
Sau phẫu thuật mắt em mờ đi?
bác sĩ ơi!! em vừa mới đi bệnh viện tiểu phẩu , lấy di vật ra khỏi mắt phải. Tình hình là trước đây mắt em bị cận , nhưng sau khi tiểu phẩu mắt phải của em mờ đi rất nhiều . Em không biết là bị làm sao ?? mong bác sĩ , giải đáp giùm em , em cám ơn bác sĩ ạ

Chào em,
Tật khúc xạ là nguyên nhân phổ biến nhất của mờ mắt, thường gặp ở cả hai mắt, có khởi phát từ từ, không đau nhức, sức nhìn phụ thuộc vào cự ly và khi mang kính lỗ, thị lực tăng rõ rệt. Các tật khúc xạ gồm: cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị.
Em nhìn mờ do rối loạn nhận thức hoặc tâm lý được gọi là giảm thị lực chức năng. Việc mất thị lực này là có thật nhưng thường chỉ tạm thời và do những sang chấn tâm lý nghiêm trọng. Phát hiện lâm sàng có giá trị chẩn đoán thường gặp nhất là "thị truờng hình ống" (hàm ý giống thị trường nhìn qua ống hình trụ của mắt bình thường) sau một thời gian sẽ bình thường.
Em tham khảo thêm thông tin dưới đây để tiếp tục theo dõi bệnh tình của mình nhé
Các nguyên nhân bệnh lý của mờ mắt hiếm gặp hơn nhưng lại cần một xử trí khẩn cấp hơn so với các nguyên nhân không bệnh lý. Ðối với các BN không thể nhìn rõ, một qui trình chẩn đoán căn cứ trên tính chất của thời gian xuất hiện, tính chất ở một bên hay hai bên mắt, có hay không có đau nhức có thể giúp phân loại các nguyên nhân mờ mắt vốn đa dạng và phong phú.
Nhánh thần kinh mắt (V1) thuộc thần kinh sinh ba bảo đảm cảm giác nhãn cầu. Những vùng của mắt có cảm ứng đau là bề mặt nhãn cầu, mống mắt và thể mi. Tổ chức hốc mắt quanh nhãn cầu cũng có cảm ứng đau. Do đó, viêm nhiễm quanh thần kinh thị có thể vừa gây đau nhức vừa làm mờ mắt. Võng mạc, dịch kính và thần kinh thị trong nhãn cầu tương đối vô cảm với đau.
Giảm thị lực đột ngột, một bên mắt, không đau nhức
Thường là do một bất thường ở bán phần sau, phải sử dụng đèn soi đáy mắt để chẩn đoán. Các trường hợp sau đây đều cần khám nhãn khoa khẩn cấp.
- Xuất huyết dịch kính do tiểu đường hoặc chấn thương là một nguyên nhân phổ biến. Nhìn bằng đèn soi đáy mắt thấy ánh đồng tử? và các chi tiết của võng mạc tối sẫm lại. BN tiểu đường còn có thể bị xuất huyết, xuất tiết, vi phình mạch, phù và tân mạch hóa tại bán phần sau, tất cả đều có thể gây ra những thay đổi đột ngột về thị lực (Hình 3) (Fong DS et al. 1999). Ða số xuất huyết dịch kính được để cho tan tự nhiên, nhưng ở những BN tiểu đường đã có hiện tượng tân mạch hóa cần chỉ định khẩn làm quan đông võng mạc.
Phù thanh dịch và xuất huyết hoàng điểm do màng tân mạch mạc và thái hóa hoàng điểm tuổi già cũng là một nguyên nhân thường gặp (Hình 4) (Bressler SB et al. 1990). Những thay đổi ở hoàng điểm do tuổi già có thể quan sát được bằng đèn soi đáy mắt trực tiếp. Những BN này cần được chụp khẩn mạch huỳnh quang với fluorescein để xác định xem tổn thương hoàng điểm có thể điều trị được bằng laser không.
Bong võng mạc đối với bác sĩ nhãn khoa có thể chẩn đoán dễ dàng bằng phương pháp soi đáy mắt gián tiếp qua đồng tử giãn nở, nhưng đôi khi các bác sĩ tổng quát cũng có thể thấy được các nếp võng mạc tách rời trắng xám và phấp phới (Hình 5) (Elfervig LS, 1998). Bong võng mạc cần mổ khẩn.
Tắc tĩnh mạch võng mạc đặc trưng bằng xuất huyết võng mạc. Những đám xuất huyết này có thể lan tỏa, rộng khắp cả đáy mắt nên làm tắc tĩnh mạch trung tâm (Hình 6) hoặc chỉ khu trú ở một góc tư nếu tắc các nhánh của tĩnh mạch võng mạc.
