
Món ăn ngon Hà Nội ở đâu, bác nào ở HN giúp em

Hà Nội đông, nhớ những món cuốn tuyệt đỉnh
Bò nướng cuốn bánh hỏi, bánh tráng thịt heo, nem lụi Huế... là những món cuốn chắc chắn sẽ khiến các bạn gái "nhớ nhung" trong những ngày mùa đông se lạnh này.
Mát, dễ hợp khẩu vị nhiều người, lại có thể vừa ăn vừa ngồi lai rai hàn huyên, đây những ưu điểm đó khiến món cuốn luôn là khoái khẩu của các chị em. Ở Hà Nội bây giờ các tiệm bán món cuốn rất nhiều và khá phong phú. Xin giới thiệu tới các bạn một số địa chỉ và thực đơn món cuốn ngon nhất hiện nay.
1. Bánh tráng thịt heo ở Ngụy Như Kon Tum

Đây là một đặc sản lâu năm của đất Đà Nẵng mà hầu như du khách nào tới đây cũng phải tấm tắc khen ngon. Món ăn này đơn giản thôi, với nguyên liệu chính là thịt lợn ba chỉ luộc, thái mỏng, ăn kèm với các loại rau sống và đồ ghém như xà lách, thơm, cà tím, dưa chuột, xoài xanh..., rồi cuốn cùng một tấm bánh phở mỏng và bánh tráng.
Nghe vậy sẽ có người cho rằng "dễ ợt, tự làm cũng được". Tuy nhiên, để hoàn thiện được món bánh tráng thịt heo thì bắt buộc phải có thứ nước mắm nêm thơm, cay, đậm đà rất đặc trưng của hương vị xứ Quảng, mà không phải nơi đâu cũng pha chế được. Đó cũng là lí do mà ở Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay những địa chỉ có bán bánh tráng thịt heo, bởi đâu phải quán nào cũng "chịu chơi", nhập được loại nước mắm nêm này về.
Mách cho bạn một địa chỉ có bán món này khá chuẩn, đó là tiệm Con đường đặc sản, ở 99 Ngụy Như Kon Tum (gần làng sinh viên Hacinco). Nhà hàng này chuyên về những món xứ Quảng, được sinh viên cũng như dân công sở quanh đây biết khá rộng rãi. Và bánh tráng thịt heo chính là một trong những món "linh hồn" tạo nên tên tuổi của nhà hàng.
Tại đây, một suất bánh tráng thịt heo có giá 70.000 đồng.
2. Nem lụi Kim Liên

Nem lụi là món ăn phổ biến, không thể thiếu trong các nhà hàng đồ ăn Huế. Ở Hà Nội có một cửa hàng chuyên bán món này nằm trên phố Lương Định Của, gần chợ Kim Liên. Tuy quán nhỏ lại khuất nhưng vẫn đông khách vì nem lụi ở đây rất ngon, thậm chí được đánh giá cao hơn cả trong các nhà hàng.

Nem lụi chế biến từ thịt nạc lợn quết nhuyễn rồi trộn với bì, mỡ heo thái hạt lựu ướp cùng muối, tiêu đường, thính, nướng lên sẽ thơm nức mũi. Ưu điểm của quán này là không làm theo tác phong "công nghiệp", mà chỉ khi có khách tới yêu cầu, ông chủ mới ngồi "nặn" từng que nem lụi, rồi đem nướng trên bếp than hoa đỏ rực.
Vì thế từng chiếc nem luôn nóng hổi, thơm ngon dậy mùi, cuốn cùng bánh tráng, rau sống, đồ ghém mát mát chua chua, sau đó lại chấm với thứ nước lèo bùi bùi, đầm đậm, tất cả tạo nên hương vị thật khó quên cho thực khách.
Giá nem lụi: 5.000 đồng/chiếc.
3. Nem nướng Nha Trang phố Hàng Bông

Còn khá mới mẻ với nhiều bạn trẻ thủ đô nhưng nem nướng Nha Trang đã có một lượng "fan" nhất định. Món này có nguồn gốc từ Ninh Hòa và ở Hà Nội mới chỉ có một địa chỉ duy nhất tại 202 phố Hàng Bông.
Nem nướng Nha Trang vừa giống nem chua lại lại vừa giống nem lụi, cũng được làm từ thịt sống nướng lên, tuy nhiên mùi vị chủ đạo của nó là ngọt đậm, rất đặc trưng kiểu miền Nam. Một điểm khác biệt nữa là món này, ngoài bánh tráng, đồ ghém, rau sống và bún ra thì người ta còn ăn chung với bánh tráng chiên, tạo cảm giác giòn giòn, hay hay, rất lạ miệng.
Tương tự như bánh tráng thịt heo, nước chấm của nem nướng Nha Trang cũng là loại nước tương đặc biệt và phải chuyển trực tiếp từ Ninh Hòa ra. Chủ quán còn cho biết thêm, kể cả nem nướng cũng có bí quyết gia truyền, không thể tự chế biến mà hàng tuần nhà hàng đều phải cất công "nhập khẩu".
Giá nem nướng Nha Trang: 50.000 đồng/suất.
4. Bò nướng cuốn bánh hỏi Phố Văn Cao

Cũng là món của miền Nam, bò cuốn bánh hỏi rất ngon nhưng chưa được nhiều dân Hà Thành biết tới. Có lẽ vì đây chỉ là một món phụ của một nhà hàng chuyên về lẩu mắm với cái tên Lẩu mắm Bà Sáu nằm tại 65B đường Văn Cao.
Món cuốn này khá cầu kì. Nguyên liệu chính là thịt bò viên, tẩm ướp rồi nướng lên, sau đó cuốn chung với bánh hỏi. Bánh hỏi ăn rất mát giống hệt như bún như sợi của nó nhỏ li ti và được làm thành từng tấm mỏng, lúc bày ra đĩa thì người ta cuốn nó lại như hình một chiếc nem nhỏ.

