
Hỏi về bệnh thiếu máu hay xanh lướt thiếu nữ?

Trong y học, bệnh xanh lướt xem như là một dạng thiếu máu, với những biểu hiện da xanh, uể oải, thở nông, ăn khó tiêu, nhức đầu, không mấy khi thèm ăn hay ăn không ngon miệng và mất kinh.
Bệnh này thực sự đã trải qua một chặng đường dài những tranh cãi và nghi hoặc về nguyên nhân.
Từ năm 1554, thầy thuốc người Đức tên là Johannes Lange đã mô tả một bệnh đặc thù ở các cô gái chưa kết hôn và đã “khuyên lấy chồng để có đời sống tình dục, nếu có thai thì sẽ khỏi bệnh”. Tên bệnh “xanh lướt” do Jean Varande, Giáo sư y khoa trường Đại học Montpellier đặt từ năm 1615 nhưng cả Varande và Lange đều dựa trên những gì Hippocrate đã nói đến.
Ngoài ra, bệnh xanh lướt cũng còn có tên là “Bệnh của các trinh nữ” (virgin’ disease) hay “Bệnh của người đang yêu (lover’s fever). Từ điển về ngôn ngữ đời thường do Francis Brose biên soạn năm 1811 định nghĩa bệnh xanh lướt là “Bệnh của các cô gái phải sống độc thân”.
Năm 1681, thầy thuốc người Anh Thomas Sydenham xếp bệnh thuộc loại bệnh hysteria, không chỉ tác động đến các thiếu nữ (vị thành niên) mà còn tác động cả đến những phụ nữ mảnh mai, yếu đuối giống như bị lao phổi và khuyến cáo dùng sắt để chữa trị vì sắt có tác dụng kích thích máu đã mất chất, giúp cho người suy kiệt hồi phục và linh hoạt hơn.
Thầy thuốc Pháp Armand Trousseau cũng khuyến cáo cần dùng sắt để điều trị mặc dầu vẫn xếp bệnh xanh lượt thuộc nhóm “bệnh thần kinh”. Năm 1887, thầy thuốc Anh Andrew Clark của Bệnh viện London đưa ra nguyên nhân sinh lý để giải thích về bệnh xanh lướt, coi sự khởi phát của bệnh là do những đòi hỏi của cơ thể các thiếu nữ đang độ tuổi phát triển và do bắt đầu thấy kinh.
Năm 1895, nhà bệnh lý học Anh Ralph Stockman dựa trên những thực nghiệm đã chứng minh rằng sắt vô cơ góp phần tổng hợp huyết sắc tố và cho thấy rằng bệnh xanh lướt là do sắt bị thiếu hụt vì mất máu kinh nguyệt và ăn uống không đủ chất. Mặc dầu đã có những khám phá của Stockman và hiệu quả của sắt trong điều trị bệnh xanh lướt nhưng những cuộc tranh luận về nguyên nhân vẫn tiếp tục cho tới những năm 30 thế kỷ trước.
Cuối cùng tới năm 1937, Arthur J. Patek và Clark W. Heath của trường Đại học Y Harvard đã kết luận rằng bệnh xanh lướt đồng nhất với bệnh thiếu máu nhược sắc (còn gọi là thiếu máu do thiếu sắt).
Phòng ngừa và điều trị:
Bổ sung bằng viên sắt uống (sunfat sắt); để hấp thụ tốt sắt thì dạ dày cần rỗng, chưa ăn gì nhưng nhiều nguời không dung nạp được kiểu uống thuốc này và cần dùng chung với thức ăn. Sữa và các thuốc chống acid có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt vì thế không dùng cùng lúc với sắt. Bổ sung sắt khi có thai và khi cho con bú là cần thiết vì chế độ ăn thông thường ít khi cung cấp đủ lượng sắt cần có.
Vitamin C có thể tăng sự hấp thụ sắt và là vitamin thiết yếu để tạo ra huyết sắc tố
Hematocrit (tỉ lệ phần trăm của hồng cầu trên thể tích máu toàn phần) cần trở lại bình thường sau 2 tháng điều trị với sắt nhưng vẫn cần tiếp tục thêm từ 6-12 tháng để dự trữ trong cơ thể (chủ yếu ở tuỷ xương). Cũng có thể cung cấp sắt theo đường tiêm tĩnh mạch với những người không thể dung nạp sắt theo đường uống.
Những loại thức ăn giàu chất sắt bao gồm nho, thịt (gan có nhiều sắt), cá, gia cầm, lòng đỏ trứng, đậu Hà Lan, bánh mì làm bằng bột toàn phần.Tiên lượng tốt nếu được điều trị.
Thiếu máu thiếu sắt có thể tái phát cho nên cần định kỳ theo dõi. Trẻ em bị thiếu máu dễ bị nhiễm khuẩn.
