
Quy định xe chẵn lẻ vào thành phố có phải bị điên?
Không hiểu sao, lần này tôi rất "ủng hộ" sáng kiến "chẵn lẻ" trên với những "lý do rất chính đáng". Chả lẽ cứ chính sách nào ra, mình cũng phản đối.
Lại tắc đường. Nắng hầm hập ở nhiệt độ 38oC, khói bụi mờ cả mắt, người nôn nao như muốn ngất. Mượn tờ báo của người lái xe ôm để xem và chợt thấy tin về giải pháp giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông bằng cách cho phép xe biển lẻ đi vào ngày lẻ, xe biển chẵn đi vào ngày chẵn của thành phố HCM. Câu chuyện giải quyết ùn tắc giao thông có lẽ không có hồi kết ở thành phố hàng chục triệu dân này.
Giấc mơ ngọt ngào ...
Mải đọc, gục vào vai áo đầy mồ hôi nhễ nhại của người lái xe lúc nào không biết, cứ thế tôi làm một giấc.
Nghe nói, đây nguyên là sáng kiến của một vị lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội năm 2002. Dân phản đối ầm ầm, người ta đút quyết định đó vào trong tủ. Vị quan kia về hưu hay chuyển lên cao hơn, không biết.
Sau gần 10 năm, một vị khác ở thành phố HCM lại lôi sáng kiến trên từ trong tủ và định áp dụng cho giao thông ở đô thị từng là hòn ngọc Viễn Đông và nay kẹt xe nhất, nhì trên thế giới.
Dân ta đã quen với khá nhiều quyết đinh, dự thảo tương tự như cấm bán hàng rong, cấm xe ba bánh tự chế, thu phí xe lưu thông từ ngoại thành vào nội thành, hạn chế đăng ký xe máy, người lùn hay lép ngực không được lái xe. Kể ra thì rất nhiều loại quyết định gây phản cảm từ sa- lông máy lạnh.
Thật thú vị, nhiều qui định, dự thảo được tung ra, nếu dư luận lên án, người ta vội vàng rút lại hoặc tìm cách lùi vô thời hạn. Theo một nghĩa nào đó, những quyết định này được đưa ra mang tính "chữa cháy" và rút lại cũng theo cách..."chữa cháy". Vì thế, người dân cũng tin quyết định "chẵn lẻ" này cũng không thể vượt qua sau vài tuần lẻ.
Không hiểu sao, lần này tôi rất "ủng hộ" sáng kiến "chẵn lẻ" trên với những "lý do rất chính đáng". Chả lẽ cứ chính sách nào ra, mình cũng phản đối.
Cần có sự đồng thuận thì đất nước mới tiến lên.
Sau 10 năm phát triển, theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải, hiện nay thành phố HCM có khoảng 447.000 ôtô và 4,5 triệu xe gắn máy các loại, chưa kể các xe đến từ tỉnh thành khác. Như vậy có khoảng 2 triệu người đi làm bằng phương tiện này.
Nếu áp dụng thuật toán "chẵn lẻ" thì hàng ngày có khoảng 1 triệu người nghỉ làm luân phiên ở nhà. Mạng giao thông công cộng, kể cả xe tư nhân, đã được dự đoán và thiết kế tối ưu, vừa đủ cho số khách hiện nay, không thể chở thêm ai trong số 1 triệu người kia. Nghỉ mà vẫn hưởng lương một cách bình thường vì đất nước ta đã hoàn toàn hiện đại hóa, công nghiệp hóa, kể cả số hóa.
Theo ban nghiên cứu "chẵn lẻ" thì một triệu người không đến văn phòng, nhà máy, xí nghiệp nhưng thành phố vẫn đảm bảo hoạt động bình thường. Thành phố HCM đã có internet 2, có home office (văn phòng tại gia), nơi nơi có phủ sóng wifi, 3G hay 4G và sắp tới là 10G.
Theo dự đoán, bệnh nhân không cần đến bệnh viện mà dùng webcam giúp bác sỹ chẩn đoán bệnh qua cầu truyền hình. Nhà máy, xí nghiệp tự động hoàn toàn, công nhân dùng máy tính cá nhân truy nhập từ xa và điều khiển hệ thống dây chuyền.