Đương nhiên, thuộc họ nhà "cuốn chấm" nên bò nướng bánh hỏi cũng được ăn chung với bánh tráng cùng một số loại rau sống đồ ghém khác.
Bò nướng cuốn bánh hỏi ngon và cầu kì như vậy nên giá khá đắt: 120.000 đồng/suất.
5. Nem tai bà Hồng ở Hàng Thùng

Nói đến món nem tai Hà Nội thì người ta nghĩ ngay đến cửa hàng nem tai Bà Hồng ở phố Hàng Thùng, đã nổi tiếng hàng chục năm nay. Ở đây phong cách phục vụ ngày càng "pro", bạn đến đây ăn hay mua về đều đảm bảo không quá 2 phút là mọi thứ từ nem tai, rau sống, nước chấm... đều đã sẵn sàng.
Nem tai đơn giản chỉ là tai lợn làm sạch, hấp lên thái mỏng, trộn với thính, ăn chung với bánh tráng, lá sung, sung muối, rau sống, chấm với nước mắm ngọt, vậy là đã có một món cuốn vừa giòn giòn vị tai lợn, vừa thơm bùi lại đậm đà vị thính, vừa mát nhờ các loại rau, và cái ngòn ngọt nước chấm. Nếu nói về bí quyết thì để có món nem tai "chuẩn" cần cả 3 yếu tố: tai lợn ngon, hấp vừa tới, thính (gạo rang) phải thơm, nước chấm phải vừa miệng.
Nhìn chung món này vào những hôm hanh háo, nhạt mồm nhạt miệng thì ắt hẳn các bạn gái mê ăn vặt đều thấy thèm thuồng. So với các món cuốn trên, giá của món nem tai bà Hồng cũng thuộc hàng bình dân nhất: 17.000 đồng/lạng.

Lẩu cháo cá quả phố Nguyễn Cao
Không hề tanh mà lại thơm, ngọt, bùi bùi, đó là những gì mà tôi cảm nhận khi lần đầu tiên thưởng thức lẩu cháo cá quả.
Tình cờ được người bạn mời đi "nhậu" ở một quán rượu nằm trên phố Nguyễn Cao, tại đây tôi phát hiện ra một món lẩu khá hấp dẫn và đặc biệt - lẩu cháo cá quả.
Nói là đặc biệt bởi nó có nhiều điểm khác hẳn với những món lẩu trước kia mà tôi từng thưởng thức. Nhân viên quán bưng ra xuất lẩu rất giản đơn, gọn gàng, chỉ gồm: một nồi cháo, một đĩa cá sống khoảng hơn chục miếng, một đĩa hành tía tô, ngoài ra chẳng có gì thêm. Thấy sơ sài vậy, tôi ngạc nhiên và thắc mắc: "Ăn lẩu mà không có nổi thứ rau nào à? Đến nước chấm cũng không có luôn là sao? Mà nhìn "hẻo" quá cơ!?". Bạn tôi cười đáp lại: "Cứ ăn đi rồi biết, chưa chắc đã ngốn hết đâu cô".

Bạn tôi bắt đầu lấy muôi khua khua nồi cháo đang sôi ùng ục, khói và mùi thơm phức tỏa ra ngào ngạt. Lúc này tôi mới để ý thấy, hóa ra trong nồi cũng thấp thoáng những khúc cá to ngồn ngộn, chứ không "hẻo" như tôi tưởng. Cháo ở đây cũng rất lạ, không hề có màu trắng đục như mọi nơi, mà lại ngà ngà vàng. Chúng tôi phán đoán, chắc nhà bếp nấu cùng một chút đậu xanh cho thơm nên mới có màu như vậy.

Bây giờ tôi mới quay ra "săm soi" đĩa cá. Những miếng cá đã được lóc xương, sau đó cuốn chung với nấm kim châm và buộc lại khéo léo bằng "sợi" hành hoa, trông rất tỉ mỉ và đẹp mắt. Tôi gắp cá cho vào nồi, rắc thêm ít hành tía tô, sau đó ngồi đợi nồi cháo sôi thêm lần nữa để được nhâm nhi thưởng thức.


"Riêng ăn lẩu cháo, nhớ chỉ đun liu riu lửa thôi, thỉnh thoảng phải khua nồi cho khỏi khê và cháy nhé", anh bạn tôi cẩn thận dặn dò. Nồi cháo lại bốc khói, anh nhanh tay múc cho tôi một bát. Mùi thơm bắt đầu làm tôi có cảm giác "khó cưỡng". "Cháo ở đây ngon thật! Cháo cá nhưng không hề tanh, ngọt, thơm mà bùi nữa!", chỉ nếm một thìa con con tôi đã phải vội vàng thốt lên. Cháo không phải loại nước cháo xay nhuyễn, lõng bõng như nhiều nơi. Cháo loãng nhưng vẫn còn nguyên hạt, chỉ khi cho vào miệng, hạt cháo mới vỡ tan ra, khiến người ta cảm nhận rõ cái vị bùi bùi, thơm thơm của hạt gạo.

