốn đổi sang một thành viên lưu ký khác, nhà đầu tư sẽ mở tài khoản lưu ký mới tại thành viên lưu ký mới, đồng thời phải làm các thủ tục đóng tài khoản lưu ký tại thành viên lưu ký cũ và yêu cầu thành viên lưu ký này chuyển số dư chứng khoán sang tài khoản lưu ký tại thành viên lưu ký mới.

Khi mở tài khoản lưu ký, nhà đầu tư nên cung cấp địa chỉ liên lạc rõ ràng, chính xác và đầy đủ cho thành viên lưu ký. Điều này rất quan trọng vì nhà đầu tư có thể gặp phải những bất tiện và thậm chí thiệt hại sau này. Chẳng hạn, khi địa chỉ trên các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân được sử dụng để làm các thủ tục mở tài khoản lưu ký, trong khi địa chỉ cư trú hiện tại khác với địa chỉ trên chứng minh nhân dân. Các thư từ liên lạc của tổ chức phát hành, Trung tâm giao dịch chứng khoán và thành viên lưu ký trong thời gian thực hiện quyền sẽ không đến đúng nơi nhà đầu tư ở. Việc này có thể đưa đến vô số bất tiện trong quá trình xử lý quyền từ thành viên lưu ký, Trung tâm giao dịch chứng khoán cho đến tổ chức phát hành như chậm trễ, chỉnh sửa hồ sơ thực hiện quyền, hoặc thậm chí đôi khi nhà đầu tư bị từ chối phân bổ quyền.

Người đứng tên lưu ký chứng khoán phải chính là chủ sở hữu chứng khoán, kể cả cổ phiếu vô danh. Số xê-ri của tờ chứng chỉ chứng khoán cũng phải đúng là số xê-ri của chủ sở hữu đã đăng ký quyền sở hữu tại tổ chức phát hành. Đối với cổ phiếu ghi danh, nếu chủ sở hữu là người được chuyển nhượng hợp pháp trước khi có hoạt động của Trung tâm giao dịch chứng khoán, thì mặt sau của tờ chứng chỉ phải có chữ ký của người chuyển nhượng liền kề trước đó và chữ ký của người có thẩm quyền và con dấu của tổ chức phát hành xác nhận việc chuyển nhượng đó. Nếu các yếu tố này không đúng như vậy, chứng khoán sẽ bị từ chối lưu ký

Các tờ chứng chỉ chứng khoán bị hỏng, bị nhòe không thể nhận diện được các thông tin cơ bản trên đó sẽ bị từ chối lưu ký. Trong trường hợp này cần liên hệ với tổ chức phát hành để xin được đổi lại tờ chứng chỉ chứng khoán mới.

Các chứng chỉ chứng khoán thuộc diện bị thông báo mất cắp hoặc giả mạo sẽ bị tạm giữ để giao cho tổ chức phát hành hoặc cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Cổ phiếu của cổ đông sáng lập vẫn còn trong thời gian nắm giữ theo quy định của pháp luật, của cổ đông mua chịu chưa thanh toán hết tiền mua cổ phiếu vẫn được lưu ký nhưng không được phép giao dịch. Các cổ phiếu này chỉ được phép giao dịch khi các điều kiện hạn chế đã được bãi bỏ và phải có xác nhận từ tổ chức phát hành. Ví dụ như cổ phiếu mua chịu đã thanh toán hết, muốn được giao dịch phải có văn bản xác nhận của tổ chức phát hành.

Các chủ sở hữu cổ phiếu theo hình thức ghi sổ muốn lưu ký vẫn tiến hành các thủ tục lưu ký bình thường tại thành viên lưu ký. Dĩ nhiên trong trường hợp này không có việc chuyển giao chứng chỉ vật chất. Thành viên lưu ký sẽ gửi tên chủ sở hữu đến tổ chức phát hành. Sau khi kiểm tra, tổ chức phát hành sẽ gửi tên chủ sở hữu đến Trung tâm giao dịch chứng khoán để thực hiện việc lưu ký. Lưu ký theo hình thức ghi sổ là xu hướng chủ yếu hiện nay vì những ưu điểm hơn hẳn lưu ký chứng chỉ vật chất, là không phải qua kiểm đếm, kiểm tra tính thật giả, và tốn kém cho công tác bảo quản.

Trung tâm giao dịch chứng khoán là người được ủy quyền thay mặt người đồng sở hữu chứng khoán lưu ký nhận các quyền được hưởng từ tổ chức phát hành như cổ tức, lãi trái phiếu, cổ phiếu thưởng.
Trả lời câu hỏi
Tải lại mã
Câu hỏi lĩnh vực Câu hỏi khác
nophoto 1 lời khuyên chân thành về thị trường chứng khoán

Đăng lúc: 08:02 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

nophoto Tôi là giám đốc công ty TNHH, tôi muốn mượn tiền bạn tôi từ nước ngòai để bổ sung vốn kinh doanh của công ty có được không?

Đăng lúc: 08:02 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

nophoto Lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh - ATO

Đăng lúc: 08:02 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

nophoto Đầu tư tại thị trường chứng khoán sơ cấp

Đăng lúc: 08:02 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

Củ Chuối Insider trading, hay giao dịch nội gián

Đăng lúc: 08:02 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

Vinh Sinh viên kinh tế nên chuẩn bị những gì trước khi ra trường

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

nophoto Lựa chọn danh mục đầu tư

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

nophoto Trái phiếu phát hành theo hình thức dựng sổ là gì?

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

Hương Hạch toán giá trị vật tư thu hồi

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

nophoto Mô hình tuyệt đẹp CAPM liệu có thể sử dụng được ở Việt Nam

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

nophoto Những sai sót cần tránh trong công tác kế toán tài chính

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

Chip chip Tăng trưởng TTCKVN: từ hiện tượng đến bản chất

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

nophoto PR

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

Mạnh Linh "Sàn" nước ngoài tốt hay "sàn" trong nước tốt?

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

nophoto VPN là gì ?

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

nophoto Hồ sơ kế toán tài chính doanh nghiệp cần nộp

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

nophoto Thuật ngữ về chứng khoán

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

nophoto Khuyến mại hay khuyến mãi?

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

nophoto Ai có thể giúp tôi hiểu được trạm chuyển tiếp mạng không dây?

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

nophoto Tôi muốn cái cửa hàng tạp hóa của mình treo biển G7 Mart thì làm thế nào?

Đăng lúc: 08:01 - 21/05/2013 trong Câu hỏi khác

Rao vặt Siêu Vip