Các cháu học sinh không nhất thiết phải đến trường 5 ngày/tuần. Chỉ cần làm bài tập online, trả lời online và thi online với thầy cô ảo. Chất lượng giáo dục đạt chuẩn mực quốc tế.
Với hệ thống camera lắp khắp nơi, các vị lãnh đạo có thể bao quát toàn bộ hoạt động của một trong những thành phố đông nhất và năng động nhất châu Á, mà không cần đi xe hơi máy lạnh tới văn phòng để bàn kế hoạch giải thoát nạn ùn tắc.
Hệ thống mua bán hoàn toàn online, dùng thẻ credit card. Tiền mặt bị cấm trên thị trường. Hàng hóa vận chuyển tận nhà, kể cả đồ ăn, quần áo, thức dùng hàng ngày. Các bà nội trợ không cần bước chân ra đường.
Trên đường lưu thông chỉ còn các xe của các công ty dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống. Thành phố với những đường cao tốc mới mở được qui hoạch rất chi tiết từ 20-30 năm trước, metro và hệ thống xe bus văn minh, hiện đại, giá rẻ được Nhà nước bao cấp, nạn kẹt xe làm sao có thể tồn tại. Nhà cao tầng cho văn phòng thuê đâu có cần vì home (nhà) đã thành office (văn phòng).
Gần 10 triệu dân thành phố HCM đã quen với nếp sống đô thị văn minh, tuân thủ luật lệ giao thông một cách tự giác. Không ai chen lấn, xô đẩy, tranh cướp đường.
Tất cả các biển xe đều được gắn chíp (0/1 - chẵn lẻ) nối với trung tâm điều hành phương tiện. Nếu xe số chẵn lưu thông trên đường vào ngày lẻ thì hệ thống giám sát sẽ tự động báo cho người lái xe biết về việc vi phạm.
Cảnh sát giao thông không cần "anh hùng núp" trong bụi cây để toét còi. Thông qua hệ điều khiển từ xa họ có thể stop xe đó lại, gửi vé phạt online qua email và thậm chí "tắt động cơ" nếu chủ phương tiện cố tình vi phạm.
Nạn mãi lộ không thể sống trên đất này vì cảnh sát quản lý ảo trên mạng, tiền mặt bị cấm thì làm sao lót tay. Vả lại, cuộc sống của họ được đảm bảo lương bổng đầy đủ, luật lệ chặt chẽ, ai ăn hối lộ làm gì.
Tỉnh giấc và hiện tại
Bỗng mùi ô nhiễm của xăng, khói phả vào mũi với tiếng xe nổ ầm ầm trên đường lúc này đã nóng tới 42oC làm tôi bừng tỉnh. Hóa ra mình đã bị tắc đường hơn 9 tiếng trên đường liên tỉnh lộ 25B từ ngã ba Cát Lái vào cảng Cát Lái (Q.2). Đợi lâu quá nên thiếp đi, trong mơ tôi ước về một thành phố HCM của thế kỷ 22. Hiện thực mới đau đớn làm sao.
Kết thúc bài này, người viết nhớ chuyện một vị quan đi thăm bà con ở làng quê. Chỉ là chuyện vui nhưng đầy ý nghĩa. Nó cho thấy các vị quan chức hình như quá xa rời thực tiễn.
Gió mùa đông bắc rét căm căm, các bà các chị đang cấy dưới ruộng, 2 hàm răng đánh vào nhau run cầm cập. Vị quan hỏi: "Làm ruộng có vất vả không?". "Dạ thưa, không mệt, nhưng rét lắm, thưa bề trên". Vị quan liền thò cái batoong xuống nước, khỏa khỏa vài cái và nói: "Nước thế này mà các người kêu rét".
