
Vị trí mụn tiết lộ gì về sức khoẻ của bạn?

Phân vùng trên gương mặt là một phương pháp phổ biến trong quá trình chăm sóc da, ví dụ như vùng trán, cằm, mũi… Như bạn đã biết, những yếu tố về vệ sinh, chế độ ăn uống, nội tiết tố hoặc gen di truyền sẽ đóng vai trò gây nên mụn. Và việc phân chia vị trí của mụn ra thành những khu vực khác nhau này giúp bạn hiểu hơn sâu hơn nữa về tình trạng mụn của mình cũng như những vấn đề sức khoẻ mình đang gặp phải. Từ đó, bạn có thể kiểm soát, giảm thiểu mụn và những tổn thương mà mụn gây ra.
Đây có thể không phải là lời giải tuyệt đối trong "cuộc chiến" với mụn nhưng cũng sẽ là những kiến thức hữu ích mà bạn nên tìm hiểu.
Vùng trán (1&2)
Mụn xuất hiện ở vùng trán có thể là do sự tích tụ độc tố, thường có liên quan đến hệ tiêu hóa kém và thiếu nước. Việc uống thêm nhiều nước sẽ có tác dụng đẩy các độc tố ra khỏi cơ thể, vì thế bạn cần tăng cường lượng nước uống và chú ý đến những thực phẩm bạn tiêu thụ.
Cơ thể sẽ phải cần ít nhất là 2 lít nước mỗi ngày. Đồng thời, bạn cần giảm bớt các loại nước uống có ga và đồ uống có chứa caffeine. Thay vào đó, bạn có thể uống các loại trà thảo dược, đặc biệt là trà xanh.
Một chế độ ăn uống cân bằng sẽ giữ cho cơ thể khỏe mạnh và làn da hoàn hảo. Tránh ăn nhiều đồ hộp và thức ăn nhanh. Bên cạnh đó, lưu ý đến các loại thức ăn sẽ giúp bạn xác định được nhóm thức ăn nào có thể khiến bạn bị mụn. Ví dụ như nếu bạn ăn nhiều các chế phẩm từ sữa và bị nổi mụn, có thể là do cơ thể bạn không dung nạp lactose và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Vùng mũi (6)
Nổi mụn ở vùng mũi là dấu hiệu của những vấn đề về tim mạch. Một chiếc mũi sưng phù mụn có thể báo cho bạn biết huyết áp bạn đang cao. Để điều hòa lại huyết áp, bạn không nên ăn nhiều muối, thay vào đó hãy ăn thêm trái cây và rau củ, thay thế những chất béo có hại bằng chất béo tốt như omega 3 và 6 trong các loại hạt, quả bơ, cá, hạt lanh… và duy trì một lối sống năng động, khỏe mạnh. Khu vực mũi có rất nhiều lỗ chân lông giãn ra vì thế bạn nên kiểm tra lại mỹ phẩm mình đang xài đã quá hạn chưa hoặc chúng có quá dày khiến lỗ chân lông bị tắc, hoặc không phù hợp với loại da bạn…
Vùng trên mũi, giữa hai mắt/ chân mày (3)
Bị nổi đỏ và bong tróc ở khu vực này có liên quan đến tình trạng của gan. Nếu bạn là một người có thói quen ăn uống ở các hàng quán ngoài đường, có thể bạn không thể khống chế các thành phần có trong món ăn. Tuy nhiên, hãy cố gắng tránh những thứ có liên quan đến phô mai, bơ, kem và dầu mỡ khi bạn chọn món. Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn đêm. Những bữa tối nên ăn trước 7 giờ hoặc trễ nhất là 9 giờ. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng quá trình chuyển hóa năng lượng của cơ thể con người sẽ chậm dần vào chiều tối để chuẩn bị cho giấc nghỉ ngơi buổi đêm nên cơ thể bạn sẽ không tiêu thụ được thức ăn một cách hiệu quả nhất, khiến cho các độc tố bị tích tụ lại.
Một lá gan khỏe mạnh cũng đồng nghĩa với việc bạn phải giữ một lối sống lành mạnh và năng động, ăn nhiều rau xanh, tránh sử dụng chất kích thích, hút thuốc, các đồ uống có cồn và đặc biệt là hạn chế tiêu thụ chất béo.