Giờ thì không chần chừ nữa, tôi gắp một miếng cá cuốn nấm để thưởng thức tiếp. Lúc này thì tôi đã hiểu tại sao món lẩu tại đây không cần đến bất kì một loại rau hay nước chấm nào nữa. Chắc sẽ không có loại rau nào hợp với cháo và cá quả như nấm kim châm. Vị ngọt mềm của những miếng cá dày quyện với nấm kim châm giòn giòn, mát mát, kết hợp cùng vị cháo đậm đà, bùi bùi, thêm nữa là một chút thơm thơm của hành tía tô, quả thật tạo nên một món ăn rất thơm ngon, thú vị và không hề ngấy. Bằng chứng là tôi "đánh" liền một lúc 3 bát cháo mà chẳng biết chán.
Đến lúc này thì tôi chỉ có một kết luận: "Lẩu cháo cá quả ngon thật, làm món chốt hạ sau bữa nhậu thì đúng là chuẩn không cần chỉnh!".

Địa chỉ: Quán Ngon, 51 phố Nguyễn Cao, Hà Nội.

1. Lẩu cá hồi - Nhà hàng Tuyết Thanh
Để chào đón xuân mới, bạn đã nghĩ ra món gì đãi cả gia đình trong dịp này chưa? Chúng tôi xin giới thiệu món "Lẩu cá hồi" - một món ăn mới xuất hiện ở Việt Nam những năm gần đầy - và cũng thu hút không biết bao thực khách trong các nhà hàng. Bạn có thể tự tay làm món này cho gia đình mình thưởng thức trong dịp đón xuân.
Cá hồi là một loại thực phẩm bổ dưỡng hàng đầu bởi trong nó chứa một hàm lượng lớn omega - 3 axit. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng omega - 3 axit có khả năng giúp bảo vệ và ngăn ngừa các bệnh thường gặp đối với tim mạch. Cá hồi không chỉ có chứa hàm lượng omega - 3 axit thiết yếu mà còn chứa rất ít hàm lượng calo không gây nên tình trạng béo phì, ngoài ra ăn cá hồi bạn còn bổ sung được hàm lượng sắt, protein vào trong cơ thể.

Để làm lẩu cá hồi bạn cần chuẩn bị:
- Cá hồi : 1,5kg (Bạn tách riêng phần thịt, đầu, xương ra).
- Măng chua : 0,2 kg: rửa sạch
- Dứa : 1 miếng nhỏ : cắt lát mỏng
- Cà chua: 1-2 quả vừa : cắt múi cam
- Me chua: 1 vắt: lọc lấy nước chua
- Nấm hương
- Thìa là, hành
- Bún (tùy số lượng người ăn)
Bạn lọc lấy thịt cá rửa sạch thái lát mỏng, cho ra đĩa để ráo. Đầu cá bạn xát muối rồi ướp với một chút mắm + hành tím xắt mỏng + tiêu.
Nấu sôi 2 lít nước, thả vài củ hành tím đập dập vào, cho thêm một chút muối. Nước sôi thì cho đầu cá hồi đã ướp vào. Bạn hớt hết váng bọt, vặn nhỏ lửa trên bếp và nấu khoảng 20 phút thì cá đã chín và nước đã ngọt. Bạn vớt đầu cá ra để riêng, sau đó cho măng chua, cà chua, dứa, nấm hương cho vào nồi. Nếu gia đình bạn ăn chua thì cho thêm nước me vào + thêm một quả ớt cho hơi cay cay.
Bạn nêm nếm sau cho nồi nước lẩu của bạn có vị: hơi cay, ngọt nước, hơi chua là đạt yêu cầu. Khi bắt đầu ăn thì bạn cho thêm thìa là, hành vào để tăng thêm vị thêm cho cá.
Để thưởng thức bạn có thể ăn kèm một số loại rau tùy theo khẩu vị ưa thích của gia đình. Nhúng những lát cá mỏng ăn cùng với bún, rau thì món ngon lẩu của bạn có khi còn tuyệt hơn cả nhà hàng vì đầy đủ những giá trị dinh dưỡng cần thiết.
Để không mất thời gian cho khâu chuẩn bị khi bạn quá bận bịu với cái Tết truyền thống, Đôi Đũa Vàng đã có sẵn tất cả nguyên liệu của món lẩu cá hồi và hiện tại đang bán trên tất cả các siêu thị và đại lý. Việc này tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho bà nội trợ và luôn đảm bảo các giá trị dinh dưỡng cũng như cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu khi mua sản phẩm của chúng tôi về bạn chưa dùng ngay thì có thể bảo quản trên ngăn đá của tủ lạnh - đến khi chế biến bạn nên để chúng rã đông tự nhiên rồi sau đó mang ra chế biến.
Thông tin cho bạn
Nhà hàng Tuyết Thanh
Địa chỉ 1: 166 Trường Chinh, Quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại : 043.8522107
Hot line: 0904 21 31 41 (Ms Tuyết )
E – mail : info@tuyetthanh.com.vn
Website : Nhahangtuyetthanh.com
Địa chỉ 2: 24 Kim Đồng – Giáp Bát – Hoàng Mai – Hà Nội
Điện thoại : 043 6686096 – 0916 068 171 ( Ms. Thanh )
Hotline: 0906 737 888 ( Mr. Minh )
E – mail : tuyetthanh24kimdong@yahoo.com
Website : Nhahangtuyetthanh.com
2. Lẩu cháo chim ở Hòe Nhai
Là một quán nhậu nhưng Nam Dương Tửu Quán ở phố Hòe Nhai lại được nhiều người biết đến nhờ món lẩu cháo chim thơm ngon nổi tiếng.