Người viết bài "ủng hộ" xe số chẵn lẻ đi vào ngày chẵn lẻ có lẽ không khác ông quan trên. Nhưng suy cho cùng, sự ủng hộ cũng thành thực tế, nếu chúng ta xây được thành phố như mơ của thế kỷ 22. Và lúc đó, thuật toán "chẵn lẻ" cho xe có động cơ cũng chẳng cần đến.

Đúng là ai đưa ra cái văn bản quyết định này đúng là ... dở người. Cái này không những không làm giảm lượng xe lưu thông trên đường mà nó sẽ làm tăng thêm, thêm nữa sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy khác nữa. Nói chung mấy ông rảnh rỗi không có việc gì làm cứ thỉnh thoảng lại lắm trò dở hơi

Xe biển số “chẵn lẻ”: Không nên đẩy cái khó cho dân
Bản lĩnh của cơ quan công quyền là nghĩ ra việc khó, nhận lấy việc khó mà làm, nhường cái dễ, cái tiện cho người dân chứ không nên làm ngược lại. Cũng có lúc cần để cho nạn kẹt xe nhắc nhở chúng ta về những bất cập trong công tác quản lý, phát triển đô thị và thúc đẩy các giải pháp, kể cả về công tác cán bộ.
Biện pháp hạn chế xe ô tô lưu thông ở trung tâm thành phố theo biển số chẵn-lẻ do Sở Giao thông Công chính TP Hồ Chí Minh đề xuất xem ra không nhận được sự đồng tình của người dân. Tác giả Trần Minh Quân trong bài viết "Chống ùn tắc giao thông hay chống bế tắc tư duy" (TuanVietnam.net, ngày 11-4-2011) có lý khi nói rằng "chỉ khi nào họ (tức là những người quản lý đô thị) thoát ra khỏi lối mòn tư duy cũ kỹ mới mong có những giải pháp thích hợp".
Có đủ cơ sở pháp lý không?
Người viết bài này cho rằng Sở GTCC TP Hồ Chí Minh nên tham vấn kỹ với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) để xem việc cấm mỗi chiếc xe ô tô không được lưu thông ở trung tâm thành phố 3 ngày mỗi tuần như vậy liệu có đầy đủ cơ sở pháp lý trong hệ thống pháp luật hiện hành hay không? Trong một xã hội văn minh, mọi sự cấm đoán cần được các quy định luật pháp cho phép một cách rõ ràng để ngăn ngừa các quyết định hành chính mang tính áp đặt.
Những nhà quản lý của chúng ta nên tạo cho mình một thói quen cẩn trọng là những gì mà cả thế giới không làm, hoặc chỉ có một vài nơi làm thôi, thì mình cũng không nên làm. Cách hạn chế ô tô tham gia giao thông theo kiểu biển số chẵn-lẻ chưa từng được áp dụng ở nơi nào trên thế giới. Nếu Sở GTCC TP Hồ Chí Minh nêu ra được một vài ví dụ thì cũng chỉ là những trường hợp hạn hữu, vẫn cần phải nghiên cứu thật kỹ xem cách họ làm thực sự có giống với cách chúng ta đang định làm hay không, để không thành chuyện "thầy bói xem voi".
Nạn kẹt xe ở Bangkok (Thái Lan) kéo dài nhiều năm gây bức xúc cho cả người dân địa phương lẫn du khách nước ngoài, nhưng chỉ được giải quyết tương đối cơ bản sau khi Bangkok đầu tư phát triển mạnh đường đô thị trên cao, tàu điện ngầm và tàu điện trên cao. Nếu như có thể giải quyết kẹt xe một cách đơn giản kiểu biển số chẵn-lẻ của ta thì chắc người Thái họ cũng đã nghĩ ra từ rất lâu rồi.
