
Xin tư vấn về bệnh ruột kích thích ?
Tôi bị bệnh ruột khoảng 4 năm rồi chữa trị nhiều nơi không hết
Triệu chứng như sau
Sáng đi cầu xong ăn vào lại đi tiếp, có khi 4-5 lần phân lỏng, Buổi tối ăn vào thì lại đau bụng mót rặn nhưng không đi cầu được phải dùng dầu bơm, đi rất khó, giống như táo bón rất khó chịu
Tôi đã xét nghiệm siêu âm, nội soi, thử phân máu vẫn không phát hiện gì bất thường
Tôi đã dùng đủ loại thuốc Tây, thuốc Nam, thuốc Bắc vẫn không khỏi
Xin tư vấn cho tôi loại thuốc gì để điều trị
Tôi nghe nói thuốc đại tràng Tâm Bình rất hiệu quả, không biết có dùng được hay không???
Cám ơn vì đã đọc tin

Chào bạn, tôi đã từng bị hội chứng ruột kích thích. Tôi chỉ cần kiêng ăn và đã giảm hẳn. Chỉ bị tái phát nhẹ khi ăn uống không kiêng cữ. Đó là kiêng các chất kích thích, ớt, dầu mỡ, không uống sữa và các chế phẩm từ sữa, tuyệt đối không ăn rau sống. Trái cây chỉ ăn chuối, đu đủ. Chỉ ăn thức ăn chín. Không ăn thức ăn cũ. Nói chung, tôi có cảm giác ăn như em bé thì hết bệnh.

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng đường tiêu hoá, không kèm theo rối loạn về cấu trúc và sinh hóa. Hội chứng này được gọi dưới nhiều tên khác nhau: hội chứng đại tràng kích thích, bệnh đại tràng co thắt, HCRKT… Đây là một rối loạn thường xuyên tái phát, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do vậy, thường làm nản lòng cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc.
Tần suất của HCRKT thay đổi tùy theo từng quốc gia, trung bình là 15-20% dân số. Tuy nhiên, số bệnh nhân thật sự còn lớn hơn nhiều vì chỉ có khoảng 30% trường hợp bệnh nhân đi khám bệnh. Tỷ lệ nam/ nữ là 1/ 2-4. Tuổi thường gặp là 40-60 tuổi.
Hiện tại Hội Chứng ruột kích thích thường bị chẩn đoán lầm hay bị bỏ sót vì triệu chứng không rõ ràng. Và đặc biệt cần phải có thời gian để theo dõi tiến triển các triệu chứng, thậm chí là phải làm các xét nghiệm cận lâm sàng.
Về vấn đề điều trị:
Do bệnh này mang tính chất rối loạn cơ năng nhiều hơn là thực thể nên bệnh nhân cần được chăm sóc về tinh thần & theo dõi chặt chẽ chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi. Cụ thể như sau:
1. Chế độ ăn uống sinh hoạt:
Bệnh nhân có thể nhận biết các loại thức ăn nào thường “không dung nạp”, hay gây tiêu chảy và đau bụng (ví dụ như thức ăn nhiều dầu mỡ, rau sống, sữa tươi…) và tự họ đã hạn chế bớt các loại thức ăn đó. Tuy nhiên, cần hướng dẫn bệnh nhân không nên kiêng cữ quá mức vì có thể dẫn đến chán ăn và suy dinh dưỡng.
Đối với trường hợp táo bón thường xuyên, cần khuyên bệnh nhân uống nhiều nước, ăn thêm chất xơ, rau quả tươi hoặc dùng thêm chất cám (15-20g/ngày). Tránh các thức ăn khô, mắm, nhiều gia vị. Nên hoạt động thể lực, hạn chế ngồi nhiều một chỗ, tránh bớt các căng thẳng về thần kinh…
2. Điều trị triệu chứng đau bụng và trướng bụng:
* Thuốc chống co thắt: thuốc kháng cholinergic (hyoscine, dicyclomine, atropin, scopolamine), thuốc chống co thắt hướng cơ trơn (phloroglucinol, alverine, mebeverine, trimebutine, pinaverine bromide, fenoverine), thuốc ức chế kênh canxi (pinaverium, nifedipine), thuốc chống trầm cảm (amitriptyline). Các thuốc này điều trị trướng bụng và giảm đau nhưng có thể làm nặng thêm tình trạng táo bón.
3. Điều trị triệu chứng tiêu chảy: Chúng ta có thể sử dụng các nhóm thuốc sau đây, khi cần có thể phối hợp để tăng hiệu quả điều trị:
* Thuốc chống tiêu chảy: loperamide, diphenoxylate, cholestyramine… các thuốc này làm giảm chuyển vận của ruột nhưng không làm giảm đau bụng, có khi lại gây táo bón, trướng bụng do phản hồi.
* Thuốc bảo vệ niêm mạc ruột: diosmectite, attapulgite mormoiron, bismuth … có hiệu quả che chở niêm mạc ruột, hấp phụ các độc tố nhưng cũng không làm giảm đau bụng khi dùng đơn độc.
* Các vi khuẩn thay thế : Lactobacillus acidophilus, Saccharomyces boulardii… có tác dụng khôi phục lại sự cân bằng của vi khuẩn chí đường ruột.
Hiện tại trên thị trường có hoạt chất Trimebutin được bác sĩ chỉ định nhiều (các thuốc thường thấy như: Debridat, Mabin,…) với liều lượng dùng hằng ngày 2 viên/lần x 3 lần/ngày, dùng liên tục trong 2 tuần sẽ làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên đây là thuốc kê toa, bạn nên đến thăm khám tại bác sĩ & tuân theo chế độ điều trị chỉ định, hạn chế tối đa việc tự mua thuốc chữa bệnh.
Mong rằng những lời khuyên này sẽ giúp ích được bạn.