Khác với các món lẩu thông thường, lẩu cháo chim với nước dùng chính là cháo loãng được đun cùng chim bồ câu, kiểu thưởng thức lẩu này khá lạ miệng. Cái cảm giác đang đói mà được xì xụp một bát nước cháo bùi bùi nóng hổi, ngọt đậm đà vị thịt chim, thơm thơm hương các loại nấm, man mát vị rau cải cúc, chắc chắn sẽ làm bạn không thể quên được hương vị của lẩu cháo chim trong mùa đông này.
Lẩu cháo chím có giá 350.000 đồng/nồi, có thể dành cho 4 người ăn.
3. Lẩu Ốc đường Trường Chinh
Ở Hà Nội rất ít nơi bán lẩu ốc. Có một cửa hàng đã mở hơn 40 năm, nằm trong hẻm nhỏ ngõ Khương Thượng trên đường Trường Chinh, được biết đến là địa chỉ đầu tiên bán món này.


Ngoài thứ nước dùng chua chua, cay cay hấp dẫn thì lẩu ốc khá phong phú chứ không đơn điệu chút nào. Vừa có ốc nhồi to, vừa có thêm chả, mọc, sủi cảo, tất cả đều chế biến từ ốc. Bên cạnh đó tương tự như món ốc chuối đậu, lẩu ốc có thêm đậu rán, chuối xanh, thịt ba chỉ. Mỗi thứ một vị, góp phần cho nồi lẩu ốc thêm thơm ngon và đặc biệt.
Một nồi lẩu ốc cho khoảng 4 người ăn có giá 300.000 đồng.
4. Lẩu cá kèo phố Văn Cao
Đây là món khá phổ biến của đất Nam bộ được du nhập về Hà Nội. Lẩu cá kèo ngon, được nhiều người "ái mộ", nhưng tại đất Hà Thành thì chưa nhiều nơi bán thứ đặc sản này, nên nó vẫn còn khá mới mẻ với mọi người. Trong những cửa hàng ít ỏi đó phải kể đến địa chỉ 65 phố Văn Cao, quán Lẩu mắm bà Sáu.
Chủ quán này là người miền Nam, vì vậy hương vị lẩu cá kèo tại đây được nhiều khách đánh giá là rất đặc trưng Nam bộ. Sự khác biệt của lẩu cá kèo là ngoài vị chua chua, ngọt ngọt còn có vị chát chát thơm thơm của lá giang - thứ lá chỉ có ở vùng đất Nam bộ. Còn cá kèo là loại cá bé nhưng thân tròn, béo, thịt mềm, ngọt, dễ ngấm vào nước lẩu, làm người ăn rất "đã miệng". Rau dùng với lẩu cá kèo cũng hơi đặc biệt, chủ yếu là rau đắng và hoa chuối làm cho món ăn càng thêm tinh tế. Ngoài ra, bạn có thể dùng thêm rau muống, cũng rất "hợp gu".


Giá một nồi lẩu cá kèo là 350.000 đồng/nồi, nhưng có lẽ chỉ đủ cho 2 người ăn - cái giá khá đắt. Nguyên nhân vì cá kèo cũng như một số nguyên liệu khác đều phải vận chuyển từ miền Nam ra.
5. Lẩu Thái ở nhà hàng Chen
Nếu để dân công sở tụ họp hoặc tổ chức những bữa tiệc gia đình, sinh nhật thì nhà hàng Chen ở 47 phố Mai Hắc Đế quả là lí tưởng. Không chỉ chỗ ngồi rỗng rãi, thoáng mát, nhiều không gian riêng biệt mà phong cách phục vụ cũng rất chuyên nghiệp. Đặc biệt, nhiều người ghiền nhà hàng này vì lẩu Thái tại đây ngon "miễn chê".

Lẩu Thái chua chua, cay cay dễ làm người ta xuýt xoa thích thú, nhất là trong tiết trời rét mướt. Tuy không phải là nhà hàng chuyên về đồ Thái nhưng nước lẩu Thái ở đây có lẽ "đỉnh" nhất, độ ngọt, thơm, chua, cay đều rất vừa miệng. Mỗi một xuất lẩu Thái bao gồm một đĩa thập cẩm đầy đặn có tôm, ngao, thịt bò, thanh cua, cá viên, đậu Nhật,... rất phong phú. Ngoài ra, rau lẩu cũng là một trong những điều khiến thực khách hài lòng nhất. Chỉ với hai loại rau muống và hoa chuối nhưng toàn bộ đều là loại rau chẻ, nhai rất giòn, ngon, không hề bị nát khi đun lâu.


Tóm lại, đã ăn lẩu Thái tại đây thì bạn không thể không mê. Giá lẩu Thái ở nhà hàng Chen là 350.000 đồng/nồi, thích hợp cho khoảng 2 người ăn. So với mức giá của một nhà hàng đẹp, phục vụ chuyên nghiệp thì mức giá này không đắt mà vẫn "sắt ra miếng".
6. Lẩu gà dấm bỗng phố Trần Nhân Tông
Chỉ là một quán vỉa hè với những món gà quen thuộc nhưng quán gà đồi ở 52 Trần Nhân Tông đã mang đến cho thực khách những cảm nhận hoàn toàn mới mẻ. Lẩu gà giấm bỗng là một ví dụ.