Hay như ở London, từ nhiều năm nay, mỗi tối thứ 6 hầu hết các đường phố vào trung tâm thành phố đều kẹt cứng xe cộ. Mỗi người phải tự quyết định có đi xe vào đó hay không. Cũng không có nhà quản lý đô thị nào ở London nghĩ ra "sáng kiến" kiểu biển số chẵn-lẻ như ta. Xe ô tô là một phần của cuộc sống văn minh, hiện đại, là mục tiêu hướng đến của người dân. Cần phát triển văn hoá ô tô (kể cả phương tiện ô tô công cộng) thay thế cho văn hoá xe máy đã và đang "đóng góp" phần lớn số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông hằng năm ở Việt Nam. Kể cả các nước phát triển hơn và các nước kém phát triển hơn Việt Nam, không nước nào có văn hoá xe máy như Việt Nam (riêng Honda mỗi năm xuất xưởng ở Việt Nam trên dưới 2 triệu chiếc xe máy!).
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, ô nhiễm không khí ở đô thị do xe cơ giới gây ra chiếm 70% các tác nhân. Số liệu đo đạc tại nút giao thông Ngã Tư Sở (Hà Nội) cho thấy 54% lượng phát khí thải là do xe máy gây ra. So với ô tô, xe máy thải ra nhiều hơn khí các-bon đi-ô-xít gây hiệu ứng nhà kính, làm gia tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu. Vì vậy, việc hạn chế xe ô tô và gián tiếp làm tăng xe máy (vốn đã quá nhiều!) là đi ngược lại các mục tiêu cuộc sống văn minh và bảo vệ môi trường.
Các biện pháp hạn chế sở hữu ô tô cá nhân ở Singapore (đấu giá phiếu mua xe), ở Mỹ (có làn đường cao tốc dành cho những xe có 2 người trở lên) và các nước khác có mục tiêu chung là hạn chế sở hữu ô tô khi nhu cầu đi lại có thể được giải quyết dễ dàng bằng cách khác. Trong khi đó, biện pháp biển số chẵn-lẻ của ta lại có nguy cơ làm tăng sở hữu ô tô một cách lãng phí.
Một người sống ở trung tâm thành phố hoặc làm việc ở đó không thể đi làm việc 3 ngày mỗi tuần bằng ô tô, còn những ngày khác thì đi bằng xe máy. Nếu áp dụng biện pháp này, người đó sẽ phải mua thêm một chiếc ô tô nữa và tìm cách nào đó để có một biển số chẵn, một biển số lẻ (nếu bốc thăm biển số xe thì có khi cả hai số đều chẵn hoặc đều lẻ!). Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu đi lại ở trung tâm thành phố cũng sẽ phải tăng gấp đôi số lượng xe ô tô con của mình để có đủ xe hoạt động trong tất cả các ngày chẵn, lẻ trong tuần.
Quản lý đô thị không phải là đẩy cái khó cho dân
Đã cấm là phải kiểm tra và xử lý vi phạm. Cảnh sát giao thông sẽ phải tăng thêm người để phát hiện các xe biển số chẵn đi vào ngày lẻ, xe biển số lẻ đi vào ngày chẵn. Vào giờ cao điểm, việc phạt vi phạm biển số xe sẽ tăng thêm ách tắc, rối loạn giao thông, gây ức chế cho người dân.
Nạn kẹt xe có những nguyên nhân của nó. Người viết bài này vào TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 1980. Sau hơn 30 năm, không nhìn thấy nhiều đường phố mới, cây cầu mới. Trong khi đó, dân số và lượng xe ô tô, xe máy ở thành phố đã tăng gấp nhiều lần, việc kẹt xe là không thể tránh khỏi. Một dự án đường chỉ dài gần 14 km như sân bay Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài được phê duyệt từ năm 1997, đến nay đã gần 15 năm rồi mà vẫn đang còn tranh luận đúng, sai, triển khai thế nào, cũng đủ để thấy tốc độ và hiệu quả giải quyết các vấn đề hạ tầng đô thị có những vấn đề rất nghiêm trọng. Có lẽ, cụ rùa phải gọi chúng ta bằng "cụ" mới phải.
Không thể ngồi khoanh tay nhìn nạn kẹt đường mà không làm gì, nhưng biện pháp biển số chẵn-lẻ mà Sở GTCC TP Hồ Chí Minh đề xuất không thể xem là giải pháp tin cậy để theo đuổi. Cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch thành phố để diện tích mặt đường giao thông các loại so với tổng diện tích, tổng dân số đạt tiêu chuẩn thành phố hiện đại.
Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông đô thị hiện đại như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, hệ thống đường cao tốc trên cao, mở rộng và hiện đại hóa hệ thống xe buýt. Nâng cấp đáng kể hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức tuân thủ của người dân khi tham gia giao thông... Cuối cùng, nếu vẫn cần phải hạn chế số lượng phương tiện tham gia giao thông, giữa xe máy và ô tô thì cái cần hạn chế là xe máy (phương tiện lạc hậu, độ an toàn thấp) chứ không phải là ô tô (phương tiện hiện đại, an toàn hơn).
Có rất nhiều việc phải làm để giảm nạn kẹt đường ở TP Hồ Chí Minh, nhưng biện pháp gì thì cũng đều phải nhằm mục tiêu xây dựng, phát triển một thành phố văn minh, hiện đại, không thể chấp nhận bất kỳ "sáng kiến" nào kéo lùi sự phát triển của thành phố lớn nhất Việt Nam này.
Bản lĩnh của cơ quan công quyền là nghĩ ra việc khó, nhận lấy việc khó mà làm, nhường cái dễ, cái tiện cho người dân chứ không nên làm ngược lại. Cũng có lúc cần để cho nạn kẹt xe nhắc nhở chúng ta về những bất cập trong công tác quản lý, phát triển đô thị và thúc đẩy các giải pháp, kể cả về công tác cán bộ. Trong khi tỷ lệ sở hữu ô tô ở TP Hồ Chí Minh còn đang rất thấp, bắt người dân "cất" bớt ô tô đi để bớt kẹt xe không phải là câu trả lời nghiêm túc.

Mấy ngày nay tôi đọc và nhận khá nhiều thông tin về việc sẽ cấm xe ô tô vào thành phố theo biển chẵn lẻ, và nó dường như trở thành chủ đề được quan tâm nhất của cánh tài xế chúng tôi mỗi khi tụ tập.
Chỉ cần nghĩ về việc những phiền hà có thể xảy ra khi quy định này được áp dụng, tôi đã thấy ớn hết cả người. Không biết vị lãnh đạo đề xuất quy định này đã suy nghĩ thấu đáo chưa, hay chỉ là để giải quyết mục đích “hoàn thành nhiệm vụ” mà không thể nghĩ ra cách hay hơn?
Tôi không hiểu sẽ thế nào nếu như ngày hôm nay công ty cử nhân viên đi công tác mà vào ngày xe không được lưu thông, thì chẳng nhẽ phải thuê xe, mà thuê xe thì khi về vào ngày cấm thì đỗ xe ở ngoài thành phố rồi lại thuê xe khác vào? Xe buýt thì quá nhiều hạn chế như không được nhiều đồ, chuyến nhanh chuyến chậm, giờ cao điểm hay quá tải...
Hay như công ty “con” ở tỉnh về công ty “mẹ” để làm việc hôm sau, về vào ngày cấm cũng phải để xe lại thuê xe về hay ở lại thêm chờ ngày xe được lưu thông mới đi? Hay như những công ty chỉ có một xe, nhân viên lái xe sẽ chỉ làm việc vào ngày xe được lưu thông và nghỉ vào ngày xe bị cấm sao? ... Có quá nhiều vấn đề mà tôi không thể nói hết để chứng tỏ rằng: Không thể cấm!.
Ở Việt Nam tình trạng vi phạm luật giao thông quá phổ biến, ai cũng có thể thấy: xe máy đi không theo làn, khi xảy ra tắc đường ô tô thường kéo thành những hàng dài, hoặc dàn hàng 3, hàng 4... Còn xe máy thì như giọt nước, bất cứ chỗ nào chảy được là len vào, không cần quan tâm đến làn đường cho phép.
Tuy luật giao thông rất chặt và rõ ràng, nhưng ở ta người dân hình như có thể vi phạm luật giao thông ở bất cứ đâu. Nhưng hễ có lực lượng chức năng tuần tra giám sát, thì hầu hết người điều khiển phương tiện giao thông lại đi rất đúng luật. Điều đó thể hiện họ biết luật nhưng không tự giác. Vậy làm sao để họ tự giác? Chẳng nhẽ chỉ vì không yêu cầu được người dân đi theo luật để tránh ùn tắc, thì ta lại... cấm để giảm lượng phương tiện lưu thông?
