Câu hỏi

21/05/2013 08:14
Nguyên nhân nào dẫn đến tham nhũng?
Danh sách câu trả lời (1)

“Mổ xẻ” 7 nguyên nhân dẫn đến tham nhũng
Tại Hội thảo về phòng chống tham nhũng của CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM vừa qua, Khối Trí thức đã đưa ra 7 nguyên nhân dẫn đến tham nhũng mà họ tổng kết được qua thu thập dư luận xã hội.

Quà biếu chạy chức - một dạng của tham nhũng (ảnh: PL TPHCM).
Theo dư luận mà khối trí thức thu thập được tại TPHCM thì nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tham nhũng ở nước ta là "xây dựng nhà nước pháp quyền chưa triệt để".
Đồng tình với ý kiến trên, bà Huỳnh Thị Kim Tuyến (nguyên cán bộ Ban Dân vận Thành ủy) cho rằng, 3 bộ phận Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp ở ta chưa rõ ràng, chưa thể kìm chế nhau để ngăn chặn tham nhũng.
Khối Trí thức cũng nhận định đất đai là lĩnh vực có nhiều tố cáo, khiếu kiện và cũng dễ xảy ra tham nhũng nhất. Nguyên do là vì chúng ta vẫn duy trì chế độ sở hữu đất đai toàn dân nên không thể tổ chức phòng chống tham nhũng hiệu quả. Các thành viên của Khối đề nghị hình thành 3 hình thức sở hữu: Nhà nước, Tập thể và Cá thể.
Nguyên nhân thứ 3 là đào tạo, bổ nhiệm cán bộ không đúng. Thể hiện ở chỗ giao công việc không đúng tầm do nể nang, bè phái, thỏa hiệp... Khi đã giao quyền thì thiếu giám sát dẫn đến tham nhũng cá nhân, dần dần hình thành tập thể tham nhũng.
Về điều này, một cán bộ hưu trí tham gia hội thảo cho là một phần do anh em hay "du di" lỗi lầm của con cháu các đồng chí cùng tham gia kháng chiến, cùng vào sinh ra tử. Từ đó, dẫn đến việc làm "hư" một phần lớp cán bộ kế tiếp.
Nguyên nhân thứ 4, sau khi khảo sát, khối trí thức cho là người dân đánh giá tổ chức có chức năng, nhiệm vụ chống tham nhũng không thể hiện được vai trò, nhiệm vụ được giao, "chỉ thề thốt bằng lời". Bà Tuyến cho là do các cán bộ chống tham nhũng chưa vào các điểm nóng, tiếp xúc trực tiếp với người tố cáo.
Ông Mai Đốc, nguyên Giám đốc Điện lực Thủ Đức thì đề nghị nên chuyển cơ quan Thanh tra Chính phủ sang cơ quan tư pháp. Vì với cơ chế hiện hành, Thanh tra Chính phủ khó mà phát hiện ra các tiêu cực trong Chính phủ và không có vụ tham nhũng nào lớn bị phanh phui từ trong nội bộ.

Theo báo cáo này, Khối Trí thức còn cho tệ tham nhũng bắt đầu từ thực tế là kỷ luật hành chính bị vô hiệu hóa, hay nói đơn giản là "tệ trên nói dưới không nghe". Đó là nguyên nhân đứng vị trí thứ 5 trong bảng báo cáo này.
Hành động thực tế thể hiện nguyên nhân này là các chỉ đạo của cấp trên chỉ được thực hiện cho có; hình thức xử lý nội bộ thì phổ biến chỉ là phê bình, khiển trách. Ngay như việc kê khai tài sản minh bạch là một quy định trong Luật phòng chống tham nhũng nhưng hết cơ quan này đến tỉnh nọ thoái thác.
Từ đó, dẫn đến nguyên nhân thứ 6 khiến tình trạng tham nhũng gia tăng, còn có các tập đoàn kinh tế thao túng bộ máy nhà nước phục vụ lợi ích cá nhân. Khối Trí thức cho là nhà nước chỉ mới thành lập 4 tập đoàn kinh tế nhưng các tập đoàn này đã làm khó Chính phủ.
Nguyên nhân cuối cùng, các trí thức lão thành cách mạng cho là chưa có biện pháp động viên, khuyến khích toàn dân chống tham nhũng. Hiện chúng ta cũng chỉ mới lần đầu tiên tổ chức tuyên dương người tích cực tố cáo tham nhũng.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Hữu Danh, nguyên Cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện tại, người đưa hối lộ đi tố cáo tham nhũng cũng bị khép "tội đưa hối lộ", cũng bị tòa tuyên phạt dù với mức án thấp hơn nhưng cũng hạn chế người dân tố cáo tham nhũng.
Từ đó, các đại biểu yêu cầu bổ sung thêm nhân sự là nhân dân vào bộ máy phòng chống tham nhũng.
Ông Bùi Toàn, nguyên Cục trưởng Cục Chữa bệnh (Bộ Y tế), đề nghị nên thêm các cán bộ hưu trí, mặt trận vào ban phòng chống tham nhũng tỉnh, thành. Còn ông Mai Đốc cho rằng, cần đưa các hội đoàn thể như báo chí, cựu chiến binh, cựu giáo chức, đoàn thanh niên, phụ nữ... vào mặt trận này.
(Sưu tầm)
Trả lời câu hỏi
Câu hỏi lĩnh vực Câu hỏi khác
Rao vặt Siêu Vip