Ngoài loại gà đồi xịn 100% với thịt mềm, dày, thơm, da giòn thì nước lẩu gà tại đây là thứ khiến người ta hài lòng nhất. Chủ quán tại đây từng cởi mở chia sẻ bí quyết: "Ngoài nước ninh xương, gia giảm, giấm bỗng ngon thì quán anh còn có một loại rượu nếp đặc biệt do nhà tự nấu, chuyên dùng để pha chế nước lẩu". Chính vì thế, đã tạo cho món lẩu gà tưởng như chỗ nào cũng giống nhau trở nên rất khác biệt. Cái vị chua chua ngọt ngọt mà thơm nồng của lẩu gà của quán này chắc chắn sẽ chinh phục được bạn.
Về giá cả, ở đây cũng "tầm tầm" như nhiều nơi, một nồi lẩu gà to cho khoảng 5-6 người là 350.000 đồng.
7. Lẩu ếch phố Ngân béo phố Trúc Bạch
Nhắc tới lẩu ếch là người ta nghĩ ngay đến phố Trúc Bạch. Quanh khu này giờ có nhiều hàng bán lẩu ếch nhưng đông nhất, được mọi người "vote" nhiều nhất vẫn là quán Ngân Béo ở 43 phố Trúc Bạch.
Món lẩu ếch đặc biệt dành cho những người thích ăn cay. Cầu kì hơn những loại lẩu khác, ếch phải được tẩm ướp chế biến khéo léo với măng rồi sau đó mới cho vào nồi lẩu. Vì thế khi ăn, người ta sẽ cảm thấy thịt ếch đậm đà, thơm, có chỗ đun lâu rồi mà vẫn giòn tan, ăn chung với măng cay cay cùng rau muống nữa thì lại càng tuyệt vời. Trong tiết trời lạnh thế này, vừa xuýt xoa vừa ăn lẩu ếch quả là ý tưởng không tồi.

Giá của một nồi lẩu ếch cho 2 người ăn là khoảng 300.000 đồng, cũng khá đắt so với các món lẩu khác, nhưng được cái ngon, lạ miệng và chắc chắn sẽ làm bạn ấm lòng, ấm dạ hơn trong mùa đông.

Những quán nhậu ngon không cần mặt tiền tại Hà Nội
Nằm tít sâu trong ngõ, chẳng có lấy một địa chỉ cụ thể hoặc biển hiệu bắt mắt, nhưng những quán nhậu độc đáo dưới đây vẫn tấp nập khách ra vào.
1. Chả nhái Khương Thượng
Từ những chú “nhãi nhép”, dân làng Khương Thượng (Q. Đống Đa, Hà Nội) chế biến thành 11 món ăn với những cái tên nghe rất dân dã và làm “thòm thèm” thực khách như nhái mặc "quần đùi", nhái mặc “quần dài”, nhái “cởi truồng”, đùi nhái xào măng, lẩu nhái, đùi nhái om chuối đậu, nhái xào chua ngọt và canh nhái…
Tuy nhiên, chả nhái hay nhái “rải chiếu” là món ngon nhất và cầu kỳ nhất. Để làm món chả này, sau khi lột sạch da, thịt nhái băm thật nhỏ cho vào cối đá giã nhuyễn, giã càng kỹ thì chả càng ngon. Sau đó trộn với gia vị, sả ớt, lá chanh, thêm vào một chút bột chiên tôm.
Mỡ để sôi thật già rồi mới thả chả vào, miếng chả vừa chín tới phồng to, vàng ươm, điểm màu xanh, đỏ của chanh, ớt, quyện một mùi thơm cực kỳ hấp dẫn.
“Tổ” của món chả nhái chính là Làng Khương Thượng. Chẳng thế mà ngày xa xưa người ngoài gọi làng này là làng “xẻ ruột, lột da” để ám chỉ về cách chế biến món nhái, ếch, chão chuộc của người trong làng. Cùng với sự đô thị hóa, nhà cửa thay ruộng đồng, ao vườn nên nhái biến mất, nghề chả nhái cũng mai một theo.
Hiện nay cả khu Khương Thượng chỉ còn 4, 5 hàng bán các món chế biến từ nhái. Từ đây, các món này tỏa đến cả trăm quán nhậu khắp thành phố. Nhưng với dân nhậu, muốn thưởng thức món chả nhái thứ thiệt thì nhất định phải đến Khương Thượng cho dù đường đi có lắt léo, quán ăn xuề xòa.

