
Tại sao đi thẳng lại bật đèn khẩn cấp?
Tôi lái xe ở châu Âu khi qua giao lộ (VD ngã tư cho đơn giản) khi muốn rẽ hướng nào chỉ cần đi đúng làn đường và bật xi -nhan hướng đó, nếu đi thẳng thì cứ chạy tự nhiên thôi (Nguyễn Văn Vân).
Vậy mà về VN (Hà Nội), khi qua ngã tư tôi thấy các xe cứ bật đèn báo hỏng để ra tín hiệu đi thẳng nghĩa là sao? (sau này tôi mới biết). Có lẽ là luật giao thông đường bộ VN quy định như vậy?
Mấy lần Tôi bị xe sau còi la inh ỏi vì đã dừng xe giữa ngã tư hoạc đi rất chậm khi thấy xe trước bật đèn hỏng. Mong các Bác chia sẻ giúp kinh nghiệm nhé!

"Kinh nghiệm" đi thẳng bật đèn khẩn cấp khi qua ngã tư chỉ có giới xe khách hoặc taxi dùng.
Đôi khi trên đường trường, tôi còn thấy xe khách bật đèn khẩn cấp và còi loạn lên khi muốn vượt.
Có lẽ vì họ muốn vượt bên nào thì vượt do đó cứ bật xi nhan cả 2 bên !
Mong các lực lượng cảnh sát giao thông đưa lỗi "bật đèn khẩn cấp" không đúng nơi quy định (đúng lúc, đúng chô) ra phạt để mọi người không nên mắc lỗi này.

Tôi sống tại thành phố lớn nhất Việt Nam và gần 40 tuối đời, 15 năm biết chạy xe oto rồi. Có quá nhiều chuyện buồn cười chảy ra nước mắt, trong đó có những chuyện như bạn hỏi.
Thứ nhất, cũng như ý kiến của các bạn, Việt Nam không có luật đó. Thứ hai, ai đó chơi ngông, muốn "dành" đường để đi trước. Việt Nam mình có thói quen không biết nhường nhịn khi tham gia giao thông (thực tế đường phố chưa chắc đã kẹt, nhưng do không biết nhường nhịn nhau, nên gây kẹt, ách tắc xe suốt). Thứ ba (theo tôi khả năng này là nhiều), người điều khiển xe chẳng hiểu gì về luật cả. Tôi đã từng gặp một bác tài điều khiển một chiếc xe siêu xịn, ăn mặc rất chỉnh tề (có địa vị, tri thức,...), đang đi trên đường, bác ấy bật xi nhan bên phải, và đánh tay lái rẽ trái, thế là một chị chạy xe máy ủn bác một cái, và chuyện gì xảy ra, các bác biết rồi.... Còn rất nhiều chuyện ngoài đường mà tôi gặp, cho tôi thấy một điều, các bác cầm lái chỉ nghĩ là làm cho chiếc xe chạy về phía trước (giống Toyota - moving forward), chứ không nghĩ là mình "điều khiển" chiếc xe này như thế nào. Các bác cầm tấm bằng lái xe, nhưng chẳng ai nhớ (tôi cá với mọi người, có trên 60% bác tài cầm lái không nhớ) luật giao thông. Nếu nhớ, chắc đường phố Việt Nam chẳng bao giờ kẹt cả.
Chúc cả nhà vui.