Tắc động mạch trung tâm võng mạc có các biểu hiện gồm mất thị lực nghiêm trọng, tổn thương đường hướng tâm của phản xạ đồng tử, "hoàng điểm hoa anh đào" (Hình 7) (trung tâm hoàng điểm có màu đỏ hồng tương phản với màu trắng bệch của võng mạc bị phù nề ở xung quanh)
Cũng có trường hợp một mắt vốn bị mờ đã lâu nay đột nhiên được phát hiện do mắt mạnh bên còn lại tình cờ bị che khuất. Nguyên nhân thường gặp là tật khúc xạ, đục thể thủy tinh, thoái hóa hoàng điểm tuổi già không kèm theo xuất huyết hoặc xuất tiết.
Giảm thị lực đột ngột, một bên, có đau nhức
Các bệnh lý nguyên nhân thường gặp nhất của tình trạng này đều tập trung ở giác mạc và tiền phòng và đi kèm với một mắt đỏ (Gaston H, 1989). Nguyên nhân tại giác mạc gồm xước giác mạc, nhiễm trùng, phù giác mạc. Nhiễm trùng (loét giác mạc) là bệnh lý nguy hiểm nhất cần được phát hiện. Tổn thương điển hình là một thẩm???? ?nhuận trắng ở giác mạc (Hình 9). BN phải được khám chuyên khoa mắt, nuôi cấy vi khuẩn và điều trị tích cực với kháng sinh tại chỗ. Loét giác mạc do Herpes simplex thường có dạng cành cây, được quan sát dễ dàng khi nhuộm giác mạc với fluorescein (Hình 10).
Viêm mống mắt, viêm thể mi, và viêm màng bồ đào trước làm thị lực giảm nhẹ và có kèm sợ ánh sáng (Rosenbaum JT, 1991). Phần lớn viêm màng bồ đào vô căn nhưng một số ít cũng có nguyên nhân là lao, giang mai, bệnh sarcoid, bệnh collagen. Bệnh được chẩn đoán lâm sàng bằng đèn khe và được điều trị bằng cortico-steroid tại chỗ. Vì corticosteroid tại chỗ có thể đưa đến sự hình thành cườm, tăng nhãn áp, tái hoạt nhiễm siêu vi herpes simplex, một bác sĩ tổng quát không nên kê đơn loại thuốc này.
Xuất huyết tiền phòng do chấn thương thường kèm đau nhức và giảm thị lực mà mức độ phụ thuộc lượng máu có trong tiền phòng (Gottsch JD, 1990). Ðiều trị chuyên khoa nhằm giảm áp lực nội nhãn và giảm nguy cơ chảy máu tái phát.
Một sự gia tăng nhanh chóng áp lực nội nhãn (glôcôm cấp) gây đau và phù giác mạc, hậu quả là làm giảm thị lực từ vừa đến nặng. BN glôcôm góc đóng cấp cần được khẩn cấp cắt mống mắt bằng laser để làm giảm nhẹ tình trạng nghẽn đồng tử đã gây đóng góc.
Viêm động mạch thái dương thường gặp ở người già. BN đau nhức cả đầu và vùng thái dương và có các triệu chứng của đau đa cơ thấp người già (polymyalgia rheu-matica). BN bị giảm thị lực do bệnh lý thần kinh thị thiếu máu và bị tổn thương đường hướng tâm phản xạ đồng tử. Cần điều trị khẩn trương với corticosteroid đường toàn thân nhằm giảm thiểu nguy cơ bị cả 2 mắt (Gordon LK, et al. 1998).
Viêm thần kinh thị phần lớn gặp ở người trẻ và có thể kèm với bệnh xơ cứng nhiều chỗ (multiple sclerosis) (Cleary PA, et al. 1997). Sụt giảm thị lực có thể trầm trọng và BN thường bị đau khi vận động nhãn cầu, có tổn thương đường hướng tâm phản xạ đồng tử. Thần kinh thị thấy phồng lên trong viêm gai thị (Hình 11) và bình thường trong viêm thần kinh thị hậu nhãn cầu. Chẩn đoán sớm là rất quan trọng, vì điều trị tích cực bằng cortico-steroid đường toàn thân có thể giúp nhiều cho BN được hồi phục (Landau K. 1998).
Viêm tổ chức hốc mắt là một nhiễm trùng của khoang hậu cầu, có thể gây mù, và trong vài trường hợp hiếm hoi có thể đe dọa cả đến tính mạng. Các triệu chứng gồm đau nhức, giảm thị lực, vận động nhãn cầu bị hạn chế, lồi mắt thẳng trục, cương tụ gai thị. Chuyển khám nhãn khoa và tai mũi họng.