Đây là món nhái... mặc quần dài tức tẩm bột rán
Theo một số người làm chả nhái, nguồn hàng của họ bây giờ xa tít tắp ở tận miền Trung, còn lại, lẻ tẻ một vài mối ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và khu vực ngoại thành Hà Nội như Thường Tín, Thanh Oai…Chả nhái có quanh năm nhưng mùa nhiều nhất là tháng 6, tháng 7 khi vụ hè thu hoạch xong. Còn muốn ăn chú nhái béo nhất thì vào đầu tháng 8…
Một số quán chả nhái: Bà Cốm, số 50, ngõ 554 đường Trường Chinh, ĐT: 043.5630963; Chả Nhái Hà Khuê, số 152, ngõ 22 Tôn Thất Tùng, ĐT: 043.5743552; Chả Nhái Thanh Hằng, số 14, ngõ 191 Khương Thượng, ĐT: 043.5633286
2. Độc đáo cá nướng 16 tiếng
Muốn ăn món cá này bạn phải gọi… từ ngày hôm trước, thong thả đi chơi, ăn vài bữa khác và đặc biệt chớ có dại giục giã chủ quán nếu không muốn mẻ cá bị hỏng.
Anh Thắng, chủ quán cá nướng chia sẻ: thực ra món này cũng không phải cao siêu gì nhưng thời gian làm rất lâu, vội vàng không được, muộn màng thì rất dở, phải đúng chừng 16 tiếng cho mùa đông, 14 tiếng cho mùa hè.

Bạn có thể gọi tới nhà, chủ quán có riêng một cái khay độc đáo để giữ cá nóng
Cá dùng để nướng là loại cá mè tàu to từ 5 kg trở lên. Cá bé không thể nướng được vì lớp mỡ dưới da mỏng, các loại cá như lóc, chép, trắm cũng không thể nướng kiểu này. Khâu quan trọng nhất để tạo nên hương vị cho món cá nướng chính là việc tẩm ướp bằng các gia vị như tiêu, hành, thì là, rau thơm, ngải cứu, các vị thuốc bắc và một gia vị đặc biệt được chủ quán giữ kín mít.

Lò nướng cá khá giống với lò bánh mì, bên dưới là bếp than tổ ong hoặc than hoa đá để duy trì độ cháy đượm.
Cứ khoảng 2 tiếng chủ quán lại lật cá một lần cho chín đều. Vậy là trong 16 tiếng, kể cả ban đêm, chủ quán vẫn đều đặn lật cá. Cá chín là khi từ chiếc xương bên trong mềm tới độ ăn giòn nhưng lại tan ngay trong miệng, vây cá giòn thơm phức hơn cả mực nướng.

Phần ngon nhất phải ăn đầu tiên chính là xương sống cá
Thịt cá vẫn giữ được cái vị ngọt tự nhiên cộng thêm hương vị đặc trưng của thuốc bắc và các loại rau thơm ngấm đều trên từng thớ thịt. Ăn cá mè nướng kiểu này vô cùng “lãi”, tất tần tật các bộ phận của con cá đều ăn được. Thế nên chỉ với chú cá 5 kg tươi, nướng lên có hao đi gần một nửa mà 10 người nhậu vẫn cứ thoái mái.
Trước đây, bạn có thể tới quán cá nướng này năm ngay đằng sau sân vận động Hàng Đẫy (mặt đối diện với đường Trịnh Hoài Đức. Tuy nhiên, hiện nay, chủ quán đã chuyển nhà, bạn có thể đến nhậu ngay tại nhà của chủ quán tại khu Trung Hòa, Nhân Chính.
Bạn có thể gọi cho anh Thắng theo số: 0904189850, một con cá nướng từ 5-7 kg tươi sẽ còn khoảng 2-3 kg sau khi chín. Chủ quán sẽ pha nước chấm, rau sống, bún, bánh đa để bạn tự cuốn. Giá trung bình 1 con cá từ 500.000-700.000 đồng cho 10 người ăn.
3. Lòng bò lai rai
Mới nghe tới mấy chữ “ lòng bò lai rai” ai cũng nghĩ đến rằng đây là món ăn dành cho bộ nhai của người có hàm lượng canxi cao, để có thể cắn, xé: nào là gân bò, lòng bò, sách bò, đuôi bò...Tuy nhiên, cũng chẳng cần răng quá khỏe vì các món lòng bò tại đây đều rất giòn và ngon.

Nằm trên con đường nhỏ phía dưới đường Âu Cơ, đi ở phía dưới con dốc sâu rẽ vào ngõ 285 Âu Cơ là vào tới quán. Biển hiệu của quán chỉ là dòng chữ viết tay đơn giản: "Lòng bò lai rai". Từ đầu ngõ, đi khoảng 4-5 m là bạn có thể ngồi ấm áp trong quán.
Quan sát, quán khá tuềnh toàng và cổ xưa với mái lá cọ, bàn ghế cũ kỹ. Diện tích quán cũng khá nhỏ, chỉ khoảng 40 mét vuông.
Có rất nhiều món được làm từ lòng bò tại đây. Nào là gân bò, lòng bò, sách bò, tiết luộc... Nghe đơn giản, nhưng điểm làm mê dân nhậu chính là sự hào phóng của ông bà chủ khi mang ra những tô to đầy ăm ắp vô cùng thơm ngon.
Gân bò chẳng phải nhai nhiều như ta vẫn thường nghĩ mà sần sần, chỉ cần nhộm nhoạng trong khoang miệng một chút để cảm nhận vị ngọt từ nước dùng quện vào là đã thấm cái sự ngon của nó.
Món sách bò ở đây có lẽ là tuyệt với nhất, sách được làm kỹ lưỡng nhưng không theo kiểu trắng phau phau như mua ở chợ Kim Liên do bị ngâm hóa chất. Sách bò ở đây có độ giòn vừa phải, có lẽ do chủ quán biết canh lửa và có bí quyết gia truyền để làm.
Địa chỉ: Số 285 đường Âu Cơ (Nghi Tàm, Hà Nội). Chỉ mất khoảng 100.000-150.000 đồng cho 4 bạn nhậu có thể bạn sẽ "no say" ở đây.
4. Quán "Kiên chim"