Tôi cũng được biết có dẫn chứng việc nước ngoài đã áp dụng luật này rồi, nhưng tôi xin đặt câu hỏi: Nước họ có bao nhiêu xe, phương tiện công cộng ở nước họ thế nào? Quả thực nếu ở Việt Nam phương tiện giao thông công cộng hoàn thiện như những nước đó thì tôi cũng sẵn sàng sử dụng phương tiện công cộng và không phàn nàn gì. Nhưng mong các vị lãnh đạo hãy thử dùng phương tiện công cộng đi làm một thời gian, chắc chắn sẽ thấy những phiền hà mà trong phạm vi bài viết nhỏ này không thể kể hết.
Thực tế ô tô chỉ là một phần nguyên nhân của việc ùn tắc ở khu đô thị, nhưng không phải là tất cả. Việc các công trình giao thông, đào đường, chất lượng đường kém… kèm thêm xe máy đi không theo luật cũng là nguyên nhân lớn gây nên việc ùn tắc.
Tôi rất mong muốn những vị lãnh đạo có thẩm quyền quyết định suy xét thật kỹ, trước khi đưa ra những quy định làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người dân.

Phương thức hạn chế xe ô tô theo ngày chẵn và lẻ trước kia đã từng được thảo luận nhưng đã bị bác bỏ không biết tại sao bây giờ lại được khơi lại?
Một số người tôi biết phải sử dụng xe con để đi làm hằng ngày, và việc hạn chế này sẽ gây cản trở cho công việc của họ. Liệu những cán bộ đề xuất ý kiến này đã tính đến trường hợp một phần những người dân đi xe ô tô sẽ đối phó bằng cách sắm thêm một chiếc ô tô nữa có biển số ngược (chẵn lẻ) với biển số hiện tại của mình để có thể đi lại vào bất kỳ ngày nào trong tuần? Đây là một trường hợp rất có khả năng xảy ra. Và nếu nó xảy ra thì liệu mục đích ban đầu của đề xuất là làm giảm số lượng xe hơi trong thành phố đã hoàn toàn bị thất bại?
Một trong những lý do để biện minh cho đề xuất do ông Trần Quang Phượng, giám đốc Sở GTVT nêu ra là diện tích dành cho xe ô tô đậu quá thấp. Nhưng bất cứ người nào từng học toán cộng và trừ ở bậc tiểu học đều có thể thấy rằng: cho dù có cấm lượng xe lưu thông theo ngày chẵn và lẻ thì diện tích đậu xe và tổng số lượng xe hiện có trong thành phố (cả lưu thông và không lưu thông) là không đổi. Thậm chí tổng số lượng xe ô tô có thể tăng lên nếu người dân sử dụng phương thức đối phó như đã nêu ở trên. Việc này sẽ làm cho tình trạng thiếu hụt diện tích ngày càng trầm trọng hơn. Và theo tôi biết thì cũng chẳng có nước nào lại có luật hạn chế xe hơi lưu thông vào ngày chẳn, lẻ cả.

Đây là giải pháp chỉ mang tính chất hành chính, nếu quy định như vậy không những không giảm số lượng xe mà còn có nguy cơ tăng cao và nhiều hệ lụy về đăng ký biển số xe, bởi lúc này những gia đình có điều kiện mua thêm xe, họ sẽ phải đăng ký biển số theo mong muốn.
Còn những trường hợp không có xe biển số chẵn, ngày chẵn họ đi bằng xe công cộng thì đôi khi gây khó, bất tiện cho công việc. Đối với đơn vị kinh doanh vận tải thì việc thực hiện quy định này khó khăn hơn nhiều, gây ảnh hưởng đến thu nhập chung của doanh nghiệpvà người lao động... nói chung dân ta chưa chuẩn bị tâm lý thực hiện quy định này.