Các bạn đã bao giờ cầm lái xe khách 45 chỗ, cầm lái container hoặc những xe tải hàng chục tấn? Đặc điểm của những xe này là to, cao, dài... chiếm nhiều diện tích lưu thông. Ở bên nước ngoài tôi không biết. Ở VN khác ở bên nước ngoài là những con xe khổ lớn như vậy không có đường riêng, thậm chí làn riêng theo đúng nghĩa mà phải đi chung với rất nhiều loại phương tiện khác, trong đó xe máy chiếm diện tích của ô tô rất nhiều, các vòng xoay, các ngã giao cắt cũng vậy, tình hình tranh cướp phần đường, cố tình chèn ép là phổ biến. Những xe loại này khi đi qua các giao cắt, vòng xuyến hoặc những nơi lộn xộn về GT thường bật đèn khẩn cấp để đi thẳng. Vì sao họ lại dùng đèn như vậy, chỉ có duy nhất một điều để các phưong tiện khác dễ nhận biết, phải chú ý. Khi sử dụng đèn này sẽ gây khó chịu cho những người tham gia giao thông khác vì họ không biết cái xe cồng kềnh kia đi theo hướng nào. Và không biết từ bao giờ nó đã thành thói quen của các bác tài lái xe to và sau này các xe nhỏ hơn cũng áp dụng. Chính vì các phương tiện khác không nhận biết được hướng xe kia muốn đi khi bật đèn khẩn cấp nên họ phải chú ý, đi chậm và nhường cho xe kia. Chính vì vậy mà xe kia thoát qua nơi giao cắt mà không gây tai nạn và thế là thủ thuật không có trong luật này được truyền tai và áp dụng hiệu quả.
Cũng phải thông cảm GT ở VN lộn xộn quá. Tôi dẫn chứng một vài vụ như thế này: Một con xe tải dài gần 20 mét, đúng ra đi trong cùng, sát với làn xe máy, nhưng xe máy có bao giờ đi đúng làn đâu, lúc ra lúc vào... nếu nó đi hẳn đằng sau thì không có chuyện gì để nói, nhưng nó đi sát vào thành ô tô, hai xe máy ngoắc ghi đông vào nhau ngã vào sườn ô tô, mà ô tô tải gầm cao, lốp to, tai nạn thương tâm là khó tránh khỏi, hoặc một bà đi xe máy hoặc xe đạp chỉ vì tránh cái ổ gà hay chẹt lên hòn gạch mà ngã vào gầm ô tô và tai nạn... Người lái xe ô tô sẽ rất bất ngờ tình huống như thế và người ta cũng liên đới chịu trách nhiệm. Vì vậy lái xe tải họ lắp cả một giàn đèn vào hai bên sườn xe, để người tham gia giao thông nhận biết và tránh xa. Tuy dùng như vậy là không đúng, nhưng tôi hiểu và hoàn toàn thông cảm những trường hợp như vậy. Phải nói thêm rằng đèn đấy là đèn nháy khẩn cấp (emrgency flashlight) chứ không phải là đèn báo lỗi. Đèn đấy có thể dùng khi dừng đỗ, sửa xe hoặc gặp những tình huống khẩn cấp khác. Mà tình huống khẩn cấp trên đường thì vô vàn. Người nào nghĩ chỉ khi dừng xe hỏng mới được dùng cái công tắc đấy là chưa hoàn toàn đúng. Việc lạm dụng là đáng chê trách, nhưng đường thực sự lộn xộn cần có nó để tránh tai nạn đáng tiếc thì hoàn toàn chấp nhận được.
Nguyễn Phúc Tâm

Chào bạn!
Những người đi thẳng qua ngã tư mà bật đèn khẩn cấp đều không hiểu luật Giao thông đường bộ VN. Họ chỉ được bật đèn này khi gặp tình huống khẩn cấp hoặc xe phía trước đã bật đèn này để mọi người đi sau chú ý có tình huống phải xử lý khẩn cấp.
Thi lấy bằng lái xe cũng có bài phanh gấp đồng thời bật đèn khẩn cấp khi có tín hiệu nếu không bị trừ điểm (hơi bị nhiều).
Nhiều ông lái xe chẳng để ý đọc lại luật nên mới bật đèn này khi đi thẳng qua ngã tư vậy!
Thân

Tuy tôi chỉ ở Việt Nam, chưa đến châu Âu bao giờ nhưng cũng biết rằng muốn rẽ phải thì bật xi-nhan bên phải, rẽ trái thì bật xi-nhan bên trái, đi thẳng thì cứ thế mà đi không phải đèn đóm gì cả. Khi xe gặp sự cố trên đường thì phải bật xi-nhan 2 bên để báo cho các phương tiện khác biết rằng mình đang gặp sự cố. Thế nhưng rất nhiều người khi đi thẳng lại cứ bật đèn khẩn cấp.
Nhiều lần dừng ở ngã tư, xe máy của tôi dừng sát xe ôtô, mình thấy đèn xi-nhan bên sườn xe của họ nhấp nháy trong khi hướng đi của mình là rẽ sang chiều bên kia. Vì không muốn tạt qua đầu ôtô để rẽ nên khi đèn giao thông chuyển màu xanh thì mình chưa đi ngay mà nhường cho họ đi trước, ai dè họ lại không rẽ mà lại đi thẳng. Hậu quả là bị người ở đằng sau mắng là đồ ngớ ngẩn, thấy đèn xanh mà còn không chịu đi, cứ đứng ở đó làm gì...
Những lúc như thế mình cảm thấy rất ức chế. Việc các tài xế bật đèn khẩn cấp khi đi thẳng theo tôi có 2 nguyên nhân: - 1 là do mọi người học theo nhau, thấy xe khác làm thế thì mình cũng bắt chước mà không biết đó là sai. - 2 là quá trình học, thi, cấp bằng ở Việt Nam còn tồn tại những tiêu cực nhất định. Tôi nghe nói có 1 số trường dạy lái xe còn "bao" luôn phần thi lý thuyết cho học viên... Nếu quả thực như vậy thì người không hiểu luật mà vẫn có bằng lái là điều khó tránh khỏi.
Phạm Quang Huy