Quán chim này nếu bạn hỏi trong làng Khương Thượng mạn đằng Tây Sơn sẽ rất khó có thể tìm thấy. Nhưng nếu đi ra đường Tôn Thất Tùng ngay gần đối diện ĐH Y Hà Nội, đoạn cầu với đặc điểm dễ nhận thấy nhất là hay bán các loại bỏng gạo, bỏng ngô, hỏi đường vào quán... Kiên "chim" chắc chắn người dân quanh đó sẽ chỉ tường tận cho bạn.
Bạn rẽ vào ngõ 167 Phố Tôn Thất Tùng, qua trường tiểu học Khương Thượng, rẽ trái, ngoắt nghéo khoảng 200, vừa đi vừa hỏi hoặc... đi theo mùi thơm của món xôi chim nứt mũi bay khá xa quanh khu dân cư, bạn sẽ tìm thấy quán.
Còn địa chỉ chính xác nhưng... khó tìm: số 2 Hẻm 354/159/38 Trường Chinh, Quận Đống Đa.
Ở đây có khá nhiều món như sẻ nướng, cu gáy rán hoặc nướng, rẽ giun rán, tiết chim... Đặc biệt, những loài như châu chấu, dế chiên giòn cũng thu hút thực khách.
Với những thực khách nữ, món "chị em" thích nhất có lẽ là xôi chim với thịt chim được băm nhỏ, rang và trộn cùng với gạo nếp đồ lên thơm mùi nếp, quện thêm với hương thơm từ thịt chim.

Cùng khám phá 6 quán chè ngon mùa đông tại Hà Nội
Muốn ăn... lẩu chè bạn có thể đến Vân Hồ, chè xoài ở Hàng Than, chè bát ở Nam Đồng... Bạn hãy thử thưởng thức món chè vào mùa đông, cũng có những thú vị rất riêng.
1. Lẩu chè-Vân Hồ
Sau lẩu băng chuyền, lẩu chocolate, sự xuất hiện của lẩu chè đã làm cho các tín đồ “chè chén” có thêm một món mới để “lai rai” trong cái lạnh của mùa đông tại đất Hà Thành.

Đã mang danh món “lẩu” thì dù có là chè cũng phải tuân theo đúng nguyên tắc của một nồi lẩu thông thường. Đầu tiên là chiếc nồi đựng lẩu được thiết kế làm 3 ngăn để chế “nước dùng”. Nước dùng của lẩu chè chính là các loại chè được nấu sẵn như bưởi, chuối, khoai môn, đậu đỏ, đậu trắng, hạt sen, bánh trôi tàu...

Sau đó, tùy vào khẩu vị của từng người mà có thể thêm nước cốt dừa, nước trái cây, vani vào. Sau đó đậy nắp nồi lẩu lại, đun lửa diu diu, hồi hộp chờ đợi vài... giây rồi thưởng thức.
Nhưng xem chừng được ăn nhanh như vậy... cũng hơi nhàn. Ăn lẩu là phải nhâm nhi, phải chờ đợi mới thấy ngon. Muốn vậy, bạn hãy lựa chọn những món lẩu chè trôi tầu để tự tay “vân vê” những khoanh bột mịn bọc ra ngoài nhân đỗ tẩm đường rồi thả vào nước dùng chờ “nổi” để thưởng thức.

Hoặc tự tay thêm các loại trái cây như táo, lê, nhãn, mít... gia giảm vào nồi chè để tăng thêm hương vị. Ngoài ra, bạn có thể tự làm những viên trân châu hạt lựu với nhân dừa bên trong hay thạch “sâu xanh” theo kiểu Thái Lan...
Ngoài món lẩu chè hấp dẫn, bạn cũng có thể thưởng thức những món chè lạnh truyền thống thơm ngon, kết hợp với những vị lạ như sương sa, hạt lựu…Bên cạnh đó, là những món ăn nhẹ cũng được nhiều thực khách ưa chuộng như: bánh gối, khoai tây chiên, cánh gà rán… cùng góp mặt trong một thực đơn phong phú, đa dạng để bạn mặc sức lựa chọn, khám phá.
Bạn có thể thưởng thức món lẩu chè sạch tại 51 Vân Hồ với giá chỉ 50.000 đồng/nồi. (ĐT: 04. 3821 5331.
2. Chè Tự Nhiên-Quang Trung
Khác với nhiều quán, những món chè ở đây chủ yếu là chè nóng, ăn hợp vào mùa thu đông. Ngon nhất tại quán là món chè sắn. Sắn được chọn để làm chè là sắn đồi, to mập mạp, như vậy khi chế biến sắn mới cho được bát chè sắn không những dẻo, bở và quan trọng không bị xơ.

Thêm đó, nước cốt dừa và trân châu sợi cũng tô điểm thêm cho vị ngon rất tự nhiên của chè sắn. Ngoài ra, bạn cũng không nên bỏ qua các loại chè cũng rất ngon khác như chè bí đỏ, chè ngô non, chè chuối, chè sen, chè đậu đen.
Một món chè mà dân công sở muốn thưởng thức nhất đó chè bí đỏ, một món ăn không những ngon miệng mà còn có tác dụng giảm đau đầu rõ rệt trong những giờ làm việc căng thẳng.