Vùng mắt (4&5)
Mụn xuất hiện ở xung quanh mắt, bao gồm cả những quầng thâm, là biểu hiện cho sự mất nước. Đừng quên bổ sung nước nhé!
Vùng gò má (9&10)
Khu vực này có liên hệ với hai lá phổi. Chất lượng không khí bạn hít thở vào sẽ thể hiện ở vùng này, vì vậy nếu bạn đang sống trong một môi trường ô nhiễm, bạn sẽ dễ dàng nổi mụn tại đây. Việc xuất hiện mụn hoặc tình trạng vỡ mao mạch ở gò má cũng có thể là do thói quen hút thuốc lá hoặc hút thuốc thụ động. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến bạn bị mụn ở gò má không loại trừ vấn đề vệ sinh như bạn thường xuyên sờ tay vào má, bạn nằm ngủ nghiêng một bên, sử dụng điện thoại… khiến cho vi khuẩn và bụi bẩn có khả năng dính qua, gây bí tắc lỗ chân lông và gây mụn.
Để phòng tránh mụn gò má, bạn nên thay bao gối, chăn và ga giường ít nhất là 1 tuần/lần; cách vài ngày thì nên vệ sinh điện thoại di động bằng những chất diệt khuẩn an toàn. Cân bằng lượng axit trong người bằng cách hạn chế ăn nhiều thịt, các sản phẩm từ sữa, rượu, caffeine, đường… Nên ăn các loại thực phẩm giúp duy trì phổi khỏe mạnh như cải xoăn, giá đỗ, bí ngô… và các thực phẩm thanh mát để giải nhiệt cho cơ thể.
Vùng quai hàm (11&12)
Mụn nổi ở khu vực má dưới có thể là dấu hiệu của tình trạng vệ sinh răng miệng kém ví dụ như viêm nhiễm trong khoang miệng, đặc biệt là ở nướu. Bạn cần chú ý đến việc đánh răng, súc miệng, sử dụng chỉ nha khoa để làm vệ sinh hàng ngày và nên ghé nha sĩ kiểm tra sau mỗi 6 tháng. Hạn chế những thức uống có ga, đồ ngọt, đồng thời bổ sung đầy đủ canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày cũng sẽ giúp hạn chế các tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Vùng lỗ tai (7&8)
Mụn nổi ở khu vực tai thường là loại chìm dưới da và có thể rất đau đớn. Lỗ tai có liên hệ với thận. Do đó nếu bạn không uống đủ nước, ăn nhiều muối và tiêu thụ nhiều caffeine thì có lẽ đó là nguyên nhân khiến cho bạn phải chịu đựng những hạt mụn khó chịu này. Và một lần nữa, bạn cần phải uống đầy đủ nước, đặc biệt trong mùa nắng nóng thì cần phải tăng thêm lượng nước nhiều hơn; hạn chế ăn mặn, các loại nước uống chứa caffeine và bổ sung thêm nước ép trái cây như bưởi, dưa hấu… để giúp cho thận hoạt động trơn tru hơn.
Vùng cằm (13)
Khu vực này có liên quan đến các hormone nên có sự thay đổi bất chợt khiến các hormone bị mất cân bằng thì sẽ biểu hiện thành các nốt mụn. Đây cũng là lí do rất nhiều phụ nữ nổi mụn ở cằm trong kì kinh nguyệt của mình. Khi bạn mất ngủ hoặc gặp tình trạng căng thẳng cũng rất dễ nổi mụn cằm. Để đối phó với tình trạng này, bạn cần tập thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc; tham gia các môn thể dục thư giãn như yoga, pilates, tập thiền và giữ vệ sinh da sạch sẽ… Bên cạnh đó, muốn vết mụn mau lành, bạn cần tránh tuyệt đối sờ nắn hoặc cạy mụn.
Mụn chính giữa cằm cũng có thể là dấu hiệu của tiêu hóa kém hoặc tình trạng táo bón. Bổ sung chất xơ và uống trà thảo dược sẽ hỗ trợ cho hệ tiêu hóa thêm khỏe mạnh.