
Việc lựa chọn cổ đông chiến lược cho công ty cổ phần
Trong quá trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (“CTCP”), việc lựa chọn cổ đông chiến lược cho CTCP được thực hiện như thế nào?

Trong quy định của pháp luật hiện hành chưa đưa ra định nghĩa cổ đông chiến lược, thay vào đó là khái niệm nhà đầu tư chiến lược (“NĐTCL”). Khái niệm này được áp dụng cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được cổ phần hóa mà không áp dụng cho các CTCP được thành lập mới theo Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 109/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26 tháng 06 năm 2007 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành CTCP (Nghị định 109) và Thông tư 146/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về tài chính khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành CTCP theo quy định tại Nghị định 109 quy định như sau:
“NĐTCL là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ mới, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp.”
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định 109 thì căn cứ vào quy mô Vốn Điều lệ, tính chất ngành nghề kinh doanh và yêu cầu mở rộng phát triển doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp trình người quyết định cổ phần hóa việc bán cổ phần lần đầu cho NĐTCL và tiêu chí lựa chọn NĐTCL. Như vậy, tuỳ từng trường hợp cụ thể và đặc thù của doanh nghiệp, việc bán cổ phần lần đầu cho NĐTCL tiêu chí lựa chọn NĐTCL do người quyết định cổ phần hoá quyết định dựa trên đề xuất của Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, điểm c và đ khoản 3 Điều 6 Nghị định 109 cũng quy định một số hạn chế đối với NĐTCL, theo đó, NĐTCL được mua cổ phần theo giá không thấp hơn giá đấu thành công bình quân. Riêng đối với các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (bao gồm cả các Ngân hàng Thương mại nhà nước) nếu nhất thiết phải chọn NĐTCL thì cơ quan quyết định cổ phần hoá báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức đấu thầu riêng giữa các NĐTCL. Đặc biệt, NĐTCL không được chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn tối thiểu 03 năm, kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Một điểm cần lưu ý là theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 của Nghị định 109, trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa đồng thời niêm yết ngay trên SGD/TTGD thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Phương án cổ phần hóa quy định khối lượng cổ phần đặt mua tối đa, tối thiểu đối với phần bán ra công chúng trong phương án phát hành cổ phần lần đầu để doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa có đủ điều kiện niêm yết. Quy định mức đặt mua tối đa, tối thiểu trong phương án phát hành cổ phần lần đầu không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong trường hợp này, NĐTCL không bị hạn chế trong việc đặt mua tối đa, tối thiểu trong phương án phát hành cổ phần lần đầu.
Hãy liên hệ: http://www.newvisionlaw.com.vn/ chúng tôi sẽ giúp bạn