Với chè ngô cũng được làm công phu, ngô phải là ngô non, luộc lên rồi gỡ hạt ra bỏ riêng, phần nước ngô được pha chế thêm với đường và bột sắn dây để tạo độ sánh cho bát chè ngô hấp dẫn.

Nếu muốn thưởng thức tất cả các hương vị bạn nên gọi cho mình bát chè thập cẩm, bao gồm chuối, sắn, hạt sen, trân châu sợi, ngô, bí đỏ…
Địa chỉ: 20 Quang Trung, Hà Nội, giá từ 10.000-15.000 đồng/bát
3. Chè cổ truyền- Ngô Thì Nhậm
Nếu bạn muốn thưởng thức món chè đặc trưng của Hà Nội thì đây là một địa chỉ đáng tin cậy. Các loại chè ở đây đều rất dân dã và quen thuộc: chè đỗ đen, đỗ xanh, sen, bánh trôi, bánh chay, cốm xào, chè kho...

Cái kéo khách tới quán chính là sự tỉ mẩn của chủ quán trong cách chế biến các món chè khiến thực khách ăn miếng ngon một lần nhớ mãi. Quán khá đông, âu vì nhiều người sau rất nhiều thứ màu mè của cuộc sống, muốn tìm tới đây như tìm lại chút hương xưa trong những cốc chè nhỏ nhắn này.

Các món ở đây giá đều vừa phải, trung bình khoảng 8.000 - 10.000 đồng nhưng thứ nào cũng chỉ nhỏ nhỏ, ít ít, khiến người ăn không bị ớn mà luôn có cảm giác phải thòm thèm. Nếu để chấm điểm, có lẽ tiệm này được đánh giá là tiệm chè cổ truyền ngon nhất Hà Nội.
Địa chỉ: Quán chè Mười Sáu, nằm ngay góc ngã tư phố Ngô Thì Nhậm và Lê Văn Hưu.
4. Chè xoài-Hàng Than
Tại ngã tư Nguyễn Trường Tộ - Hàng Than, có một hàng chè Hồng Kông lúc nào cũng đông khách. Hỏi ra mới biết mọi người tìm đến đây vì món chè xoài. Hẳn chè xoài phải có điều gì đó rất đặc biệt mới thu hút được đông thực khách đến vậy.

Chè xoài có nguồn gốc từ Hồng Kông, chủ quán mạnh dạn đem công thức về pha chế, cộng thêm một chút sáng tạo. Chè được chế biến từ những quả xoài chín vàng, ép nước một nửa, lấy phần thịt còn lại xắt hạt lựu, rồi đem nấu đông bằng rau câu.

Đong ra những bát nhỏ, xoài được để mát qua một đêm, đông lại như thạch, bóng và mát mắt. Sáng tạo ở đây là lớp sữa nguyên kem được rưới khéo léo lên bề mặt của bát chè. Dùng thìa nhỏ xắt một miếng chè xoài, cảm nhận vị thanh mát của xoài tươi xay, vị béo ngậy, ngọt ngào của sữa, thực khách có thể ăn mãi không chán…
Và có lẽ không có gì thú vị hơn là được thưởng thức bát chè xoài thơm mát sẽ giúp bạn thư giãn sau một buổi làm việc căng thẳng.
Giá cả: 10.000 đ/bát chè xoài. Địa chỉ: Cơ sở 1: Chè Hồng Kông, số 2 Nguyễn Trường Tộ; Cơ sở 2: số 186 Nguyễn Văn Cừ.
5. Chè chuối - Nguyễn Bỉnh Khiêm
Quán chè này nằm ở cuối phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, bạn nhớ nhé, quán chỉ bán vào 4 giờ chiều cho tới khoảng 7 giờ tối. Những ai thích vị tự nhiên của chè thì chắc chắn sẽ quay lại quán chè này. Chủ quán đã rất khéo léo không lạm dụng quá nhiều đường mà vẫn giữ được vị ngọt thanh của chuối, vị beo béo của nước cốt dừa.

Ăn hơi ngọt mát đồng nghĩa với việc bạn sẽ... rất tốn tiền vì ăn vài bát mà vẫn chưa thấy đã. Chè chuối tưởng đơn giản nhưng được nấu khá kỳ công, chuối được nướng qua rồi mới nấu chè nên ăn vừa thơm, vừa ngọt. Hơn thế, cách bày bát chè cũng rất bắt mắt khiến chỉ nhìn thôi bạn cũng sẽ rất thòm thèm.
Giá mỗi bát chè khá đắt: 15.000 đồng.
6. Chè bát Nam Đồng
Quán chè nhỏ nằm trong chợ Nam Đồng trên đường Hồ Đắc Di lúc nào cũng đông khách. Chị chủ quán bán đủ các vị chè như ngô, khoai, chuối, hạt lựu, sương sa...

Bên cạnh đó, bạn có thể chọn riêng từng loại chè tùy ý. Tuy nhiên, hai món chè ngon nhất tại quán là chè Thái và chè khoai môn Thái. Bát chè với nước cốt dừa ngọt dịu, khoai môn mềm thơm. Đông khách là vậy nhưng quán chỉ mở đến chiều tối .

Địa chỉ: Quán chè thứ hai trong ngõ chợ Nam Đồng, đường Hồ Đắc Di. Giá:10.000 đồng/ bát