Giảm thị lực đột ngột, hai bên, không đau nhức
Rất hiếm. Nguyên nhân có thể là những thay đổi khúc xạ đột ngột do hiện tượng phồng lên của thể thủy tinh ở những BN tiểu đường kém kiểm soát hoặc do phản ứng với dược phẩm (Eva PR, et al. 1982 & Fledelius HC. 1986). Các dược phẩm có chứa các chất kháng choliner-gic, chất cholinergic, và corticosteroid có thể làm trầm trọng thêm các tật khúc xạ sẵn có hoặc cảm ứng những thay đổi khúc xạ đột ngột.
Giảm thị lực đột ngột, hai bên, có đau nhức
Nguyên nhân có thể là chấn thương bán phần trước do dị vật, bỏng do đổ hóa chất, phơi nhiễm bức xạ cực tím của thợ hàn. Viêm loét giác mạc, viêm mống mắt, và glôcôm cấp, luôn kèm với mắt đỏ, rất ít khi gặp ở cả hai mắt (Silverman H, et al. 1992). Viêm động mạch thái dương tuy hiếm nhưng cũng có thể kèm theo giảm thị lực thường xuyên hai bên, có đau nhức.
Giảm thị lực dần dần, một bên, không đau nhức
Ðó là hiện tượng mờ mắt ở người già mà cườm (đục thể thủy tinh) là nguyên nhân hàng đầu. Cườm có thể biểu hiện như một vẫn đục mờ sương ở diện đồng tử nếu khám bằng đèn bút (penlight) hoặc một vùng tối đen làm không quan sát được bán phần sau nếu khám bằng đèn soi đáy trực tiếp (Hình 12). Ðối với BN cườm cần lên lịch theo dõi và khám định kỳ nhãn khoa
?Thoái hóa hoàng điểm tuổi già không có xuất huyết hoặc xuất tiết (thoái hoá hoàng điểm "khô") là một nguyên nhân thường gặp khác. Nó có thể biểu hiện như những đốm màu vàng khu trú (drusen) hoặc những vùng xen kẽ đậm màu (tăng sắc tố) và nhạt màu (giảm sắc tố) tại hoàng điểm (Hình 13). BN cần được khám chuyên khoa mắt để phát hiện những ổ xuất huyết hoặc xuất tiết, thường khó quan sát được nhưng lại có thể trị khỏi bằng laser.
Trong vài tình huống hiếm gặp, những tổn thương chèn ép chậm ở hốc mắt và khoảng nội sọ có thể gây ra thể giảm thị lực này. Nếu là khối u chèn ép thần kinh thị, luôn luôn có teo gai thị và khiếm khuyết trên thị trường.
Giảm thị lực dần dần, một bên, có đau nhức
Hiếm gặp. Nguyên nhân có thể là một tiến trình viêm diễn tiến chậm hoặc ung thư của giác mạc hoặc khoang hậu cầu. Ðã có những trường hợp u hạt hốc mắt và u dây thần kinh thị được báo cáo. Chẩn đoán bằng cắt lớp điện toán (CT) và cộng hưởng từ hạt nhân (MRI).
Giảm thị lực dần dần, hai bên, không đau nhức
Nguyên nhân thông thường nhất là đục thể thủy tinh và thoái hóa hoàng điểm tuổi già. Nguyên nhân khác hiếm gặp là độc tính trên mắt của hydroxychloroquin và ethambutol (Mazzuca SA, et al. 1994 & Sammartino JP, Soll DB. 1985). Ðiều trị bao gồm ngưng sử dụng thuốc gây tác hại nhưng thường tình trạng giảm thị lực không đảo ngược được. Nguyên nhân hiếm gặp nữa là khối u ở giao thoa thị giác. Khám thị trường là khâu quyết định chẩn đoán.
Giảm thị lực dần dần, hai bên, có đau nhức
Hết sức hiếm gặp và rất có thể do một tiến trình viêm mạng tính như trong các bệnh mạch máu tạo keo (collagen) hoặc bệnh sarcoid.
KẾT LUẬN
Mờ mắt là một triệu chứng phức tạp có vô số nguyên nhân, từ những tật khúc xạ đơn thuần có thể hiệu chỉnh bằng kính đeo đến nhũng căn bệnh nguy hiểm chết người. Khả năng của người thầy thuốc phân biệt được nguyên nhân bệnh lý với nguyên nhân không bệnh lý có tầm quan trọng tột bậc. May mắn là những trang thiết bị đơn giản phổ biến tại các phòng khám bệnh và cách tiếp cận chẩn đoán có hệ thống có thể giúp người bác sĩ tổng quát tiến hành những bước xuất phát quan trọng trong thực hiện được điều này.
BS Nguyễn Hoàng Tuấn biên dịch theo Bradford J. Shingleton: Blurred vision.